
Vatican News
Giáo phận Phúc Châu đã tổ chức vinh danh vị chứng nhân loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này bằng một hội thảo kéo dài từ ngày 16 đến 17/5, cùng với việc khánh thành tượng của ngài tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Đa Minh, trong một buổi lễ do Đức cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui) chủ sự.
Hội thảo về Cha Giulio Aleni – vị mục tử đã hướng dẫn các tân tòng suy niệm về các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Giêsu bắt đầu từ các đoạn Tin Mừng theo phương pháp của Thánh I-Nhã, – có sự tham gia của các học giả đến từ Trung Quốc, Hong Kong và Ý. Nhân cách và những đóng góp của nhà truyền giáo Dòng Tên người Ý – cũng là một nhà thiên văn học, văn sĩ, địa lý học và toán học – đã trở thành trọng tâm của nhiều bài tham luận với các góc tiếp cận khác nhau.
Linh mục và học giả Peter Triệu (Zhao) của giáo phận Bắc Kinh đã trình bày về “Đóng góp của cha Giulio Aleni cho đời sống tỉnh Phúc Kiến và sự giao lưu văn hóa”; giáo sư Lâm Kim Thủy (Lin Jinshui) đã có bài thuyết trình về chủ đề “Từ Matteo Ricci đến Giulio Aleni”; tiến sĩ Giang Vệ (Jiang Wei) tập trung phân tích “Những đặc điểm và điểm tương đồng trong nghệ thuật Công giáo tại Ấn Độ thuộc Bồ Đào Nha, Philippines thuộc Tây Ban Nha và Trung Quốc vào cuối triều Minh và đầu triều Thanh”. Cuối cùng, các học giả đã thực hiện một chuyến tham quan các “di tích” của cha Aleni tại khu vực Phúc Châu.
Cha Giulio Aleni sinh năm 1582 tại Brescia, miền Lombardia ở Ý. Gia nhập Dòng Tên năm 1610, ngài được sai đến Trung Quốc, và đã dành 40 năm cuộc đời để loan báo Chúa Kitô cho người Trung Quốc. Trong hành trình truyền giáo, ngài còn giảng dạy toán học, xem đây là một phương tiện hữu hiệu để tiếp cận giới trí thức trong xã hội Trung Quốc. Ngài từng là Giám tỉnh của tỉnh Dòng Hoa Nam (miền Nam Trung Quốc), và trong thời gian truyền giáo, đã xây hơn 20 nhà thờ, ban bí tích Rửa tội cho khoảng 10.000 người Trung Quốc. Năm 1649, vì phải trốn binh lính của triều nhà Thanh, ngài lánh nạn đến Diên Bình (Yanping), và qua đời vào tháng Năm. Mộ phần của ngài hiện đặt tại núi Thánh Giá ở Phúc Châu.
Trong sứ vụ truyền giáo, cha Aleni đã học hỏi và phát triển những sáng kiến cũng như thực hành của người anh em Dòng Tên là cha Matteo Ricci, đồng thời xuất bản khoảng 20 tác phẩm về khoa học, triết học, linh đạo và giáo lý.
Sau cha Matteo Ricci, trong những năm hoạt động tại Trung Quốc, cha Aleni là người am hiểu tiếng Trung nhất trong các tu sĩ Dòng Tên. Tác phẩm “Nguồn gốc đích thực của vạn vật” (1628), nói về Sáng tạo, đã được đón nhận rộng rãi và tái bản nhiều lần. Năm 1635, với tác phẩm “Trình bày chân thực về lời nói và hành động của Thiên Chúa Nhập Thể”, cha Aleni đã thuật lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách chi tiết. Các bản ghi chép 325 cuộc đối thoại của ngài với các nho sĩ Trung Hoa cũng có giá trị lớn về mặt văn hóa và lịch sử.