Đức Thánh Cha mong muốn đến Trung Quốc thăm các Giám mục và dân Chúa

Trong cuộc phỏng vấn của cha Pedro Chia, Giám đốc Phòng Báo chí của Tỉnh dòng Tên ở Trung Quốc, vào tháng Năm và được công bố vào ngày 09/8/2024, Đức Thánh Cha khen ngợi các tín hữu Trung Quốc có “đức tin tuyệt vời”, và là “một người thầy của niềm hy vọng”. Ngài cũng bày tỏ mong muốn thực hiện chuyến tông du đến quốc gia châu Á này.
 

Vatican News

Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại thư viện của Dinh Tông toà, vào ngày 24/5, lễ Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan). Đức Thánh Cha tiết lộ rằng trước văn phòng của ngài có hình Đức Mẹ của Trung Quốc và bày tỏ mong muốn đến kính viếng Đền thánh này. Và không chỉ thăm Đền thánh Đức Mẹ, với tước hiệu Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu, Đức Thánh Cha còn muốn đến đất nước châu Á này để “gặp gỡ các giám mục địa phương và dân Chúa rất trung thành, những người đã trải qua nhiều biến cố và vẫn trung thành”.

Khi được hỏi sứ điệp ngài mong muốn gửi đến giới trẻ Trung Quốc ngày nay là gì, Đức Thánh Cha nói “hy vọng”. Ngài nhấn mạnh dân tộc này là người thầy dạy hy vọng và sự kiên nhẫn. Và điều này là một điều rất đẹp.

Đức Thánh Cha kết luận: “Trung Quốc là một dân tộc vĩ đại, không được lãng phí di sản của mình. Trái lại, Trung Quốc phải kiên nhẫn tiếp nối di sản của mình”.

Trong cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về đời sống cá nhân, Đức Thánh Cha nhớ lại đã trải qua một số “khủng hoảng” trong đời tu, nhưng theo ngài, những điều này rất là bình thường, vì nếu không, không phải là con người. Ngài giải thích, khủng hoảng được vượt qua theo hai cách: chúng được giải quyết và đi qua “như một mê cung”, từ đó người ta thoát ra “từ trên cao”; và “người ta không bao giờ thoát ra một mình, mà đúng hơn là với sự giúp đỡ, đồng hành”, bởi vì “để cho mình được giúp đỡ là rất quan trọng”. Đức Thánh Cha nói thêm ngài cầu xin Chúa “ơn được tha thứ, để Người kiên nhẫn với tôi”.

Nhìn về tương lai của Giáo hội, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, theo một số người, Giáo hội sẽ “ngày càng nhỏ bé” và cần phải “cẩn thận để không rơi vào thái độ giáo sĩ trị và tinh thần tục”. Ngài trích dẫn lời cố Hồng y Henri de Lubac, đây sẽ là “cái ác tồi tệ nhất có thể tấn công Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn thời kỳ của các Giáo hoàng có gia đình”. Cuối cùng, đối với bất kỳ ai là người kế vị ngai toà Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện vì “Chúa nói trong cầu nguyện”.