MỘT THIÊN CHÚA LIỀU MÌNH
(Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm A)
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
WHĐ (1.10.2020) – Nếu hỏi những người thành công về bí quyết làm giàu, chắc chúng ta ngạc nhiên khi họ nói đến yếu tố liều lĩnh. “Liều ăn nhiều” đã là phong cách làm giàu của nhiều tỷ phú. Dĩ nhiên họ liều mình trong sự khôn ngoan, tính toán, đắn đo và dám đặt cược niềm tin của họ vào những dự tính làm ăn. Không chỉ trong lãnh vực kinh tế, cuộc sống cũng đòi con người cần liều mình để dám đương đầu với khó khăn. Không ai chắc chắn 100% thành công khi làm điều gì đó. Yếu tố liều lĩnh hoặc bạo gan đòi người ta dấn bước để chấp nhận cuộc chơi[1]. Thực tế, nhiều khi thách đố lại là cơ hội để trui rèn nghị lực của đương sự. Khi đó “liều lĩnh” trở nên sự cương nghị, mạnh mẽ và can đảm.
Hẳn nhiên liều lĩnh làm chuyện xấu xa, phạm pháp là điều không nên. Liều mình đi ăn cướp hoặc sống coi trời bằng vung là điều đáng tránh xa. Ngược lại, với ý hướng ngay lành, với động lực hướng thượng và với tình yêu muốn làm điều lương thiện, khi đó liều lĩnh sẽ cho đương sự can đảm thực thi điều mình hoạch định. Theo nghĩa này, liều lĩnh là dám chấp nhận nguy hiểm hoặc hậu quả có thể xảy ra. Họ nhập cuộc với nhiều tính toán của lý trí và mách bảo của con tim. Hoặc nói như thánh Têrêsa Avila: “Chúng ta phải chứng tỏ mình là người gan dạ thánh thiện, vì Chúa giúp người can đảm.” Khi đó, một chút liều lĩnh lại là chất xúc tác giúp người ấy bước qua sợ hãi để can đảm dấn bước.
Tôi tin mỗi người điều có kinh nghiệm về sự liều lĩnh này. Thú thật trước khi bước vào đời tu, tôi đã đắn đo nhiều lắm. Biết bao khó khăn đang đợi tôi phía trước. “Đi tu hay lập gia đình?” đã là chủ đề lớn, để rồi sau đó, tôi đã liều lĩnh bước vào đời dâng hiến với nhiều bình an. Khi đọc Sứ điệp[2] nhân ngày cầu nguyện cho ơn gọi thứ 56, tôi thêm vững bước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ cần chấp nhận, mạo hiểm, liều lĩnh để đáp lại ơn Chúa gọi. Đúng là can đảm để mạo hiểm với Thiên Chúa cũng là điều thú vị trong ơn gọi của mỗi người.
Thực ra chúng ta có thể đọc thấy sự liều lĩnh đang bàn ở đây trong Tin Mừng Chúa Nhật 27 hôm nay[3]. Số là trước lúc đi xa, ông chủ giao cho người làm công chăm sóc hoa màu. Ước muốn của ông là những người ấy trung thành cần mẫn trong mỗi công việc họ làm. Ông chủ đã liều mình giao cho họ cả khu vườn ấy. Liều mình vì không những họ đã bỏ bê công việc, hơn nữa, họ còn “bắt các đầy tớ của ông: họ đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.” (Mt 21,35). Trong quản trị, chắc chắn người ta sẽ sa thải nhóm người bất lương ấy. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta thấy ông chủ tiếp tục kiên nhẫn gửi một số đầy tớ đến với hy vọng nhóm người làm công này ăn năn thống hối. Họ vẫn “ngựa quen đường cũ”. Sau cùng, ông chủ gửi chính con trai mình đến gặp nhóm người ấy. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” (Mt 21,38).
Chắc ai cũng ngạc nhiên về cách hành xử trên đây của ông chủ. Có người cho rằng ông ấy thật liều lĩnh! Đó là cách hành xử của ông chủ, của chính Thiên Chúa. Thật lạ lùng theo lẽ thường, nhưng chi tiết này lại làm nổi bật lên một Thiên Chúa liều mình vì con người. Thiên Chúa đã sai Con Một Người là Đức Giêsu, để cứu thế gian tội lỗi. Trên dương thế, biết bao sóng gió đến với Đức Giêsu. Những người liên hệ đến Ngài cũng ít nhiều gặp nguy hiểm. Sau cùng, chính Đức Giêsu bị án tử trên thập giá. Người ta đã loại bỏ “tảng đá (Đức Giêsu)”, nhưng chính Đá Tảng ấy lại trở nên viên đá góc tường. Trên Viên Đá này Thiên Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài nơi trần gian.
Trước Cuộc Thương Khó ấy, chúng ta thấy một Đức Giêsu đã can đảm (liều mình): tha tội, điều mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm được. Người đã làm cho luật “ngày Sabbat làm ra vì loài người.” (x. Mc 2, 27). Người đã chuốc lấy sự nghi ngờ mắc tội phạm thượng. Người bị cho là kẻ giao du, ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! Từng bấy nhiêu vi phạm khiến người ta nại vào Lề Luật để tử hình Người. Nhưng trên hết, Đức Giêsu vẫn can đảm chấp nhận chu toàn thánh ý Chúa Cha.
Nhiều người có lý khi cho rằng: “Tại sao Thiên Chúa không dùng cách khác để cứu độ con người? Phải chăng Chúa Cha đã liều lĩnh gửi người Con xuống thế để phải chết tất tưởi trên thập giá?” Đó là cách Thiên Chúa đã làm. Hẳn là Thiên Chúa cũng biết Đức Giêsu sẽ gặp nguy hiểm, “Người phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.” (Mt 16,21-27).
Chìa khóa để trả lời cho thắc mắc trên nằm trong biến cố Phục Sinh. Đức Giêsu đã sống lại sau cái chết. Ngài liều mất mạng sống mình để sau đó Ngài bước vào cuộc sống vĩnh cửu. (Mt 10,39). Đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa với rất nhiều tình yêu. Hay nói như Giáo Hội: “Để cứu ta khỏi chết, Thiên Chúa đã thực hiện một sứ mệnh nguy hiểm: Người đã đem vào thế giới sự chết của ta “một thứ thuốc bất tử”. Chúa Cha và Chúa Con là hai đồng minh không thể tách rời trong sứ mệnh đó. Đầy lòng ước ao nồng nhiệt và vì yêu thương loài người, các Ngài đã nhận cho mình cái gì là cực độ, cực điểm. Thiên Chúa đã đề nghị một trao đổi để cứu độ ta mãi mãi: Người muốn ban sự sống đời đời của Người để ta có thể nếm được niềm vui của Người.”[4] Người dám liều lĩnh vì yêu thương con người, yêu bạn và tôi. Đây chẳng phải là nét đẹp của liều mình can đảm sao?
Tạ ơn Chúa vì Ngài đã liều mình đi bước trước để yêu thương đến với chúng ta. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho chúng ta (Ga 3,16). Ngài có đủ quyền năng để “vẽ thẳng trên những đường cong”. Nghĩa là, dù thuận lợi hay khó khăn, hạnh phúc hay đau khổ, Thiên Chúa luôn biết cách chăm sóc bạn và tôi. Trong Thiên Chúa, chúng ta có quyền liều mình để bắt chước Đức Giêsu. Liều trong tình yêu, hoặc nói đúng hơn, can đảm làm điều Thiên Chúa mời gọi chúng ta.
Chúng ta hãy khép lại đề tài với việc xin ơn can đảm. Xin Chúa cho mình “chút liều lĩnh” để không chỉ bước đi với Ngài, nhưng còn dám sống với nhiều ước mơ. Hy vọng và mong ước, cộng thêm can đảm trao phó mình cho lòng nhân lành của Thiên Chúa; khi đó, hẳn là chúng ta cũng được bình an và thành công. Hoặc nói như Đức Bênêđictô 16: “Hãy để Thiên Chúa xâm chiếm bạn, và bạn sẽ thấy đời bạn chiếu sáng, và không còn chán ngán.”[5]
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã liều mình xuống thế mang lấy thân phận mong manh của phận người. Ngài đã can đảm chịu mọi đau khổ và cái chết để cứu lấy từng người chúng con. Ước sao chúng con cũng liều mình can đảm thực thi sứ mạng Chúa trao. Khi đó, cuộc sống chúng con sẽ sinh nhiều hoa trái. Amen
[1] Có lần cha Anthony de Mello kể câu chuyện này để nói về sự bạo gan, cần liều mình hoặc can đảm: Một khách hành hương thất vọng nói: “Tại sao thời gian tôi lưu lại đây chả mang lại chút lợi ích gì cả?” Minh Sư ân cần đáp: “Có lẽ tại bạn không đủ can đảm để rung một cây cổ thụ chăng?”