Đức Thánh cha: Chúng ta phải cầu nguyện không ngừng

Ảnh: Vatican Media

Sáng thứ Tư, ngày 11/11/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung dưới dạng trực tuyến, giống như tuần trước, vì mức độ lây lan dịch bệnh tại Italia tiếp tục gia tăng cường độ. Trong vòng 24 giờ trước đó, có thêm hơn 35.000 ca lây nhiễm.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Hiện diện tại thư viện ở dinh Tông tòa, chỉ có hai giám chức phụ giúp Đức Thánh cha và tám linh mục thông dịch viên.

Nghe Lời Chúa

Buổi tiếp kiến mở đầu với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ Tin mừng theo thánh Luca, đoạn 11, trong đó Chúa Giêsu dạy phải kiên trì cầu nguyện, và Chúa kể lại ba dụ ngôn về vấn đề này. Và trong bài giáo lý tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về sự cầu nguyện, bài thứ 14. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về cầu nguyện. Có người nói với tôi: “Cha nói nhiều quá về sự cầu nguyện. Không cần như vậy”. Cần chứ! Vì nếu chúng ta không cầu nguyện thì không có sức để tiến bước trong cuộc sống. Cầu nguyện giống như dưỡng khí đối với sự sống. Cầu nguyện là kéo xuống trên chúng ta sự hiện diện của Thánh Linh, Đấng luôn đưa chúng ta tiến về phía trước. Vì thế, tôi nói rất nhiều về cầu nguyện.

Chúa nêu gương kiên trì cầu nguyện

Chúa Giêsu đã nêu gương về việc liên lỷ cầu nguyện, trong sự kiên trì. Cuộc đối thoại trường kỳ với Chúa Cha, trong thinh lặng và mặc niệm, là nòng cốt toàn thể sứ mạng của Ngài. Các sách Tin mừng cũng kể lại cho chúng ra những lời Chúa nhắn nhủ các môn đệ, dạy họ kiên trì cầu nguyện, không mệt mỏi. Sách Giáo Lý Công Giáo nhắc nhở ba dụ ngôn trong Tin mừng theo thánh Luca, nhấn mạnh đặc tính này trong kinh nguyện (xc. SGLHTCG 2613).

Ba dụ ngôn về cầu nguyện

Trước tiên, kinh nguyện phải bền chí: như nhân vật trong dụ ngôn, vì phải đón tiếp người khách tới bất ngờ, giữa đêm khuya, đến gõ cửa nhà người bạn và xin bánh. Người bạn khước từ, vì đã vào giường rồi, nhưng người khách ấy cứ nài nỉ mãi cho đến khi người bạn phải trỗi dậy và đưa bánh (xc. Lc 11,5-8). Nhưng Thiên Chúa kiên nhẫn hơn chúng ta, và ai tin tưởng, kiên trì gõ cửa lòng Chúa, thì không bị thất vọng. Chúa Cha chúng ta biết rõ chúng ta cần gì; sự nài nỉ không phải để thông tin cho Chúa Cha hoặc thuyết phục Người, nhưng là để nuôi dưỡng trong chúng ta ước muốn và chờ đợi.

Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn bà góa xin vị thẩm phán giúp bà đạt được công lý. Thẩm phán ấy là một người vô lương tâm, nhưng sau cùng, bực mình vì sự nài nỉ của bà góa, ông ta đành quyết định chiều theo ý bà (xc. Lc 18,1-8). Dụ ngôn này giúp chúng ta hiểu rằng đức tin không phải là đà tiến nhất thời, nhưng là một tâm trạng can đảm khẩn cầu Thiên Chúa, nhiều khi “tranh biện” với Chúa, không cam chịu trước sự ác và bất công.

Dụ ngôn thứ ba trình bày một người biệt phái và một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Người thứ nhất ngỏ lời với Thiên Chúa, hãnh diện về những công trạng của mình; người kia thì cảm thấy bất xứng ngay cả việc bước vào đền thờ. Nhưng Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu nguyện của người kiêu hãnh, trái lại Ngài nghe lời người khiêm tốn (xc. Lc 18,9-14). Không có cầu nguyện chân thực nếu không có tinh thần khiêm tốn.

Vững tâm và bền chí cầu nguyện giữa tăm tối

Giáo huấn của Tin mừng thật là rõ ràng: phải luôn luôn cầu nguyện, cả khi tất cả dường như vô ích, khi Thiên Chúa có vẻ câm điếc và chúng ta thấy như thể mất thời gian. Cả khi trời tối sầm, Kitô hữu không ngưng cầu nguyện. Kinh nguyện của họ đi song song với đức tin. Và đức tin, trong bao nhiêu ngày đời của chúng ta, có thể như một ảo tưởng, một sự vất vả vô ích. Nhưng thực hành kinh nguyện cũng có nghĩa là chấp nhận sự vất vả ấy. Bao nhiêu vị thánh nam nữ đã trải qua đêm đen đức tin và sự thinh lặng của Thiên Chúa, và các vị vẫn kiên trì.

Liên kết với Chúa trong kinh nguyện

Trong những đêm đen đức tin ấy, người cầu nguyện không bao giờ một mình. Thực vậy, Chúa Giêsu không phải chỉ là chứng nhân và là thầy dạy cầu nguyện, hơn thế nữa. Chúa đón nhận chúng ta trong kinh nguyện của Ngài, để chúng ta có thể cầu nguyện trong Ngài và qua Ngài. Và đó là công trình của Chúa Thánh Linh. Và vì thế Tin mừng mời gọi chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha, nhân danh Chúa Giêsu. Thánh Gioan ghi lại lời Chúa: “Hễ ai xin điều gì nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ thi hành, để Cha được vinh danh trong Con” (14,13). Sách Giáo Lý giải thích rằng: “Sự chắc chắn được lắng nghe trong kinh nguyện của chúng ta dựa trên kinh nguyện của Chúa Giêsu” (n.2614). Kinh nguyện của Chúa chắp cho kinh nguyện của con người những đôi cánh vẫn luôn mong mỏi.

Tín thác trong kinh nguyện

Và làm sao không nhắc lại nơi đây những lời của thánh vịnh số 91, đầy lòng tín thác, nảy sinh từ một tâm hồn hoàn toàn hy vọng nơi Thiên Chúa: “Chúa sẽ che phủ con bằng đôi cánh của Ngài, dưới cánh Ngài con sẽ tìm được nơi nương náu; lòng trung tín của Chúa sẽ là khiên thuẫn và áo giáp của con. Con sẽ không sợ kinh hoàng của đêm đen hoặc tên đạn bay ban ngày, dịch tễ lan tràn trong đêm tối, sự tàn sát hoành hành giữa ngày” (vv.4-6). Chính trong Chúa Kitô mà kinh nguyện tuyệt vời ấy được thể hiện, trong Ngài, kinh nguyện ấy tìm được chân lý trọn vẹn. Nếu không có Chúa Giêsu, thì những lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ chỉ là những cố gắng phàm nhân, phần lớn đều bị thất bại. Nhưng Chúa đón lấy mọi tiếng kêu than, rên xiết, mọi vui mừng, và mọi khẩn cầu… mọi kinh nguyện của con người.

Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta

Chúa Kitô là tất cả cho chúng ta, cả trong đời sống cầu nguyện. Thánh Augustino quả quyết điều đó với một kiểu nói soi sáng, mà chúng ta tìm thấy trong Sách Giáo Lý: Chúa Giêsu “cầu nguyện cho chúng ta như vị Thượng Tế của chúng ta; Ngài cầu nguyện trong chúng ta như là thủ lãnh của chúng ta; Ngài được chúng ta cầu khẩn như Thiên Chúa của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nhận tiếng nói của chúng ta trong Ngài và tiếng nói của Ngài trong chúng ta” (n. 2616). Và vì thế Kitô hữu khi cầu nguyện không sợ gì.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ chính.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Hôm nay tại nhiều nước, có tưởng niệm những người chết vì chiến tranh. Ước gì kinh nguyện của chúng ta cho tất cả các nạn nhân của bạo lực trên thế giới, khích lệ chúng ta trở thành những người phục vụ hòa bình và hòa giải! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!”

Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay tại Ba Lan là Quốc khánh độc lập. Trong khi chúng ta cảm tạ vị Chúa Tể của lịch sử vì hồng ân tự do cho quốc gia và cho bản thân, xuất hiện trong tâm trí điều mà thánh Gioan Phaolô II đã dạy các bạn trẻ: ‘Được tự do thực sự không hề có nghĩa làm tất cả những gì tôi thích, hoặc điều mà tôi muốn làm […]. Tự do thực sự có nghĩa là dùng tự do của mình cho điều thực sự là tốt lành […]. Được tự do đích thực có nghĩa là một người có lương tâm ngay chính, có trách nhiệm, là một người cho tha nhân’ (Thư gửi giới trẻ 13). Xin Chúa chúc lành cho mọi người Ba Lan, ban hòa bình và thịnh vượng cho họ!”

Trước khi chào các tín hữu bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến việc công bố, hôm 10/11 vừa qua phúc trình đau thương về vụ cựu hồng y Theodore McCarrick. Đức Thánh cha: “Tôi tái bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của mọi thứ lạm dụng và quyết tâm của Giáo hội nhỏ bỏ sự ác này”.

Đức Thánh cha thinh lặng một lát rồi nói thêm: “Hôm nay phụng vụ kính nhớ thánh Martino, giám mục thành Tours. Vị đại mục tử này của Giáo hội xưa kia, nổi bật về lòng bác ái đối với những người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ước gì tấm gương của thánh nhân dạy mỗi người chúng ta ngày càng can đảm hơn trong đức tin và quảng đại trong đức bác ái.”

Sau cùng, như mọi khi, tôi nghĩ đến những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Xin Chúa Thánh Linh soi sáng tâm trí và nâng đỡ anh chị em, đặc biệt trong những lúc khó khăn.

Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.