Đức Thánh cha chủ sự lễ tôn phong mười bốn chân phước lên bậc hiển thánh

Lúc 10 giờ, sáng Chúa nhật, ngày 20 tháng Mười năm 2024, tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ để ghi vào sổ bộ các thánh của Giáo hội mười bốn chân phước.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đồng tế với Đức Thánh cha, có hơn hai mươi hồng y, hàng trăm giám mục các nước và khoảng 300 linh mục, trước sự hiện diện của khoảng 40.000 tín hữu, trong đó có Tổng thống Ý, ông Sergio Mattarella, phái đoàn Phó Tổng thống Uganda bên Phi châu.

Nghi thức phong thánh diễn ra vào đầu thánh lễ. Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh đã chính thức xin Đức Thánh cha ghi tên vào sổ bổ các thánh mười bốn vị chân phước, và ngài tóm lược tiểu sử của các vị:

Mười một thánh tử đạo

Đứng đầu danh sách là mười một vị tử đạo năm 1860 ở Damasco, thủ đô Syria, gồm tám tu sĩ Dòng Phanxicô, trong đó có sáu linh mục và hai tu huynh, cùng với ba anh em giáo dân thuộc Giáo hội Công giáo Maronit: đó là cha Emanuele Ruiz López, người Tây Ban Nha. Tiếp đến là sáu vị Tây Ban Nha và một vị người Áo, là cha Engelbert Kolland. Họ sống tại khu phố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn.

Ba anh em giáo dân là ông Phanxicô Massabki, anh cả, cha của tám người con. Tiếp đến là Mooti, cha của 5 người con. Ông vẫn đến cầu nguyện và dự lễ hằng ngày ở nhà thờ thánh Phaolô ở Damasco và dạy giáo lý tại đó. Người trẻ nhất là Raphael.

Mười một vị đã chết vì đức tin trong thời bách hại các Kitô hữu do những người Hồi giáo và người Druse ở Liban đến Syria năm 1860, làm cho hàng ngàn người thiệt mạng.

Trong đêm mùng 09 rạng ngày 10 tháng Bảy năm 1970, tám tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân Công giáo Maronite chạy vào một tu viện với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương.

Ba anh em Massabki cũng có mặt trong nhà thờ đêm hôm đó. Những kẻ tấn công nói với ông anh cả Phanxicô rằng ông sẽ thoát chết cùng với hai người em, nếu từ bỏ đức tin Kitô để theo Hồi giáo. Nhưng ông Phanxicô trả lời: “Chúng tôi là Kitô hữu và trong niềm tin nơi Chúa Kitô, chúng tôi sẵn sàng chết. Là tín hữu Kitô, chúng tôi không sợ những người giết thân xác chúng tôi, như Chúa Giêsu đã dạy”. Rồi ông nhìn hai em và khuyến khích họ hãy can đảm và kiên vững trong đức tin, vì triều thiên chiến thắng đã được chuẩn bị trên trời cho những người kiên trì đến cùng”. Rồi cả ba tuyên xưng đức tin với những lời này: “Chúng tôi là tín hữu Kitô và chúng tôi muốn sống và chết như Kitô hữu”.

Tám tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân đã bị sát hại tàn bạo: người thì bị chém đầu bằng gươm và rìu, người khác thì bị đâm hoặc bị đập chết.

Ba vị thánh hiển tu

Đứng đầu danh sách ba vị hiển tu là cha Giuseppe Allamano, người Ý, sáng lập Dòng Thừa sai Đức Mẹ an ủi, qua đời năm 1926, thọ 75 tuổi.

Cha Giuseppe Allamano

Cha là mẫu gương nổi bật cho các tín hữu, đặc biệt nhân Ngày Thế giới Truyền giáo và chính cha đã góp phần thành lập ngày này trong Giáo hội. Cha sinh tại làng Castelnuovo d’Asti năm 1851, bắc Ý, cùng quê hương với thánh Gioan Bosco. Cha gia nhập Chủng viện năm 15 tuổi và thụ phong linh mục năm 22 tuổi. Cha vẫn nuôi ước mộng được đi truyền giáo ở những nước xa xăm, nhưng sức khỏe yếu ớt không cho phép cha thực hiện. Cha Allamano được Đức cha Lorenzo Gastaldi, Tổng giám mục Giáo phận Torino, bổ nhiệm làm phụ tá Giám đốc Đại chủng viện và sau đó làm linh hướng tại đây. Ngài làm việc rất chăm chỉ và cố gắng học thêm cho đến khi lấy Tiến sĩ Thần học tại Thần học viện Torino.

Đức Tổng giám mục bản quyền đề nghị cha Allamano đảm trách Đền thánh Đức Mẹ An Ủi ở thành phố Torino.

Là người nhiệt thành cầu nguyện, thông minh, hăng say hoạt động, cha Giuseppe Allamano đã tìm cách đáp ứng những khát vọng sâu xa của con người thời đại của ngài. Cha đề ra nhiều sáng kiến giúp các tín hữu đào sâu lòng kính mến và hiểu biết về Đức Mẹ. Đền thánh Đức Mẹ An Ủi được cha trùng tu và trở thành trung tâm hành hương và đào luyện tinh thần cho các tín hữu. Ngôi nhà trọ gần đền thánh cũng được cha Allamano biến thành Học viện cho các chủng sinh và cha đảm nhận môn Thần học luân lý tại đây.

Khát vọng sâu xa của cha Allamano là mang Tin mừng đến cho những người chưa biết Chúa. Lời Chúa dạy “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin mừng cho mọi người” vẫn luôn thôi thúc cha tìm cách đáp lại. Vì vậy, cha nghĩ đến việc thành lập một hội dòng thừa sai đi truyền giáo ở nước ngoài.

Ngày 29 tháng Giêng năm 1901, Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi được chính thức thành lập. Bốn thừa sai đầu tiên, gồm hai linh mục và hai giáo dân được gửi tới làm việc truyền giáo tại Kenya, ngày 08 tháng Năm năm 1902. Tám năm sau đó, 1910, theo lời yêu cầu của thánh Piô X Giáo hoàng, cha Allamano thành lập thêm Dòng các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ An ủi. Giáo huấn của cha Allamano xoay quanh nguyên tắc đơn sơ này: “Là người đầu tiên thực hiện… làm điều thiện một cách hoàn hảo… Nên thánh trước rồi trở thành nhà truyền giáo sau. Sự thánh thiện dựa trên lòng kính mến sâu xa đối với Bí tích Thánh Thể, và lòng kính mến vững chắc đối với Mẹ Thiên Chúa”.

Ngành nam của dòng hiện có hơn 910 tu sĩ hoạt động truyền giáo tại 241 nhà trên thế giới. Và ngành nữ có 530 nữ tu hoạt động tại 73 nhà trên thế giới.

Sau cùng là hai nữ tu sáng lập dòng: Mẹ Elena Guerra, người Ý, sáng lập Dòng các Hiến sĩ Chúa Thánh Linh, và Mẹ Marie-Léonie Paradis người Canada, sáng lập Dòng Tiểu Muội Thánh Gia hồi năm 1880.

Nghi thức phong thánh

Sau khi tiểu sử mười bốn vị được xướng lên, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hát kinh cầu các thánh, xin ơn phù trợ của các thánh. Rồi ngài long trọng đọc công thức, lấy quyền tông đồ ghi tên mười bốn vị chân phước vào sổ bộ các thánh và truyền từ nay các vị thánh mới được tôn kính theo nghi thức của Giáo hội.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha đi từ giai thoại hai tông đồ Giacôbê và Gioan muốn được ngồi bên tả và bên hữu của Chúa trong nước trời (Mc 10,36), nhưng Ngài hỏi lại: “Các con có thể uống chén mà Thầy sẽ uống không?” (Mc 10.38). Và, Đức Thánh cha cũng nhắn nhủ mỗi tín hữu hãy để Chúa gọi hỏi như vậy: “Con có thể uống cùng chén của Thầy hay không? Các môn đệ muốn ở gần Chúa nhưng chỉ để chiếm một chỗ vinh dự, để nắm vai trò quan trọng, “để ngồi bên hữu bên tả Chúa trong vinh quang của Ngài” (Mc 10,37). Họ nhìn thấy Chúa Giêsu là Đức Mêssia, nhưng họ tưởng tượng theo tiêu chuẩn quyền lực”.

Trong cuộc đối thoại với các môn đệ, Chúa Giêsu tìm cách đi vào chiều sâu câu hỏi của họ, vạch trần ước muốn của họ. Họ mong muốn một Đức Mêssia quyền lực, hùng mạnh, chiến thắng, ban cho họ một chỗ danh dự. Qua câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Ngài không phải là Đức Mêssia mà họ nghĩ; Ngài là Thiên Chúa tình thương, hạ mình xuống những người ở dưới và nâng người yếu đuối trỗi dậy. Ngài thực hiện hòa bình không phải bằng chiến tranh. Ngài đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ. Chén mà Chúa sẽ uống là hiến dâng mạng sống của Ngài, trao tặng cho chúng ta vì tình thương đến chết và chết trên thập giá.

Và Đức Thánh cha nhắn nhủ các tín hữu rằng: “Chúng ta phải ao ước điều này: không phải quyền lực nhưng là phục vụ. Phục vụ là lối sống của Kitô hữu. Không nhìn một danh sách những điều cần làm, như thể một khi làm xong, chúng ta có thể coi là hoàn tất nhiệm vụ của mình. Ai phục vụ trong tình thương thì không nói: “Giờ đây đến phiên người khác”. Thái độ như vậy là một tư tưởng của các nhân viên, chứ không phải là chứng nhân. Phục vụ nảy sinh từ tình thương và tình thương không có biên giới, không tính toán, xả thân và hiến mình…

Sau cùng, Đức Thánh cha nhắc đến các vị hiển thánh vừa được tôn phong, như những môn đệ của Tin mừng. Ngài nói: “Dọc theo lịch sử chao đảo của nhân loại, họ là những tôi tớ trung thành, những người nam nữ đã phục vụ trong việc tử đạo và trong vui mừng, như cha Ruiz Lopez và các bạn. Họ là những linh mục và những người thánh hiến nhiệt thành, hăng say truyền giáo, như cha Giuseppe Allamano, nữ tu Paradis Marie Léonie và nữ tu Elena Guerra. Các vị thánh mới đã sống theo con đường của Chúa Giêsu, là phục vụ. Niềm tin và việc tông đồ các vị đã thi hành không nuôi dưỡng nơi họ những ước muốn trần tục và say mê quyền lực. Trái lại, họ đã trở nên những người phục vụ anh chị em mình, có tinh thần sáng tạo trong khi làm điều thiện, kiên vững trong những khó khăn, và quảng đại đến cùng.”

“Chúng ta hãy tín thác khẩn cầu sự phù trợ của các vị để chúng ta cũng có thể theo Chúa Kitô, theo Chúa trong việc phục vụ và trở thành những chứng nhân hy vọng cho thế giới.”

Kinh Truyền tin

Cuối thánh lễ, lúc quá 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đã chào thăm phái đoàn các tín hữu, các dòng tu cũng như các phái đoàn chính thức đến từ các quốc gia của các vị thánh mới. Ngài cũng bày tỏ liên đới với các dân nước đang bị chiến tranh, Ucraina, Israel, Palestine, Liban, rồi đọc kinh Truyền tin và phép lành. Sau đó, Đức Thánh cha còn đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu đến dự lễ.