Giáo hội Pháp kết thúc tiến trình Thượng Hội đồng giai đoạn quốc gia

  Ngày 15/6/2022, Giáo hội Pháp đã kết thúc giai đoạn quốc gia của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành. Kết thúc khoá họp ngoại thường kéo dài hai ngày tại Lyon, trước sự hiện diện của các giáo dân, tu sĩ, các Giám mục đã bỏ phiếu thông qua một lá thư đi kèm với bản đúc kết nguyện vọng của nhiều tín hữu. Hai tài liệu, bản đúc kết và lá thư, sẽ được gửi đến Roma.
 

Hồng Thủy – Vatican News

Đã có khoảng 150 ngàn tín hữu Pháp tham gia đóng góp ý kiến kể từ khi Thượng Hội đồng giai đoạn quốc gia được bắt đầu từ tháng 10/2021.

Thư của các giám mục

Thư của các giám mục xác định một số định hướng ưu tiên: nói rõ hơn chiều kích nhân bản của Giáo hội với bản chất bí tích của Giáo hội; chú ý đến những đau khổ và mong đợi của phụ nữ trong Giáo hội; lắng nghe những băn khoăn của các linh mục trong sứ vụ của họ; và cuối cùng xem xét những lý do tại sao vẫn còn tái diễn những căng thẳng trong phụng vụ.

Tài liệu lưu ý rằng tiến trình hiệp hành chưa đến được với mọi thành phần dân Chúa trong sự đa dạng của họ, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người trẻ tuổi; đồng thời nhắc lại niềm hy vọng thấy việc hiệp hành trở thành nếp sống thông thường của Giáo Hội. Tài liệu mời gọi các cộng đồng gần gũi với những người bé nhỏ và nghèo khổ nhất, tôn trọng sự đa dạng hoặc bổ sung của các sứ vụ, đặc sủng và ân sủng.

Thư của các giám mục ghi nhận việc một số chủ đề thực tế không được đề ra trong tài liệu, ví dụ như việc truyền giáo, chứng tá của các Kitô hữu về các vấn đề xã hội, sinh thái hoặc liên đới quốc tế, cũng như vấn đề gia đình là nơi học hỏi của tình huynh đệ đã không được đề cập đến. Tài liệu tiếc rằng một số điểm phong phú thiêng liêng của Kitô giáo như các bí tích, đời sống thánh hiến, đời sống độc thân của các linh mục, chức phó tế… thường bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Bản tổng hợp tham vấn

Bản đúc kết được một uỷ ban toàn quốc soạn thảo dựa trên các bản tổng hợp của các giáo phận, và được công bố cách đây một tuần. Nó đã mô tả tình hình của Giáo hội ở Pháp và đưa ra những cách thế cụ thể để cải tổ.

Nó đặc biệt bao gồm khát vọng sâu xa về một Giáo hội huynh đệ hơn, và hướng đến những người bị gạt ra bên lề; mong muốn dành nhiều chỗ hơn cho giáo dân trong việc quản trị; mong muốn tăng cường vai trò của phụ nữ; mong muốn tham gia đối thoại với những người không phải là Kitô hữu. (Cath.ch 17/06/2022)