Phát biểu tại buổi gặp gỡ với chủ đề “Tương lai và Triển vọng Thần học của Giáo hội tại Á châu”, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Chung Soon-taick của Seoul nói: “Chúng ta phải suy tư rất nghiêm túc về cách thần học hóa di sản và giá trị châu Á bằng cách soi sáng chúng dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo trong khi bảo tồn chúng, và cách làm chứng năng động cho Tin Mừng trong bối cảnh Á châu”.
Đức Tổng Giám Mục cũng chỉ ra sự cần thiết phải tập trung vào việc chăm sóc mục vụ cho người di cư. Ngài nói: “Thực tế là không chỉ Giáo hội đòi hỏi nhiều hơn việc chăm sóc mục vụ cho những người lao động nhập cư và các gia đình đa văn hóa, nhưng còn cần có nhiều nỗ lực và xem xét hơn cho sự hiểu biết và hội nhập của tất cả các thành viên trong xã hội”.
Bày tỏ mối quan tâm về hoàn cảnh khó khăn của những người phải di dời do khủng hoảng khí hậu và kêu gọi mọi người lắng nghe họ, ngài nói: “Giữa cuộc khủng hoảng sinh thái, tiếng kêu của người nghèo đã trở thành một tiếng nói quan trọng mà Giáo hội Á châu cần lắng nghe. Thật đáng tiếc khi người nghèo đang phải chịu nhiều thiệt hại hơn do biến đổi khí hậu ở châu Á.”
Đức Tổng Giám Mục Chung cũng chỉ ra ảnh hưởng ngày càng tăng của thuyết phổ quát, tục hoá và ngẫu tượng là lý do làm mất giá trị của đức tin và quay lưng lại với Giáo hội.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Đức cha Adrianus Sunarko, Giám mục của Pangkal Pinang, Indonesia đã trình bày những phê bình của ngài về Con đường Công nghị của Giáo hội Công giáo Đức, và nhấn mạnh vai trò của Kinh Thánh, truyền thống và phương pháp thần học theo các văn bản của Liên Hội đồng Giám mục Á châu.
Đức cha Sunarko đã nói quan điểm của ngài về sứ vụ của Giáo hội dựa trên tình yêu nhưng không và hy sinh chính mình trong niềm vui Tin Mừng. Ngài nhấn mạnh rằng mô hình đức ái dựa trên tông huấn “Evangelii Gaudium-Niềm vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô, phải là trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng ở Á châu.
Cuộc họp cũng có một cuộc thảo luận nhóm, trong đó các đại biểu đã đưa ra ý kiến về vai trò của giáo dân trong Giáo hội và tính hiệp hành tập trung vào Chúa Kitô; Sự cần thiết phải đào tạo giáo dân để giúp họ hiểu vai trò quan trọng của họ trong Giáo hội Công giáo; Đào tạo đầy đủ về căn tính và sứ vụ của giáo dân cũng là điều cần thiết, và đặc biệt, làm cho họ nhận ra rằng họ xứng đáng và quan trọng như thế nào trong Giáo hội, cung cấp một địa điểm để họ tham gia và cho họ một số sáng kiến, nếu cần thiết. (Ucanews 09/5/2023)