Trưa Chúa nhật 20/9/2020, như thường lệ, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền tin với khoảng 600 tín hữu, tại Quảng trường thánh Phêrô. Đức Thánh cha nhắc đến Đại hội Thánh Thể quốc tế, lẽ ra, tiến hành tại Hungary trong những ngày này, nhưng vì đại dịch, bị hoãn tới năm tới. Ngài cũng nói đến Ngày Đại học Công giáo Thánh Tâm ở Roma.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXV thường niên năm A, kể lại dụ ngôn Chúa gọi những người thợ vào làm việc trong vườn nho của Ngài qua nhiều đợt, nhưng vào cuối ngày tất cả đều được trả công như nhau. Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trang Tin mừng hôm nay (xc. Mt 20,1-16) kể lại dụ ngôn những người thợ được chủ vườn nho kêu gọi làm việc trong ngày. Qua trình thuật này, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta cách thức hành động lạ thường của Thiên Chúa, được diễn tả qua hai thái độ của ông chủ: kêu gọi và trả công.
Kêu gọi
Trước tiên là việc kêu gọi. Năm lần ông chủ vườn nho ra ngoài quảng trường và gọi người ta vào làm việc cho ông: lúc 6 giờ, 9 giờ, 12 giờ, 3 giờ và 5 giờ chiều. Thật là cảm động hình ảnh của ông chủ này, ra quảng trường nhiều lần để tìm nhân công làm việc trong vườn nho của ông. Người chủ này tượng trưng Thiên Chúa, Đấng luôn luôn kêu gọi tất cả mọi người. Ngày nay, Thiên Chúa cũng hành động như vậy: Ngài tiếp tục kêu gọi bất kỳ ai, vào bất kỳ giờ nào, để mời họ làm việc trong Nước của Ngài. Đó là kiểu của Thiên Chúa, mà chúng ta cũng được kêu gọi đón nhận và noi theo. Chúa không khép kín trong thế giới của Ngài, nhưng “ra ngoài” liên tục tìm kiếm con người, vì Chúa muốn rằng không ai bị loại trừ khỏi kế hoạch yêu thương của Ngài.
Cả các cộng đoàn chúng ta cũng được kêu gọi đi ra khỏi những thứ “biên cương” có thể có, để cống hiến cho tất cả mọi người lời cứu độ mà Chúa đến để mang lại. Đó là cởi mở đối với những chân trời cuộc sống mang lại hy vọng cho bao nhiêu người đang ở ngoại biên đời sống và chưa cảm nghiệm, hoặc đã đánh mất, sức mạnh và ánh sáng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Giáo hội cũng phải đi ra ngoài như Thiên Chúa: luôn luôn ra ngoài, và khi Giáo hội không ra ngoài, thì bị bệnh, bao nhiêu thứ bệnh mà chúng ta có trong Giáo Hội. Quả thực, khi một người đi ra ngoài thì có nguy cơ gặp tai nạn. Nhưng chẳng thà một Giáo hội gặp tai nạn vì đi ra ngoài, loan báo Tin mừng, còn hơn là một Giáo hội bị bệnh vì khép kín. Thiên Chúa luôn ra ngoài, vì Ngài là Cha, vì Ngài yêu thương. Giáo hội cũng phải làm như vậy: luôn luôn đi ra ngoài.
Trả công
Thái độ thứ hai của ông chủ, đại diện cho thái độ của Thiên Chúa, là cách thức trả công cho các công nhân. Ngài đã thỏa thuận với mỗi người “một đồng tiền” (v.2), với những công nhân được thu dụng đầu tiên vào ban sáng. Với những người vào làm sau đó, Ngài nói: “Tôi sẽ trả công cho các anh đúng đắn” (v.4). Vào cuối ngày, ông chủ vườn nho ra lệnh trả lương cho tất cả mọi người, nghĩa là một đồng tiền. Những người đã làm việc ngay từ sáng, bất mãn và than phiền chống ông chủ, nhưng ông nhấn mạnh: ông muốn trả tiền công tối đa cho mọi người, cả những người đến làm việc sau cùng” (vv. 8-15). Và ở đây người ta hiểu rằng Chúa Giêsu không nói về công việc và đồng lương xứng đáng, nhưng về Nước Thiên Chúa và lòng nhân từ của Chúa Cha trên trời.
Cách hành động công chính của Thiên Chúa
Đức Thánh cha nói: “Thực vậy, Thiên Chúa cư xử như thế: Ngài không xét thời gian và kết quả, nhưng nhìn sự sẵn sàng và quảng đại, qua đó chúng ta đặt mình phụng sự Ngài. Cách hành động của Chúa hết sức công chính, theo nghĩa đi xa hơn công bằng và được biểu lộ trong ơn thánh.
Khi ban ơn thánh cho chúng ta, Chúa rộng ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta đáng. Và vì thế, ai lý luận theo kiểu loài người, nghĩa là theo tiêu chuẩn những công trạng đạt được nhờ tài giỏi của mình, thì từ vị thế thứ nhất trở thành vị thế cuối cùng… Chúng ta hãy nhớ vị thánh đầu tiên được phong trong Giáo hội, đó là người trộm lành. Ông đã đạt được Nước Trời vào giây phút cuối cùng trong cuộc sống của ông: đó là ơn thánh. Ai tìm cách nghĩ đến công trạng của mình thì sẽ thất bại. Trái lại, ai khiêm tốn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha, thì từ chỗ chót, họ trở thành thứ nhất (xc. v. 6)”.
Và Đức Thánh cha kết luận: Xin Mẹ Maria rất thánh giúp chúng con cảm thấy mỗi ngày niềm vui và sự kinh ngạc được Thiên Chúa kêu gọi làm việc cho Ngài, trong cánh đồng là thế giới, trong vườn nho của Chúa là Giáo hội, và được phần thưởng duy nhất là tình thương của Chúa, tình bạn của Chúa Giêsu là tất cả đối với chúng con.
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói:
“Theo chương trình được đề ra trước đại dịch, trong những ngày qua, lẽ ra Đại hội Thánh Thể quốc tế được tiến hành tại Budapest, Hungary. Vì thế, tôi muốn gửi lời chào các vị chủ chăn và các tín hữu Hungary và tất cả những người chờ đợi biến cố này của Giáo hội trong niềm tin và hân hoan. Đại hội Thánh Thể được dời lại năm tới (2021), cũng từ ngày 5 đến 12 tháng 9, vẫn tại Budapest. Chúng ta hãy hiệp nhau theo dõi hành trình chuẩn bị, tìm thấy trong Thánh Thể nguồn mạch đời sống và sứ mạng của Giáo hội”.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Hôm nay, tại Italia là Ngày Đại học Công giáo Thánh Tâm. Tôi khuyến khích, nâng đỡ tổ chức văn hóa quan trọng này, được kêu gọi tiếp nối và mang lại một sức mạnh mới cho một dự án đã biết mở cửa tương lai cho nhiều thế hệ người trẻ. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là các thế hệ mới, được đào tạo về sự chăm sóc phẩm giá con người và căn nhà chung.”
Đại học này được thành lập năm 1921, với trụ sở chính tại Milano, Bắc Italia và có các chi nhánh tại bốn thành phố Brescia, Cremona, Piacenza và Roma, tất cả gồm 12 phân khoa và 7 trường cao đẳng. Tổng cộng, đại học có gần 40.000 sinh viên và 1.344 giáo sư. Riêng tại Roma, Đại học này có bệnh viện nổi tiếng Gemelli, nơi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã được điều trị nhiều lần tại đây.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương từ nhiều nước, các gia đình, nhóm giáo dân, hội đoàn và mỗi tín hữu. Ngài cầu chúc tất cả một Chúa nhật tốt đẹp và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.