HƯỚNG TỚI THƯỢNG ĐỘI ĐỒNG GIÁM MỤC 2023:
THÁCH ĐỐ TỪ VIỆC LẮNG NGHE
Dario Bossi
WGPVL (02.08.2022) – “Lắng nghe” có nghĩa là tiếp nhận hình thái mới của Giáo Hội: hình tròn, chiều ngang, “đa diện”, phi tập trung, linh động và không tĩnh, với trọng tâm vượt ra ngoài ranh giới của nó…
Hành trình mang tính hiệp hành, theo ý định của Đức Thánh Cha Phanxicô, là một lời kêu gọi đổi mới Giáo Hội của chúng ta hiện nay, thông qua một phương pháp lắng nghe sâu sắc những niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo lắng của con người trong thời đại chúng ta, theo cách nói từ Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Công đồng Vaticanô II. Việc bước đi cùng nhau phải bao hàm lòng can đảm, trung thực, sự thật và bác ái, cũng như sự mở lòng để hoán cải và thay đổi.
Hơn nữa, đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha đã yêu cầu đối với các giám mục và tất cả những nghị phụ đã quy tụ về Thượng hội đồng đặc biệt ở Amazon: “Điều tôi mong đợi từ Giáo Hội trong thượng hội đồng này: đó là Giáo Hội cần phải thinh lặng và trước hết là để lắng nghe bằng một cung cách ân cần và dài lâu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra trong Tông hiến Episcopalis Communio (Tình hiệp thông Giám Mục), vào năm 2018, một phương thức mới cho việc tổ chức các hội nghị của Thượng hội đồng Giám mục: Thượng hội đồng thường lệ, ngoại lệ hoặc đặc biệt. Tông hiến này định nghĩa Giáo Hội vốn mang “tính hiệp hành từ nền tảng”, trong một hành trình chuẩn bị theo từng giai đoạn bắt đầu bằng việc lắng nghe dân Chúa, tiếp tục bằng cách lắng nghe các mục tử và đỉnh cao là lắng nghe Giám mục Rôma, vị mục tử và là thầy dạy của tất cả các Kitô hữu. Và trong tinh thần cầu nguyện, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Đối với Thượng Hội đồng, trước hết, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho ơn lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, đến độ cùng với Người lắng nghe tiếng kêu của dân chúng, và lắng nghe con người, đến độ hít thở nơi họ ý muốn của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta.”
Giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Chiều kích của việc lắng nghe là một khía cạnh cơ bản của giáo huấn thần học và mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, điều mà trong Thông điệp Laudato Si’ đã tìm thấy cách diễn đạt đầy đủ nhất qua việc mời gọi lắng nghe tạo vật và chăm sóc mọi loài thụ tạo. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng chắc hẳn đã đến lúc phải từ bỏ chủ nghĩa nhân văn rối loạn đã đưa chúng ta đến mức hủy diệt mà chúng ta vốn đã đi tới. Không còn chỉ có giọng nói của chúng ta, thứ mà Ađam đã dùng để đặt tên cho mọi vật.
Đã đến lúc lắng nghe tiếng nói của từng tạo vật, để chúng có thể cho chúng ta biết tiếng nói của chúng và gợi ý về nhịp điệu và nguyên lý sống của chúng. Điều này làm thay đổi hoàn toàn thái độ của chúng ta. Chẳng hạn, một kế hoạch mục vụ của giáo phận sẽ như thế nào, lấy ví dụ như trong việc xây dựng để ưu tiên chú ý đến tiếng kêu của tạo vật? Việc chúng ta đọc lại sách Sáng Thế cũng như có thể tìm thấy những âm vang trong các bài đọc khác của Kinh Thánh là một trong những nền tảng của các tham chiếu cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Chúng ta có thể tuyên bố rằng: “Tôi đã đến để cho mọi thứ được sống” (x. Ga 10,10); hoặc nhớ lại nơi một điểm mấu chốt rộng hơn nơi đoạn Kinh Thánh khác trong sách Xuất Hành: “Tôi đã nghe thấy tiếng kêu than của dân tôi cũng như các sinh vật của tôi và tôi đã xuống để giải thoát chúng.” (x. Xh 3,9) Vấn đề không phải là kỹ thuật chơi chữ kém cỏi, hay thiếu trân trọng Kinh Thánh, mà là đưa ra các yếu tố phổ biến mang tính biểu trưng cho đời sống thiêng liêng để mở rộng chiều sâu của mặc khải. Do đó, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tính hiệp hành và sự lắng nghe.
Tuy nhiên, lắng nghe cũng là một vấn đề về vị trí. Tôi nhớ rằng trước Thượng hội đồng Amazon, tôi đã rất ngạc nhiên trước một số cộng đoàn ở các vùng của Amazon, khi một linh mục, hoặc chính giám mục, đã đến trong quá trình tham vấn để chuẩn bị cho Thượng hội đồng. Họ ngồi xuống và có lẽ là lần đầu tiên, thay vì truyền đạt nội dung đào luyện, đưa ra thông tin hoặc hướng dẫn, họ chú ý đến những gì cộng đoàn muốn nói. Việc lắng nghe đang khẳng định một hình thái mới của Giáo Hội: hình tròn, chiều ngang, “đa diện”, phi tập trung, linh động và không tĩnh, với trọng tâm vượt ra ngoài ranh giới của nó… Điều này chỉ hiệu quả nếu việc lắng nghe của chúng ta có thể vượt ra khỏi khuôn khổ, để khoảng cách của bản thân chúng ta với những gì hoặc với những người mà chúng ta muốn nghe, vì nhiều lý do, luôn cho chúng ta biết những gì chúng ta muốn nghe cách tường tận. Vì vậy, điều cần thiết là phải dám lắng nghe những người có sự khác biệt với chúng ta, những người bị loại trừ, những người đang im lặng, ngay cả khi điều này gây nên cảm giác khó chịu.
Tinh thần hiệp hành như thế bắt đầu từ những người thấp kém, từ những vấn đề của cuộc sống hàng ngày; tinh thần này đối thoại với các loại tinh thần khác nhau, đặc biệt là “những điều mà một người theo chủ nghĩa duy linh giả tạo đã loại trừ hoặc lãng quên”.
Trước hết là thinh lặng
Có một điều rõ ràng là kỹ năng nghe của chúng ta vốn không tốt. Theo nghĩa này, cử chỉ chữa lành cuối cùng của Chúa Giêsu, trong Tin Mừng Luca (22,51), chính là việc chữa lành tai cho một tôi tớ của thầy thượng tế, người đã bị một môn đệ của Chúa Giêsu phản ứng mạnh mẽ khi chém đứt tai. Ngay sau đó, Lời Chúa kéo theo một loạt tình tiết mà trong đó người ta thấy rõ việc không có khả năng lắng nghe: câu chuyện ông Phêrô với người đầy tớ trong sân của thầy thượng tế, việc xét xử trước Hội đồng người Do Thái, cuộc đối thoại với Philatô, những câu hỏi của vua Hêrôđê… Bằng chứng đầu tiên, trong việc chẩn đoán căn bệnh này của chúng ta, là để lắng nghe người ta phải biết thing lặng. Nói cách khác, chúng ta phải tự do hoá các mối tương quan của mình: hãy nhìn nhận rằng cuộc gặp gỡ có thể khai mở một điều gì đó mới mẻ… một điều chúng ta vốn không hề biết… rằng chúng ta không có sứ mệnh phải khăng khăng thuyết phục đối phương.
Có một thách đố to lớn trong xã hội đương đại là được giáo dục để lắng nghe một cách có chọn lọc cũng như trong việc củng cố ý tưởng đầy tai hại cho những người đang ở trong cùng một ‘bong bóng’.
Để chọn lựa rõ ràng khi phải đối mặt căn bệnh điếc này, một liệu pháp khả thi sẽ là tập lắng nghe những người ở xa, khác biệt, nhỏ bé; là thực hành sống đồng cảm, không theo nghĩa là tương đối hóa niềm tin của một người hoặc thích nghi với niềm tin của người kia, mà là cố gắng thấu hiểu lý do, cảm xúc và nỗi sợ hãi của đối phương. Bất cứ khi nào có thể, chúng ta không được đưa ra những câu trả lời có sẵn như một giải pháp thay thế trực diện mà hãy nêu ra những câu hỏi, khơi dậy sự tò mò và kích thích sự nghiên cứu.
Đại dịch Covid-19 đã đặt toàn bộ hành tinh vào vòng thử thách. Nhiều người đã định nghĩa đó là cơ hội để vượt qua sự tầm thường, nhận ra điểm yếu trong sự hiện hữu của chúng ta và đào sâu chiều kích thần bí của nó, đó là khả năng ngạc nhiên, kinh ngạc tột độ, và tự hỏi:
‘Tại sao chúng ta lại ở đây?’
Sự hiện hữu không phải là một quyền thuộc về chúng ta, chúng ta chỉ là những vị khách… Cuối cùng, lắng nghe phải gắn liền với sự thật. Khả năng lắng nghe của chúng ta tỷ lệ nghịch với niềm tin rằng chúng ta biết và sở hữu sự thật. Trong Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, sự thật được định nghĩa là “việc tìm kiếm những nền tảng vững chắc nhất làm cơ sở cho những lựa chọn của chúng ta” (số 208).
Trong Phúc Âm của Thánh Gioan (x. Ga 14,6) sự thật được tìm thấy trên hành trình và trong cuộc sống, giống hệt như một cuộc tìm kiếm, một khám phá mang tính tập thể và tiến bộ, một cuộc hành trình khát khao không bao giờ kết thúc. Tương ứng với phép ẩn dụ này, thật đáng để đặt câu hỏi về việc điều gì sẽ là một biểu tượng có khả năng đại diện cho đức tin của chúng ta, điều gì được tạo thành từ các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác; dường như nó giống với một cái lọ rỗng hơn là một cái giếng rửa tội.
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Chuyển ngữ từ southworld.net (01.8.2022)
Nguồn: giaophanvinhlong.net