Sáng thứ Tư, 22/4/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã thực hiện buổi tiếp kiến trực tuyến thứ bảy, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa, không có tín hữu tham dự. Hình thức này có lẽ còn kéo dài vì chính phủ Italia, tuy có chuẩn bị tiến sang giai đoạn hai thời đại dịch Covid-19, từ thứ hai 4/5 tới đây, nhưng theo dự kiến con số xí nghiệp và các hoạt động được mở lại vẫn còn bị hạn chế.
Thực vậy, trong một tuần qua, đại dịch tiếp tục lan rộng trên thế giới: tính đến chiều ngày 21/4/2020, số người bị nhiễm coronavirus trên hoàn cầu lên tới gần 2 triệu 560.000 người, và số người chết lên tới gần 178.000.
Cũng như những lần trước đây, hiện diện trong buổi tiếp kiến tại thư viện dinh Giáo hoàng, ngoài Đức Thánh cha và hai giám chức thuộc Phủ Giáo hoàng, có tám linh mục thông dịch bài huấn giáo và những lời chào của Đức Thánh cha ra các sinh ngữ chính. Các vị giữ một khoảng cách an toàn đối với nhau để tránh lây nhiễm. Các cơ quan truyền thông Vatican- Vatican News và Vatican Media, cũng như đài truyền hình TV 2000 của Hội đồng Giám mục Italia trực tiếp truyền đi buổi tiếp kiến.
Đầu buổi tiếp kiến, có phần tôn vinh Lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ sách Sáng Thế (St 2,8-9.15), kể lại việc Thiên Chúa dựng nên con người và đặt họ nơi vườn địa đàng. Ngài làm cho mọi thứ cây mọc lên từ lòng đất để nuôi sống con người…
Trong bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha đã tạm gác lại loạt bài giáo lý về Tám Mối Phúc thật và ngài diễn giải về nghĩa vụ bảo vệ “căn nhà chung” của nhân loại từ lâu bị thương tổn, như đã trình bày trong thông điệp Laudato sì ngài ban hành cách đây 5 năm, ngày 24/5/2015.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta cử hành Ngày Thế giới lần thứ 50 về Trái đất. Đây là cơ hội thích hợp để chúng ta canh tân quyết tâm yêu mến căn nhà chung của chúng ta và săn sóc căn nhà này cũng như các thành phần yếu thế nhất trong gia đình chúng ta.
Như thảm trạng đại dịch coronavirus đang cho chúng ta thấy, chỉ khi nào cùng nhau đảm nhận những người mong manh yếu thế nhất, chúng ta mới có thể thắng được những thách đố hoàn cầu. Thông điệp Laudato sì có tiêu đề là “về việc săn sóc căn nhà chung”. Hôm nay, chúng ta cùng nhau suy tư về trách nhiệm này, là đặc điểm cuộc “lữ hành của chúng ta trên trái đất này” (Laudato sì, 160).
Con người, hình ảnh của Thiên Chúa
“Chúng ta được hình thành bằng chất liệu của trái đất này, và những hoa mầu của trái đất nâng đỡ của sống chúng ta. Nhưng như sách Sáng Thế nhắc nhở chúng ta, chúng ta không phải chỉ thuộc “trần thế”, thuộc trái đất này mà thôi, chúng ta cũng mang hơi thở sinh động đến từ Thiên Chúa nữa (Xc St 2,4-7). Vì thế, chúng ta sống trong căn nhà chung như một gia đình nhân loại duy nhất và trong sự khác biệt sinh học với các thụ tạo khác của Thiên Chúa. Trong tư cách là ‘hình ảnh của Thiên Chúa’, chúng ta được kêu gọi chăm sóc và tôn trọng tất cả các thụ tạo, nuôi dưỡng lòng yêu mến và cảm thương đối với các anh chị em chúng ta, đặc biệt là những người yếu thế nhất, noi theo tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, được biểu lộ trong Chúa Con Giêsu.
Lòng ích kỷ làm hại trái đất
Vì ích kỷ, chúng ta lỗi trách nhiệm của mình như những người gìn giữ và quản lý trái đất. “Chỉ cần thành thực nhìn thực tại, là đủ thấy rằng có một sự suy thoái trầm trọng trong căn nhà chung của chúng ta” (Laudato sì, 61). Chúng ta đã làm nó bị ô nhiễm và bóc lột, gây nguy hiểm cho chính cuộc sống của chúng ta. Vì thế, đã có nhiều phong trào quốc tế và địa phương được thành lập để thức tỉnh lương tâm con người. Tôi chân thành đánh giá cao các sáng kiến ấy, và một điều cần thiết là con cái chúng ta xuống đường để dạy chúng ta điều gì là hiển nhiên, nghĩa là không có tương lai cho chúng ta, nếu chúng ta phá hủy môi trường đang nâng đỡ chúng ta.”
“Chúng ta đã thiếu sót trong việc giữ gìn trái đất, là căn-nhà-vườn của chúng ta, và trong việc giữ gìn anh chị em chúng ta. Chúng ta đã phạm tội chống lại trái đất, chống lại tha nhân, và xét cho cùng, là chống lại Đấng Tạo Hóa, là Cha nhân lành quan phòng chăm sóc mỗi người, và muốn chúng ta cùng nhau sống trong tình hiệp thông và thịnh vượng. Và Trái đất phản ứng thế nào? Có một ngạn ngữ tiếng Tây Ban Nha nói thật rõ ràng về vấn đề này: “Thiên Chúa luôn tha thứ, loài người chúng ta thỉnh thoảng tha thứ, có khi không tha; còn Trái đất không bao giờ tha thứ”. Nếu chúng ta làm hư hỏng Trái đất, thì phản ứng của nó thật là tàn hại”.
Cần cái nhìn mới về trái đất
Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể tái lập một tương quan hòa hợp với trái đất và nhân loại? Chúng ta cần một cách thức mới để nhìn căn nhà chung của chúng ta. Nó không phải là một kho các tài nguyên để khai thác. Đối với các tín hữu chúng ta, thế giới thiên nhiên là “Tin mừng về sự Sáng tạo”, biểu lộ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc hình thành sự sống con người và làm cho thế giới hiện hữu cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó để nâng đỡ nhân loại. Trình thuật Kinh thánh về sự sáng tạo được kết thúc thế này: “Thiên Chúa thấy những gì Ngài làm, và đó là điều rất tốt đẹp” (St 1,31). Khi chúng ta thấy những thảm trạng thiên nhiên là câu trả lời của Trái đất đối với sự ngược đãi của chúng ta, tôi nghĩ: “Nếu bây giờ, tôi hỏi Chúa xem Ngài nghĩ gì về những điều đó, tôi không tin là Ngài sẽ nói với tôi đó là điều tốt”. Chính chúng ta làm hư hỏng công trình của Chúa.
Ngày hôm nay, khi cử hành Ngày Thế giới về Trái đất, chúng ta được kêu gọi tìm lại ý nghĩa sự tôn trọng thánh thiêng đối với trái đất, vì nó không phải chỉ là căn nhà của chúng ta, nhưng còn là nhà của Thiên Chúa. Từ đó, nảy sinh nơi chúng ta ý thức mình đang ở trên một miền đất thánh!
Chiêm ngắm và tôn trọng trái đất
“Anh chị em thân mến, ‘Chúng ta hãy khơi dậy cảm thức mỹ thuật và chiêm ngắm mà Thiên Chúa đã đặt để trong chúng ta” (Tông huấn Querida Amazzonia, 56). Lời ngôn sứ về sự chiêm ngắm là điều mà chúng ta học được đặc biệt từ các thổ dân. Họ dạy chúng ta rằng chúng ta không thể chăm sóc trái đất nếu chúng ta không yêu mến và tôn trọng nó. Họ có sự khôn ngoan trong cách sống: đó là sống hòa hợp với Trái đất. Họ gọi sự hòa hợp này là “lối sống tốt”.
Cộng tác quốc tế
“Đồng thời, chúng ta cần hoán cải về môi sinh, được diễn tả qua những hành động cụ thể. Như gia đình duy nhất và lệ thuộc nhau, chúng ta cần có một chương trình chung để chống lại những đe dọa đối với căn nhà chung của chúng ta. “Sự lệ thuộc nhau buộc chúng ta phải nghĩ đến một thế giới duy nhất, đến một dự án chung” (Laudato sì, 164). Chúng ta hãy ý thức về tầm quan trọng của việc cộng tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ căn nhà chung của chúng ta. Tôi mời gọi những người có quyền bính hãy hướng dẫn tiến trình đưa tới hai Hội nghị quốc tế quan trọng là COP15 về sự khác biệt sinh học nhóm, tại Côn Minh bên Trung Quốc và COP26 về những thay đổi khí hậu nhóm, tại Glasgow thuộc Vương quốc Anh.
Khích lệ các hoạt động chung
“Tôi muốn khích lệ tổ chức các hoạt động chung kể cả trên bình diện quốc gia và địa phương. Nên hợp lực với nhau, đi từ mọi điều kiện xã hội và cũng nên khai sinh một phong trào nhân dân “từ hạ tầng”. Ngày Thế giới về Trái đất chúng ta đang cử hành đã nảy sinh như vậy. Mỗi người chúng ta có thể đóng góp phần nhỏ bé của mình: “Không nên nghĩ rằng những cố gắng ấy sẽ không thay đổi thế giới. Những hành động ấy sẽ làm lan tỏa điều thiện trong xã hội ngày càng tạo nên những hoa trái đi xa hơn những gì chúng ta có thể nhận thấy, vì chúng khơi dậy giữa lòng trái đất này một điều thiện hảo ngày càng lan tỏa, nhiều khi vô hình” (Laudato sì, 212).
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Trong mùa Phục sinh đổi mới này, chúng ta hãy quyết tâm yêu mến và quí chuộng hồng ân tuyệt vời là trái đất, căn nhà chung của chúng ta, và chăm sóc mọi phần tử của gia đình nhân loại. Trong tư cách là anh chị em với nhau, chúng ta cùng khẩn cầu Cha chúng ta ở trên trời; “Xin sai Thần Trí của Chúa đến đổi mới bộ mặt trái đất” (Xc. Tv 104,30).
Chào thăm các tín hữu
Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi thân ái chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý. Tôi cầu chúc tất cả sống trọn vẹn sứ điệp Phục sinh, trong sự trung thành với phép Rửa tội đã lãnh nhận, để trở thành những chứng nhân vui tươi của Chúa Kitô đã chết và sống lại vì chúng ta.
“Sau cùng, tôi chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân, người già và các đôi tân hôn. Anh chị em rất thân mến, tôi nhắn nhủ anh chị em hãy luôn hướng nhìn Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự chết và Ngài giúp chúng ta đón nhận những đau khổ và thử thách trong cuộc sống, như cơ hội để được cứu chuộc và cứu độ. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Mẹ Maria bảo vệ anh chị em!
Buổi tiếp kiến của Đức Thánh cha kết thúc với kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và phép lành của ngài cho các tín hữu theo dõi qua các phương tiện truyền thông.
G. Trần Đức Anh, O.P.