Ngài nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về Chúa Giêsu khi Người giải thoát một người bị “thần ô uế” nhập (xem Mc 1,21-28). Thần ô uế đã hành hạ người ấy và tiếp tục làm người ấy phải kêu la (xem câu 23,26). Đây là điều ma quỷ làm: nó muốn chiếm hữu để “xiềng xích linh hồn chúng ta”. Và chúng ta phải cẩn thận với những thứ “xiềng xích” bóp nghẹt sự tự do của chúng ta. Hãy thử kể tên một số xiềng xích có thể thắt chặt trái tim chúng ta.
Tôi nghĩ đến các loại nghiện, khiến người ta trở nên nô lệ, không bao giờ thoả mãn và làm tiêu hao sức lực, tiền của và tình cảm; Tôi nghĩ đến những hình thức thời trang thống trị, thúc đẩy chủ nghĩa hoàn hảo, chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa khoái lạc, khiến con người trở nên hàng hóa và hủy hoại các mối tương quan của họ. Và một lần nữa, có những cám dỗ và điều kiện làm xói mòn lòng tự trọng, sự thanh thản và khả năng lựa chọn và yêu cuộc sống; có những nỗi sợ hãi khiến người ta nhìn về tương lai một cách bi quan và thiếu bao dung, luôn đổ lỗi cho người khác; và sự tôn thờ quyền lực, tạo ra xung đột và sử dụng vũ khí giết chết hoặc sự bất công kinh tế và thao túng tư tưởng. Điều đó tồn tại rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta.
Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi tất cả những xiềng xích này. Và hôm nay, trước sự thách thức của thần ô uế đang la lên “Ông muốn gì […]? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi?” (câu 24), Người đáp: “Câm đi! Hãy xuất khỏi người này!” (câu 25). Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự dữ và – chúng ta hãy cẩn thận để ý – không bao giờ nói chuyện với ma quỷ! Ngay cả trong sa mạc, Chúa Giê-su dùng lời của Thiên Chúa chứ Người không bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Mặt khác, chúng ta thường để xiềng xích của nó siết chặt chúng ta cho đến khi chúng làm cho chúng ta trở nên hết sức tồi tệ, nhưng điều này càng khiến chúng ta khó thoát khỏi chúng hơn. Tuy nhiên, Chúa Kitô nhắc nhở chúng ta rằng với ma quỷ chúng ta không bao giờ thương lượng.
Vậy phải làm gì khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ và đè nén? Chúng ta hãy kêu cầu Chúa Giêsu: kêu cầu Người tại nơi đó, nơi chúng ta cảm thấy bị xiềng xích của sự dữ và sợ hãi đang thắt chặt nhất. Hôm nay Chúa, với sức mạnh của Thánh Thần, cũng muốn lặp lại với thần dữ: “Hãy rời khỏi đây, để cho con tim được bình an, không được chia rẽ thế giới, gia đình, cộng đoàn nữa; hãy để họ sống bình yên, để hoa trái Thánh Thần của Ta, chứ không phải của ngươi, có thể trổ sinh. Để tình yêu, niềm vui và sự hiền lành ngự trị giữa họ, và để tự do và hòa bình, sự tôn trọng và quan tâm đến tất cả mọi người thế chỗ cho bạo lực và tiếng kêu than hận thù”. Đây là điều Chúa Giêsu mong muốn, và Người giao phó giấc mơ tự do này cho chúng ta, cho sự tỉnh thức của chúng ta – không đối thoại với ma quỷ – và cho lời cầu nguyện của chúng ta, để Người chữa lành chúng ta.
Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: liệu tôi có thực sự muốn thoát khỏi những xiềng xích đang thắt chặt trái tim mình không? Và tôi có biết nói “không” với những cám dỗ của sự dữ trước khi chúng len lỏi vào tâm hồn không? Cuối cùng, tôi có cầu xin Chúa Giêsu, tôi có để Người hành động trong tôi, chữa lành nội tâm tôi không?
Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ.
Sau Kinh Truyền Tin,
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho hoà bình trên đất nước Myanmar. Ngài khẳng định hoà bình là con đường mà tất cả chúng ta phải cùng nhau bước đi và phải bước đi trong đối thoại. Ngài cũng nhớ đến các nạn nhân mà những người đang chịu đau khổ tại Ucraine; tại Israel và Palestine.
Đối diện với biết bao hình thức bạo lực tôn giáo trên thế giới, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người tiếp tục kiên nhẫn cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa.
Sau khi Đức Thánh Cha chào các đoàn hành hương đến từ một số quốc gia, một em thiếu nhi đã đại diện để nói lên thao thức hoà bình. Các em ước mong mình một trở thành một phần của hoà bình vì thế giới này là thế giới của Thiên Chúa. Các em muốn truyền rao thông điệp: Thế giới là ngôi nhà chung của chúng ta. Các em hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cầu nguyện cho các trẻ em mọi nơi trên thế giới đang chịu đau khổ.
Sau lời chào các tín hữu, Đức Thánh Cha xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.