Từ hơn 20 năm qua, các Giám mục Đức đặc biệt chú ý đến thảm kịch bách hại mà các Kitô hữu ở Pakistan phải đối diện, và tìm cách thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.
Đức cha Bertram Johannes Meier của Giáo phận Augsburg, Chủ tịch Uỷ ban Giáo hội Thế giới của Hội đồng Giám mục Đức cho biết: “Từ khi được thành lập vào năm 1947, nhiều lần Pakistan đã phải vật lộn với các xung đột tôn giáo. Phần lớn người dân theo Hồi giáo nhưng có một cộng đoàn Kitô thiểu số đáng kể chiếm khoảng 1,3% tổng số. Sau Ấn giáo, các Kitô hữu là nhóm tôn giáo lớn thứ ba trong cả nước. Mặc dù hiến pháp đảm bảo tự do tôn giáo, nhưng giống như các nhóm tôn giáo thiểu số khác, các Kitô hữu phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và bách hại.”
Đức cha Meier nhận xét, mặc dù tình hình xã hội ngày càng khó khăn, nhưng trong những tháng gần đây đã có những thay đổi nhỏ được ghi nhận. Ngài nói: “Từ khi chúng tôi tập trung chú ý vào đất nước này lần đầu tiên vào năm 2011, nhận thức về tầm quan trọng của các sáng kiến đối thoại đã tăng lên giữa các tôn giáo, cả ở cấp địa phương và khu vực. Những người liên quan muốn làm việc cùng nhau để vượt qua những chia rẽ và trở ngại do các nhóm cực đoan gây ra. Đã có nhiều sáng kiến đối thoại giữa các Kitô hữu, Ấn giáo và Hồi giáo nhằm mục đích cùng chung sống, khoan dung và tôn trọng ở mọi cấp độ cộng đồng”.
Thực tế, qua việc trao đổi này, các tôn giáo có thể đánh giá hình thức hỗ trợ mà người dân địa phương thực sự cần và làm thế nào có thể nêu vấn đề tế nhị về tự do tôn giáo không gây nguy hiểm cho người dân.
Các sáng kiến lập pháp nhằm cải thiện hoạt động bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số đã nhiều lần bị thất bại. Sự can thiệp liên đới của các Giám mục Đức là một phần của thực tế phức tạp này. Do đó, cần phải đưa ra các sáng kiến và công bố các báo cáo để dư luận quốc tế quan tâm.
Một trong những cam kết của các Giám mục là thường xuyên liên lạc với tất cả các giáo xứ và cộng đoàn địa phương đang sống trong khó khăn, thực hiện các cuộc viếng thăm liên đới và gây guỹ để thực hiện các dự án nhằm cải thiện đối thoại liên tôn. (Osservatore romano 15/4/2023)