Đức Thánh cha: Điều kiện đầu tiên để có niềm vui Kitô là đặt Chúa Giêsu ở trung tâm

Photo: Vatican News

Trưa Chúa nhật 13/12/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin, tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp. Giữa Quảng trường là cây thông Giáng sinh cao 28 mét và bên cạnh là hang đá máng cỏ, với các pho tượng lớn như người thật. Khoảng 500 tín hữu đến tham dự buổi đọc kinh với Đức Thánh cha. Đặc biệt, có một số đại diện các giáo xứ, theo sự phối hợp của trung tâm mục vụ giới trẻ các giáo xứ Roma, mang những tượng Chúa Hài Đồng đến để Đức Thánh cha làm phép.

G. Trần Đức Anh, O.P.

 

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ III Mùa vọng Năm B, thuật lại hoạt động của thánh Gioan Tẩy giả làm phép rửa ở sông Giordan kêu gọi dân chúng hoán cải, thống hối. Đức Thánh cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Mùa vọng: Mùa vui mừng

“Lời mời gọi hãy vui mừng là một đặc điểm của Mùa vọng: sự chờ đợi mà chúng ta đang sống là điều vui mừng, phần nào cũng như khi chúng ta chờ đợi cuộc viếng thăm của một người mà chúng ta rất yêu mến, ví dụ một người bạn thân chúng ta không gặp từ rất lâu. Và chiều kích vui mừng này đặc biệt nổi bật trong ngày hôm nay, Chúa nhật thứ III, được mở đầu với lời nhắn nhủ của thánh Phaolô: “Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa” (Ca tiền xướng nhập lễ; xc. Pl 4,4.5). Lý do tại sao? Thưa, vì “Chúa đang đến gần” (v.5). Hễ Chúa càng gần chúng ta, thì chúng ta càng ở trong vui mừng; hễ Chúa càng ở xa thì chúng ta càng ở trong buồn sầu.

Thánh Gioan Tẩy giả

Tin mừng theo thánh Gioan hôm nay trình bày cho chúng ta một nhân vật Kinh thánh – ngoại trừ Mẹ Maria và thánh Giuse – vị ấy là người đầu tiên và đã sống phần lớn trong sự chờ đợi Đấng Thiên Sai và vui mừng vì thấy Ngài đến: dĩ nhiên chúng ta nói về thánh Gioan Tẩy giả (Xc Ga 1,6-8.19-28).

“Thánh sử Tin mừng giới thiệu thánh Gioan Tẩy giả một cách long trọng: “Có một người được Thiên Chúa sai đến […] Vị ấy đến như chứng nhân để làm chứng cho ánh sáng” (vv.6-7). Thánh Gioan Tẩy giả là chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu, bằng lời nói và qua sự dâng hiến cuộc sống. Tất cả các Tin mừng đều đồng thanh chứng tỏ cách thức thánh nhân chu toàn sứ mạng chỉ rõ Chúa Giêsu là Đức Kitô, “Đấng Thiên Chúa gửi đến, được các ngôn sứ hứa. Gioan là một vị lãnh đạo trong thời của ngài. Tiếng tăm của ngài lan truyền trong toàn miền Giudea và xa hơn nữa, cho đến tận miền Galilea. Nhưng thánh nhân không hề chiều theo cám dỗ thu hút sự chú ý của dân chúng về bản thân mình: ngài luôn hướng về Đấng phải đến. Thánh nhân nói: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (v.27).

Điều kiện để có niềm vui Kitô: đừng tập trung vào mình

Đức Thánh cha giải thích: “Đây là điều kiện đầu tiên để có niềm vui Kitô: đừng tập trung vào mình nhưng đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Đây không phải là một sự tha hóa, vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mỗi người nam nữ sống trong trần thế này. Cũng năng động tình thương ấy giúp ta ra khỏi bản thân, không phải để đánh mất chính mình, nhưng là để tìm lại bản thân trong khi hiến thân, trong khi ta tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác.”

Gương từ bỏ của thánh Gioan Tẩy giả

“Thánh Gioan Tẩy giả đã đi một con đường dài để tới chỗ làm chứng cho về Chúa Giêsu. Hành trình vui mừng không phải là một cuộc đi dạo tiêu khiển. Thánh nhân đã từ bỏ mọi sự, ngay từ thời còn trẻ, để đặt Thiên Chúa ở chỗ nhất, để lắng nghe với trọn tâm trí Lời Chúa. Thánh nhân lui vào hoang địa, cởi bỏ mọi sự thừa thãi, để được tự do theo luồng gió của Thánh Linh. Chắc chắn, một số nét trong nhân cách của thánh nhân là điều có một không hai, không thể đề nghị cho tất cả mọi người. Nhưng chứng tá của thánh nhân là khuôn mẫu cho tất cả những ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống của mình và tìm được niềm vui đích thực. Đặc biệt, thánh Gioan Tẩy giả là mẫu gương cho những người trong Giáo hội được kêu gọi loan báo Chúa Kitô cho tha nhân: họ chỉ có thể làm điều ấy trong sự từ bỏ chính mình và những sự phàm tục, không lôi kéo con người về mình nhưng hướng họ về Chúa Giêsu.” Niềm vui hệ tại điều này là qui hướng về Chúa Giêsu và đó là đặc điểm niềm tin của chúng ta. Cả trong những lúc đen tối, vẫn có niềm vui nội tâm vì biết rằng Chúa ở với chúng ta,

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Giờ đây chúng ta đọc kinh Truyền tin, chúng ta thấy tất cả những điều ấy được thể hiện hoàn toàn trong Đức Trinh Nữ Maria: Trong thinh lặng, Mẹ đã chờ đợi Lời Cứu Độ của Thiên Chúa; Mẹ đã lắng nghe, đón nhận, và chịu thai. Trong Mẹ, Thiên Chúa trở nên gần gũi. Vì thế, Giáo hội gọi Mẹ Maria là “Đấng làm cho chúng con vui mừng”.

Chào thăm và mời gọi

Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến truyền thống từ 51 năm nay, các em bé ở Roma mang tượng Chúa Hài Đồng (bambinelli) đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha để ngài làm phép tượng, rồi các em mang về đặt trong hang đá máng cỏ của gia đình. Nhưng năm nay vì đại dịch, nên chỉ có một số đại diện đích thân đến Quảng trường, phần còn lại các em ở các giáo xứ, tham dự buổi đọc kinh qua Internet. Đức Thánh cha chào thăm các em và ngài làm phép tất cả các ảnh tượng Chúa Hài đồng cho các em.

Trước khi kết thúc, Đức Thánh cha tái nhắc nhở các tín hữu hãy luôn vui lên trong Chúa và nói: Khi anh chị em cầu nguyện trước hang đá với gia đình, hãy để cho mình được sự dịu dàng của Chúa Hài Đồng Giêsu thu hút, Chúa sinh ra nghèo hèn, mong manh giữa chúng ta để ban cho chúng ta tình thương của Ngài.

Sau hết, như thường lệ, Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chúa nhật an lành và ngài cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.