Trưa Chúa nhật, ngày 03/01/2021, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin trực tuyến, từ thư viện trong Dinh Tông Tòa, vì nước Ý vẫn còn ở trong giai đoạn mười ngày giới nghiêm chống đại dịch, nên các tín hữu và khách hành hương không được tự do di chuyển.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Gioan, đọc trong thánh lễ Chúa nhật cùng ngày, nói về Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa có từ đời đời, đến trong thế gian, chia sẻ thân phận làm người của chúng ta. Từ đó, Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu hãy tín thác nơi Chúa.
Đức Thánh cha nói:
Ngôi Lời vĩnh cửu
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúa nhật thứ hai sau lễ Giáng sinh này, Lời Chúa cống hiến cho chúng ta một giai thoại trong cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng nói về Ngài trước khi Ngài sinh ra. Lời Chúa đưa chúng ta trở lại về trước để mạc khải cho chúng ta một điều về Chúa Giêsu trước khi Ngài đến giữa chúng ta. Và Lời Chúa làm điều ấy đặc biệt trong Lời tựa Tin mừng theo thánh Gioan, bắt đầu thế này: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). “Từ nguyên thủy”: đó là những lời đầu tiên của Kinh thánh, cũng những lời như thế bắt đầu trình thuật về sự sáng tạo; “Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất” (1 St 1,1). Hôm nay, Tin mừng nói rằng Đấng mà chúng ta đã chiêm ngắm trong lễ Giáng sinh của Ngài, Chúa Giêsu, đã hiện hữu trước: trước khi khởi đầu mọi sự, trước khi có vũ trụ. Ngài có trước không gian và thời gian. “Trong Ngài, có sự sống” (Ga 1.4) trước khi sự sống xuất hiện.
Ý nghĩa Ngôi Lời theo thánh Gioan
Thánh Gioan gọi Ngài là Ngôi Lời, nghĩa là Lời Nói. Thánh nhân muốn nói gì ở đây? Lời nói dùng để đả thông: ta không nói một mình, nhưng nói với một người nào đó. Giờ đây, sự việc Chúa Giêsu có ngay từ nguyên thủy, Lời có nghĩa là từ đầu Thiên Chúa muốn đả thông với chúng ta, muốn nói với chúng ta. Con duy nhất của Chúa Cha (xc. v.14) muốn nói với chúng ta vẻ đẹp được làm con cái Thiên Chúa; Ngài là “ánh sáng thật” (v.9) và muốn đưa chúng ta ra xa tối tăm của sự ác; Ngài là “sự sống” v.4) biết các sinh mạng và muốn nói với chúng ta rằng từ đời đời, Ngài đã yêu mến họ. Đó là sứ điệp tuyệt vời hôm nay: Chúa Giêsu là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, từ đời đời Chúa đã nghĩ đến chúng ta và mong muốn đả thông với chúng ta.
Lời Nhập Thể
Để làm như thế, Chúa đã đi xa hơn những lời nói. Thực vậy, nơi trọng tâm của Tin mừng hôm nay nói với chúng ta rằng Lời “nhập thể làm người và đến ở giữa chúng ta” (v.14). Ngài trở thành xác thể: tại sao thánh Gioan dùng từ ngữ “xác thể”? Phải chăng thánh nhân không thể nói một cách thanh lịch hơn, là Ngài đã trở thành người? Không, thánh nhân dùng từ xác thể vì từ này chỉ thân phận con người của chúng ta trong tất cả sự yếu đuối của nó, với trọn sự mong manh yếu nhược. Thánh nhân nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã trở nên mong manh để động chạm gần với những dòn mỏng của chúng ta. Vì thế, vì Chúa đã trở nên nhục thể, không có gì trong cuộc sống của chúng ta là xa lạ với Ngài. Không có gì Chúa coi rẻ, chúng ta có thể chia sẻ mọi sự với Ngài. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã trở thành nhục thể để nói với bạn rằng Ngài yêu thương bạn như vậy, trong sự mong manh của bạn; chính tại điểm mà bạn xấu hổ hơn cả.
Chúa đón nhận nhân tính của phàm nhân
Chúa trở nên nhục thể và không thối lui. Ngài không nhận lấy nhân tính của chúng ta như một chiếc áo, mặc vào rồi cởi ra. Không phải vậy, Ngài không tách rời khỏi nhục thể của chúng ta. Ngài không bao giờ rời bỏ nó: bây giờ và mãi mãi, Chúa ở trên trời với thân thể phàm nhân của chúng ta. Ngài kết hiệp mãi mãi với nhân tính của chúng ta, chúng ta có thể nói Ngài “cưới” thân xác ấy. Thực vậy, Tin mừng nói với chúng ta rằng Chúa đã đến ở giữa chúng ta. Ngài không đến để làm một chuyến viếng thăm chúng ta, nhưng để ở giữa chúng ta, với chúng ta. Ngài mong muốn điều gì hơn là chúng ta? Ngài muốn một sự thân mật đậm đà. Ngài muốn chúng ta chia sẻ với Ngài vui mừng và đau khổ, những ước muốn và sợ hãi, hy vọng và sầu muộn, con người và những hoàn cảnh. Chúng ta hãy thi hành điều ấy, hãy mở rộng tâm hồn cho Ngài, kể cho Ngài mọi sự. Chúng ta hãy dừng lại trong thinh lặng trước hang đá máng cỏ để nếm hưởng sự dịu dàng của Thiên Chúa trở nên gần gũi với chúng ta, trở thành nhục thể. Và không sợ hãi, chúng ta hãy mời Ngài ở với chúng ta, trong nhà chúng ta, trong gia đình, trong những dòn mỏng yếu đuối của chúng ta. Chúa sẽ đến và cuộc sống sẽ thay đổi.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Xin Mẹ Thánh của Thiên Chúa, trong đó Ngôi Lời nhập thể, giúp chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Ngài đang gõ cửa tâm hồn để ở với chúng ta”.
Chào thăm và mời gọi
Sau khi đọc Kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha chào thăm mọi người tham dự buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông và ngài tái gửi lời chúc mừng năm mới cho các tín hữu, đồng thời khích lệ cùng nhau làm việc kiến tạo công ích cho tất cả mọi người, chăm sóc lẫn nhau. Đức Thánh cha đặc biệt cảnh giác chống lại thái độ bi quan, cam chịu, coi những khó khăn như một định mệnh không thể kháng cự được. Cần cùng nhau lo cho công ích, đặt những người yếu thế ở trung tâm. Chúng ta không biết những gì chờ đợi chúng ta trong năm 2021 này, nhưng điều chúng ta có thể làm là cùng nhau dấn thân chăm sóc nhau.
Đức Thánh cha kêu gọi đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình. Có những nước tiếp tục gây chiến tranh với nhau để thủ lợi. Và tôi cũng đọc thấy trên báo tin này làm cho tôi rất buồn: để tránh tình trạng bị lockdown, giới nghiêm, họ đã dùng 40 máy bay để đi nghỉ hè ở nơi khác, họ không nghĩ đến những người phải ở lại nhà, với những vấn đề kinh tế, các bệnh nhân, mà chỉ nghĩ đến việc đi nghỉ, thoải mái, giải trí.
Đức Thánh cha đặc biệt chào những người bắt đầu năm mới với nhiều khó khăn, những người thất nghiệp, và nói: Tôi thân ái chào tất cả các gia đình, đặc biệt những gia đình có con nhỏ, hoặc có con sắp sinh ra. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người và cầu chúc anh chị em một Chúa nhật tốt đẹp.