HÌNH ẢNH GIA ĐÌNH

HÌNH ẢNH GIA ĐÌNH

Huỳnh Ngọc Trảng

WHĐ (6.12.2020) – 1. Các thần thoại khai nguyên, các đảng thế luận của tôn giáo đều giống nhau ở chỗ sáng tạo ra một cặp nam nữ đầu tiên ở buổi hồng hoang xa xăm của lịch sử. Một người đàn ông, một người đàn bà và con cái của họ là hình ảnh của tế bào gia đình nguyên sử và từ đó biến hóa, trong các môi trường lịch sử văn hóa khác nhau tạo nên những cấu trúc gia đình có quy mô đa dạng: bầy đàn, thị tộc, bộ lạc, tập tộc, gia tộc… Ở đó, nhiều thế hệ sống và lao động liên kết nhau, nhiều tấm gương của tổ tiên tiếp tục soi sáng cho đời sau, ở đó bảo lưu lâu dài các di sản phong hóa v.v.. các loại tín ngưỡng – tôn giáo đã hình thành phát triển… Và ở đó, một thể chế và tôn ti được thiết lập: có thể làm ngột ngạt một số người, nhưng lại mang đến sự ổn định và an toàn cho tất cả. Chính vì vậy gia đình trở thành biểu tượng của hạnh phúc, thậm chí là giá trị thiêng liêng. Ở đó có niềm tin, tình yêu và thanh bình quyện lại thành một bức tranh hoàn mỹ; đó là ngôi thánh đường đầu tiên học những điều hay lẽ phải, niềm tin và lý tưởng sống, những tri thức văn hóa cùng những kỹ năng sống và mưu sinh… Chúng ta có thể kể ra nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp cho cuộc sống mà gia đình mang lại, song trong thực tế phổ biến những mối dây liên hệ truyền thống đó đang có khuynh hướng lỏng lẻo dần và các nơi chốn ấy ngày càng bị xã hội hiện đại xô đẩy đến chỗ tan rã. Xã hội hiện đại trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã làm tiêu hao các hệ thống họ hàng mở rộng và đưa tới sự thay đổi trong bản chất bổn phận gia đình, người ta ngày càng ít dành thời gian cho bất cứ cái gì giống như gia đình và đã có nhiều dấu hiệu của sự căng thẳng và xung đột hơn trước đây… Cái mấu chốt là một bên xã hội hiện đại ngày càng dành nhiều thuận lợi cho cá nhân quyền tự quyết về thị hiếu và sự chọn lựa; trong khi đó, gia đình – với bất cứ kiểu nào, quy mô nào – cũng yêu cầu các thành viên của nó hy sinh một số tự do. Sự tan rã của gia đình là hệ quả của sự xung đột của cố kết đó và tự do cá nhân. Do vậy, niềm hy vọng của chúng ta là trong bước đường dấn vào quá trình đổi ứng đau đớn đó sẽ tìm ra được phương thức hợp quần mới, dung hòa được sự liên kết gia đình với tự do cá nhân chứ không phải một mực tôn vinh các giá trị gia đình truyền thống và kêu đòi sự trở về với khuôn mẫu quá khứ khi các điều kiện kinh tế và văn xã truyền đã và đang trong quá trình đổi thay hằng ngày, hằng giờ.

Bữa cơm gia đình truyền thống Việt Nam

2. Những thay đổi đang diễn ra trong gia đình có thể không phải lúc nào cũng nhận thấy được với con mắt người đời nên đôi khi gây ra cảm tưởng bề ngoài về sự tiếp nối cứng nhắc các nề nếp truyền thống. Song những thay đổi về tập quán và tư tưởng liên tục xảy ra ở bề sâu lắm khi tạo ra những căng thẳng bùng phát trong ý thức cá nhân hay tập thể. Gia đình thời nay đang ngả qua xu hướng coi đó là một lãnh địa trong đó người ta tìm sự mãn nguyện cá nhân. Một khi gia đình thất bại trong việc cung cấp tình trạng tốt đẹp về mặt tình cảm và tâm lý cho các thành viên của nó thì tính hợp lý cho sự tồn tại của nó sẽ mất đi. Xu hướng này vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của xu hướng pháp lý chung hiện nay: cởi bỏ có phần tự do các mối liên hệ hôn nhân. Xưa, hôn nhân là sự cam kết trọn đời và chỉ bị kết thúc khi có lỗi lầm do một bên vi phạm, nhưng hôn nhân mới không thể bị gạt bỏ trong trường hợp không đạt được hạnh phúc cá nhân. Chẳng hạn, trong thời phong kiến người vợ bị để bỏ khi mắc phải một trong bảy tội (thất xuất: không con, dâm đãng, lười biếng, không thờ cha mẹ, lắm lời, ghen tuông, có các tật; tuy nhiên, có các điều quy định hạn chế lại như người vợ đã để tang cha chồng thì không được để bỏ…)

Ngoài pháp luật, các xu hướng thay đổi gia đình là hệ quả của những thay đổi trong đời sống xã hội. Việc tránh thai được pháp luật thừa nhận, công nghệ tránh thai phát triển làm cho mức sinh sản giảm và đặc biệt là tình trạng buông thả tình dục bùng nổ, tỉ lệ ly hôn cao. Nói chung, gia đình tiếp tục thu nhỏ đi – thậm chí nảy nở mạnh loại gia đình đơn thân và cách sống chung không giá thú làm hình ảnh gia đình bị biến thái lệch lạc.

Sinh đẻ ít tạo nên cơ cấu dân số ít trẻ nhiều già, các thế hệ tách biệt nhau. Trẻ con ít người thân thích để học hỏi, giao tiếp. Người già nhờ tiến bộ sống thọ hơn nhưng bị ngăn cách với thế hệ con cái vì con cái sớm có quyền tự quản, ngay cả khi chưa thành gia thất.

Quá trình phát triển công nghiệp khiến có nhiều công ăn việc làm hơn: lao động trẻ bỏ các vùng nông thôn ra làm việc tại các trung tâm công nghiệp, tiếp đó nhiều chủ gia đình nhận các công việc thời vụ, công việc bán thời gian tại những khu đô thị mở rộng để lại công việc trồng trọt ở nhà cho cha mẹ và vợ con. Do công việc càng lúc càng bề bộn, người chủ gia đình càng lúc càng vắng nhà thường xuyên hơn. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế ngày càng đòi hỏi việc thuyên chuyển cán bộ và nhân viên đến các địa điểm công trình mới và do khó kiếm được chỗ ở, không đảm đương được chi phí hay tạo thay đổi việc học hành của con cái, nên chỉ người bố, chủ gia đình phải lưu trú. Tình trạng sống xa gia đình là nguyên nhân gây ra trạng thái trầm uất, căng thẳng và tệ nghiện rượu hoặc sa đọa trong nam giới.

Người vợ cũng bị cô đơn do chồng thường xuyên vắng nhà và con cái suốt ngày ở trường hoặc tham dự các lớp học thêm, phụ đạo. Người vợ hoặc tham gia các nhóm văn hóa, hay hoạt động từ thiện xã hội hoặc tôn giáo – tín ngưỡng. Họ cũng có được việc làm thích hợp và trong xu hướng nam nữ bình đẳng này, người phụ nữ làm việc ăn lương, thoát khỏi việc chăm sóc gia đình truyền thống… Nói chung, tình hình này làm cho các mối liên hệ gia đình bị tan vỡ mà hệ quả sẽ tác động đến nề nếp lý tưởng của gia đình: sự hỗ trợ lẫn nhau cho các thành viên, cung cấp sự chăm sóc, lòng cảm thông và yêu thương cũng như các giúp đỡ vật chất.

Sự khủng hoảng của gia đình biểu lộ rõ rệt trong tập quán nề nếp bữa ăn gia đình truyền thống – một nghi thức nối chặt sợi dây liên kết trong gia đình. Chức năng này giảm sút ở nhiều gia đình, hầu hết các bữa ăn không còn có mặt đông đủ. Người bố ít ngồi ăn sáng chung với gia đình, tỷ lệ vắng mặt trong các bữa cơm tối càng lúc càng tăng. Do làm việc ca kíp, con cái học hành đủ thứ lớp học thêm, nên không ít gia đình đã đổi thay từ bữa ăn chung thành một kiểu được mệnh danh là “văn hóa tổ” – ai về lúc nào thì bới một tô bưng ra ngồi ăn một mình. Mối liên kết tâm lý và tình cảm như vậy chắc chắn là một nguy cơ.

Mặt khác, sự phát triển các phương tiện truyền thông, các máy móc nghe nhìn cũng không hỗ trợ tình cảm cộng đồng. Gia đình không còn là nơi trao đổi tin tức. Xem truyền hình, truyền thông càng lúc càng trở thành sinh hoạt cá nhân. Mỗi thành viên có sở thích khác nhau, có nguồn thông tin riêng và ít có chiều hướng trao đổi các thông tin đó cũng như trao đổi chia sẻ những ý kiến, những đánh giá với những người thân thích.

3. Nội dung, cá nhân hóa đời sống đang tiến triển trên khắp nơi tạo nên nhiều lo âu, nhưng nhìn chung chúng ta không thấy sự chuyển biến theo hướng thụt lùi để quay trở về với kiểu gia đình truyền thống. Đồng thời trong giai đoạn “quá độ” này cũng xuất hiện những tập tính mới. Chẳng hạn, các kiến trúc sư đã đề xuất ngày một nhiều kiểu nhà ở cho thế hệ: bố mẹ và con cái vẫn chung sống với nhau, đồng thời vẫn đảm bảo được sự độc lập. Người ta cũng đề xuất việc phục hồi các lễ hội truyền thống, các lễ hội liên quan đến vòng đời, đến tổ tiên…) tập hợp nhiều thế hệ để ở đó mỗi thế hệ có vai trò riêng sẽ đi đến chỗ thắt chặt hơn nữa các mối liên kết gia đình. Một “phong trào” mới đứng lên từ mỗi thế kỷ trước là việc thiết lập gia phả tộc họ, chung đậu tiền bạc và công sức tu bổ mồ mả tổ tiên, dựng các từ đường cũng đã tái tạo những mối dây liên kết gia tộc, gia đình do chiến tranh và do sự bài xích “tàn dư phong kiến duy tâm lạc hậu: làm đứt gãy trong những thập kỷ trước 1986. Ở đây việc tìm về nguồn cội gia tộc còn là phản ứng chống lại chủ nghĩa hư vô về cá nhân, nhằm xác định các bản thể cá nhân riêng: mỗi người là một cá nhân có tông tích (cha mẹ, ông bà, tổ tiên và v.v…). Nói cách khác, việc phục hồi các mối liên kết thân tộc (người đắp xây và tổ tiên quá vãng) ở thời điểm hiện nay còn nhằm khẳng định giá trị cá nhân. Như vậy, xu hướng cá nhân hóa đang vấp phải nhu cầu của cá nhân muốn tham dự vào một mạng lưới kết đoàn và trước hết và thuận lợi hơn hết là dòng họ. Tuy nhiên, như những gì đã trình bày trên cái quy mô mở rộng của đại gia đình – gia tộc cũng chỉ là hồi quang chứ không là sự phục hồi, phục hưng. Cảnh tượng những người bà con hầu như sống trong một làng (hay cả các làng lân cận) và luôn gặp gỡ, quây quần bên nhau nhiều lần trong năm, nếu không nói là hằng tuần, thậm chí là hằng ngày trên đồng ruộng, sân đình, bờ ao, bến chợ sẽ giảm đi không chóng thì chầy.

Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng chúng ta đã không có gia đình thật sự kể từ khi con người phát minh ra xe hơi, chúng ta bị phân tán ra khắp nơi. Loại gia đình gồm cha mẹ vài ba đứa con và “mảnh ruộng màu mỡ” chỉ là một phần của gia đình và đó là lý do nó không hoạt động hoàn hảo. Hơn nữa hình ảnh trên cũng đang thay đổi. Một gia đình giờ đây thường chỉ có hai vợ chồng, hoặc một gia đình tái kết hôn với mỗi cha hoặc mẹ đứa bé và người vợ kế hay chồng kế (có thể thêm vào là những con riêng của họ). Đây hẳn những là điều xấu nhưng nó đã làm hình ảnh gia đình biến đổi khác đi.

Cái gì để mất đi?

– Ông bà không thể sống gần.

– Có thể không có những người lớn khác (chú, bác, cô, dì… quan tâm đến trẻ).

– Có thể gia đình sẽ không có người cha để chơi đùa hay để làm cơ sở cho kỷ luật và đưa ra những quyết định (nếu bạn là người mẹ đơn thân).

– Có thể không có người phụ nữ chỉ vẽ cho con cái, phụ giúp việc nhà hoặc chia sẻ (nếu bạn là người cha đơn thân).

– Khi có những điều thực sự khó khăn, chẳng có ai có thể nói với bạn những điều đáng tin cậy hoặc sẽ giúp đỡ bạn một cách cụ thể.

– Có thể kể ra nhiều hơn nữa những điều lợi mất mát của hình thức gia đình hạt nhân nhỏ bé, đặc biệt là ở trong cuộc sống đô thị với mặt trái của nó là cô độc và vô danh. Song để đối ứng với thực tế, chúng ta cần nhận thấy gia đình là một hòn đảo và hình ảnh của cái “gia đình mở rộng hiện đại” có thể được tạo dựng bằng các mối liên kết xã hội chứ không chỉ là mối quan hệ thân tộc. Có thể mối liên kết này không hoàn toàn đồng nhất được với cố kết thân tộc của gia đình lớn (và gia tộc) truyền thống, song việc tạo dựng và duy trì với thế giới bên ngoài bốn bức tường là điều cần thiết để có được các mối quan hệ cho gia đình – đặc biệt là con cái”.

Do vậy đồng thời với việc hướng năng lượng “vào bên trong” để cải thiện đời sống gia đình bằng việc chơi đùa, giáo dục trẻ, tiêu phí thì giờ cho vợ chồng thì các bậc cha mẹ cần phải hướng tiêu điểm “ra bên ngoài” xã hội: tham dự các nhóm câu lạc bộ cùng sở thích, các ban hội phụ huynh ở trường, các tổ chức láng giềng, tham dự các hoạt động đoàn thể nghề nghiệp chính trị – xã hội, tôn giáo hoặc các hoạt động xã hội khác. Vấn đề ở đây là phải quân bình hai hướng.

Rõ ràng ở góc nhìn của cái gọi là “khế ước xã hội” thì một mặt, gia đình cung ứng lao động, thuế và nhiều đóng góp khác cho xã hội và mặt khác xã hội phải cung ứng các tiện ích xã hội tạo điều kiện để gia đình có được nhà ở, thực phẩm, điện nước, chất đốt, điện thoại, cảnh sát, dân phòng, phương tiện vận tải và giao thông, giải quyết chất thải và môi trường, chăm sóc sức khỏe, giáo dục hoạt động giải trí và tiêu khiển… Tuy nhiên, cũng cần biết rằng sự quan tâm láng giềng gần gũi có hiệu quả hơn bất cứ số lượng bác sĩ, nhân viên công tác xã hội. Các nhóm tương trợ về sức khỏe tinh thần, hội bảo vệ trẻ em, hội bài trừ tệ nạn, hội phụ huynh, hội phụ lão… có tiềm năng đảm đang các việc thực tiễn lớn lao.

Dưới mức thu nhập nào đó thì không ai có thể có hạnh phúc. Tuy nhiên, trên mức căn bản thì nhu cầu thay đổi. Ngoài nhu cầu vật chất, người ta cần có cơ hội gắn bó với người khác và các hoạt động có mục đích mà tự do lựa chọn. Khác với thái độ co thủ, không thân thiện là các buổi tiệc tùng, lễ hội cộng đồng. Rõ ràng là người ta cần tụ họp trong các nhóm, thân mật để chia sẻ nhau. Các buổi họp nhóm coi ra tầm thường như vậy lại thường là phương cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ về tính cộng đồng và sự tương tác trong các xứ sở có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh, song cuộc sống vẫn còn mang tính chất bán đô thị như xứ ta. Việc gia nhập các nhóm về sinh hoạt bên ngoài bốn bức tường riêng sẽ làm tăng tiến những lợi ích cho gia đình, đảm bảo vài thứ tương lai cho con cái và chính điều này, mỗi gia đình hạt nhân tìm lại được bối cảnh ấm cúng của hình thái đại gia đình truyền thống.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 99 (Tháng 3 & 4 năm 2017)