Lời mời gọi hoán cải và hòa giải với môi sinh


  Những ngày đầu tháng 11, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (viết tắt là COP26) đã diễn ra tại Glasgow, Scotland. COP26 được ví như “cơ hội vàng cuối cùng” để cứu vãn khí hậu toàn cầu. Trong một thế giới đang bị “trật đường ray” và con người sắp hết thời gian, các cam kết mới mẻ và những hành động khẩn cấp chắc chắn là chưa đủ, thế giới và nhân loại còn cần một cuộc hoán cải và hòa giải sâu xa với môi trường và sinh thái.

Một thế giới “trật đường ray”

Trong nhiều thế kỷ qua, nền kinh tế các quốc gia và thế giới – bất kể theo mô hình nào – liên tục tăng trưởng và phát triển nhanh chóng dựa chủ yếu vào việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Hàng năm, có thêm các nhà máy, hạ tầng, phương tiện giao thông, các đô thị mới, đồng nghĩa với việc ngốn thêm năng lượng và nhiên liệu hoá thạch. Trong khi đó, người dân ở khắp nơi trên thế giới đều muốn tiện nghi trong cuộc sống của mình ngày càng đầy đủ hơn. Mọi người đều muốn bật điều hòa vào mùa hè, bật máy nước nóng vào mùa đông, và không phải ai cũng quan tâm nguồn năng lượng mình dùng đến từ điện gió, điện mặt trời hay than đá.

Nếu một cá nhân phát thải không quá đáng thì cả nhân loại với hơn 7 tỷ người hiện nay lại là cả một con số khổng lồ. Theo các nhà nghiên cứu, 51 tỷ là số tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà nhân loại trút vào bầu khí quyển mỗi năm. Và con số này đang tăng lên. Thế giới như một con tàu vì chạy quá nhanh trên một… đường ray không vững chắc nên bị “trật đường ray”. Những cuộc chạy đua không kềm chế và vô trách nhiệm của con người làm cho Trái Đất đang nóng dần lên. Và đó lại là một cách “tự sát tập thể” nữa của nhân loại. Tuy nhiên, vẫn còn những quốc gia nghĩ rằng giảm phát thải ròng chưa phải việc của mình. Nhiều hội nghị COP đã được tổ chức, nhiều cam kết đã được đưa ra mà đáng chú ý nhất là Thỏa thuận Paris đạt được tại COP21 cách đây 6 năm với hơn 190 quốc gia cam kết hạn chế lượng phát thải của mình. Nhưng phần đa các cam kết vẫn còn nằm gọn trên bàn giấy hơn là trong hành động thực tế, có lẽ vì người ta chưa biết sợ. Vì thế, triết gia người Đức Hans Jonas (1903-1993) đã nói: “Hãy biết sợ!” trước những viễn cảnh đen tối và nguy hiểm, vì chỉ có như thế ta mới thấm thía gánh nặng trách nhiệm đang đặt trên vai để biết phải bảo vệ những gì và phải từ bỏ những gì. Ta chỉ có thể hy vọng khi biết sợ!

Cam kết của tôi? Dấn thân của bạn?

Quan sát sự bận rộn của các đại biểu toàn cầu đến dự hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow và chờ đưa tin về hoạt động của họ, tôi tự hỏi đâu là nghĩa vụ của mình với Trái Đất. Bên cạnh cam kết của các quốc gia và quốc tế, cam kết của cá nhân tôi là gì? Như nhiều người, với khả năng giới hạn của mình, tôi sẽ không trực tiếp thay đổi ngay được điều gì về công nghệ, chính sách hay tái cấu trúc thị trường ở tầm vĩ mô để đưa nhân loại bước tiếp trên con đường loại bỏ khí nhà kính vào năm 2050. Nhưng tôi có thể tích cực ủng hộ chống biến đổi khí hậu, cổ võ các hoạt động bảo vệ môi trường và từng bước thay đổi thói quen của mình.

Sẽ không công bằng và không thể bắt buộc người nghèo dừng sử dụng xăng cho chiếc xe máy cũ giúp họ mưu sinh. Nghĩa vụ của mỗi người với môi trường, nhất là những người đang ở nhóm thu nhập thấp, không phải là thôi nỗ lực cải thiện cuộc sống của mình, mà là sống có lựa chọn. Không lấy thêm một túi nylon khi mua hàng, từ chối một ống hút nhựa, vặn vòi nước nhỏ lại, giảm điều hòa hay không bật điện bừa bãi, không lãng phí thức ăn… Lựa chọn làm khác đi thay vì thói quen cũ của mỗi người sẽ tác động đến môi trường và cả đến quyết sách của nhà nước, giúp chuyển cuộc sống từ “vùng cam”, “vùng đỏ” sang “vùng xanh”. Những quyết định khác trong cuộc sống của ta cũng cần được cân nhắc với suy nghĩ về môi sinh. Khi đó, ta mới thực sự góp một tay để cứu Trái Đất.

Một lời mời gọi hoán cải và hòa giải với môi sinh

Cứu Trái Đất, thực ra là cách nói của bản ngã loài người cho việc cứu chính loài người chúng ta, ở đây và ngay lúc này, và cứu cả con cháu chúng ta nữa. Nếu không hành động kịp thời và mạnh mẽ, trong tương lai “hành tinh xanh” sẽ nên như “quả cầu lửa”. Vì thế, trách nhiệm cụ thể đối với các thế hệ đã qua và các thế hệ tương lai, trách nhiệm đối với môi trường khu vực và toàn cầu, trách nhiệm đối với sự đa dạng của các giống loài cũng như đối với các nền văn hoá xa lạ và xa xôi trở thành những vấn đề thời sự thiết thân hơn bao giờ hết. Và như Hans Jonas nói, chúng ta không chỉ “yêu người sát bên cạnh mình” nhưng còn phải “yêu người ở nơi xa nhất”.

Thêm nữa, thánh Tôma Aquinô nói, Thiên Chúa tạo nên con người là để con người cũng tạo dựng: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Vì thế, hoán cải sinh thái không gì khác hơn là khơi lại nơi mình ý thức về trách nhiệm được tham gia vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, để tâm hồn con người luôn mang một thái độ tạ ơn, vốn đã bị thói ích kỷ làm thô thiển và vô cảm. Hòa giải với môi trường là cởi dây giày ích kỷ; thay đổi nếp nghĩ và thái độ dửng dưng với thế giới vô cơ và cách làm đầy bạo lực nhân danh lợi ích kinh tế thiển cận và tham lam của mình. Với sự khiêm tốn, tôn trọng và đối thoại, chúng ta nhìn thấy nơi môi sinh, nghĩa là nơi biển cả, không khí, cá tôm, đất đai, cây cỏ và anh chị em đồng loại,.. lời mời gọi cộng tác và dấn thân của Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin hãy ban Thánh Thần Chúa đến và đổi mới bộ mặt địa cầu.

Gió Biển