Đức Thánh cha Phanxicô bày tỏ tình liên đới và kêu gọi cầu nguyện cho Liban, từ lâu đang sống trong khủng hoảng và đau khổ. Ngài mời gọi các tín hữu tham gia ngày hoàn vũ cầu nguyện cho Liban, vào ngày 4/9/2020 tới đây.
Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng ngày 2/9 vừa qua, tại Vatican, Đức Thánh cha nói:
“Anh chị em thân mến, một tháng sau thảm trạng xảy ra tại thành phố Beirut, tôi còn nghĩ đến Liban yêu quí và dân chúng, đặc biệt bị thử thách. Linh mục đứng cạnh tôi đây đã mang cờ Liban đến buổi tiếp kiến này.
Liban bị đe dọa sống còn
Như thánh Gioan Phaolô II đã nói cách đây 30 năm, giữa một thời điểm hệ trọng trong lịch sử đất nước này, và hôm nay tôi cũng lập lại: “Đứng trước những thảm trạng liên tục, mà mỗi người Liban biết rõ, chúng ta ý thức về sự nguy hiểm tột độ đang đe dọa sự sống còn của đất nước này. Liban không thể bị bỏ rơi trong cô độc” (Tông thư gửi tất cả các giám mục Công giáo về tình trạng tại Liban, 7-9-1989).
Liban như một sứ điệp
“Trong hơn 100 năm, Liban đã là một quốc gia hy vọng. Cả trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử, người Liban vẫn bảo tồn niềm tin của họ nơi Thiên Chúa và chứng tỏ khả năng biến đất nước của họ thành một nơi bao dung, tôn trọng, sống chung có một không hai trong miền ấy. Một điều hết sức đúng, đó là lời quả quyết rằng Liban biểu lộ một cái gì đó hơn cả một quốc gia: Liban “là một sứ điệp tự do, là một mẫu gương về sự đa nguyên cho Đông phương cũng như cho Tây Phương” (ibidem). Vì chính thiện ích của nước này, và cho cả thế giới, chúng ta không thể để cho gia sản này bị phá tán.”
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi khuyến khích tất cả mọi người Liban hãy tiếp tục hy vọng và tìm lại sức mạnh và nghị lực cần thiết để tái khởi hành. Tôi xin các nhà chính trị và các vị lãnh đạo tôn giáo hãy dấn thân, với lòng chân thành và minh bạch vào công trình tái thiết, từ bỏ những lợi lộc phe phái và nhìn đến công ích cũng như tương lai của quốc gia. Tôi cũng lập lại lời mời gọi cộng đồng quốc tế hãy nâng đỡ Liban, giúp đất nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, không phải can dự vào những căng thẳng trong vùng.
Đặc biệt, tôi ngỏ lời với dân chúng tại Beirut, bị thử thách đau thương vì vụ nổ mới đây; anh chị em hãy phục hồi can đảm! Hãy để đức tin và kinh nguyện trở thành sức mạnh của anh chị em. Anh chị em đừng bỏ gia cư và gia sản của anh chị em, đừng từ bỏ giấc mơ của những người đã tin nơi tương lai của một quốc gia tươi đẹp và thịnh vượng”.
Nhắn nhủ hàng giáo sĩ và tu sĩ, Đức Thánh cha cũng nói rằng: “Các vị mục tử quí mến, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, anh chị em hãy tiếp tục đồng hành với các tín hữu. Tôi xin các giám mục và linh mục hãy tỏ ra lòng nhiệt thành tông đồ; tôi xin anh chị em hãy sống thanh bần, đừng xa hoa, thanh bần với dân chúng nghèo của anh chị em đang đau khổ. Hãy nêu gương nghèo khó và khiêm tốn. Hãy giúp các tín hữu và dân chúng đứng dậy và giữ vai chính trong việc tái sinh mới. Hãy trở thành những người kiến tạo sự hòa hợp và đổi mới, nhân danh công ích, nhân danh một nền văn hóa gặp gỡ đích thực, sống chung trong an bình và huynh đệ…”
Cử hành ngày cầu nguyện cho Liban
Đức Thánh cha cũng mời gọi mọi người cử hành Ngày hoàn vũ cầu nguyện và ăn chay cho Liban, vào thứ Sáu 4/9 tới đây. Ngài nói: “Tôi có ý định gửi một đại diện của tôi đến Liban để đồng hành với dân chúng, đó là vị Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đến Liban nhân danh tôi, để biểu lộ sự gần gũi và liên đới của tôi. Tôi cũng mời các anh chị em thuộc các truyền thống Kitô và tôn giáo khác hiệp với sáng kiến này, theo những thể thức họ thấy là thích hợp nhất.”
Sau cùng, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy phó thác cho Đức Mẹ Harissa những lo âu và hy vọng.
300.000 Kitô hữu Liban muốn xuất cư
Linh mục Liban cầm lá cờ đứng cạnh Đức Thánh cha, khi ngài đọc lời kêu gọi, đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh cha vì sự nâng đỡ và khích lệ, đồng thời cho biết: “Cho đến nay, hơn 300.000 Kitô hữu Liban đã nộp đơn xin di cư ra nước ngoài. Chúng con cần lời cầu nguyện của họ, sự nâng đỡ yêu thương huynh đệ của Đức Thánh cha.”
G. Trần Đức Anh, O.P. (Rei 2-9-2020)