Vatican News
Truyền thông khơi nên hy vọng
Sứ điệp bắt đầu bằng một phân tích về cách thức thông tin hiện nay thường không tạo ra hy vọng. Đức Thánh Cha viết rằng, có một loại truyền thông gây nên “sợ hãi và tuyệt vọng, định kiến và oán giận, cuồng tín và thậm chí hận thù”. Loại truyền thông này nhiều lần “đơn giản hóa thực tại,” chỉ còn là những khẩu hiệu “nhằm khơi gợi phản ứng bản năng” hoặc “sử dụng lời nói như một lưỡi dao” để phát tán “thông tin sai lệch hoặc bóp méo với mục đích kích động, gây hấn, làm tổn thương”. Đức Thánh Cha lưu ý cách diễn đạt này phản bội truyền thông, vì nó dựa trên sự hiếu chiến, “từ các chương trình trò chuyện đến những cuộc chiến ngôn từ trên mạng xã hội”, nơi đó, mô hình cạnh tranh, đối đầu, thậm chí thao túng dư luận, có nguy cơ thống trị.
Truyền thông chạm đến trái tim
Đối diện với bức tranh ảm đạm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chúng ta cần thoát khỏi lối truyền thông lấy việc tìm ra “kẻ thù” và tấn công họ làm mục tiêu. Thay vào đó, Đức Thánh Cha mơ về “một truyền thông biết làm cho chúng ta trở thành bạn đồng hành của nhiều anh chị em mình”, biết khơi lên “hy vọng trong một thời kỳ đầy âu lo”. Một truyền thông biết “chạm đến trái tim”, khơi lên “không phải phản ứng khép kín và giận dữ, mà là thái độ mở lòng và thân thiện; biết hướng đến vẻ đẹp và hy vọng, ngay cả trong những hoàn cảnh dường như tuyệt vọng nhất”.
Trở nên hiền hòa, tránh tự mãn
Đức Thánh Cha lấy cảm hứng từ thư thứ nhất của Thánh Phêrô, trong đó vị tông đồ mời gọi các Kitô hữu hãy “luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”. Từ đó, Đức Thánh Cha rút ra ba sứ điệp cốt lõi của truyền thông Kitô giáo: (1) biết “nhận ra những hạt mầm của điều thiện dù ẩn giấu trong lúc tưởng chừng như mọi sự đã mất”, (2) biết phản chiếu vẻ đẹp tình yêu của Thiên Chúa và sự mới mẻ của Người, (3) biết giao tiếp với “sự hiền hòa”. Đức Thánh Cha nói: “Tôi mơ về một truyền thông không bán ảo tưởng hay sợ hãi, mà biết đưa ra lý do để hy vọng”. Để đạt được điều đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “chúng ta cần chữa lành khỏi ‘căn bệnh’ tự mãn và tự quy chiếu, tránh nguy cơ tự thỏa mãn trong chính mình”.
Những câu chuyện hy vọng
Khi nối kết truyền thông với chiều kích Năm Thánh, Đức Thánh Cha nhắc nhở về việc sử dụng “những câu chuyện thấm đượm hy vọng”, những “câu chuyện đẹp” cần được “tìm ra và kể lại”, những câu chuyện vẫn còn ẩn giấu “trong từng nếp gấp của cuộc sống”. Ngài kết luận: “Thật đẹp khi tìm thấy những hạt giống hy vọng và làm cho chúng được biết đến. Điều này giúp thế giới bớt đi sự điếc lác trước tiếng kêu cứu của những người cùng khổ, bớt thờ ơ, và bớt khép kín”.