Đức Thánh cha Phanxicô và nghĩa vụ bảo vệ môi sinh (3)

Image by Pezibear from Pixabay

Trong thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, trong chương thứ I, Đức Thánh cha Phanxicô trình bày thực trạng trái đất đang bị đe dọa. Trong chương II ngài tóm tắt đạo lý Kinh thánh về nghĩa vụ tôn trọng trái đất và thiên nhiên. Trong chương III, Đức Thánh cha nói về căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra. Ngài trình bày một phân tích tình hình hiện nay, “để có thể nhận thấy, không những các triệu chứng, nhưng cả những nguyên do sâu xa” (15), trong một cuộc đối thoại với triết học và các khoa học nhân văn. Sau đây, chúng tôi xin gửi đến quý vị và các bạn vài nét nổi bật trong giáo huấn của Đức Thánh cha qua chương này.

Tổng quan

Điểm nòng cốt trước tiên của chương III là những suy tư về kỹ thuật: Đức Thánh cha nói lên lòng biết ơn, nhìn nhận những đóng góp của kỹ thuật để cải tiến các điều kiện sống (102-103). Tuy nhiên, Đức Thánh cha cũng ghi nhận kỹ thuật “mang lại một sự thống trị lớn lao trên toàn thể nhân loại và thế giới cho những người nắm giữ kiến thức kỹ thuật và nhất là quyền lực kinh tế để khai thác nó” (104). Đức Thánh cha viết: “Chưa bao giờ nhân loại có nhiều quyền năng trên chính mình, nhưng không gì có thể bảo đảm là con người sẽ sử dụng tốt quyền năng ấy, nhất là khi ta cứu xét cách thức con người sử dụng quyền năng ấy. Chỉ cần nhắc đến những bom nguyên tử ném xuống hồi giữa thế kỷ XX, cũng như sự sử dụng kỹ thuật mà chế độ Đức quốc xã, chế độ cộng sản và các chế độ độc tài khác đã dùng để tiêu diệt hàng triệu người, và không quên rằng ngày nay chiến tranh có những phương tiện ngày càng giết người nhiều hơn…” (104).

Nguy cơ không sử dụng đúng đắn khả năng kỹ thuật

“Người ta có xu hướng tin rằng “mỗi sự thủ đắc quyền năng là một tiến bộ, gia tăng an ninh, hữu dụng, an sinh, sức mạnh quan trọng và đầy những giá trị” [83), như thể thực tại, điều thiện và sự thật tự nhiên nảy sinh từ chính quyền năng của kỹ thuật và kinh tế. Thực tế là “những người tân tiến ngày nay không được giáo dục để sử dụng quyền năng một cách đúng đắn” [84], lý do vì sự phát triển vô biên về kỹ thuật không được đi kèm với một sự phát triển con người về phương diện trách nhiệm, các giá trị và lương tâm. Mỗi thời đại có xu hướng bớt ý thức về các giới hạn của mình. Vì lý do đó, có thể là ngày nay con người không nhận thấy những thách đố nghiêm trọng đang được đề ra, và một nguy cơ liên tục gia tăng là “con người có thể sử dụng sai trái quyền năng của mình, “khi không có những qui luật về tự do, mà chỉ có những điều mà người ta cho là cần thiết vì hữu ích và vì an ninh” [85].

Chính chủ trương thống trị bằng kỹ thuật đưa tới sự phá hủy thiên nhiên và khai thác bóc lột con người và các dân tộc yếu thế hơn. “Mô hình kỹ-thuật-trị có xu hướng thi hành sự thống trị trên cả kinh tế và chính trị” (109), ngăn cản không cho người ta nhận thức rằng “nguyên thị trường […] không đảm bảo sự phát triển toàn diện con người và không làm cho mọi người được hội nhập xã hội” (109).

Kỹ thuật thống trị cả kinh tế và chính trị

Chi tiết hơn, trong đoạn số 109, Đức Thánh cha viết: “Khuôn mẫu kỹ thuật có xu hướng thống trị cả trên kinh tế và chính trị. Kinh tế đón nhận mọi phát triển kỹ thuật để đạt được lợi tức, mà không quan tâm gì đến những hậu quả tiêu cực mà kỹ thuật ấy có thể gây ra cho con người. Tài chánh bóp nghẹt nền kinh tế thực tiễn. Người ta đã không học được bài học về cuộc khủng hoảng tài chánh trên thế giới. Một số nhóm chủ trương rằng nền kinh tế hiện nay và kỹ thuật sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề môi trường; cũng vậy, họ cho rằng các vấn đề đói kém và lầm than trên thế giới sẽ được giải quyết bằng cách phát triển thị trường… Qua thái độ của họ, họ quả quyết rằng chỉ cần làm sao đạt được tối đa lợi tức. Nhưng thị trường, tự nó, không bảo đảm sự phát triển nhân bản toàn diện và hội nhập mọi người trong xã hội [89). Trong khi đó, chúng ta có một thứ “siêu phát triển phung phí và tiêu thụ trái ngược với những tình trạng lầm than tiếp tục hạ thấp nhân phẩm” [90], và người ta không đề ra, với cùng một sự mau lẹ như thế, các tổ chức kinh tế và chương trình xã hội giúp những người nghèo nhất được hưởng đều đặn các tài nguyên cơ bản. Người ta không ý thức đủ về những nguyên nhân đưa tới tình trạng chênh lệch hiện nay: những chênh lệch này có liên hệ tới hướng đi, mục đích, ý nghĩa và bối cảnh xã hội của sự tăng trưởng kỹ thuật và kinh tế”.

Quá qui hướng vào con người

Thông điệp Laudato sì của Đức Thánh cha Phanxicô cũng nhận xét rằng: Nơi căn cội, người ta nhận thấy trong thời đại tân tiến ngày nay có một chủ trương quy hướng thái quá vào con người (116): con người không còn nhìn nhận vị thế đúng đắn của mình so với thế giới và tự tham chiếu, chỉ qui hướng mọi sự về mình và quyền lực của mình. Từ đó nảy sinh chủ trương “sử dụng rồi vứt bỏ”, biện minh cho mọi thứ gạt bỏ, dù là môi trường hay con người, đối xử với tha nhân và thiên nhiên như những đồ vật và dẫn tới vô số những hình thức thống trị. Đó là thứ chủ trương đưa tới sự khai thác trẻ em, bỏ rơi người già, biến những người khác thành nô lệ, đánh giá quá cao khả năng của thị trường tự điều khiển, thực hành việc buôn người, buôn bán da thú vật đang trên đường bị triệt tiêu và “những kim cương đẫm máu”. Đó cũng chính là chủ trương của nhiều tổ chức bất lương mafia, buôn bán cơ phận con người, những kẻ buôn bán ma túy và gạt bỏ các thai nhi, vì chúng không đáp ứng các dự phóng của cha mẹ (123).

Hai vấn đề nghiêm trọng đối với thế giới ngày nay

Dưới ánh sáng ấy, Thông Điệp của Đức Thánh cha cứu xét hai vấn đề nghiêm trọng đối với thế giới ngày nay.

Trước tiên là lao công: “Trong bất kỳ sự áp dụng nền môi sinh học toàn diện nào, không loại trừ con người, điều tối cần thiết là phải nhìn nhận giá trị lao công” (124), và nhìn nhận rằng “từ khước không đầu tư vào con người, để được lợi nhuận ngay tức khắc, đó thực là một lối kinh doanh tệ hại nhất cho xã hội” (128).

Vấn đề thứ hai liên quan đến những giới hạn của tiến bộ khoa học, cụ thể là những thực phẩm biến thái hệ di truyền, gọi tắt là OGM (132-136). Đây là “một vấn đề phức tạp” (135). Mặc dù “tại một số vùng, việc sử dụng loại thực phẩm này đã làm tăng trưởng kinh tế, góp phần giải quyết một số vấn đề, nhưng người ta gặp những khó khăn lớn không thể coi thường” (134), bắt đầu từ sự “tập trung đất đai canh tác vào tay một thiểu số người” (134). Đức Thánh cha Phanxicô đặc biệt nghĩ đến các nhà sản xuất nhỏ và các công nhân ở miền quê, sự đa dạng sinh học, các hệ thống môi sinh (ecosistemi). Vì thế, ngài viết: cần “có một cuộc thảo luận khoa học và xã hội theo tinh thần trách nhiệm và có tính chất rộng rãi, có thể cứu xét tất cả thông tin hiện có và gọi đích danh sự vật”, từ “những đường hướng nghiên cứu độc lập và liên ngành” (135).

Cảnh giác chống thái cực duy môi sinh

Đức Thánh cha không quên cảnh giác chống lại một thái cực khác trong phong trào bảo vệ môi trường. Ngài viết trong đoạn số 136, thuộc chương III của Thông điệp Laudato sì, rằng: “Đàng khác, thật là một điều gây lo âu, sự kiện có một số phong trào duy môi sinh bảo vệ sự toàn vẹn của môi trường và họ có lý khi đòi hỏi giới hạn nghiên cứu khoa học, nhưng nhiều khi họ lại không áp dụng cùng những nguyên tắc ấy cho sự sống con người. Thường thường, người ta biện minh rằng tất cả các giới hạn bị vượt qua khi người ta thí nghiệm trên các phôi thai người còn sống. Người ta quên đi giá trị bất khả nhượng của một hữu thể người đi xa hơn mức độ phát triển của hữu thể ấy.”

Ở đây, Đức Thánh cha ám chỉ đến nhiều nhóm chủ trương bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, nhưng họ lại ủng hộ phá thai, cho rằng khi chưa phát triển tới một mức độ nào đó thì các bào thai đó chỉ là một mớ tế bào, chứ không phải là một hữu thể người có phẩm giá cần được tôn trọng. Và họ cũng ủng hộ việc cho thí nghiệm trên phôi thai người đã chết.

Đức Thánh cha viết thêm rằng: “Cũng vậy, khi kỹ thuật không nhìn nhận những nguyên tắc lớn về luân lý đạo đức, thì rốt cuộc người ta sẽ coi bất kỳ việc thực hành nào cũng là điều hợp pháp. Như chúng ta đã thấy trong chương III này, kỹ thuật tách rời khỏi luân lý đạo đức thì khó lòng có khả năng tự giới hạn quyền lực của mình”.

Đài Chân Lý Á Châu