Sáng thứ Tư, 16/9/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 500 tín hữu hành hương từ các nước, tụ tập tại sân thánh Damaso ở nội thành Vatican. Giống như thứ Tư tuần trước, lúc 9 giờ 20 phút, Đức Thánh cha vào sân thánh Damasco và dành 20 phút đi bộ từ dưới lên trên, dọc theo ở giữa sân, dừng lại chào thăm các tín hữu. Họ dồn vào nơi ngài đi qua, quên mất qui luật phải giãn cách, tuy rằng mọi người đều mang khẩu trang.
Tôn vinh Lời Chúa
Lên đến lễ đài đơn sơ, Đức Thánh cha nhắc nhở các tín hữu hãy ngồi vào ghế hẳn hoi, đừng đứng tụm vào một chỗ, để tránh lan lây, rồi ngài làm dấu thánh giá để mở đầu buổi tiếp kiến.
Trước tiên là phần lắng nghe Chúa, với bài đọc ngắn bằng tám thứ tiếng, trích từ sách Sáng thế, đoạn 2 (St 2,8-9.15) kể lại: Thiên Chúa lập vườn địa đàng ở hướng đông và đặt trong đó người mà Ngài đã hình thành. Chúa cho nảy mầm từ đất mọi thứ cây đẹp mắt và trái ngon, và cây sự sống ở giữa vườn và cây biết lành biết dữ […]. Chúa đặt con người ở vườn địa đàng để họ vun trồng và gìn giữ.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong phần huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha tiếp tục loạt bài về việc chữa lành thế giới sau đại dịch, và bài thứ bảy ngài trình bày có đề tài là: “Chăm sóc căn nhà chung và thái độ chiêm ngắm”.
Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Nghĩa vụ chăm sóc
“Để ra khỏi một đại dịch, cần chăm sóc bản thân và chăm sóc cho nhau. Và cần nâng đỡ người chăm sóc những người yếu thế nhất, các bệnh nhân và người già. Những người này được xác định thật rõ bằng một từ trong tiếng Tây Ban Nha là “cuidadores”, họ thi hành một vai trò thiết yếu trong xã hội ngày nay, cho dù nhiều khi họ không được công nhận và được thù lao xứng đáng. Việc chăm sóc là một khuôn vàng thước ngọc cho thân phận làm người của chúng ta và mang theo sức khỏe và hy vọng (xc. Laudato sì [LS], 70).
Chăm sóc căn nhà chung
“Chúng ta cũng phải dành việc săn sóc ấy cho căn nhà chung của chúng ta: cho trái đất và mọi loài thụ tạo. Tất cả những hình thức sự sống đều có liên hệ với nhau (xc. ibid. 137-138) và sức khỏe của chúng ta tùy thuộc sức khỏe của hệ thống môi sinh mà Thiên Chúa đã dựng nên và Ngài ủy thác cho chúng ta trách vụ săn sóc nó (xc. St 2,15). Trái lại, lạm dụng thiên nhiên là một tội nặng gây thiệt hại và gây bệnh (xc. LS 8,66). Phương dược tốt nhất chống lại sự sử dụng sai trái căn nhà chung của chúng ta là chiêm ngắm (xc. ibid. 85, 214). Khi ta không học cách dừng lại để chiêm ngắm và quí chuộng vẻ đẹp, thì không lạ gì mỗi sự vật bị biến thành đối tượng để sử dụng và lạm dụng không chút áy náy” (Ibd. 215). Tuy nhiên, căn nhà chung của chúng ta, thiên nhiên, không phải chỉ là một “nguồn tài nguyên”. Các thụ tạo có một giá trị tự nơi chúng và “phản ánh, mỗi thứ một cách, một tia sáng của sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Thiên Chúa” (SGLCG 339). Giá trị và tia sáng thần linh ấy cần phải được khám phá, và để khám phá, thì chúng ta cần giữ thinh lặng, lắng nghe và chiêm ngắm.”
Tầm quan trọng của sự chiêm ngắm
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Nếu không có chiêm ngắm thì dễ rơi vào một thái độ thiếu quân bình và kiêu hãnh, coi con người là trung tâm, quá đề cao vai trò con người của chúng ta, đặt mình ở vị thế kẻ thống trị tuyệt đối trên tất cả các thụ tạo khác. Một sự giải thích lệch lạc các văn bản Kinh thánh về sự sáng tạo, đã góp phần vào cái nhìn sai lầm ấy, đưa tới sự khai thác trái đất đến độ làm cho nó ngộp thở. Chúng ta tưởng mình ở trung tâm, chủ trương chiếm chỗ đứng của Thiên Chúa và thế là chúng ta làm hỏng sự hài hòa trong kế hoạch của Chúa. Chúng ta trở thành những người săn đuổi, cướp bóc, mà quên ơn gọi của chúng ta là giữ gìn sự sống. Chắc chắn chúng ta có thể và phải canh tác trái đất để sống và phát triển. Nhưng lao công không đồng nghĩa với bóc lột và luôn có sự chăm sóc đi kèm; yêu thương và bảo vệ, làm việc và săn sóc… Đó là sứ mạng của chúng ta (xc. St 2,15). Chúng ta không thể chủ trương tiếp tục tăng trưởng trên bình diện vật chất, mà không chăm sóc căn nhà chung đón tiếp chúng ta. Các anh chị em nghèo nhất và mẹ đất của chúng ta đang rên xiết vì thiệt hại và bất công mà chúng ta đã gây nên, và đòi một hướng đi khác.”
Cần phục hồi sự chiêm ngắm
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Vì thế, điều quan trọng là phục hồi chiều kích chiêm ngắm. Khi chiêm ngắm, chúng ta khám phá nơi tha nhân và trong thiên nhiên có cái gì đó lớn lao hơn sự hữu ích của họ. Chúng ta khám phá thấy giá trị nội tại của những sự vật mà Thiên Chúa ban cho chúng. Như bao nhiêu tôn sư linh đạo đã dạy, trời, đất, biển, mọi thụ tạo đều có khả năng biểu tượng hoặc thần bí như thế để dẫn đưa chúng ta đến cùng Đấng Tạo Hóa và hiệp thông với thiên nhiên. Ví dụ, thánh Ignatio Loyola, vào cuối cuốn Linh Thao, mời gọi thực hiện “cuộc chiêm ngắm để đạt tới tình yêu”, nghĩa là xét xem Thiên Chúa nhìn các thụ tạo của Ngài như thế nào và vui mừng với chúng; và khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các thụ tạo của Ngài, và với tự do và ân sủng, yêu mến và chăm sóc các thụ tạo ấy.
Công hiệu của chiêm ngắm
Sự chiêm ngắm dẫn chúng ta đến một thái độ chăm sóc, không phải là nhìn thiên nhiên từ bên ngoài, như thể chúng ta không chìm đắm trong đó. Đúng hơn, chúng ta đi từ bên trong, nhìn nhận mình là thành phần của các thụ tạo, làm cho mình giữ vai chính chứ không phải chỉ là khách bàng quan, nhìn một thực tại vô định hình chỉ để khai thác nó. Ai chiêm ngắm theo cách thức từ bên trong như thế, thì cảm thấy sự kỳ diệu không phải chỉ vì những gì mình thấy, nhưng cũng vì mình cảm thấy là thành phần của vẻ đẹp ấy; và ta cũng cảm thấy được kêu gọi gìn giữ, bảo vệ nó.
Ai biết chiêm ngắm, thì càng dễ hoạt động để thay đổi những gì tạo nên sự suy thoái và có hại cho sức khỏe. Họ sẽ dấn thân giáo dục và cổ võ những thái độ mới trong việc sản xuất và tiêu thụ, góp phần vào một kiểu mẫu mới trong việc tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sự tôn trọng căn nhà chung. Người chiêm ngắm trong hành động, có khuynh hướng trở thành người bảo tồn môi trường, tìm cách liên kết kiến thức kỳ cựu của các nền văn hóa ngàn đời với những kiến thức kỹ thuật mới mẻ, để lối sống của chúng ta được lâu bền.”
Thái độ phải có
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chiêm ngắm và săn sóc: đó là hai thái độ tỏ cho thấy con đường để sửa chữa và tạo quân bình tương quan của con người chúng ta với thiên nhiên. Bao nhiêu lần tương quan của chúng ta với thiên nhiên dường như là tương quan giữa kẻ thù: phá hủy thiên nhiên để mưu lợi cho mình. Bóc lột thiên nhiên để thủ lợi. Chúng ta đừng quên rằng ta phải trả giá đắt đỏ; đừng quên ngạn ngữ Tây Ban Nha: “Thiên Chúa luôn tha thứ; chúng ta thỉnh thoảng tha thứ, thiên nhiên không bao giờ tha thứ”. Hôm nay, tôi đọc báo thấy hai tảng băng lớn ở Nam Cực, gần biển Amundsen sắp sập xuống. Đó sẽ là điều kinh khủng, vì mực nước biển sẽ dâng lên và điều này mang lại bao nhiêu khó khăn, tai hại, tại vì sự hâm nóng, không chăm sóc môi trường, không săn sóc căn nhà chung. Trái lại, khi chúng ta có tương quan gọi là “huynh đệ” với thiên nhiên, thì chúng ta sẽ trở thành người gìn giữ căn nhà chung, gìn giữ sự sống, gìn giữ hy vọng. Gìn giữ gia sản mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta, để các thế hệ tương lai có thể được hưởng. Tôi đặc biệt nghĩ đến các thổ dân, tất cả chúng ta cần phải biết ơn họ. Nhưng tôi cũng nghĩ đến các phong trào, các hội đoàn, các nhóm nhân dân, dấn thân bảo vệ lãnh thổ của mình với những giá trị tự nhiên và văn hóa. Những thực tại xã hội này không luôn luôn được quí chuộng, nhiều khi chúng còn bị cản trở nữa; nhưng trong thực tế chúng góp phần vào một cuộc cách mạng an bình, “cuộc cách mạng săn sóc”.
“Nhưng không cần ủy thác cho vài người điều vốn là nghĩa vụ của mỗi người. Mỗi người chúng ta có thể và phải trở thành một “người gìn giữ căn nhà chung”, có khả năng chúc tụng Thiên Chúa vì các thụ tạo của Ngài, chiêm ngắm và bảo vệ chúng.”
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Arập, Ba Lan.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc lại những lời của thánh Gioan Phaolô II: “Tôi chiêm ngắm vẻ đẹp của phần đất này […]. Bầu trời xanh dương, rừng cây và cánh đồng xanh tươi, các hồ và sông màu bạc…], tất cả những điều ấy làm chứng về tình thương của Đấng Tạo Hóa, sức mạnh ban sự sống của Thần Linh Chúa, và công cuộc cứu chuộc của Chúa Con dành cho con người và thế giới”. Ước gì cách sống tương quan như thế với các công trình thụ tạo, là một nguồn mạch sự dấn thân của tất cả chúng ta trong việc bảo tồn thiên nhiên”.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nhắc đến cha Roberto Malgesini, thuộc giáo phận Como, bắc Italia, đã bị một người túng quẫn và bị bệnh tâm trí mà cha giúp đỡ, giết chết sáng hôm 15/9 vừa qua. Cha thực là một chứng nhân bác ái. Ngài cũng mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho tất cả những người làm việc giúp những bị gạt bỏ.
Sau cùng, Đức Thánh cha nghĩ đến và cầu nguyện cho những người già, người trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới.
Buổi tiếp kiến kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh cha ban cho những người hiện diện.