Trong bài “Nói về lòng Chúa thương xót nơi một số người Việt” đăng trên VietCatholicNews ngày 18 tháng 6 (xem http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/250984.htm), chúng tôi có đề cập tới Cha Trần Đình Long và Giáo Điểm Tin Mừng, người được nhiều người ái mộ coi như một nhân vật đặc sủng nhưng không thiếu người cho là đi trệch ra ngoài kỷ luật phụng vụ của Giáo Hội qua việc cho người lên làm chứng các phép lạ chưa được giáo quyền kiểm chứng trên bục giảng trong Thánh Lễ cũng như đặt tay cầu nguyện xin chữa lành, và gieo rắc một quan điểm giữ đạo vì phép lạ. Từ đó đến nay, đã có nhiều bàn tán, thảo luận sôi nổi về Cha cũng như về Giáo Điểm Tin Mừng.
Nhiều người thấy Cha Long bình thản thi hành thừa tác vụ theo ý mình, bèn quay qua thẩm quyền Giáo Hội, tức Tòa Tổng Giám Mục Sài gòn để chờ mong một định hướng và quyết định thích đáng. Dù sao thẩm quyền này cũng là thẩm quyền duy nhất có trách nhiệm đối với thừa tác vụ của Cha Trần Đình Long.
Phải bình tâm mà xét, Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Giám Quản Tổng giáo phận Sài Gòn hiện nay, là người kiên nhẫn làm việc và phương thức của ngài là tiến hành từng bước. Dù mất thì giờ, nhưng thiển nghĩ đúng với lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Mt 18:15-20 hơn: không thể một lúc đem ra hội đồng phán xử được, trái lại trước nhất phải bảo khuyên, không nghe thì mời thêm một hai người nói chuyện với họ; họ cũng không nghe thì mới mang họ ra Giáo Hội; đến thế, mà họ cũng không nghe thì coi họ như người ngoài. Như thế là có đến 4 bước.
Thiển Nghĩ cho đến nay, Đức Cha Giám Quản Sài Gòn đã thực hiện 3 bước đầu, chỉ còn bước thứ 4 nữa thôi và ta hy vọng bước ấy sẽ không diễn ra.
Thực vậy, trong buổi cấm phòng của các linh mục Xóm Chiếu hồi tháng Tư, Đức Cha Giám Quản đã chính thức nhắc nhở Cha Long về các sai phạm của ngài (bước thứ nhất). Rồi sau Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 10/6/2019, Đức Cha Giám Quản, chính thức gửi văn thư cho Cha Trần Đình Long. Hành vi này nói lên sự kiện không phải riêng ngài quan tâm đến vấn đề mà cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng quan tâm đến nó (bước thứ hai). Vả lại thư ấy, đề ngày 28 tháng 6, đồng kính gửi Linh Mục Đoàn Văn Thịnh, hạt trưởng hạt Xóm Chiếu, không thể nói là chuyện tư riêng nữa. Trong thư này, ngài đặc biệt nói đến một số việc vốn diễn ra tại Giáo Điểm Tin Mừng: Tránh các hình thức trình diễn mang tính thế tục (ca hát, nhẩy múa, reo hò…) trên cung thánh; không công bố các lá thư cá nhân hay mời bất cứ ai lên làm chứng từ trong phần giảng lễ; với các trường hợp chữa lành, cần phải thận trọng và tường trình vụ việc lên thẩm quyền Giáo Hội; không được tách biệt việc đặt tay cầu nguyện và rẩy nước thánh khỏi các nghi thức phụng vụ vốn đi kèm theo chúng và không được cử hành chúng một cách long trọng trước mặt những người mong được chữa lành vì có nguy cơ biến việc đạo đức thành thực hành mê tín dị đoan.
Ngày 22 tháng 7 vừa qua, Đức Cha Giám Quản Sài Gòn đã tiến sang bước thứ ba: không nói riêng với Cha Trần Đình Long hay Cha Đoàn Văn Thịnh nữa mà nói với toàn thể tổng giáo phận Sài Gòn qua văn thư “Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư gửi dân Chúa Tổng Giáo phận Sài Gòn 22.7.2019” của hai Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng và Nguyễn Anh Tuấn (xem http://vietcatholic.net/News/Html/251536.htm).
Thư trên không hoàn toàn nhắm vào Cha Trần Đình Long và Giáo Điểm Tin Mừng, vì có nhắc đến sự kiện “Lòng Mẹ thương xót” của Ông Nguyễn Thanh Việt, nhưng quả lưu ý đặc biệt tới “Sự kiện ‘Giáo điểm Tin Mừng’ với những lạm dụng trong cử hành tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, đặt tay cầu nguyện, chứng từ chữa lành bệnh nhân”. Vì các chỉ thị sau đó của các ngài cho người ta hiểu các ngài có ý nói đến Cha Trần Đình Long và Giáo Điểm Tin Mừng. Các chỉ thị này dựa vào Thư chung đã nhắc trên đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:
– Phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi;
– Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo;
– Phải tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân;
– Mọi tín hữu đều được tự do cầu nguyện xin ơn chữa lành;
– Trong giáo phận, mọi cử hành xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của Bản quyền Giáo phận;
– Không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ. Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc;
– Việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là trực tuyến, trong các cử hành xin ơn chữa lành, phải được Giám mục giáo phận cho phép.
– Trong các cử hành xin ơn chữa lành, nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người tham dự, thì phải giữ sự thận trọng cần thiết và tường trình sự việc cho thẩm quyền Hội Thánh.
Các ngài cũng chỉ thị thư trên phải được đọc trong các nhà thờ của tổng giáo phận vào Chúa Nhật 28 tháng 7.
Cũng Chúa Nhật đó, trong bài giảng về 10 điều răn, đến điều răn đừng làm chứng gian, Cha Trần Đình Long nói với cộng đoàn tại Giáo Điểm Tin Mừng rằng chỉ nghe đồn, nghe báo cáo láo, không chịu đến mà nghe, kiểm tra, mà đã kết tội này nọ. Phải đến tận nơi mà xem, đến tận nơi cũng chưa đủ, phải nghe; chứ chỉ dựa vào hiện tượng, chẳng biết chi đến bản chất của người ta đã vội kết án này nọ. Không được phép như vậy. Làm thế là phạm luật Chúa. Phạm tội mà cứ tưởng mình làm tốt (xem https://www.youtube.com/watch?v=u-Cw9pEjkJM&feature=youtu.be&fbclid=IwAR3-kkD69iWEtiiVnsMPWJ5Md7MBYBnTVcUHlV3wk4W9573aC1OM07qJUFA).
Có lẽ vì thế mà cùng với Thư Gửi dân Chúa nói trên, Đức Cha Giám Quản Đỗ Mạnh Hùng, ngày 29 tháng 7 hôm qua, đã ra “Bổ Nhiệm Thư” chính thức mời Cha Trần Đình Long rời Giáo Điểm Tin Mừng để về phục vụ tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận ở số 6bis Đường Tôn Đức Thắng hạn chót là ngày 18 tháng 8. Đức Cha Giám Quản cho hay việc bổ nhiệm này là “vì lợi ích chung của Tổng giáo phận, sau khi suy nghĩ, cầu nguyện và bàn hỏi với Ban tư vấn cùng những người có trách nhiệm liên quan” (xem http://vietcatholic.net/News/Html/251552.htm).
Chỉ còn một bước nữa, bước coi Cha Long như người ngoài thì chưa và chúng ta hy vọng sẽ không bao giờ phải xẩy ra. Tuy nhiên tất cả tùy ở Cha Trần Đình Long.
Nói thì nói thế, chúng ta cũng có một phần trong đó. Và phần này, chúng tôi hy vọng Đức Cha Giám Quản cũng đã nghĩ đến rồi. Vì đây là thực hành quen thuộc của Giáo Hội hoàn vũ. McCarrick cũng như một số người sai quấy chỉ bị kỷ luật sau một cuộc điều tra rạch ròi. Chính Cha Trần Đình Long cũng mong có một cuộc đến nơi không những để xem mà còn để nghe, không chỉ xem nghe hiện tượng mà còn xem nghe bản chất nữa. Dĩ nhiên, để cuộc điều tra tiến hành công minh, Cha Trần Đình Long nên về Trung Tâm Mục Vụ, chờ kết quả cuộc điều tra này. Bất cứ hình thức kỷ luật cuối cùng nào với Cha Trần Đình Long đều không thể khả hữu nếu không có cuộc điều tra đến nơi đến chốn. Có người còn cho hay mình không tiến hành cuộc điều tra này, người khác sẽ tiến hành, và lúc đó, ta thêm tội bao che như trong các cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Chilê, ở khắp nơi hiện nay.
Tác giả: Vũ Văn An