Theo hãng tin Puls Biznesu, trong một lá thư gửi đến Thủ tướng Mateusz Morawiecki, Đức tổng giám mục Gądecki nói rằng các đề xuất của chính phủ về cải cách thuế đã không được các giáo sĩ hoan nghênh đón nhận.
Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục nói thêm: “Tôi rất tiếc phải tuyên bố rằng, thực tế là đề xuất liên quan đến tình hình pháp lý của các giáo sĩ, cả Giáo hội Công giáo và các hiệp hội tôn giáo khác, đều không được đưa vào trong số hàng chục thực thể mà chính phủ đã tổ chức tham vấn công khai”. Ngài lưu ý rằng, theo điều ước năm 1993 giữa Vatican và Ba Lan, chính phủ Ba Lan nên tham khảo ý kiến của Giáo hội về bất kỳ thay đổi lập pháp nào ảnh hưởng đến tình trạng vật chất của Giáo hội.
Đầu năm nay chính phủ Ba Lan đã đưa ra “Thỏa thuận Ba Lan”; đó là một loạt các chính sách sẽ cung cấp nhiều phúc lợi xã hội hơn và thúc đẩy đầu tư, nhưng cũng tăng thuế đối với một số nhóm.
Các linh mục sẽ phải trả các khoản đóng góp cao hơn vì không còn có thể khấu trừ bảo hiểm y tế từ bảng thuế của họ; do đó tiền thuế của họ có thể sẽ tăng lên 7,75%. Các giáo sĩ hiện phải trả thuế một lần, giống như các doanh nghiệp nhỏ và thợ thủ công.
Thư của Đức cha Gądecki gửi thủ tướng có ý kiến pháp lý từ cha Piotr Stanisz, giáo sư luật tại Đại học Công giáo Lublin (KUL). Cha Stanisz đề xuất rằng các khoản đóng góp chăm sóc sức khỏe cao hơn có thể được trả từ Quỹ Giáo hội, một quỹ do nhà nước tài trợ nhắm cung cấp tiền để hỗ trợ các giáo sĩ Công giáo và một số hoạt động liên quan đến Giáo hội.
Theo chính phủ Ba Lan, Thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho hầu hết người Ba Lan và việc tăng thuế sẽ chỉ ảnh hưởng đến những người có đủ khả năng chi trả. Thủ tướng Ba Lan nói rằng “Thỏa thuận Ba Lan là cách của chúng tôi để xây dựng một nhà nước phúc lợi”; ông nói thêm rằng gói này sẽ đưa Ba Lan vào “con đường dẫn đến mức sống châu Âu” và tạo cho nước này “cơ hội quảng bá nền văn minh lên hạng đầu tiên của châu Âu”.
Nhưng vấn đề này đã gây ra xung đột chính trị ngày càng gia tăng. Đầu tháng này, liên minh cầm quyền đã sụp đổ sau khi một đối tác cấp dưới rời đi sau những lời chỉ trích về các loại thuế mới, mà họ cho rằng sẽ “đánh vào hàng triệu người Ba Lan làm việc chăm chỉ”.
Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy người Ba Lan ngày càng trở nên phản đối địa vị đặc quyền của Giáo hội Công giáo trong quan hệ với nhà nước. Đầu năm nay, một đảng đối lập, Ba Lan 2050 (Polska 2050), đưa ra các đề xuất chấm dứt mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước. Điều này sẽ bao gồm việc bãi bỏ Quỹ Giáo hội và giảm bớt sự kiểm soát của giám mục đối với việc giảng dạy tôn giáo trong các trường công lập. (NFP 23/08/2021)