Hồng Y Hà Lan thở dài: Muốn sớm chia gia tài, con giữ chặt mẹ để bác sĩ chích cho chết.

Đức Hồng Y Wim Eijk người Hà Lan đã đưa ra phản ứng chính thức trước phán quyết của tòa án trong một vụ trợ tử đang gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hà Lan.

Cảnh sát Hà Lan đã truy tố một nữ bác sĩ ra trước tòa về tội giết người. Công tố viện tin rằng nữ bác sĩ này đã trợ tử cho bệnh nhân của mình bất kể bệnh nhân khăng khăng không muốn chết.

Bệnh nhân bị chích cho chết là một người đàn bà 74 tuổi, bị chứng mất trí nhớ. Gia đình bà, cụ thể là người chồng và người con gái lớn nhất, đã yêu cầu chích cho bà một liều thuốc độc để bà từ giã cõi đời.

Vào ngày xảy ra vụ án, bà bác sĩ này đã cho bệnh nhân uống một liều thuốc an thần bằng cách lén bỏ vào ly cà phê. Bệnh nhân tuy thiếp đi nhưng có lẽ linh cảm được điều bất thường nên cố gắng không ngủ. Bác sĩ lại thêm một liều thuốc an thần nữa qua đường tiêm.

Khi bà bác sĩ này chuẩn bị tiêm thuốc độc kết thúc cuộc sống của bà cụ thì bà cụ bừng tỉnh giẫy giụa và hét lên là bà chưa muốn chết. Người chồng và người con gái lớn nhất đã ghì chặt bà xuống giường để bác sĩ tiêm mũi thuốc định mệnh.

Một số y tá chứng kiến toàn bộ vụ việc đã nói lại với những người con khác của bà. Họ đã báo cảnh sát. Do đó, vụ việc đã được đưa ra tòa.

Tuy nhiên, tại phiên tòa ở The Hague, chánh án Mariette Renckens đã truyền tha bổng cho bà bác sĩ. Bà chánh án nói:

“Chúng tôi tin rằng tình trạng mất trí nhớ sâu sắc của bệnh nhân khiến cho không cần phải xác minh bà có muốn được trợ tử hay không.”

Phán quyết của chánh án Mariette Renckens đã gây ra những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Hà Lan. Nhiều người tin rằng người nhà, với sự hợp tác của bác sĩ, đã cố ý giết người đàn bà này cho rảnh nợ.

Trong Hội Đồng Giám Mục Hà Lan, Đức Hồng Y được coi là điểm tham chiếu cho các vấn đề liên quan đến đạo đức y khoa.

Nói chuyện với tờ Katholiek Nieuwsblad, Đức Hồng Y bày tỏ sự bàng hoàng của ngài trước vụ này nhưng ngài muốn phác họa bức tranh lớn hơn về những phát triển xung quanh cái chết êm dịu ở Hà Lan.

Ngài cho biết: “Kể từ năm 1990, năm mà nghiên cứu đầu tiên về đề tài này được thực hiện, đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng các trường hợp an tử và trợ tử. Tuy nhiên, con số này đang có xu hướng giảm dần từ tổng số 6,585 trường hợp trong năm 2017 đã xuống còn 6,126 trường hợp vào năm 2018, tức là giảm khoảng 7%.”

Đức Hồng Y tin rằng các bác sĩ ngày càng tỏ ra lúng túng không biết phải làm gì, và do đó, họ miễn cưỡng không muốn dính líu đến các ca trợ tử. Nhịp sống trong xã hội ngày càng nhanh hơn, con người càng ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn hơn. Nhiều người muốn lôi kéo các bác sĩ vào các ca trợ tử không phải để tránh cho người nhà khỏi đau đớn, hay là “chết trong phẩm giá” như họ thường nói; nhưng thực tế là muốn sớm được chia gia tài, hay là muốn tống khứ cho nhanh một mối nợ trong một nền văn hóa vứt bỏ như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói.

Theo Đức Hồng Y, “sự hài hòa trong xã hội chỉ có thể bảo đảm với những điều kiện nhất định. Một trong những điều kiện này là giá trị nội tại của cuộc sống con người phải được tôn trọng và điều đó phải được áp đặt bởi luật pháp.”

Một ngày trước cuộc phỏng vấn của Đức Hồng Y với tờ Katholiek Nieuwsblad, Sanne van der Harg, phát ngôn viên của Công Tố Viện nói Tối Cao Pháp Viện của Hà Lan đã chấp nhận đơn kháng cáo của họ và vụ này sẽ được đưa ra xét xử lại trong thời gian tới.

Đức Hồng Y bày tỏ hy vọng rằng các diễn biến này có thể khiến các bác sĩ trở nên miễn cưỡng hơn nữa khi được yêu cầu trợ tử.


Source:Catholic News Agency