TGPSG– Tháng 11- tháng mà Giáo Hội dành riêng để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời – chính là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, nhớ đến những người thân yêu đã khuất. Những ngày này, tại các nghĩa trang thường tấp nập người qua lại. Nghĩa trang ở quê tôi – nơi có những đồi chè xanh ngát và cà phê chín đỏ nặng hạt, gió hiu hiu thổi với tiếng nhạc nhè nhẹ – cũng tấp nập như thế. Những ngày đầu của tháng, từng đoàn người tiến về nghĩa trang để thắp những nén nhang, ngọn nến nơi phần mộ người thân của mình. Mùi hoa thoang thoảng, những câu kinh, tiếng hát vang lên làm cho không khí nơi đây như ngày hội vào mỗi buổi tối. Người đã khuất nhìn thấy cảnh này chắc cũng sẽ mỉm cười…
Tháng 11 về, tôi lại nhớ đến chị. Tôi quen chị trong dịp đi phục vụ trong bệnh viện Hồi Sức Covid-19, chị là một trong những bệnh nhân tôi từng giúp. Tôi như chiếc cầu nối giữa chị và người mẹ đang nằm ở khoa nặng hơn. Sau khi làm xong việc của mình, tôi thường đi thăm cô thay chị.
Trong đêm, tiếng tin nhắn điện thoại kêu đã làm tôi tỉnh giấc. Tôi biết ngày nào chị ấy cũng nhắn tin cho tôi nhưng sao hôm nay lại nhắn vào lúc quá nửa đêm thế này? Tin nhắn với dòng chữ: “Sơ ơi, con nhớ mẹ, con không ngủ được. Con nghĩ con có lỗi với mẹ, con đã không chăm mẹ lúc cuối đời được. Trước đây, có những lúc con cáu gắt với mẹ. Giờ nằm nghĩ lại, con càng cảm thấy có lỗi với mẹ nhiều hơn. Con phải làm sao đây sơ?”.
Trước đó không lâu, khi nhận được tin mẹ đã trút hơi thở cuối cùng để trở về với Chúa sau một thời gian chống chọi với con virus nhỏ bé, chị đã khóc ngất. Chị thất vọng bởi sự ra đi của người mẹ, chị bất lực bởi chị dành nhiều lời cầu nguyện để cố nài xin Chúa cứu chữa mẹ của mình nhưng dường như Chúa không nhận lời chị khẩn nguyện. Chị khó chấp nhận với tin dữ ấy, chị vừa khóc vừa nói : “Con đau lòng quá, con được nhìn thấy mẹ trong nhà xác lần cuối cùng nhưng mà con không làm gì cho mẹ được, đến cái áo quan mẹ cũng không có. Con nghĩ tới mà không thở nổi, sơ ơi…”.
Đọc những dòng tin nhắn của chị, tôi không khỏi xúc động và cũng không biết phải khuyên chị thế nào, vì chính tôi cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như chị: Khi người cha thân yêu của tôi ra đi, để lại trong tôi và những người thân trong gia đình một nỗi mất mát và trống vắng, nhất là mẹ tôi – người đã gắn bó với ông hơn năm mươi năm. Giờ đây, bà phải sống cô đơn lẻ bóng. Tôi ở xa không thể chăm sóc mẹ quanh năm đau yếu vì bệnh tật. Thế nhưng khi có dịp về thăm gia đình hoặc những kỳ nghỉ phép, tôi đã không dành trọn thời gian cho mẹ. Những khi mẹ than phiền vì các anh chị không quan tâm tới mẹ thì tôi biện minh rằng các anh chị phải lo kinh tế nuôi sống gia đình anh chị. Hoặc khi mẹ tôi không uống thuốc đầy đủ và ăn những món ăn không tốt cho sức khỏe, tôi đã cằn nhằn và có khi cáu gắt mẹ vì bà hay lặp đi lặp lại những lỗi lầm của con cái. Rồi những khi nhà cửa bề bộn, không sạch sẽ, tôi lại nhăn nhó. Và rồi, như thường lệ sau những ngày nghỉ phép, tôi trở về với công việc của mình.
Vào cuối tuần tôi thường gọi điện thoại thăm mẹ, nhưng bỗng một ngày không xa sau đó, tôi nhận được tin mẹ đã nhập viện, bác sĩ thông báo mẹ tôi đã chết lâm sàng. Suốt mười ngày chăm sóc mẹ là mười ngày tôi không thể ngủ yên, chỉ sợ mình ngủ thì mẹ sẽ ra đi. Nhưng cuối cùng, điều anh em chúng tôi không mong muốn cũng đã xảy ra. Mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi, mẹ ra đi không nói với chúng tôi một lời nào. Tôi ân hận vì tuần cuối cùng tôi không gọi điện thoại cho mẹ. Còn nhiều điều tôi chưa kịp nói với mẹ, có thể cách thể hiện tình yêu của tôi khác những người khác, đó là không chiều theo ý riêng của mẹ. Nhưng chính vì điều đó mà rất nhiều lần tôi làm mẹ buồn, mặc dù trong tận sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn muốn nói: Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ơi…
Có những đêm mơ thấy cha mẹ, tỉnh giấc tôi đã thấy mắt lệ nhòa. Tôi không thể ngủ lại được vì nỗi nhớ thương kèm theo sự hối hận vì có những lúc tôi chưa trân quý những tháng ngày bên cha mẹ. Chỉ khi không còn nữa, tôi mới nhận thấy sự mất mát rất lớn và hụt hẫng trên đường đời. Khi về nhà mỗi dịp tết đến, một mình tôi lủi thủi, tự đi chợ, tự nấu ăn. Căn nhà giờ đây thiếu đi tiếng nói cười của mẹ cha. Thế nhưng, tôi vẫn phải bước tiếp những bước đi trong cuộc sống. Thời gian không thể quay ngược trở lại, tôi không thể lấy lại những gì đã vụt mất.
Giờ đây, khi nhận được tin nhắn của chị, tôi chỉ biết nhủ thầm: Chị à! Người đã chết thì không thể sống lại được nữa. Có người đã nói: “Buông được một kiếp người…. bên kia không còn đau khổ nữa”. Có thể Chúa muốn người thân của chúng ta không còn phải đau đớn vì thân xác bệnh tật và vào hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng. Tôi, chị và mọi người có đau buồn tới đâu đi nữa thì cũng không thể làm cho người thân trở về với chúng ta bằng xương bằng thịt. Nhưng có một điều, họ luôn sống mãi trong tâm hồn của chúng ta. Họ đang dõi theo chúng ta từng bước và đang cần lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể dùng những lời kinh và Thánh lễ để nối kết với người đã khuất, vì họ là những người đang ở trong Giáo hội Thanh luyện. Chúng ta là những người ở trong Giáo hội Lữ hành, chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho họ. Đặc biệt, trong 11 này – tháng của những người con báo hiếu ông bà, cha mẹ đã khuất.
Ước mong rằng những ai còn cha mẹ, hãy trân quý những ngày tháng cha mẹ còn ở bên. Vì khi cha mẹ không còn, bạn muốn làm những điều vĩ đại cho họ thì cũng không thể. Đừng để đánh mất cơ hội, vì chúng ta không thể nào bù đắp được những lỗi lầm khi xưa. Như trong sách Huấn Ca nhắn nhủ: Cha con, con hãy hết lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng? Cha con, con hãy hết lòng tôn kính và đừng quên ơn mẹ mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành. Công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho can xứng? (Hc 7,17-28)
Bích Huyền – MTG Đà Lạt