Chúa nhật, ngày 24/5/2020, Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, Đức Thánh cha Phanxicô không cử hành thánh lễ trực tuyến, vì tại Italia các thánh lễ có giáo dân tham dự đã được mở lại, từ ngày thứ Hai 18/5 vừa qua, tuy rằng đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới. Trong một tuần qua, đã có thêm 685.000 người trên thế giới bị lây nhiễm coronavirus, nâng tổng số lên hơn 5 triệu 405.000 người, và số tử vong lên tới gần 344.000 người, tức là tăng thêm 30.000 người so với tuần trước.
Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại thư viện dinh Tông Tòa, trước sự hiện diện của ba linh mục bí thư và nhân viên thu hình.
Và trong bài huấn dụ ngắn, ngài diễn giải ý nghĩa Lễ Thăng Thiên và nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, tại Italia và các nước khác là Lễ Chúa Lên Trời. Đoạn Tin mừng (Xc. Mt 28,15-20) trình bày các tông đồ họp nhau ở Galilea, “trên núi Chúa Giêsu đã chỉ trước cho họ” (v.16). Tại đây, diễn ra cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ. “Núi” có một ý nghĩa biểu tượng và gợi ý mạnh mẽ. Trên một núi, Chúa Giêsu đã công bố các Mối Phúc (Xc. Mt 5,1-12); trên các núi là nơi Chúa lui vào để cầu nguyện (Xc. Mt 14,23); tại đó Ngài tiếp đón dân chúng và chữa lành các bệnh nhân (Xc. Mt 15,29). Nhưng lần này, trên núi, Ngài không còn là Vị Thầy hành động và giảng dạy nữa, nhưng là Vị yêu cầu các môn đệ hãy hành động và loan báo, giao cho họ sứ mạng tiếp tục công trình của Ngài.
Sứ mạng Chúa ủy thác cho các môn đệ
Tại đó, Chúa giao cho họ sứ vụ nơi mọi dân nước. Chúa nói: “Vậy các con hãy đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ của Thầy, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (vv. 19-20). Nội dung của sứ vụ được ủy thác cho các tông đồ là: loan báo, làm phép rửa, dạy tiến bước trên con đường Thầy đã vạch ra, tức là Tin mừng. Sứ điệp cứu độ này, trước tiên bao hàm nghĩa vụ làm chứng, mà cả chúng ta, những môn đệ ngày nay, cũng được kêu gọi nêu lý do tại sao chúng ta tin. Đứng trước nghĩa vụ đòi nhiều dấn thân cố gắng như thế, và nghĩ đến những yếu đuối của mình, chúng ta cảm thấy không có khả năng thích hợp, giống như chính các tông đồ cũng cảm thấy. Nhưng ta không nên nản chí, nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói với họ trước khi lên Trời: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (v.20).
Lời hứa của Chúa Giêsu
Lời hứa này bảo đảm sự hiện diện liên tục và an ủi của Chúa Giêsu giữa chúng ta. Nhưng sự hiện diện ấy được thể hiện như thế nào? Nhờ Thánh Linh của Chúa, Đấng hướng dẫn Giáo hội tiến bước trong lịch sử, như một Vị đồng hành với mỗi người. Thánh Linh ấy, được Chúa Kitô và Chúa Cha sai đến, đang thực hiện sự tha thứ tội lỗi và thánh hóa tất cả những người thống hối, tín thác cởi mở đối với hồng ân của Chúa. Qua lời hứa ở lại với chúng ta cho đến tận thế, Chúa Giêsu khai mào cách hiện diện của Ngài trong thế giới như một Đấng Phục Sinh: một sự hiện diện được tỏ lộ trong Lời Chúa, các bí tích, và hoạt động liên lỷ và nội tâm của Chúa Thánh Linh. Lễ Chúa Lên Trời nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu, tuy đã lên trời để ở trong vinh quang bên hữu Chúa Cha, Ngài vẫn còn và luôn luôn ở giữa chúng ta: từ đó nảy sinh sức mạnh, sự kiên trì và niềm vui của chúng ta.
Nhìn thực tại dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh
Kinh nghiệm của các tông đồ cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Chúa Kitô không còn hiện diện thể lý trước mắt trần của chúng ta và Ngài mở cho chúng ta một cái nhìn khác, cái nhìn đức tin, đi xa hơn những gì là bề ngoài và chóng qua. Chúa yêu cầu chúng ta hãy học cách nhìn thực tại quanh ta dưới ánh sáng sự hiện diện của Ngài, như Đấng Phục Sinh. Và như thế mỗi người chúng ta gặp sẽ được nhìn, đón nhận và yêu mến một cách khác, vì Chúa Kitô đã nâng cao phẩm giá của họ và trở thành mẫu gương cần noi theo.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Ước gì Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với chúng ta qua sự bảo vệ hiền mẫu của Mẹ: từ Mẹ, chúng ta học được sự dịu dàng và can đảm để trở thành những chứng nhân của Chúa Phục sinh trong thế giới”.
Nhắn nhủ và mời gọi
Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta hiệp ý với các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc, với lòng sùng mộ đặc biệt, hôm nay họ mừng lễ Đức Mẹ Phù Hộ các tín hữu và Bổn mạng của Trung Quốc, được tôn kính tại Đền thánh Xà Sơn, gần Thượng Hải. Chúng ta hãy phó thác các vị mục tử và tín hữu của Giáo hội tại đại quốc ấy cho sự hướng dẫn và bảo vệ của Mẹ Thiên Quốc của chúng ta, để họ được mạnh mẽ trong đức tin và kiên vững trong hình hiệp nhất huynh đệ, là những chứng nhân vui tươi và là những người thăng tiến tình bác ái và hy vọng.
Anh chị em rất thân mến tại Trung Quốc, tôi muốn đoan chắc với anh chị em rằng Giáo hội hoàn vũ mà anh chị em là thành phần, đang chia sẻ những hy vọng của anh chị em và hỗ trợ anh chị em trong những thử thách. Giáo hội đồng hành với anh chị em trong việc cầu xin Chúa Thánh Linh tái đổ tràn hồng ân của Ngài, để chiếu tỏa rạng ngời nơi anh chị em ánh sáng và vẻ đẹp của Tin mừng, quyền năng của Thiên Chúa để cứu vớt tất cả những ai tin. Một lần nữa, tôi bày tỏ với tất cả anh chị em lòng quí mến sâu xa và chân thành của tôi, và tôi ban phép lành Tòa Thánh đặc biệt cho anh chị em.
Sau cùng, Đức Thánh cha nói: Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Phù Hộ tất cả các môn đệ của Chúa, và tất cả những người thiện chí, trong thời kỳ khó khăn hiện nay ở các nơi trên thế giới đang hăng say làm việc và dấn thân cho hòa bình, cho cuộc đối thoại giữa các dân nước, cho việc phục vụ người nghèo, bảo tồn thiên nhiên và cho sự chiến thắng của nhân loại trên mọi bệnh tật thể lý, tâm trí và linh hồn.
Nhân lễ Đức Mẹ Phù Hội các tín hữu, Đức Thánh cha gửi lời chúc mừng tất cả các tu sĩ dòng Salesien Don Bosco và ngành nữ, là dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ. Ngài cám ơn các tu sĩ của dòng vì nền giáo dục mà ngài đã lãnh nhận hồi còn nhỏ.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: hôm nay là Ngày Thế giới truyền thông xã hội. Năm nay có chủ đề là việc tường thuật. Ước gì ngày này khích lệ chúng ta kể lại và chia sẻ những câu chuyện xây dựng, giúp chúng ta hiểu rằng tất cả chúng ta là thành phần của một lịch sử lớn hơn cả chúng ta và chúng ta có thể hy vọng hướng nhìn về tương lai nếu chúng ta thực sự săn sóc nhau như anh chị em.
Đức Thánh cha cho biết: “Lẽ ra hôm nay tôi phải đến Acerra để nâng đỡ đức tin của dân chúng và sự dấn thân của những người đang hoạt động để chống lại thảm trạng ô nhiễm, tại vùng gọi là Đất Lửa. Cuộc viếng thăm của tôi bị hoãn lại, nhưng tôi gửi đến đức giám mục, các linh mục, các gia đình và toàn thể cộng đoàn giáo phận lời chào thăm và phép lành, cũng như sự khích lệ của tôi, trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ giữa chúng ta vừa khi có thể.”
Acerra, gần thành phố Napoli, cách Roma 190 cây số, là nơi chôn vùi và thiêu hủy bất hợp pháp các rác rưởi bị nhiễm độc và từ 30 năm nay, vùng này đã có những hiện tượng súc vật sinh ra bị dị hình; ví dụ chiên sinh ra chỉ có một con mắt, tỷ lệ trẻ em và người lớn chết vì bị ung thư cao hơn các nơi khác. Các tổ chức bất lương Camorra kiểm soát địa phương, bị tố là thủ phạm những vụ gây ô nhiễm như thế. Hồi năm 2016, một phúc trình của Viện Italia về sức khỏe gửi Quốc hội, xác nhận dân chúng ở Acerra chết vì các chứng bệnh do ô nhiễm cao hơn các nơi khác.
Đức Thánh cha không quên nhắc đến kỷ niệm 5 năm công bố Thông điệp Laudato sì của ngài về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại.
Và sau cùng, Đức Thánh cha cầu chúc tất cả mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và ngài không quên xin các tín hữu đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Giã từ các tín hữu sau buổi đọc kinh trực tuyến, năm phút sau đó, Đức Thánh cha tiến ra cửa sổ phòng làm việc trong căn hộ Giáo hoàng, nhìn xuống quảng trường thánh Phêrô và làm dấu thánh giá ban phép lành cho các tín hữu hiện diện. Quảng trường nay đã được mở ra, và có khoảng 200 người đứng tại đó dưới trời nắng và trong bóng rợp cạnh các hàng cột. Họ theo dõi buổi đọc kinh qua hai màn hình lớn tại Quảng trường.