
Vatican News
Đức Hồng y Farrell đã loan báo:
Anh chị em thân mến,
với nỗi đau sâu sắc, tôi phải thông báo về sự qua đời của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Lúc 7 giờ 35 sáng nay, Giám mục Roma, Phanxicô, đã trở về nhà Cha.
Cả cuộc đời ngài đã được hiến dâng để phục vụ Chúa và Hội Thánh của Người.
Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị Tin Mừng với lòng trung tín, can đảm và tình yêu phổ quát, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề.
Với lòng biết ơn sâu xa vì gương sáng của ngài như một môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, chúng ta phó thác linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô cho tình yêu thương xót vô biên của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Giáo hoàng Francis vừa qua đời ở tuổi 88, theo thông tin từ Tòa thánh Vatican.
Thông báo chính thức từ Vatican cho hay: “Lúc 7 giờ 35 sáng nay (giờ địa phương, tức 12 giờ 35 tại Việt Nam, ngày 21/4), Đức Giám mục Roma Francis đã trở về nhà của Cha. Cả cuộc đời ngài đã hiến dâng để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội của Người.”
Triều đại của Giáo hoàng Francis đánh dấu nhiều điều đầu tiên. Dù không ngừng đưa ra các cải cách cho Giáo hội Công giáo, ông vẫn được những người theo chủ nghĩa truyền thống yêu mến.
Ông là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ hoặc Nam bán cầu. Kể từ khi Giáo hoàng Gregory III, người gốc Syria, qua đời năm 741, chưa từng có một Giám mục Rome nào không phải người châu Âu.
Ông cũng là người dòng Tên đầu tiên được bầu vào ngai Thánh Peter – dòng Tên trong quá khứ từng bị Rome nghi ngờ.

Người tiền nhiệm của ông, Giáo hoàng Benedict XVI, là vị giáo hoàng đầu tiên tự nguyện thoái vị trong gần 600 năm, và trong gần một thập kỷ, Vườn Vatican đã chứng kiến sự hiện diện của hai vị giáo hoàng.
Trước đó ông là Hồng y Bergoglio của Argentina, và khi trở thành Giáo hoàng vào năm 2013, ông đã hơn 70 tuổi.
Nhiều người Công giáo từng cho rằng vị giáo hoàng mới sẽ là một người trẻ tuổi hơn.
Bergoglio tự giới thiệu mình như một ứng cử viên thỏa hiệp: thu hút những người bảo thủ với quan điểm chính thống về các vấn đề tình dục, đồng thời thu hút những người cải cách với lập trường tự do về công bằng xã hội.
Người ta hy vọng xuất thân không chính thống của ông sẽ giúp trẻ hóa Vatican và tái tạo sứ mệnh thiêng liêng của tòa thánh này.
Tuy nhiên, trong bộ máy quan liêu của Vatican, một số nỗ lực cải cách của Giáo hoàng Francis đã gặp phải sự kháng cự, và người tiền nhiệm của ông, đã qua đời năm 2022, vẫn được những người theo chủ nghĩa truyền thống yêu mến.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Quyết tâm tạo sự khác biệt
Ngay từ khi được bầu chọn, Giáo hoàng Francis đã thể hiện ông sẽ hành động khác biệt. Ông tiếp đón các hồng y một cách thân mật và đứng dậy thay vì ngồi trên ngai giáo hoàng.
Vào ngày 13/3/2013, Giáo hoàng Francis xuất hiện trên ban công nhìn ra Quảng trường Thánh Peter.
Chỉ mặc chiếc áo trắng giản dị, ông mang một danh hiệu mới nhằm tôn vinh Thánh Francis thành Assisi, nhà thuyết giáo và người yêu động vật của thế kỷ 13.
Ông quyết tâm đề cao sự khiêm nhường hơn là sự phô trương và lộng lẫy. Ông tránh dùng xe limousine của giáo hoàng và khăng khăng đòi đi chung xe buýt với các hồng y khác về nhà.
Vị giáo hoàng mới đã đặt ra một sứ mệnh đạo đức cho 1,2 tỷ tín đồ. Ông nói: “Ôi, tôi muốn một Giáo hội nghèo và vì người nghèo biết nhường nào!”

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Jorge Mario Bergoglio sinh ra tại Buenos Aires, Argentina, vào ngày 17/12/1936 – là con cả trong gia đình có năm người con. Cha mẹ ông đã chạy trốn khỏi quê hương Ý để thoát khỏi sự tàn ác của chủ nghĩa phát xít.
Ông thích nhảy tango và trở thành người hâm mộ câu lạc bộ bóng đá địa phương San Lorenzo.
Ông may mắn thoát chết sau một cơn viêm phổi nghiêm trọng, trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi. Điều đó khiến ông dễ bị nhiễm trùng trong suốt cuộc đời.
Khi đã luống tuổi, ông cũng bị đau ở đầu gối phải, điều mà ông mô tả là “sự sỉ nhục về thể chất”.

Nguồn hình ảnh, Gia đình nhân vật
Bergoglio thời trẻ từng làm người gác cổng hộp đêm và người quét sàn, trước khi tốt nghiệp ngành hóa học.
Tại một nhà máy địa phương, ông đã hoạt động chặt chẽ với Esther Ballestrino, nhà vận động chống lại chế độ độc tài quân sự Argentina. Bà đã bị tra tấn, thi thể của bà không bao giờ được tìm thấy.
Ông đã trở thành một tu sĩ dòng Tên, nghiên cứu triết học và dạy văn học và tâm lý học. Được thụ phong một thập kỷ sau đó, ông đã nhanh chóng thăng chức, trở thành bề trên giám tỉnh của Argentina vào năm 1973.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Những cáo buộc
Một số người cảm thấy ông đã không hành động đủ để chống lại các tướng lĩnh của chế độ quân sự tàn bạo ở Argentina.
Ông bị cáo buộc liên quan đến vụ quân đội bắt cóc hai linh mục trong Chiến tranh Bẩn thỉu ở Argentina, một giai đoạn mà hàng ngàn người đã bị tra tấn, giết hại hoặc mất tích từ năm 1976 đến năm 1983.
Hai linh mục bị tra tấn nhưng cuối cùng được tìm thấy còn sống – bị chuốc thuốc an thần nặng và gần như khỏa thân.
Bergoglio bị cáo buộc không thông báo cho chính quyền rằng công việc của họ ở các khu dân cư nghèo đã được Giáo hội hậu thuẫn. Nếu điều này là đúng, thì ông đã bỏ mặc họ cho các đội tử thần. Ông đã thẳng thừng phủ nhận cáo buộc này, khẳng định rằng ông đã làm việc sau hậu trường để giải thoát họ.
Khi được hỏi tại sao ông không lên tiếng, ông được cho là đã nói rằng điều đó quá khó khăn. Sự thật là, ở tuổi 36, ông thấy mình rơi vào một tình huống hỗn loạn mà ngay cả những nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm nhất cũng phải khổ sở. Chắc chắn, ông đã giúp đỡ nhiều người tìm cách trốn khỏi đất nước.
Ông cũng có những bất đồng với các tu sĩ dòng Tên khác, những người cho rằng Bergoglio thiếu quan tâm đến thần học giải phóng – sự kết hợp giữa tư tưởng Kitô giáo và xã hội học Mác-xít nhằm lật đổ bất công. Ngược lại, ông thích một hình thức hỗ trợ mục vụ nhẹ nhàng hơn.
Đôi khi, mối quan hệ gần như trở nên xa cách. Khi ông lần đầu tiên tìm cách trở thành Giáo hoàng vào năm 2005, một số tu sĩ dòng Tên đã thở phào nhẹ nhõm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Người đàn ông bình dị
Năm 1992, ông được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Buenos Aires và sau đó trở thành tổng giám mục.
Giáo hoàng John Paul II phong ông làm hồng y vào năm 2001 và ông đảm nhận các chức vụ trong bộ máy hành chính của Giáo hội, Giáo triều Rome.
Ông xây dựng danh tiếng là một người có lối sống giản dị, tránh xa nhiều sự hào nhoáng của một giáo sĩ cấp cao. Ông thường bay hạng phổ thông và thích mặc áo choàng đen của linh mục hơn là áo đỏ và tím của chức vụ mới.
Trong các bài giảng của mình, ông kêu gọi sự hòa nhập xã hội và chỉ trích các chính phủ không quan tâm đến những người nghèo nhất trong xã hội.
“Chúng ta đang sống ở nơi bất bình đẳng nhất trên thế giới,” ông nói, “nơi phát triển nhất, nhưng lại giảm khổ đau ít nhất.”
Với tư cách là giáo hoàng, ông đã nỗ lực rất lớn để hàn gắn mối rạn nứt kéo dài hàng ngàn năm với Giáo hội Chính thống Đông phương. Để ghi nhận điều này, lần đầu tiên kể từ cuộc Đại Ly giáo năm 1054, Thượng phụ Constantinople đã tham dự lễ nhậm chức của một giám mục Rome mới.

Nguồn hình ảnh, Reuters
Giáo hoàng Francis đã hợp tác với các giáo phái Anh giáo, Luther và Giám lý, đồng thời thuyết phục tổng thống Israel và Palestine cùng ông cầu nguyện cho hòa bình.
Sau các cuộc tấn công của các binh sĩ Hồi giáo, ông nói rằng việc đồng nhất Hồi giáo với bạo lực là không đúng. “Nếu tôi nói về bạo lực Hồi giáo, thì tôi cũng phải nói về bạo lực Công giáo,” ông tuyên bố.
Về mặt chính trị, ông đồng tình với tuyên bố của chính phủ Argentina đối với quần đảo Falkland, khi nói trong một buổi lễ:
“Chúng ta đến cầu nguyện cho những người đã ngã xuống, những người con của quê hương đã lên đường bảo vệ mẹ của họ, quê hương, để đòi lại đất nước thuộc về họ.”
Và với tư cách là một người Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha, ông đã đóng vai trò quan trọng của một nhà hòa giải khi chính phủ Mỹ hướng đến xích lại gần hơn với Cuba. Thật khó để tưởng tượng một Giáo hoàng châu Âu đóng một vai trò ngoại giao quan trọng như vậy.

Nguồn hình ảnh, Reuters
Người theo chủ nghĩa truyền thống
Về nhiều giáo lý của Giáo hội, Giáo hoàng Francis là một người theo chủ nghĩa truyền thống.
Theo Đức ông Osvaldo Musto, người từng học chủng viện cùng giáo hoàng, ông “cũng kiên quyết như Giáo hoàng John Paul II… về vấn đề trợ tử, án tử hình, phá thai, quyền sống, nhân quyền và sự độc thân của các linh mục”.
Ông nói rằng Giáo hội nên chào đón mọi người bất kể xu hướng tính dục của họ, nhưng khẳng định việc nhận con nuôi đồng tính là một hình thức phân biệt đối xử với trẻ em.
Ông có những lời lẽ ấm áp ủng hộ một số hình thức giao kết dân sự cho các cặp đồng tính, nhưng giáo hoàng không ủng hộ việc gọi đó là hôn nhân. Ông nói rằng điều này sẽ là “một nỗ lực phá hủy kế hoạch của Chúa”.
Ngay sau khi trở thành giáo hoàng vào năm 2013, ông đã tham gia một cuộc tuần hành chống phá thai ở Rome – kêu gọi quyền của thai nhi “từ thời điểm thụ thai”.
Ông kêu gọi các bác sĩ phụ khoa đánh thức lương tâm của mình và gửi một thông điệp đến Ireland – khi nước này tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này – khẩn khoản kêu gọi người dân ở đó bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Ông phản đối việc phong chức cho phụ nữ, tuyên bố rằng Giáo hoàng John Paul II đã một lần và mãi mãi loại trừ khả năng này.
Và dù ban đầu dường ông như cho phép việc sử dụng biện pháp tránh thai để ngăn ngừa bệnh, nhưng ông đã ca ngợi giáo lý của Paul VI về vấn đề này – giáo lý cảnh báo rằng điều đó có thể biến phụ nữ thành công cụ thỏa mãn của nam giới.
Năm 2015, Giáo hoàng Francis nói với đám đông ở Philippines rằng các biện pháp tránh thai liên quan đến “sự phá hủy gia đình thông qua việc tước đoạt con cái”. Ông không coi việc không có con là điều gây tổn hại đến vậy, mà là quyết định cố ý tránh có con.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Giải quyết nạn lạm dụng trẻ em
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với chức giáo hoàng của ông lại đến từ hai mặt trận: từ những người cáo buộc ngài không giải quyết được nạn lạm dụng trẻ em và từ những nhà phê bình bảo thủ cho rằng ông đang làm loãng đức tin. Đặc biệt, họ nghĩ đến động thái của ông trong việc cho phép những người Công giáo đã ly hôn và tái hôn được rước lễ.
Những người bảo thủ cũng coi vấn đề lạm dụng trẻ em là một vũ khí trong chiến dịch kéo dài của họ.
Vào tháng 8/2018, Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ thần Tòa thánh tại Mỹ, đã công bố một tuyên bố chiến tranh dài 11 trang. Ông đã công bố một lá thư mô tả một loạt các cảnh báo được gửi đến Vatican về hành vi của một cựu hồng y, Thomas McCarrick.
Người ta cáo buộc rằng McCarrick là kẻ lạm dụng hàng loạt, tấn công cả người lớn và trẻ vị thành niên. Tổng Giám mục Viganò nói giáo hoàng đã phong cho McCarrick làm “cố vấn đáng tin cậy” mặc dù biết rằng ông ta đã bị tha hóa sâu sắc. Ông Viganò đưa ra một giải pháp đã rõ ràng: Giáo hoàng Francis nên từ chức.
“Những mạng lưới đồng tính này,” vị tổng giám mục tuyên bố, “hoạt động dưới sự che giấu bí mật và nói dối với sức mạnh của xúc tu bạch tuộc… và đang bóp nghẹt toàn bộ Giáo hội.”
Cuộc cãi vã sau đó đe dọa nhấn chìm Giáo hội. McCarrick cuối cùng đã bị tước chức vào tháng 2/2019 sau một cuộc điều tra của Vatican.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Trong đại dịch Covid, Giáo hoàng Francis đã hủy bỏ các buổi xuất hiện thường lệ tại Quảng trường Thánh Peter để ngăn chặn virus lây lan. Trong một ví dụ quan trọng về lãnh đạo đạo đức, ông cũng tuyên bố việc tiêm phòng là nghĩa vụ phổ quát.
Năm 2022, sau khi Giáo hoàng Benedict qua đời ở tuổi 95, ông trở thành Giáo hoàng đầu tiên trong hơn một thế kỷ chôn cất người tiền nhiệm của mình.
Lúc này, ông cũng gặp các vấn đề sức khỏe riêng – với một vài lần nhập viện. Nhưng Giáo hoàng Francis vẫn quyết tâm tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình toàn cầu và đối thoại liên tôn giáo.
Năm 2023, ông thực hiện cuộc hành hương đến Nam Sudan, đề nghị các nhà lãnh đạo đất nước chấm dứt xung đột.
Ông kêu gọi chấm dứt “cuộc chiến tranh phi lý và tàn khốc” ở Ukraine, mặc dù ông đã khiến người Ukraine thất vọng khi dường như chấp nhận thông điệp tuyên truyền của Nga rằng họ bị khiêu khích dẫn đến cuộc xâm lược.
Và một năm sau, ông bắt đầu một cuộc hành trình đầy tham vọng đến bốn quốc gia, hai châu lục; với các điểm dừng chân ở Indonesia, Papua New Guinea và Singapore.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Jorge Mario Bergoglio lên ngai Thánh Peter với quyết tâm đem đến sự thay đổi.
Sẽ có một số người thích một nhà lãnh đạo tự do hơn, và những người chỉ trích sẽ chỉ ra điểm yếu dễ nhận thấy của ông trong việc đối đầu với di sản lạm dụng tình dục của giáo sĩ.
Nhưng ông đã thay đổi điều đó.
Ông đã bổ nhiệm hơn 140 hồng y từ các quốc gia ngoài châu Âu và để lại cho người kế nhiệm một Giáo hội có tầm nhìn toàn cầu hơn nhiều so với Giáo hội mà ông thừa hưởng.
Và, để làm gương, ông là giáo hoàng giản dị đã chọn không sống trong Điện Tông đồ của Vatican – bao gồm cả Nhà nguyện Sistine – mà ở trong tòa nhà hiện đại bên cạnh (mà Giáo hoàng John Paul II đã xây dựng làm nhà khách).
Ông tin rằng bất cứ điều gì khác đều là phù phiếm. “Hãy nhìn con công,” ông nói, “nó đẹp nếu bạn nhìn từ phía trước. Nhưng nếu bạn nhìn từ phía sau, bạn sẽ khám phá ra sự thật.”
Ông cũng hy vọng mình có thể làm rung chuyển chính thể chế này, nâng cao sứ mệnh lịch sử của Giáo hội bằng cách cắt giảm xung đột nội bộ, tập trung vào người nghèo và đưa Giáo hội trở về với mọi người.
“Chúng ta cần tránh căn bệnh tâm linh của một Giáo hội bị cuốn vào thế giới riêng của mình,” ông nói ngay sau khi đắc cử.
“Nếu phải chọn giữa một Giáo hội bị thương nhưng dấn thân vào cuộc sống và một Giáo hội ốm yếu, khép kín, tôi sẽ chọn cái trước.”