Lúc 10 giờ, sáng Chúa nhật 24/1/2021, cũng là Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ hai, lẽ ra Đức Thánh cha Phanxicô chủ sự thánh lễ này, nhưng vì ngài lại đau thần kinh tọa, như hồi đầu năm Dương lịch vừa rồi, nên không chủ tế thánh lễ được. Đức Thánh cha cũng phải hoãn lại cuộc gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, dự kiến vào sáng thứ Hai, 25/1 này. Còn việc chủ sự Kinh Chiều cùng ngày, bế mạc tuần hiệp nhất các tín hữu Kitô, tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, sẽ được Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, thay thế.
Thay thế Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa là Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng. Tổng giám mục năm nay 70 tuổi (1951), nguyên là giám mục Phụ tá giáo phận Roma, rồi làm Viện trưởng Giáo hoàng Đại học Laterano ở Roma. Năm 2010, ngài được Đức Thánh cha Biển Đức XVI bổ nhiệm làm Chủ tịch tiên khởi của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin mừng.
Thánh lễ
Chúa Nhật Lời Chúa năm nay có chủ đề rút từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu thành Philiphê: “Anh chị em hãy nâng cao Lời Sự Sống!” (Pl 2,16).
Đức Tổng giám mục Fisichella chủ sự thánh lễ tại Bàn thờ Ngai tòa trong Đền thờ thánh Phêrô, cùng với các linh mục thuộc quyền trong Hội đồng.
Vì đại dịch vẫn còn hoành hành, nên số tín hữu tham dự thánh lễ bị giới hạn vào khoảng 100 người, theo các qui luật hiện hành về y tế. Tuy nhiên, thánh lễ được đài truyền hình RAI của Italia và tất cả các đài truyền hình Công giáo trên thế giới nối với Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, cũng như được truyền qua trang mạng của Vaticannews.
Đặc biệt, trong phần công bố Lời Chúa, các bài đọc lần lượt do tài tử Pierfranco Favino, một ký giả đài RAI và một người mù đọc bằng chữ Braille. Tiếp đến, có nghi thức đặt Lời Chúa lên một ngai nhỏ và từ đó Tin mừng được công bố, để nêu bật vị trí trung tâm của Lời Chúa trong cộng đoàn. Ngai này cũng đã được dùng trong các khóa họp của Công đồng chung Vatican II.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Đức Tổng giám mục Fisichella đã tuyên đọc bài giảng của Đức Thánh cha bắt đầu bằng câu: “Chúa nhật Lời Chúa này, chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu loan báo Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy xem Chúa nói gì và nói với ai”.
Chúa nói gì?
Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Thời gian đã mãn và nước Thiên Chúa gần kề” (Mc 1,15). Từ câu này, Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa gần kề. Đó là sứ điệp đầu tiên. Chúa Giêsu đã xuống thế, Thiên Chúa rất gần chúng ta. Đó là nòng cốt sứ điệp của Chúa. Trước mọi sự khác, cần tin và loan báo rằng Thiên Chúa đã đến gần chúng ta. Chúng ta được ân xá, được thương xót. Trước mọi lời nói của chúng ta về Thiên Chúa, có Lời Chúa nói với chúng ta, Người luôn nói với chúng ta rằng “Con đừng sợ. Ta ở với con. Ta đang và sẽ ở gần con”.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Lời Chúa giúp chúng ta động chạm cụ thể sự gần gũi ấy. Đó là linh dược chống lại sự lo sợ cô đơn trước cuộc sống. Thực vậy, qua lời Ngài, Chúa an ủi, consola, nghĩa là ở với người cô độc (con-sola). Khi nói với chúng ta, Chúa nhắc nhở rằng chúng ta ở trong con tim của Ngài, quí giá trước mắt Ngài, được giữ trong bàn tay của Ngài.
“Lời Chúa thông truyền an bình ấy, nhưng không để yên. Đó là Lời an ủi, nhưng cũng là lời hoán cải. Thực vậy, ngay sau khi loan báo sự gần gũi của Chúa, Chúa Giêsu nói ngay: “Anh chị em hãy hoán cải”. Lý do vì với sự gần gũi của Ngài, chấm dứt thời kỳ cách biệt với Thiên Chúa và tha nhân, chấm dứt thời kỳ mỗi người chỉ nghĩ đến mình và mạnh ai nấy đi riêng. Làm như vậy là không hợp tinh thần Kitô, vì ai cảm nghiệm được sự gần gũi của Thiên Chúa, thì không thể xa cách tha nhân, không thể đẩy xa họ trong thái độ dửng dưng. Theo nghĩa đó, ai quen thuộc với Lời Chúa thì nhận được một sự đảo lộn lành mạnh trong cuộc sống: họ khám phá thấy rằng cuộc sống không phải là để tránh người khác và bảo vệ bản thân, nhưng là dịp đi gặp gỡ tha nhân, nhân danh Thiên Chúa gần gũi. Vì thế, Lời Chúa, khi được gieo vãi trong thửa đất tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta gieo vãi hy vọng qua sự gần gũi, giống như Thiên Chúa đang làm cho chúng ta”.
Chúa Giêsu nói với ai?
Đức Thánh cha giải thích rằng Chúa nói trước tiên với những người thuyền chài xứ Galilea. Họ là những người đơn sơ chất phác, sống bằng công việc vất vả ngày đêm của họ… Họ cư ngụ trong một vùng gồm những dân tứ chiếng, bộ tộc và tôn giáo, là nơi xa cách sự tinh tuyền tôn giáo ở Jerusalem. Nhưng Chúa bắt đầu từ đó, từ ngoại ô chứ không từ trung tâm. Chúa làm như vậy cũng để nói với chúng ta rằng không có ai ở ngoài rìa con tim của Thiên Chúa. Tất cả đều có thể nhận được Lời Chúa và đích thân gặp gỡ Ngài.
Đức Thánh cha cũng nêu nhận xét: Thánh Gioan Tẩy giả đón nhận dân chúng trong nơi hoang địa, nơi mà chỉ có những người có thể bỏ nơi họ sinh sống mới đến được. Trái lại, Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa giữa lòng xã hội, nói với mọi người tại nơi họ sống. Ngài không nói vào giờ giấc và thời điểm đã được ấn định. Đó là sức mạnh đại đồng của Lời Chúa, đi tới tất cả mọi người trong mọi môi trường của cuộc sống.
Nhưng lời Chúa cũng có một sức mạnh đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp trên mỗi người… Chúa nói với những người nghe Ngài: Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những người “đánh cá người” (v.17). Chúa không thu hút họ bằng những diễn văn cao siêu, nhưng nói với cuộc sống thuyền chài của họ rằng họ sẽ trở thành những người đánh cá người… Với thời gian, dần dần họ hiểu rằng sống bằng nghề đánh cá không đáng kể gì, nhưng ra khơi theo Lời Chúa Giêsu, đó là bí quyết niềm vui.
Và Đức Thánh cha áp dụng: “Chúa cũng làm như vậy đối với chúng ta: Ngài tìm kiếm chúng ta tại nơi chúng ta sống, yêu thương chúng ta như thực chất của chúng ta, và Ngài kiên nhẫn đồng hành với chúng ta. Giống như những ngư phủ thời đó, Chúa chờ đợi chúng ta bên bờ cuộc sống. Với Lời của Ngài, Chúa muốn làm cho chúng ta đổi hướng, để chúng ta khỏi sống vật vờ, nhưng ra khơi theo Ngài”.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta đừng từ bỏ Lời Chúa. Đó là lá thư tình được viết cho chúng ta, do Đấng biết rõ chúng ta hơn ai hết: khi đọc lá thư ấy, chúng ta lại nghe được tiếng Chúa, nhận thấy khuôn mặt, nhận được Thần Trí của Ngài. Lời Chúa làm cho chúng ta gần gũi Thiên Chúa: chúng ta đừng để Lời Chúa ở xa chúng ta. Hãy luôn mang theo chúng ta, trong túi, trong điện thoại; hãy dành cho Lời Chúa một chỗ xứng đáng trong nhà chúng ta. Hãy đặt sách Tin mừng tại một nơi mà chúng ta nhớ mở ra hằng ngày, ước gì vào đầu và cuối mỗi ngày, như vậy giữa bao nhiêu lời truyền đến tai chúng ta, có những câu Lời Chúa đến tâm hồn chúng ta. Để làm như thế, chúng ta hãy xin Chúa ban sức mạnh để tắt Tivi và mở sách Kinh thánh; tắt điện thoại di động và mở sách Tin mừng. Trong năm phụng vụ này, chúng ta đọc Tin mừng theo thánh Marco, ngắn nhất và đơn sơ nhất. Tại sao chúng ta không đọc Tin mừng này, kể cả việc đọc một mình? Việc đọc này sẽ làm cho chúng ta cảm thấy Chúa ở gần kề và ban cho chúng ta can đảm tiến bước trong cuộc sống”.
Cuối thánh lễ, lúc quá 11 giờ, Đức Tổng giám mục Fisichella đã trao cho một số người ấn bản Kinh thánh đặc biệt được ấn hành vào dịp này. Họ đại diện cho một số tầng lớp trong Dân Chúa, trong đó có cầu thủ Lorenzo Pellegrini thuộc đội bóng AS Roma, cùng với gia đình, một nữ sinh viên người Pakistan, thuộc Giáo hoàng Học viện Kinh thánh ở Roma, một nam và một nữ giáo lý viên phục vụ tại hai giáo xứ ở Roma, hai người trẻ mới chịu phép thêm sức, một chủng sinh người Nam Sudan đang chuẩn bị lãnh thừa tác vụ đọc sách, giáo sư bác sĩ Massimo Andreoni, chuyên về bệnh truyền nhiễm, thuộc Đại học Tor Vergata ở Roma, sau cùng là một người mù được trao cuốn Tin mừng theo thánh Marco bằng chữ Braille.