HÀNH TRÌNH MÙA CHAY:
HỌC CÁCH TRỞ NÊN TỰ DO
Lm. Timothy Radcliffe, OP(*)
WHĐ (27.02.2022) – Mùa Chay đang đến rất gần. Việc ốm nặng có thể là bài học để chúng ta học cách trở nên tự do của con cái Thiên Chúa.
Phúc âm Thứ Năm thường niên trước khi vào Mùa Chay (Mc 9, 41–50) tràn ngập tính bạo lực. Trước hết, đó là sự bạo lực chống lại những người làm hại những “kẻ bé mọn”: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (c. 42) – một sự phẫn nộ về mặt đạo đức có lẽ chúng ta còn nhiều hơn thế khi đối diện với những vụ lạm dụng trẻ em đầy tai tiếng.
Nhưng cũng có một sự bạo lực đáng lo ngại đối với chính cơ thể của mình: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (c. 43-48).
Điều này giống như việc hành hạ bản thân một cách đáng báo động. Dĩ nhiên, đây là những ví dụ về điều mà các học giả gọi là sự cường điệu trong tiếng Hebrew: xu hướng đưa ra những tuyên bố quá đà, như kiểu nói “lạc đà chui qua lỗ kim” chẳng hạn. Nhưng dù chúng ta có giảm thiểu mức độ cường điệu đi chăng nữa, thì những tuyên bố này vẫn tồn tại một sự bạo lực đáng lo ngại.
Những bản văn như vậy bị coi là bằng chứng cho thấy Kitô giáo chống lại thân xác, rằng thân xác bị nhìn với sự nghi ngờ, thậm chí là ghét bỏ. Thân xác là một nguồn cám dỗ lôi cuốn chúng ta xa rời tâm linh. Nhưng không phải vậy! Chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã thông phần cuộc sống xác phàm của chúng ta. Món quà lớn nhất là chính thân thể của Đức Kitô.
Cảm xúc mạnh mẽ của những lời tuyên bố này bắt nguồn từ sự kính trọng sâu sắc đối với sự tốt đẹp của thân xác. Chúng ta có đôi mắt để có thể nhìn mọi người với sự tôn trọng và yêu mến. Nếu chúng ta nhìn họ với sự khinh thường hoặc ham muốn thú tính, chúng ta gây bạo lực với món quà của thị giác. Chúng ta có đôi tay để có thể vươn tới với người khác bằng sự dịu dàng và trắc ẩn. Nếu chúng ta chiếm đoạt, sở hữu hoặc bóc lột họ, chúng ta đã thực hiện hành vi bạo lực đối với món quà của xúc giác.
Như thế, những bản văn này nhìn nhận nỗi đau và đấu tranh để thoát khỏi bạo lực. Tự do để nhìn nhau với sự kính mến và tôn trọng. Tự do để yêu thương mọi người và không nuốt chửng họ. Tự do đến với mọi người trong tình bằng hữu.
Nhưng trở nên tự do rất khó khăn và đau đớn. Hôm trước tôi có nghe một chương trình truyền thanh nói về Thánh nữ Catarina Siena, một vị thánh dòng Đa Minh, sống vào thế kỷ 14, như thể ngài bị loạn trí vì sự khổ hạnh cực đoan của mình. Ngài đã bỏ đói mình – nhưng đây không phải là vì ghét bỏ bản thân. Catarina khao khát trở nên tự do và ngài hiểu rằng việc trở nên tự do đích thực sẽ hao tổn, đau đớn như thế nào. Paul Murray, một tu sĩ Đa Minh người Ireland, nói rằng Thánh Catarina “được tự do một cách đáng kinh ngạc”. Thánh Phanxicô Assisi kết hôn với Bà hoàng Khó nghèo. Thánh Catarina muốn chúng ta được giải thoát khỏi sự ràng buộc và tận hiến cho điều mà ngài gọi là “Bà hoàng tự do”.
Khi mới đây tôi bị nhập viện, tôi rất sợ sự xuất hiện hàng ngày của bác sĩ vật lý trị liệu, người mà sẽ bắt tôi ra khỏi giường và tập dùng nạng. Tôi ghét thử thách của việc đi lên đi xuống cầu thang. Vị bác sĩ cứng rắn và buộc phải làm như vậy, bởi vì đó là cách thế duy nhất để tôi thoát khỏi chiếc giường của mình. Vậy thì có những nhà tù nào đang giam giữ chúng ta trong sự tù túng? Đó là thử thách của Mùa Chay, thời gian để học cách trở nên tự do của con cái Thiên Chúa.
Như bài Tin Mừng kết luận: “Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau” (c. 50). Muối mang lại cho chúng ta cảm giác đậm đà của thức ăn. Có muối, trứng luộc có vị trứng hơn; cá có vị cá hơn; và rau có vị rau hơn. Nếu bạn dùng muối cách hữu hiệu thì nó không những không đánh mất mùi vị riêng của nó mà còn làm tăng mùi vị của những thứ khác.
Nếu chúng ta trở nên tự do, với ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ làm vui lòng người khác, kính trọng họ và không chèn ép họ. Chúng ta sẽ sống hòa thuận với nhau.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: thetablet.co.uk (24.02.2022)