Ngày nay, chúng ta không còn lạ lẫm gì về việc lấy mẫu xét nghiệm COVID. Mỗi lần phải thực hiện cuộc xét nghiệm, chúng ta đều mong mỏi mình nhận được dấu trừ, biểu hiện cho kết quả âm tính với virus Corona. Còn khi nhận được dấu cộng – dấu dương tính, dấu nhiễm bệnh, là thêm về cuộc sống chúng ta bao vấn đề như: cách ly, lo lắng, sợ hãi, và nhất là cảm giác cô đơn nữa. Dấu cộng theo lẽ thường là một dấu hiệu tốt nhưng trong kết quả xét nghiệm dịch tễ này, đó lại là dấu bất an, dấu có sức đẩy chúng ta xa gia đình, xa người thân, làm trì trệ bao ước mơ, dự định trong hiện tại và tương lai.
Người thanh niên và những dấu cộng trong cuộc đời
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Mc 10,17-30), Thánh Mácco kể về cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và một người thanh niên. Anh này có nhiều dấu cộng trong cuộc đời mình. Những dấu cộng tiêu biểu đó là gì?
Dấu cộng thứ nhất, anh là người có ước mơ. Quả vậy, anh có một ước mơ rất đẹp, rất cao cả mà mọi Ki tô hữu chúng ta đều ấp ủ: ước mơ thiêng đàng! Anh đang sống ở đời này, nhưng không quên lo cho sự sống đời sau. Nhiêu đó thôi anh cũng được cộng điểm rồi.
Dấu cộng thứ hai, anh là một người đầy thiện chí. Anh không chỉ có ước mơ, mà còn quyết tâm làm cho ước mơ ấy thành hiện thực. Vậy nên anh đã đi tìm người khôn ngoan mà bàn hỏi. Và người đó chính là Chúa Giêsu. Anh đã chạy đến với Ngài. Hành động “chạy” này cho thấy sự nhanh nhẹn, khao khát thực hiện ước mơ rất mãnh liệt nơi anh. Anh quỳ dưới chân Chúa, tha thiết xin Ngài chỉ cho anh bí quyết: “làm thế nào để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.
Dấu cộng thứ ba: anh là người sống chu toàn các giới luật của Thiên Chúa. Khi được Chúa hỏi về việc tuân giữ các điều răn như: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”, thì chúng ta được biết rằng: tất cả những điều đó đã được anh tuân giữ từ thuở nhỏ. Thật đáng quý cho sự kiên trì bền bỉ này.
Dấu cộng thứ bốn: anh được Chúa yêu mến. Có lẽ, Chúa thấy được cái chân thành, thiện chí của anh. Từ việc anh chạy đến với Chúa, quỳ dưới chân Ngài, và xin được hướng dẫn cách sống sao để đạt được gia nghiệp Nước Trời là sự sống đời đời. Hơn nữa, việc Chúa mời gọi anh đi theo Ngài làm môn đệ cũng cho chúng ta thấy Chúa rất có thiện tình với anh.
Và cuối cùng, dấu cộng lớn nhất trong cuộc đời anh đó là sự giàu có! Khoan bàn đến vấn đề “tiền nhiều để làm gì?” vì đối với người đời, giàu có về vật chất thì vẫn tốt hơn là đói khát, nghèo khổ.
Người thanh niên và phép trừ của Chúa Giêsu
Những tưởng các dấu cộng về của cải, lý tưởng, thiện chí, và sự ngoan đạo sẽ giúp người thanh niên dễ dàng đạt được ước mơ thiên đàng của mình. Tuy nhiên, trong cái nhìn của Chúa Giêsu, Ngài muốn anh hãy thử làm một phép trừ. Ngài đã tinh tế nhận ra điều còn thiếu, còn nghèo trong sự giàu có của anh. Ngài muốn anh bỏ bớt một dấu cộng: đó là của cải, bằng cách “bán những gì anh có mà cho người nghèo”. Hoặc nói một cách tích cực hơn, Chúa Giêsu muốn kiện toàn sự giàu có của anh bằng một mẫu xét nghiệm, qua phép trừ. Ngài đảm bảo rằng nếu anh làm như vậy, anh sẽ được một kho tàng trên trời, và trở thành môn đệ Ngài.
Tuy nhiên, phép trừ này đã không xảy ra. Người thanh niên đã buồn rầu bỏ đi, bỏ luôn “ước mơ thiêng đàng” và lời mời gọi làm môn đệ của Chúa. Anh đã không thể hiểu: tại sao phải mất một điều thì mới trở nên đầy đủ, trọn vẹn trong cái nhìn của Thiên Chúa, và có được sự sống đời đời. Anh đã bỏ Chúa, và ở lại trong tình trạng “dương tính” với sự giàu có của mình.
Bản phân tích xét nghiệm của Chúa Giêsu
Điểm thứ nhất: Tình trạng của người dương tính với của cải. Chúa Giêsu đã phân tích cho các môn đệ Ngài về vấn đề “dính dương tính” với của cải, nhân cuộc trò chuyện với người thanh niên giàu có. Ngài đã cho các ông thấy sự dính bén của cải đã gây khó khăn, cản trở như thế nào cho người thanh niên trong khi thực hiện ước mơ của mình. Và đó cũng là lời cảnh tỉnh cho tất cả các môn đệ, và mọi Kitô hữu hôm nay. Ai mà bị dương tính với sự dính bén của cải thì thật khó để vào Nước Trời. Chính vì lẽ đó, mà điều kiện tiên quyết để trở thành môn đệ Chúa, là “hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo”. Người thanh niên trong bài Tin Mừng dù đã rất thiện chí, có hoài bão, và nỗ lực rất nhiều để chu toàn tất cả các giới răn. Nhưng anh vẫn không từ bỏ chính mình được. Lòng anh còn quá hướng về của cải. Điều đó làm cho anh không dám đặt cược cuộc đời mình trong sự quan phòng dẫn dắt của Thiên Chúa. Không thể từ bỏ của cải nên anh cũng không có cơ hội chia sẻ với người nghèo, và cũng không quay lại để đi theo Chúa được. Dính dương tính với của cải đã làm cho anh trở nên buồn rầu, sa sầm nét mặt ngay cả khi anh đang gặp gỡ Chúa.
Điểm thứ hai, người bị dương tính với của cải thật khó để nhập quốc tịch “Nước Trời”. Trong tiếng Aramaic, chữ “gamla” vừa có nghĩa là ‘lạc đà’, vừa có nghĩa là ‘sợi dây thừng làm từ lông lạc đà’[1] Như vậy, điều Chúa Giê su muốn nhắn nhủ các môn đệ là: người giàu có mà dính bén của cải thì thật khó vào Nước Trời, giống như con lạc đà chui qua lỗ kim, hay như xỏ sợi dây thừng to qua lỗ kim vậy. Thêm vào đó, anh thanh niên giàu có đã nhầm lẫn rằng, Nước Trời có thể đạt được bằng công sức và công đức của cá nhân. Điều này là không thể. Ơn Cứu Độ đến từ Thiên Chúa, và chúng ta được “cứu”, được thừa hưởng gia nghiệp đời đời là do chính cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, chứ không phải do bản thân chúng ta thủ đắc. Vậy nếu nhờ Người, với Người, và trong Người mà chúng ta được cứu độ, thì tại sao chúng ta không dám làm một phép tính trừ trong cuộc đời mình?
Chúng ta đang thiếu gì trong hành trình theo Chúa?
Người thanh niên giàu có chỉ thiếu một điều nữa thôi, là có thể trở thành môn đệ Chúa, và được thừa hưởng kho tàng trên trời, và sống hạnh phúc. Điều anh thiếu đó là chưa nhận ra kho tàng đích thực của đời mình, là Chúa. Do đó, anh đã không dám chia sẻ tất cả những gì anh đang sở hữu. Anh chưa dám phó thác đời mình cho Chúa vì sợ những rủi ro khi mất đi sự đảm bảo cho bản thân. Còn chúng ta, những người đi theo Chúa trong từng bậc sống của mình, chúng ta đang giàu có về điều gì, và chúng ta đang thiếu gì để rồi lòng vẫn bất an, buồn sầu, và đôi khi muốn thoát ra khỏi ánh nhìn yêu thương của Chúa?
Hãy cùng nhau lấy mẫu xét nghiệm đời mình và xin ơn Chúa trợ giúp, hầu nhận ra tình trạng của bản thân, để rồi:
- Không tự mãn vì những gì đạt được, nhưng biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh
- Không ỷ vào sức mình, nhưng biết đặt Chúa là nguồn lực, và trợ lực của toàn bộ đời sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa hứa sẽ ban gấp trăm của cải đời này, và sự sống đời đời cho những ai đi theo Ngài. Nhưng Chúa cũng nói rõ là những điều này sẽ đi cùng với sự ngược đãi. Xin cho chúng con luôn biết tín thác vào Chúa, và can đảm từ bỏ những gì làm trì trệ cuộc hành trình tìm kiếm Nước Trời, trong ân huệ Chúa ban. Amen.
Quỳnh Thoại, CĐM