Vatican News
Dữ liệu phản ánh tư cách thành viên của hai Giáo hội Kitô giáo chính với tư cách là các đoàn thể công, theo ghi nhận của văn phòng đăng ký cư dân. Trong khi đó, số lượng người Hồi giáo ở Đức không được ghi nhận trong các cơ quan đăng ký vì Hồi giáo không phải là một đoàn thể công. Tuy nhiên, người ta ước tính có 4 đến 5 triệu người Hồi giáo ở Đức. Tổng dân số ở Đức khoảng 83 triệu người, hiện là quốc gia đông dân nhất châu Âu.
Theo phân tích của giáo sư xã hội học Michael Hermann tại Đại học Sư phạm Weingarten (Đức), có hai lý do giải thích tỷ lệ tín hữu của hai Giáo hội chính so với tổng dân số vốn đang giảm: thứ nhất, tỷ lệ sinh giảm và thứ hai, việc tín hữu rời bỏ các Giáo hội. Trên thực tế, ở Đức, các tín hữu có thể tuyên bố rời khỏi Giáo hội trước chính quyền nhà nước.
Theo dữ liệu của Giáo hội, trong năm ngoái 2023, 402.000 người Công giáo và 387.000 người Tin lành đã thực hiện bước này. Vào năm 2022, con số thậm chí còn lớn hơn. Nhìn chung, có nhiều người rời bỏ hoặc chết hơn là con số gia nhập Giáo hội. Cho đến nay, lý do phổ biến nhất được đưa ra bởi những người rời đi là cuộc khủng hoảng lạm dụng trong các Giáo hội. Trong khi đó, một lần nữa theo các cuộc điều tra, cái gọi là thuế tôn giáo, tức là phí thành viên mà Nhà nước thu thay mặt cho các Giáo hội, chỉ là lý do rất yếu để rời bỏ. Ở Đức, thuế tôn giáo lên tới 8% thuế thu nhập cá nhân của các thành viên.
Tuy nhiên, xã hội học tôn giáo ở Đức cũng cho thấy rằng xu hướng tôn giáo của người dân không giảm sút ở mức độ tương tự. Nhiều người rời bỏ Giáo hội vẫn tiếp tục xưng mình là Kitô hữu và thực hành đức tin của mình. Nhìn chung, người ta đang chứng kiến ở Đức sự đa dạng hóa bức tranh toàn cảnh tôn giáo, điều này cũng được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều cộng đồng Kitô giáo tự do, không liên kết với hai Giáo hội lớn.
Theo những kết quả này, sự thế tục hóa, đa nguyên hóa và cá nhân hóa sẽ tiếp tục phát triển ở Đức. Thách thức đối với các Giáo hội Công giáo và Tin lành ở Đức sẽ là làm thế nào để tài trợ cho các hoạt động mục vụ và từ thiện của họ trong những điều kiện này. Trong trung và dài hạn, nhiều giáo phận ở Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngân sách. Điều này cũng sẽ có tác động đến diện mạo của Giáo hội Công giáo. Ngay từ năm 1969, Joseph Ratzinger, người sau này là Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, đã nói trong bối cảnh này về một “Giáo hội của những người bé mọn” được nội tâm hoá và một “Giáo hội của đức tin”, nghĩa là một Giáo hội được hợp thành từ một số ít của những người dấn thân đặc biệt.