Tác giả: Daniel Esparza
Nguồn: aleteia.org
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
WHĐ (4.8.2020) – Sự tập họp khác thường này có ý nghĩa cánh chung sâu sắc. Và nhìn vào một từ duy nhất trong tiếng Hy Lạp gốc có thể giúp giải mã điều đó.
Biến hình, sự kiện duy nhất trong đó Chúa Giêsu xuất hiện rạng rỡ trong vinh quang trên núi, cùng với Môsê và Êlia, được mô tả một cách tinh tế trong các Tin Mừng nhất lãm (Mátthêu, Máccô và Luca), được đề cập trong Thư thứ hai của Thánh Phêrô và, theo một số người, kín đáo ám chỉ trong sách Tin Mừng Thánh Gioan (“Chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con một tự nơi Cha”,…Gioan 1: 14), Gioan là một trong ba sứ đồ (với Phêrô và Giacôbê) đã chứng kiến phép lạ này.
Biến hình được coi là một trong năm cột mốc của cuộc đời Chúa Giêsu theo các Tin mừng, bên cạnh Bí tích Rửa tội, Đóng đinh, Phục sinh và Thăng thiên. Là khoảnh khắc mà bản tính thần linh của Chúa Giêsu thể hiện qua (hoặc, có lẽ chính xác hơn là, trong), bản tính con người của Ngài (do đó ngụ ý tiên báo sự Phục sinh của Ngài, “thấy trước” thân xác được tôn vinh), các mô tả về sự Biến hình trong suốt lịch sử đã đóng vai trò như một hình mẫu cho các trình thật sinh động sau này của sự Phục sinh, cho thấy đoạn văn này không thể được hiểu đầy đủ trừ khi được xem xét trong bối cảnh cái chết của Chúa Giêsu (và chính cái chết thất bại của Ngài). Đoạn văn này chắc chắn cũng cần được đọc theo cách chú giải dụ ý, khi nhấn mạnh rằng các tín hữu cũng cần phải biến hình thông qua hành động của Chúa Thánh Thần.
Nhưng Chúa Giêsu và ba sứ đồ này (Gioan, Phêrô và Giacôbê) không phải là những nhân vật duy nhất tham gia vào cảnh tượng này. Môsê và Êlia đang làm gì ở đây, khi nói chuyện với Chúa Giêsu?
Chúng ta có thể cách nào đó dễ dàng hiểu được sự hiện diện của Môsê. Một mặt, việc Biến hình xảy ra sau khi Chúa Giêsu đã cho đám đông người đói khát ăn no khi Ngài làm các ổ bánh và mấy con cá biến ra nhiều, khiến chúng ta nhớ đến dân Ítraen được nuôi bằng manna khi được Môsê dẫn đi trong hoang địa. Ngoài ra, Sách Xuất hành (34: 29 – 35) cho chúng ta biết rằng khi Môsê từ núi Sinai đi xuống mang theo Mười Điều răn, “khuôn mặt của Ông sáng chói” (trên thực tế, đoạn văn này thường được gọi là “khuôn mặt sáng chói của Môsê”) giống như khuôn mặt của Chúa Giêsu đã “sáng chói như mặt trời” trong suốt cuộc Biến hình. Những tương đồng này chắc chắn có ý nghĩa sâu sắc và rõ ràng không chỉ đối với các tác giả của các sách Tin Mừng, mà còn cho những độc giả đầu tiên của các sách Tin Mừng đó.
Nhưng có một chi tiết thú vị hơn ở đây: Tin mừng Luca (9: 28-36) cho biết thêm rằng Chúa Giêsu, Môsê và Êlia đang nói về sự ra đi của Ngài (nghĩa là của Chúa Giêsu), “mà Ngài sắp sửa hoàn thành tại Giêrusalem”. Từ Hy Lạp mà Luca sử dụng cho “sự ra đi” trong bản gốc là exodos, một sự ám chỉ rõ ràng đến cuộc xuất hành của Môsê ra khỏi Ai Cập. Ở đây, tác giả cung cấp một bài đọc rõ ràng về lịch sử cứu độ như đi từ sự giải phóng của Môsê đến sự giải phóng do Chúa Giêsu trao ban. Nhưng còn Êlia thì sao?
Đây là một gợi ý: Êlia cũng “đã ra đi”.
Theo truyền thống, sự hiện diện của Môsê và Êlia trong Biến hình đã được hiểu là tóm tắt “Lề Luật và các Tiên tri”, hiện đang được hoàn thành trong và bởi cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia. Môsê rõ ràng là đại diện cho Lề Luật, trong khi các Tiên tri được đại diện bởi Êlia. Nhưng tại sao lại là Êlia mà không phải, giả dụ như Isaia, Ôsê, hay thậm chí là Gioan Tẩy Giả, thường được coi là “Tiên tri cuối cùng của Cựu Ước”?
Thật ra, theo Giáo lý Giáo hội Công giáo, Gioan Tẩy Giả còn “hơn một nhà tiên tri”. Giáo lý nói tiếp, trong ông “Chúa Thánh Thần kết thúc việc Ngài nói qua các tiên tri. Gioan hoàn tất chu kỳ các tiên tri bắt đầu từ Êlia”. Đây chính xác là những gì chúng ta tìm thấy trong Tin mừng Mátthêu (11: 13-14): “Vì các tiên tri hết thảy và Lề luật cho đến Gioan đã nói tiên tri. Và nếu các ngươi muốn nhận, thì chính ông là Êlia phải đến.” Nhưng tại sao Êlia vẫn “phải đến”, nếu Gioan Tẩy Giả là Êlia “mới” là người đã đến rồi? Và tại sao bây giờ ông lại nói chuyện với Chúa Giêsu?
Sách thứ hai Các Vua nói với chúng ta rằng vị tiên tri đã không chết, mà là vào thiên đàng “bằng lửa” và vẫn còn sống, “trong một cơn lốc”, đã được mang đi trong một cỗ xe lửa. Cùng với Ênốc và Đức Trinh Nữ Maria, ông là nhân vật Kinh thánh duy nhất khác được đưa lên thiên đàng cả thân xác. Đoạn văn này được gọi là “sự ra đi của Êlia”, và cũng được hiểu là báo trước sự Thăng thiên của Chúa Giêsu lên Thiên đàng mà vẫn còn sống, một khi đã được phục sinh. Điều đó có ý nghĩa là Êlia và Môsê lúc đó là hai nhân vật cũng đang thảo luận về sự ra đi (exodos) của chính Chúa Giêsu.
Cũng vậy, sự trở lại của Êlia, một mình nó, có ý nghĩa cánh chung sâu sắc (cả trong tiếng Do Thái và trong các sách Kinh thánh Kitô giáo), vì Êlia có trước Đấng Mê-si-a, và “sự ra đi” của ông, tiên trưng sự ra đi của Chúa Giê-su: sách tiên tri Malakia (nhà tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước trong Kinh thánh Kitô giáo, và là cuốn sách khép lại lối văn chương tiên tri) nói rằng Êlia sẽ được gửi trở lại trái đất “trước khi ngày trọng đại và khủng khiếp của Đức Chúa lại đến”. Theo truyền thống, người ta cho rằng sự hiện diện của Êlia trong cuộc Biến hình củng cố việc hoàn thành lời của tiên tri Malakia, là lời đã được thực hiện trước đó nơi Gioan Tẩy Giả, như thể đóng ấn cho lời tiên tri đó.