Trưa Chúa nhật 8/11/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với gần 500 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô và bên ngoài. Trong phần chào thăm tín hữu, ngài kêu gọi hòa bình cho Ethiopia, Libya và liên đới với các nạn nhân cuồng phong Eta tại Trung Mỹ.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXXII Thường niên năm A, về dụ ngôn mười trinh nữ đi đón chàng rể.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Đoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Mt 25,1-13) mời gọi chúng ta tiếp tục suy tư về đời sống vĩnh cửu, bắt đầu trong dịp lễ Các Thánh và lễ các linh hồn. Chúa Giêsu thuật lại dụ ngôn mười trinh nữ được mời dự tiệc cưới, biểu tượng của Nước Trời.
Dụ ngôn 10 trinh nữ đi dự tiệc cưới
Vào thời Chúa Giêsu, có thói quen lễ cưới cử hành ban đêm; vì thế đoàn khách mời phải đến dự với đèn sáng. Một số cô phù dâu ngu dại: họ mang đèn nhưng không mang dầu theo; trái lại, những cô khôn ngoan, mang dầu theo cùng với đèn. Chàng rể đến chậm, và tất cả đều thiếp ngủ. Khi một tiếng nói báo tin chàng rể sắp tới, các cô khờ dại thấy mình không có dầu cho đèn của họ, họ hỏi những cô khôn ngoan, nhưng những cô này trả lời là không thể cho dầu vì không đủ cho mọi người. Trong khi những cô khờ dại đi mua dầu, thì chàng rể đến. Các cô khôn ngoan cùng với chàng rể vào phòng tiệc và cánh cửa đóng lại. Các cô khác thì đã quá trễ và bị từ khước.
Ý nghĩa dụ ngôn: chuẩn bị gặp Chúa
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói rằng chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Không những cho cuộc gặp gỡ chung kết, nhưng cả cho sự dấn thân mỗi ngày cho cuộc gặp gỡ ấy, và không phải chỉ có ngọn đèn đức tin là đủ cho cuộc gặp gỡ ấy, nhưng còn cần phải có dầu đức ái và các công việc lành. Đức tin liên kết thực sự chúng ta với Chúa Giêsu là đức tin “hoạt động nhờ đức tin” (Gl 5,6), như thánh Phaolô tông đồ đã nói. Đó là điều được biểu lộ qua thái độ của các thiếu nữ khôn ngoan. Sự dự trữ dầu mà họ mang theo mình cùng với đèn, chỉ những hành động tốt được thực hiện trong sự cộng tác với ơn thánh. Khôn ngoan và thận trọng có nghĩa là không chờ đợi đến lúc chót mới đáp lại ơn thánh của Chúa, như tích cực thực hiện ngay. Nếu chúng ta muốn sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ chung cục với Chúa, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải cộng tác với Ngài và thực hiện những công việc lành được tình yêu của Ngài soi sáng.
Nguy cơ đánh mất ý nghĩa chờ đợi
Đáng tiếc là nhiều khi chúng ta quên mục tiêu cuộc sống của mình, nghĩa là cuộc hẹn chung cục với Thiên Chúa, và chúng ta đánh mất ý nghĩa sự chờ đợi và tuyệt đối hóa hiện tại. Khi một người tuyệt đối hóa hiện tại, chỉ nhìn hiện tại, thì mất ý thức về sự chờ đợi, vốn là điều rất đẹp. Chờ đợi Chúa là điều rất cần thiết, cả khi những nghịch cảnh lúc này quăng chúng ta ra ngoài. Thái độ này loại trừ mọi viễn tượng về đời sau: người ta làm mọi sự như thể không bao giờ phải bước sang đời sống bên kia. Và thế là ta chỉ bận tâm lo toan chiếm hữu, trổi vượt, thành đạt. Nếu chúng ta để mình được hướng dẫn do những gì thu hút, hấp dẫn hơn, tìm kiếm lợi lộc, thì cuộc sống của chúng ta trở nên khô cằn; chúng ta không tích trữ chút dầu nào cho đèn của chúng ta, và nó sẽ tắt lịm trước khi gặp gỡ Chúa. Chúng ta phải sống ngày hôm nay, nhưng hôm nay đang hướng về ngày mai, về cuộc gặp gỡ với Chúa. Trái lại, chúng ta tỉnh thức và làm điều thiện đáp ứng ơn thánh của Chúa, thì chúng ta có thể thanh thản chờ đợi vị hôn phu đến. Chúa có thể đến trong lúc chúng ta ngủ: điều này chẳng làm chúng ta lo lắng vì chúng ta có dự trữ dầu được tích trữ với những công việc thiện mỗi ngày.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria rất thánh chuyển cầu cho chúng ta, xin Mẹ giúp chúng ta sống một đức tin hoạt động, như Mẹ đã làm; đức tin ấy là đèn sáng nhờ đó chúng ta tiến qua đêm đen, vượt qua cái chết và đi tới đại lễ của cuộc sống”.
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến lễ phong chân phước hôm 7/11 vừa qua, cho vị Tôi tớ Chúa: Joan Roig Diggle, 19 tuổi, tử đạo trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, và được tôn phong trong thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Gia ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Đức Thánh cha nói: “Chân phước là chứng nhân của Chúa Giêsu trong môi trường làm việc và trung thành với Chúa cho đến độ hiến dâng mạng sống mình. Ước gì tấm gương của chân phước khơi dậy nơi tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ, ước muốn sống trọn vẹn ơn gọi Kitô giáo. Chúng ta hãy vỗ tay hoan hô vị chân phước trẻ trung can đảm như vậy!”
Nhìn thấy một lá cờ ở Quảng trường làm cho ngài nghĩ đến Trung Mỹ, bị cuồng phong vũ bão trong những ngày qua làm cho nhiều người thiệt mạng và thiệt hại lớn lao, gây trầm trọng hơn tình trạng vốn đã khó khăn vì đại dịch, Đức Thánh cha nói: “Xin Chúa đón nhận những người quá cố, an ủi gia đình họ và nâng đỡ những người bị thử thách nặng nề, cũng như tất cả những người đang xả thân giúp đỡ các nạn nhân.”
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi lo âu theo dõi những tin tức đến từ Etiopia. Trong khi tôi nhắn nhủ hãy đẩy xa cám dỗ xung đột võ trang, tôi mời gọi tất cả hãy cầu nguyện và tôn trọng anh chị em, đối thoại và tái lập hòa bình sau những bất thuận.”
Đức Thánh cha cũng nhắc đến các cuộc họp trong Diễn đàn đối thoại chính trị tại Libia, khai mạc hôm Chúa nhật 8/11 này, tại Tunisi với sự can dự của mọi phe. Ngài nói: “Tôi nồng nhiệt cầu mong rằng từ biến cố quan trọng này, trong một thời điểm tế nhị như hiện nay, người ta tìm được một giải pháp cho đau khổ lâu dài của nhân dân Libia và mong cho hiệp định ngưng bắn trường kỳ mới đây được tôn trọng và cụ thể hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các phái đoàn tham dự Diễn đàn, cầu cho hòa bình và sự ổn định của Libia.”
Đức Thánh cha cũng nói: “Ngày hôm nay, tại Italia có cử hành Ngày Tạ Ơn về chủ đề “Nước, phúc lành của trái đất”. Nước là điều sinh tử đối với nông nghiệp và đối với cuộc sống! Tôi gần gũi trong kinh nguyện và với lòng quí mến đối với giới nông thôn, đặc biệt các tiểu nông dân. Công việc của họ quan trọng hơn bao giờ hết trong thời khủng hoảng hiện nay. Tôi hiệp với các giám mục Italia kêu gọi hãy bảo tồn nước như một công ích, việc sử dụng nước phải tôn trọng đặc tính dành cho tất cả mọi người.”
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu, người Roma cũng như khách hành hương từ nhiều nước, các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và cá nhân, các tín hữu. Ngài nói: “Tôi cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp, và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi”.