MỘT VÀI CHIA SẺ VỀ VIỆC MỤC VỤ THIẾU NHI VÀ GIỚI TRẺ – SỨ VỤ ƯU TIÊN CỦA NỮ TU MÂN CÔI
Nt. M. Rose Vũ Loan, FMSR
WHĐ (25.5.2021) – Người nữ tu thường được coi là người cầu nguyện và dấn thân phục vụ. Đặc biệt ở lãnh vực giáo dục và mục vụ tông đồ, người nữ tu đồng hành với các tâm hồn trong việc làm tăng trưởng đời sống đức tin và hoàn thiện nhân cách làm người. Công việc đầy ắp hy vọng nhưng cũng không thiếu những thách đố vì sự tiến bộ không đồng đều giữa hai lãnh vực tinh thần và vật chất của con người hôm nay. Tuy nhiên, giáo dục là công việc của cõi lòng, từ con người đến con người, trái tim đến trái tim, và nghệ thuật giáo dục, theo ngôn từ Kitô Giáo, được coi như một sứ vụ, bởi nó không dừng lại ở mức độ thuần nhân loại, mà hướng con người đến chiều kích cao hơn, tâm linh và siêu nhiên, đó là trở nên “người” đích thực và nên con cái Thiên Chúa[1].
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo” (Mc 16, 15). Lệnh truyền của Chúa Giêsu từ hơn 2000 năm vẫn còn vang vọng và luôn cấp bách, có giá trị cho mọi thời và mọi nơi. Vì thế, Giáo Hội, dưới sức tác động của Chúa Thánh Thần, vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những cách thức truyền đạt Lời Chúa một cách thích hợp, để cho Lời nhập thể vào cuộc sống. Việc loan báo Tin mừng được cụ thể hóa qua việc giáo dục đức tin và được Giáo Hội coi là nhiệm vụ ưu tiên[2], một bổn phận thiêng liêng[3] và mối bận tâm hàng đầu[4]. Vì thế, trải qua bao thế hệ, do sự thách thức của xã hội và của các nền văn hóa đa dạng, Giáo Hội biết mình có sứ mạng phải loan báo Tin Mừng bằng nhiều cách thức khác nhau. Nhờ vậy, các kiểu mẫu dạy giáo lý ra đời và đổi mới theo dòng thời gian để Tin Mừng Đức Kitô đã gieo vào trần gian được nảy sinh và phát triển cách thích hợp trong lòng con người, với mục đích giúp con người đạt tới sự trưởng thành và vươn tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Ep 4, 13).
Dạy giáo lý chính là giáo dục đức tin. Thật ra, đức tin là ân ban của Thiên Chúa và con người mở lòng đón nhận ân ban cao quý này. Không ai có thể tự tìm kiếm đức tin cho mình hay cho người khác, nhưng để đời sống đức tin được lớn lên mỗi ngày, Thiên Chúa ban cho con người những phương thế giúp cho đức tin được tăng trưởng và kiên vững. Châm ngôn Rwandais nói rằng: “Thật ra chỉ một mình Thiên Chúa mới hạ sinh, con người chỉ làm công việc giáo dục”. Vậy, giáo dục đức tin là giúp người khác hiểu biết về đức tin, nuôi dưỡng và làm cho đức tin lớn lên, đạt tới mức trưởng thành để được thông hiệp sâu xa với Thiên Chúa, đồng thời giúp họ diễn tả đức tin của mình qua việc cử hành phụng vụ, sống đạo đức thánh thiện theo gương Chúa, biết cầu nguyện, sống tình hiệp nhất yêu thương với mọi người và trở thành chứng nhân Tin Mừng[5].
Nhiệm vụ quan trọng của Giáo Hội là tạo mọi điều kiện để các tín hữu được hưởng nền giáo dục Kitô giáo, nhất là giới trẻ. Và Giáo Hội, qua mọi thời, luôn đảm nhận sứ vụ “chăm sóc toàn diện đời sống con người’”[6]. Đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội, các dòng du, mặc dù không còn được chủ động trong vấn đề giáo dục, nhưng vẫn cố gắng bao nhiêu có thể để đóng góp phần mình vào việc đào tạo con người như một nhân vị đạt tới sự hoàn thiện và sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý, nghĩa là giáo dục con người trở nên con Thiên Chúa[7]. Do đó, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng các tu sĩ vẫn nỗ lực tìm ra những phương thức khác nhau để thi hành sứ vụ giáo dục, một sứ vụ gắn liền với việc loan báo Tin Mừng, qua việc đồng hành và hướng dẫn các bạn trẻ trong các môi trường phục vụ.
I. Sứ vụ của nữ tu mân côi
Sứ vụ của người nữ tu Mân Côi được xác định trong Hiến Luật Dòng số 38.4: “Trong sứ vụ tham gia vào việc tông đồ truyền giáo của Giáo Hội, chị em Mân Côi dấn thân trong các lãnh vực:
– Giáo dục thanh thiếu niên trong lãnh vực đức tin, luân lý, nghề nghiệp và văn hóa.
– Phục vụ giáo xứ, ưu tiên cho việc dạy giáo lý và phụ trách các hội đoàn thiếu nhi.
– Loan báo Tin Mừng cho lương dân, dạy giáo lý dự tòng.
– Tham gia công tác y tế, bác ái xã hội; đặc biệt hướng đến những người nghèo khổ, đau bệnh, bị bỏ rơi.
– Thi hành các công tác tông đồ khác được trao theo đức vâng phục và theo Hiến Luật Dòng.
Trong khuôn khổ bài chia sẻ này, người viết chỉ đề cập đến một hoạt động được Hội Dòng quan tâm nhiều hơn, đó là việc giáo dục đức tin (dạy giáo lý) và đồng hành với các em thiếu nhi và giới trẻ trong các giáo xứ cũng như các hội đoàn công giáo, các sinh viên, học sinh trong các lưu xá và các nhà nội trú của Hội Dòng.
1. Đấng Sáng Lập với việc giáo dục
Với khẩu hiệu Giám mục: “In Omni Patientia et Doctrina: Hết lòng nhẫn nhục và tận tâm giáo huấn” (2 Tm 4, 2), Đức cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn, vị sáng lập Hội Dòng, đã dành trọn tâm trí chăm lo việc giáo dục, nâng cao trình độ kiến thức và óc phán đoán chân chính cho người Việt Nam nói chung và cho giáo dân Công Giáo nói riêng, nhất là những người thuộc phạm vi ngài có trách nhiệm coi sóc. Ngay từ đầu năm 1903, khi ở trách nhiệm phó xứ Kẻ Văn, trong giai đoạn đầu tiên cuộc đời linh mục, ngài đã chú ý đến việc nâng cao dân trí, mở lớp dạy chữ và đạo nghĩa cho thiếu nhi và cả những người lớn thiếu học, từng bước uốn nắn họ từ câu kinh cho đến cách đối nhân xử thế. Bằng con đường văn hóa giáo dục qua việc viết và in ấn sách báo, ngài là một nhà giáo dục, một cây bút hoạt động phong phú và đa dạng, và trên hết là vị chủ chăn nhân ái, đạo đức thâm trầm và lỗi lạc.
– Về văn hóa giáo dục: Ngài lập “Trường An ấn quán” địa phận Huế, nhà in Thánh Gia địa phận Bùi Chu, để in ấn phổ biến sách báo, thư chung, tài liệu, tin trong nước, tin địa phận cũng như tin Giáo Hội Roma. Lập hội văn hóa Duc in altum (Ra Khơi), một diễn đàn dành cho các chủng sinh trau dồi học tập, tổ chức diễn thuyết về những vấn đề tu đức cũng như xã hội. Sau này tủ sách Ra Khơi được hình thành, ấn hành nhiều tác phẩm giáo khoa và nghiên cứu có giá trị của các tác giả: Trần Văn Hiến Minh, Trần Đức Huynh, Đỗ Quang Chính, Vũ Đình Trác, Phạm Châu Diên…[8]
– Về việc viết sách báo: Ngài làm chủ bút báo Sacerdos Indosinensis (Huế) và tạp chí Đa Minh Bán Nguyệt San (Bùi Chu); ngài là cộng tác viên thường xuyên cho tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (Sài Gòn) từ năm 1911-1942; ngoài ra, bài viết của ngài còn đăng tải trên khắp các báo đạo đời: Vì Chúa, Nam Kỳ tuần báo, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Thời Mới. Ngài viết đủ loại văn với nhiều đề tài: văn chương, thi phú, phóng sự, tiểu sử, luận đàm, giáo khoa, khảo cứu, y học, giảng thuyết, tu đức. với bút hiệu D. Hồ Ngọc Cẩn; ngoài ra tùy đề tài ngài còn ký các tên khác nhau: Ngô Ký Ẩn, Ngô Tri Dược, Ngô Đồng Hành, Ngô Ký Vãng, Ngô Tri Lễ, Hồ Ngọc, Quảng Tri[9].
– Về tu đức, giáo lý: Hai cuốn giáo lý nổi tiếng thời đó là Bổn Đồng Ấu, dành cho thiếu nhi được dùng khắp các địa phận. Thánh Giáo Thuyết Minh, dành cho người lớn, được sử dụng hàng nửa thế kỷ ở các địa phận dòng. Ngài còn là tác giả hàng trăm cuốn sách với nội dung đa dạng và phong phú [10].
Đức Cha rất gắn bó với công việc giáo dục, cách riêng là việc dạy giáo lý. Ngài nhận định rằng: “Bởi đâu mà con chiên giáo hữu nhiều nơi còn kém cỏi về lẽ đạo và còn nguội lạnh khô khan, chẳng qua là thiếu lời giảng dạy.[11]” Chính vì thế, khi thành lập Hội Dòng Mân Côi, ngài đã đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin và luân lý, làm sao cho các trẻ em được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Ngài nói với chị em: “Trong những trường chị em coi sóc, thì phải lấy việc dạy giáo lý và luân lý làm nền tảng. Bởi đó trong chương trình dạy văn chương chữ nghĩa, thì mỗi ngày phải có giờ dạy đạo lý”[12]. Ngài xác định mục đích của Hội Dòng là dạy học tại các xứ đạo: “Mục đích riêng của Dòng Mân Côi, trước hết là dạy học ở các trường trong các xứ, các họ”[13]. Ngoài ra, việc loan báo Tin Mừng cho lương dân cũng là mục đích của Dòng: “Dạy bổn đạo mới cũng là một mục đích của Nhà Dòng”[14].
Đối với Đức Cha, việc thành lập một hội dòng mới chăm lo việc giáo dục là một việc cần thiết cho giáo phận vào lúc bấy giờ. Hiểu được ý hướng ban đầu của Đức Cha Tổ Phụ và ý thức được tầm quan trọng của việc giúp cho mọi người được nhận biết Chúa và được lớn lên trong đời sống đức tin, chị em Mân Côi, cho tới hôm nay, vẫn tiếp tục duy trì và phát huy sứ vụ ấy, dành ưu tiên cho việc dạy giáo lý thiếu nhi, giới trẻ, các hội đoàn tông đồ và các anh chị em dự tòng.
2. Giáo dục đức tin, sứ vụ ưu tiên của Hội Dòng
Dòng Mân Côi do Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn sáng lập, nên đặc sủng của ngài cũng chính là đặc sủng của Hội Dòng. Với thao thức của một chủ chăn trong một giáo phận truyền giáo, ngài quan tâm đặc biệt đến việc: rao giảng Tin Mừng và giáo dục đức tin.
Trong Bản Luật Dòng đầu tiên viết cho Hội Dòng, ngài nhấn mạnh 2 điểm này:
– Rao giảng Tin Mừng: Đức Cha Tổ Phụ quan tâm và lưu ý chị em về việc dạy giáo lý tân tòng tại các thí điểm truyền giáo như sau: “Chị em ở nhà giáo phải học riêng về cách dạy bổn đạo mới như đã có sách. Lại ở đâu thì cũng chuyên một việc ấy thôi: ban tối dạy người lớn, ban ngày dạy trẻ con. Nếu trẻ con không đi học kinh thì mở lớp dạy vần, dạy nghề cho các trẻ bất luận lương giáo. Vì thế nên chị em chỉ đi đến những nơi có thể làm được việc ấy”[15].
– Giáo dục đức tin: Song song với việc truyền giáo là việc giáo dục đức tin qua việc dạy giáo lý trong các nhà trường và giáo xứ: “Việc đi dạy trẻ ở các trường Công Giáo trong các xứ, các họ, ấy là một mục đích trọng thuộc về nhà dòng, cho nên chị em phải biết làm việc ấy cho hẳn hoi[16] “… Lại phải học cho biết cách dạy vần, dạy bổn, và dạy bổn đạo Mới…” [17].
Vì thế, tại miền Bắc, vào những năm đầu khi mới được thành lập, Hội Dòng đã mở lớp học tại các nơi chị em phục vụ. Vào năm 1950, tại các nhà Trung Linh, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Thượng đã có các lớp dạy học, ngoài ra dòng còn mở 6 điểm dạy học khác trong giáo phận Bùi Chu như: Quất Lâm, Nghĩa Dục, Xuân Đài, Lạc Thành, Tứ Trùng, Quần Lạc. Riêng tại nhà mẹ Trung Linh có trường Nguyễn Trường Tộ dành cho các em đệ tử, các em nội trú và ngoại trú theo học từ tiểu học (cấp I) đến hết trung học đệ nhất cấp (lớp 9). Đến năm 1953, ngoài các trường và các địa điểm dạy học trên thuộc Hội Dòng, chị em còn dạy ở 4 trường công và trường làng với 20 nữ tu giáo viên và 653 học sinh. Ngoài ra, “Các chị không những dạy học, lại cũng tập tành nghề nghiệp cho các trẻ nghèo khó, như nghề làm rèn, nghề thêu…”[18]
Khi mới vào Nam, đến lập cộng đoàn tại một giáo xứ nào, chị em luôn đảm nhận công tác tông đồ mục vụ tại đó và ưu tiên cho việc dạy giáo lý. Cho đến năm 1975, hoàn cảnh lịch sử thay đổi, chị em phải ngưng công tác giáo dục tại các trường học nhưng vẫn thi hành sứ vụ giáo dục dưới một hình thức khác như dạy các nhóm nhỏ trong các gia đình hay tại cộng đoàn hoặc giáo xứ. Nhờ việc phân tán đến những địa điểm khác nhau mà nhiều cộng đoàn được thiết lập do nhu cầu mục vụ tại các giáo xứ. Sau này, một vài cộng đoàn đã trở thành giáo xứ hoặc làm điểm xuất phát cho việc truyền giáo, giáo dục hay cơ sở xã hội từ thiện.
II. Những đối tượng và chủ đích giáo dục
Phần đông các đối tượng mục vụ của chị em Mân Côi là những mầm non của Giáo Hội. Trong Hiến pháp đầu tiên của Hội Dòng, Đức Cha Tổ Phụ đã xác định sứ vụ ưu tiên trong việc giáo dục là giới thanh thiếu niên trong các giáo xứ, giáo họ. Ngài luôn trăn trở làm sao cho các đối tượng trẻ, theo từng độ tuổi, luôn được tiếp nhận một nền giáo dục phù hợp, cách riêng được giáo dục về đức tin và luân lý. Cho tới hôm nay, Hội Dòng vẫn dành ưu tiên hơn cho các đối tượng trẻ sau đây:
1. Các em Thiếu nhi
Các em thiếu nhi được quan tâm nhiều hơn tại các giáo xứ nơi chị em phục vụ. Các em tuổi vị thành niên được coi là thành phần quan trọng cần được khai tâm và hướng dẫn về đời sống đức tin, luân lý và nhân bản. Xét theo nhóm tuổi, thì đây là thời gian tuyệt vời cho việc thiết lập những giá trị đạo đức và xây dựng sự hiểu biết về Thiên Chúa.
Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, các em tuổi vị thành niên đang bị đe dọa bởi những tệ nạn xã hội và có nhiều vấn nạn tiêu cực tác động trên các em. Vì thế, ngoài việc giúp các em sống tốt các tôn chỉ của phong trào Thiếu nhi là cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm tông đồ, chủ đích giáo dục cho nhóm tuổi này là hướng các em đến những giá trị nhân bản và tôn giáo, những kỹ năng sống hữu ích để các em có một hành trang cần thiết bước vào tuổi trưởng thành.
Để việc giáo dục đạt hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ với các gia đình. Các em Thiếu nhi chính là cầu nối giúp người đồng hành tiếp cận với gia đình các em. Có thể nói vai trò của gia đình rất quan trọng đối với các em thiếu nhi, vì gia đình có ảnh hưởng lớn trên việc định hình và phát triển nhân cách của các em, đồng thời là môi trường thật tốt và cụ thể giúp các em sống đức tin một cách tự nhiên, đơn giản và chân thật. Nơi gia đình, các em học hỏi được những chứng từ tốt đẹp qua gương sáng, những lời dạy dỗ và sự chuẩn mực trong đời sống cũng như trong sự quan tâm lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn là nhiều cha mẹ không có thời gian giáo dục con cái nên trao phó trách nhiệm này cho giáo xứ và học đường. Điều này cũng tạo ra lỗ hổng từ phía gia đình, vì gia đình vẫn là cái nôi đầu tiên có vai trò thúc đẩy cho sự lớn lên về mọi phương diện. Do đó, cần mời gọi sự hợp tác chung giữa gia đình và các môi trường giáo dục khác để cùng chung tay thực hiện một nền giáo dục toàn diện cho các em.
2. Các lớp giáo lý
Ý thức được việc giáo dục đức tin là dẫn đưa người trẻ lớn lên trong đời sống đức tin, say mê Chúa Giêsu và nên giống Người, nên khi đến mục vụ tại giáo xứ nào, chị em ưu tiên đảm nhận các cấp lớp giáo lý theo nhu cầu của giáo xứ. Chủ đích của việc “giảng dạy giáo lý nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng tinh thần theo đời sống Chúa Kitô, đưa đến việc ý thức và tham dự linh động vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến khích hoạt động tông đồ”[19]. Ngoài ra, các em còn được học sống các mối tương quan, nâng cao phẩm chất đời sống và hoàn thiện nhân cách bằng việc luyện tập các đức tính, tập phân định để chọn lựa và hướng tới sự trưởng thành.
Các lớp giáo lý, tùy theo độ tuổi và chương trình, được học hỏi và đào sâu kinh nghiệm về mối tương quan cá vị với Đức Kitô, được đặt trên nền tảng là Lời Chúa và học biết cách nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa, nhằm phát huy thái độ sống phù hợp với Tin Mừng. Những hoạt động nghệ thuật mang tính suy gẫm cũng được lồng ghép vào giờ giáo lý, nhằm kích thích tư duy, khám phá những giá trị, nâng cao khả năng áp dụng những giá trị Tin Mừng vào cuộc sống và đưa đến một sự biến đổi bản thân nên giống Chúa. Hiện tại, Hội Dòng có 217 nữ tu trực tiếp dạy 212 lớp giáo lý cho 14.627 giáo lý sinh.
Một thách đố cho việc giảng dạy giáo lý hiện nay là các em rất bận rộn với chương trình học tại các trường: những giờ học thêm, những lớp năng khiếu hoặc những sinh hoạt vui chơi ngoài xã hội. Vì thế, các em không còn thời gian dành cho việc học giáo lý và tham gia các sinh hoạt giáo xứ, hoặc nếu có, chỉ là để lãnh bí tích. Trong hoàn cảnh này, các giáo lý viên rất cần đến sự hợp tác từ phía gia đình trong việc thúc đẩy và tạo sự thuận lợi cho các em được tham gia đầy đủ các lớp giáo lý. Ngoài ra, các giáo lý viên cũng cần học hỏi và nghiên cứu những phương pháp giảng dạy sinh động và hấp dẫn, chọn những cách thức truyền đạt thích hợp đem lại hiệu quả cho từng lứa tuổi, quan tâm đến khả năng khơi dậy cảm xúc trong quá trình học tập. Thái độ vui vẻ, thân thiện, tôn trọng, cảm thông… cũng là những nhân tố khơi lên cảm xúc, đưa đến thái độ học tập có hiệu quả hơn.
3. Lưu xá sinh viên và học sinh
Phần đông các em đến từ những gia đình ở vùng nông thôn, cha mẹ không đủ điều kiện cho con em theo học, hoặc gia đình không đảm nhận được việc giáo dục con cái về vấn đề tôn giáo và đạo đức, hoặc cha mẹ mải lo mưu sinh mà không thể quan tâm đúng mức cho con cái. Trước những hoàn cảnh và tâm lý đa dạng này, các em cần một sự đồng hành gần gũi và một bầu khí thân thiện của tình gia đình và tình bạn. Ngoài việc giúp các em có nơi ăn chốn ở và một môi trường tốt để học hành, chủ đích của các lưu xá còn chăm lo đời sống thiêng liêng, giáo dục nhân bản và hướng các em đến một lối sống tích cực, có trách nhiệm, biết tự luyện kỷ luật bản thân và phát huy nếp sống chung huynh đệ.
Hiện tại, Hội Dòng có 5 lưu xá và nhà nội trú cho 328 em sinh viên-học sinh. Trong việc đồng hành, một điều rất dễ nhận ra là các em đang bị xã hội lôi kéo theo những trào lưu mới, dễ buông mình theo những giá trị ảo và vật chất. Vì thế, những gì Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống số 221 thật đúng với tâm trạng của những người trẻ xa quê: “Họ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới không có các giá trị ấy. Họ cũng không được học cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững được giữa nhịp sống vội vã của xã hội”. Nhận định này mời gọi những người đồng hành có khả năng hiểu được hoàn cảnh và các vấn đề của tuổi trẻ, nắm bắt được các nhu cầu và các mối quan tâm của các em cũng như biết chú ý đến các em trong sự liên đới và hiệp thông chân thành, sẵn sàng chia sẻ niềm vui và nỗi khổ của các em, để có thể xây dựng một bầu khí lành mạnh và ấm cúng tình gia đình trong các lưu xá.
4. Các nhóm và hội đoàn giới trẻ
Trong việc mục vụ tại một số giáo xứ, chị em còn đồng hành với các nhóm và các hội đoàn giới trẻ. Ngoài việc giúp các em sống tinh thần và mục đích của hội, chị em còn lắng nghe những chia sẻ từ cuộc sống, những nhu cầu, những niềm vui nỗi buồn, những vấn nạn của cá nhân, gia đình hoặc xã hội. Một thực tế là nhiều khi người đồng hành cũng không thể giải quyết được hết những vấn đề được chia sẻ, nhưng thái độ lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông cũng có thể làm với những cảm xúc tiêu cực và khơi dậy phần tích cực nơi người trẻ cũng như những kinh nghiệm sống đức tin giữa một xã hội không mấy thuận lợi cho việc sống đạo.
Ngoài ra, việc huấn luyện sự dấn thân cho ích chung của giáo xứ và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ trong cùng một hội đoàn cũng như giữa các hội đoàn với nhau là một điểm cần được quan tâm. Thư chung của HĐGMVN năm 2019 nói với giới trẻ như sau: “Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân”[20]. Trong tinh thần này, các em được hướng dẫn để sống có trách nhiệm, hướng đến lợi ích của người khác và ý thức việc chung tay xây dựng tình đoàn kết trong cộng đoàn.
III. Định hướng cho sứ vụ
Trong một xã hội đa tôn giáo và văn hóa, việc giáo dục đức tin thường gặp khó khăn là phải đối diện với những tư tưởng, những niềm tin khác biệt, và có cả những chống đối bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội. Nhưng với cái nhìn đức tin, việc giáo dục đức tin mang đến một niềm vui lớn lao, đó là niềm vui được cộng tác với Giáo Hội trong việc đem Chúa đến với các tâm hồn; niềm vui được góp phần nhỏ bé của mình trong việc đổi mới lòng con người và niềm vui được đổi mới chính bản thân.
Việc giáo dục đức tin luôn được Giáo Hội coi là một bổn phận rất quan trọng, bởi đây chính là lệnh truyền của Đức Kitô trước khi về trời (x. Mt 28, 19-20). Vì thế, trải qua bao thời đại, Giáo Hội luôn có những chỉ dẫn rõ ràng và cụ thể về cách thức truyền đạt Lời Chúa. Để theo sát đường hướng của Giáo Hội, những người đồng hành với các bạn trẻ trong lãnh vực đức tin và luân lý cần phải có một xác tín mạnh mẽ vào truyền thống giáo huấn của Giáo Hội. Những giáo huấn này là kim chỉ nam định hướng cho sứ vụ, là gia sản chung của toàn thể Giáo Hội nhằm củng cố và nuôi dưỡng đời sống đức tin của toàn thể Dân Chúa.
Giữa biết bao lời giáo huấn thâm sâu của Giáo Hội về việc mục vụ cho các bạn trẻ, ở đây, người viết chỉ xin nêu lên mấy điểm huấn luyện cần được lưu ý hơn trong hoàn cảnh xã hội tục hóa hôm nay, khi mà đời sống đức tin của các bạn trẻ dường như thiếu chiều sâu nên dễ bị nghiêng chiều về những chọn lựa xấu. Với những điểm huấn luyện này, mong rằng các bạn trẻ có thể dần lớn lên trong sự trưởng thành tâm linh, được kiên vững hơn trong đức tin để có thể vượt thắng những khó khăn và những tác động tiêu cực của xã hội hôm nay.
1. Thiết lập mối tương quan cá vị với Đức Kitô
Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 13 đề nghị: “Cộng đoàn tín hữu Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc vun trồng đời sống nội tâm, nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng trong mọi chương trình huấn luyện cũng như mục vụ. Như vậy, mọi thành phần trong Hội Thánh được kêu gọi nên thánh, vươn tới đức ái trọn hảo, theo gương khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô”.
Định hướng này thật quan trọng và cần thiết cho người trẻ. Các em đang sống trong một nền văn minh hướng ngoại và sôi động với những kết nối tiện nghi của mạng truyền thông. Cuộc sống như gắn liền với những công việc và bao mối bận tâm. Những ồn ào của nhịp sống vội vàng bên ngoài và cả những huyên náo của tâm trí do những suy nghĩ, những cảm xúc gây xáo động bên trong làm cho nội tâm bị nhiễu loạn không ngừng, khó giữ được sự yên tĩnh của tâm hồn và dường như bị thiếu rất nhiều những khoảng lặng để đi vào chiều sâu của cõi lòng và để thiết lập mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Trong một bài huấn đức thứ Tư hằng tuần, Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 đã nói rằng: “Một cuộc sống quá bận rộn thường làm chai cứng tâm hồn, đánh mất đời sống cầu nguyện và nhu cầu Thiên Chúa”. Đúng vậy, cuộc sống bận rộn với bao mối tương quan và công việc đã xâm chiếm mọi lãnh vực đời sống và cả trái tim của con người. Thật là khó khi muốn dành một khoảng thời gian tĩnh lặng cho cuộc gặp gỡ riêng tư và thân tình với Thiên Chúa!
Người ta đưa ra một nhận định có tính khôi hài rằng: “Sau khi Thiên Chúa tạo dựng nên bạn, Người đã đập bể cái khuôn đúc”. Điều này muốn nói lên một sự thực là mỗi người chúng ta được tạo nên trong một cái khuôn duy nhất và riêng biệt. Không bao giờ có hai con người giống như nhau.
Nếu nhìn nơi vóc dáng bên ngoài, không có hai con người giống hệt nhau, thì từ trong tâm hồn, mỗi người lại rất khác biệt và duy nhất. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa có một kế hoạch rất riêng tư cho từng người, và do đó, để hiểu biết và sống theo ý Chúa, cần thiết mỗi người cũng phải có mối tương quan cá vị và mật thiết với Người. Khi định hướng cho việc mục vụ giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Mục vụ giới trẻ nên thường xuyên tạo ra cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống”[21].
Cũng vậy, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi Kitô hữu hãy gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là một sự mở ra để cho chính Ngài gặp gỡ họ. Ngài mời gọi tất cả mọi người hãy thực thi việc này cách không mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày. Không ai nên nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho chính mình, bởi vì “không một ai bị loại ra khỏi niềm vui được mang đến bởi Thiên Chúa”. Bất cứ khi nào chúng ta bước thêm một bước nữa về phía Đức Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra Ngài đã ở đó, đợi chờ chúng ta với cánh tay rộng mở của Ngài[22]. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2019 cũng lưu ý việc “giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Đức Kitô Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể và tham dự phụng vụ cách tích cực” [23].
Có thể nói, việc dạy giáo lý tại Việt Nam chưa quan tâm đủ đến việc giúp các bạn trẻ xây dựng mối tương quan cá vị với Chúa. Đời sống đạo của các em còn mang tính tập thể và theo một thói quen như đọc kinh, xem lễ, làm một số việc đạo đức và tham gia sinh hoạt các hội đoàn. Vì thế, đời sống đức tin của các em còn hời hợt, chưa đủ chiều sâu. Để tiến tới sự trưởng thành trong đời sống kitô hữu, các em cần được hướng dẫn để đi vào sự thân quen với Chúa; biết thiết lập mối tương giao thân tình, riêng tư và ngày càng sâu sắc với Chúa; biết dành ra những khoảnh khắc gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện riêng, trong những phút hồi tâm, trong những biến cố xảy ra và trong niềm vui nỗi buồn của cuộc sống… Tất cả mọi hoàn cảnh và tình huống khác nhau ấy đều có thể giúp các em đi vào cuộc trò chuyện và kết hợp mật thiết với một Vị Thiên Chúa tình yêu, lòng kề lòng. Đây là những cơ hội khơi dậy và đào sâu kinh nghiệm đức tin nơi người trẻ từ những hoàn cảnh đời thường.
Các bạn trẻ hôm nay thường muốn tìm cho riêng mình một khuôn mẫu, một thần tượng, một con người lý tưởng. Các nhà giáo dục nên giới thiệu cho các em nhà thần tượng Giêsu, là khuôn mẫu đích thực và lý tưởng để các em trở thành những con người như Giêsu theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô với các bạn trẻ: “Hãy chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương Người[24]”. Vì thế, khoa giáo dục đức tin cần tìm kiếm những cách thức và phương pháp thích hợp cho mỗi trình độ, mỗi lứa tuổi để trình bày cách sống động và phù hợp Con người Đức Kitô với vẻ đẹp, tình yêu và Tin Mừng của Người.
2. Nói về Chúa bằng chính Lời Chúa
Giáo Hội, trải qua bao thời đại đã không ngừng nghiên cứu và luôn trung thành truyền đạt Lời Chúa một cách có hiệu quả. Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Tín lý về Mạc Khải số 21 đã khẳng định tầm quan trọng của Lời Chúa như sau: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”. Khi nói riêng về Lời Chúa, Công Đồng tiếp: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội… Bởi vậy, mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Lời Chúa nuôi dưỡng và hướng dẫn.
Tông huấn Lời Chúa số 73 cũng khuyến khích những người có trách nhiệm làm mục vụ cho các hội đoàn, các phong trào trong giáo xứ hãy “linh hoạt các việc mục vụ bằng Lời Chúa”, giúp họ hiểu biết sâu xa hơn về Đức Kitô. Như vậy, việc học hỏi Lời Chúa phải trở thành một cuộc gặp gỡ sống động, có sức lôi cuốn và làm thay đổi đời sống. Tông huấn cũng quan tâm đến việc loan báo Lời Chúa cho giới trẻ. Bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới có những giải đáp đích thực cho những vấn nạn cuộc sống, định hướng ơn gọi và giúp họ có những chọn lựa đúng đắn cho đời sống. Những người đồng hành cần giúp các em tiếp xúc với mảnh đất màu mỡ là Lời Chúa, vì chính nơi đây, họ tìm được sự sống chân thật[25].
Những giáo huấn của Giáo Hội soi sáng cho sứ vụ của người rao giảng: không cách nào tốt hơn là dùng chính Lời Chúa để nói cho các em hiểu biết về Chúa. Điều này trước hết đòi hỏi chính người giáo dục phải là người hiểu biết và yêu mến Chúa, là người thấm nhuần Lời Chúa, có kinh nghiệm suy gẫm và đem ra thực hành. Người giáo dục đức tin không chỉ là người truyền đạt những kiến thức về Thiên Chúa, nhưng phải là người truyền thông một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua Lời của Người. Nhờ đó, việc giới thiệu Chúa cho các em sẽ được thuyết phục hơn. Làm sao cho các em nhận thấy Lời Chúa là vẻ đẹp cuốn hút và chính là lời yêu thương của Thiên Chúa muốn ngỏ với mình?
Lời Chúa chính là sứ điệp Tin Mừng phải được thấm nhuần cách sâu xa trong mọi khía cạnh của giáo lý. Vì thế, người giáo dục đức tin không dựa vào những ý tưởng của riêng mình để trình bày giáo lý, nhưng lời dạy phải luôn được soi sáng và nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Lời Chúa trở thành nguyên tắc sống, thấm nhuần và chi phối mọi tư tưởng, tình cảm, lời nói và hành động của người dạy cũng như người học, để tất cả đều có được những “tâm tình như Đức Kitô” (Pl 2, 5). Ngoài ra, việc học hỏi Lời Chúa không chỉ đọng lại ở phần kiến thức, nhưng nhất thiết phải được nội tâm hóa và đi vào cuộc sống. Một bầu khí thánh thiêng và khoảng không gian lắng đọng trong giờ giáo lý sẽ giúp các em dễ cảm nhận từ chiều sâu của tâm hồn và đưa đến quyết tâm đổi mới.
3. Nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa
Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý số 95 đã chỉ thị như sau: “Lời Chúa phải được toàn thể dân Chúa suy gẫm và học hiểu cách sâu xa bằng sự nhạy bén của đức tin và dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội. Lời Chúa luôn được công bố, lắng nghe, nội tâm hóa và giải thích trong phụng vụ”.
Nội tâm hóa là chọn lựa, cảm nhận và lắng nghe sứ điệp Lời Chúa để tìm ra một ý nghĩa thiết thân nuôi dưỡng tâm hồn. Tiến trình từ bên ngoài vào nội tâm, nếu được ý thức sẽ tạo nên một cuộc nội tâm hóa có sức biến đổi lòng người. Có thể nói, mọi cuộc biến đổi đều khởi đi từ việc đã được cảm nhận trong nội tâm, mà những gì có trong nội tâm thường do tác động từ bên ngoài. Một biến cố, một thái độ, một mẫu gương, một câu nói, một trang sách được suy tư và phản tỉnh có thể đưa đến một thay đổi rất lớn cho con người.
Khi muốn nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa, người đồng hành giúp các em tiếp cận với Lời Chúa, đọc chậm rãi, đọc với sự chú ý, với lòng khao khát và thái độ lắng nghe để Lời Chúa chất vấn con người của mình. Khi có những câu nào đánh động hoặc đưa đến một cảm xúc thì cần dừng lại để suy gẫm và cầu nguyện. Vấn đề quan trọng là làm sao để Lời Chúa được vang vọng nơi tâm hồn, được hiện tại và cá nhân hóa, nghĩa là nhận ra Lời Chúa đang nói lúc này và nói riêng cho mình. Cần tạo nên một bầu khí thuận lợi cho việc nội tâm hóa, bằng sự lắng đọng, bằng suy tư và cầu nguyện. Thông thường việc nội tâm hóa sẽ giúp cho đời sống đức tin thêm trưởng thành và sâu sắc hơn, đưa đến một sự biến đổi thật sự.
Trong các giờ giáo lý, việc nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa rất cần thiết để giúp các em đi vào chiều sâu. Sau khi được lắng nghe và giải thích Lời Chúa, các em chú ý đến những tác động, những cảm nhận từ trong tâm hồn, nghĩa là để Lời Chúa đi vào tận cõi lòng, làm lay động cuộc sống. Lúc đó các em được Tin Mừng hóa bản thân và trở thành người đem Lời Chúa vào môi trường, vào cuộc sống.
4. Trở thành sứ giả Tin Mừng
Việc giáo dục đức tin không những để nuôi dưỡng đời sống đức tin mà còn huấn luyện người tín hữu trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Kitô qua việc diễn tả đức tin, qua những kinh nghiệm sống và qua tình liên đới hiệp thông trong một thân thể duy nhất là Giáo Hội mà Đức Kitô là Đầu. Giáo Hội có nhiều sứ mạng, nhưng sứ mạng quan trọng, thuộc yếu tính của Giáo Hội, đó là truyền giáo. Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Tông huấn Loan báo Tin Mừng, đã thúc bách toàn thể Giáo Hội phải ý thức và dồn hết mọi nỗ lực của mình vào việc loan báo Tin mừng. Ngài mời gọi các tín hữu sau khi đã được nghe rao giảng, thì tới lượt mình, cũng phải rao giảng lại, “đó là sự trắc nghiệm của chân lý, là đá thử vàng của việc loan báo Tin Mừng. Không thể tưởng tượng được một con người đã tiếp nhận Lời và đã hiến thân cho Nước Trời mà lại không trở nên một người làm chứng và loan báo Tin Mừng”[26].
Cùng một quan điểm ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn Giáo Hội đổi mới toàn diện các hoạt động mục vụ theo định hướng truyền giáo: “Tôi ước mơ một chọn lựa truyền giáo, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh”[27].
Theo định hướng trên, việc giáo dục đức tin cần được thực hiện trong ý hướng truyền giáo, để “mỗi người phải chu toàn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cách khác nhau tùy khả năng và theo hoàn cảnh. Tuy khác nhau nhưng cùng một sứ mệnh duy nhất là làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng được giàu đẹp”[28] Để được như thế, các bạn trẻ cần được hướng dẫn để học cách chiêm ngưỡng Đức Kitô, một nhà truyền giáo mẫu mực, đã để lại một tấm gương tuyệt hảo về cách thức loan báo Tin mừng qua lời nói, cử chỉ và thái độ đối với mọi người. Ngoài ra, tinh thần truyền giáo cần được lồng ghép trong nội dung giáo lý với những gợi ý, những diễn giải, những câu chuyện, những hoạt động giúp các em ý thức được sứ mạng truyền giáo bằng chính đời sống gương sáng của mình ngay trong gia đình, học đường, nơi làm việc, trong giáo xứ và giữa khu xóm của mình bằng những công việc cụ thể, có thể mang lại lợi ích cho người khác.
IV. Khả năng phân định các giá trị cuộc sống
Điểm chung của tuổi trẻ ở mọi thời vẫn là ước mơ, nhiệt tình, cầu tiến và lý tưởng… Nhưng cái làm cho thế hệ trẻ hôm nay khác với thế hệ trẻ trước đây là những khác biệt về kinh nghiệm sống, về tâm trạng, về quan điểm và về thái độ trước cuộc đời. Hình như người trẻ hôm nay không còn thích nói đến sự tế nhị, mềm dẻo, kín đáo, lễ nghĩa, lòng nhân ái, tinh thần vị tha… mà chỉ muốn sống theo những giá trị mà bản thân muốn tự chọn cho mình. Thật ra, người trẻ không phải tự nhiên mà họ coi thường những di sản tinh thần truyền thống, nhưng đây là vấn đề của thời đại. Những thay đổi chính trị, môi trường xã hội, quan niệm về luân lý đạo đức, tạo ra sự khác nhau về sở thích, lối nghĩ, nếp sống, cách thế nhìn đời và đánh giá sự vật.
Hơn nữa, sống trong một xã hội luôn đổi thay, những tôn ti trật tự đang bị khủng hoảng, tương quan giữa trên-dưới, già-trẻ, cha-con, thầy-trò… đang bị đặt vấn đề; những giá trị đạo đức truyền thống mà trước đây vẫn được trân trọng bảo tồn, thì hôm nay, có vẻ như đang lỗi thời; những biến chuyển về giáo dục, văn hóa và khoa học kỹ thuật đang mở ra những cái nhìn khác nhau về giá trị cuộc sống. Một số người trẻ không có định hướng, sống tự do buông thả theo ý muốn và không thích học hành. Lối sống này đưa đến những nguy hại cho bản thân, cho gia đình và cả những người sống chung quanh. Đứng trước hiện trạng này, các nhà giáo dục phải làm thế nào để giúp các bạn trẻ chân nhận bản thân, hướng tới việc truy tìm ý nghĩa và giá trị đích thực cho cuộc sống? Ở giữa một thế giới vàng thau lẫn lộn, làm sao các em có thể chọn lựa đúng và chọn được điều tốt hơn?
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong các bài giáo huấn, đã nói nhiều đến sự phân định. Ngài cho rằng người trẻ hôm nay phải sống trong một sự hỗn loạn với những tương tác ảo, dễ trở thành những con rối trong tay người khác[29]. Do đó, việc huấn luyện lương tâm, học biết cách phân định theo chiều sâu dựa vào những tiêu chuẩn lựa chọn và hành động của Thiên Chúa là một điều rất cần thiết[30]. Khi đồng hành với người trẻ, một trong những điều không thể coi nhẹ là luyện tập cho các em thói quen phân định ngay từ những trách nhiệm, những lựa chọn nhỏ bé thường ngày, đồng thời giúp các em có khả năng quyết định điều gì nên làm, điều gì phải tránh để được sống trong ánh sáng của Thiên Chúa [31].
Có nhiều phương pháp luyện tập sự phân định đã được giới thiệu cách rộng rãi trong các khóa học và trên các phương tiện truyền thông. Ở đây xin được nêu lên một kinh nghiệm khá đơn giản và phù hợp với người trẻ, đó là luyện tập sự phản tỉnh. Phản tỉnh (reflection) là tự suy về một điều gì đó để tìm một bài học, một áp dụng thiêng liêng cho bản thân. Phản tỉnh có khi là duyệt xét lại một hành động ở quá khứ, cũng có thể suy tư, xem xét, tìm giá trị nơi một điều gì đang diễn ra trước mắt để tự giác và thay đổi quan niệm hay lối sống của mình nên tốt đẹp hơn, hoặc để chọn lựa thực hiện một điều gì hữu ích hơn. Nói cách khác, phản tỉnh là tự soi rọi bản thân, nghiền ngẫm, suy nghĩ việc mình đã làm, đang làm hoặc sẽ làm, đồng thời xem xét cả những phản ứng, những động cơ thúc đẩy, để có một hành động cho cuộc sống thêm tốt hơn và có ý nghĩa hơn.
Việc phản tỉnh cũng tương tự như sự hồi tâm, nhưng việc phản tỉnh không chỉ nhìn lại quá khứ, mà có thể phản tỉnh một điều gì trong hiện tại và cả những kế hoạch tương lai. Việc phản tỉnh cũng không chỉ nhìn lại cuộc sống của mình, nhưng còn tìm ra những bài học hữu ích từ một câu nói, một trang sách, từ những biến cố, hoàn cảnh và cả những gì đang diễn ra chung quanh và trên thế giới. Tập thói quen phản tỉnh sẽ có sự nhạy bén trước những giá trị đích thực của cuộc sống, và khi áp dụng vào bản thân, những giá trị này sẽ ảnh hưởng đến thái độ, cảm xúc và hành vi… Như vậy, việc phản tỉnh giúp phát triển các chiều kích của đời sống và nhận chân các giá trị để tự khắc phục, sửa sai và nên hoàn thiện.
Một trong những cách đồng hành thiết thực với người trẻ là giúp họ nhận diện được chính bản thân, với những khuynh hướng tích cực và tiêu cực, đồng thời biết thiết lập một bậc thang giá trị: những giá trị Tin Mừng, giá trị tôn giáo, giá trị cá nhân, giá trị của xã hội… Sự thực hành này cần được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện, bằng sự hướng dẫn hữu hiệu và với một thiện chí muốn trở nên người hữu ích cho Giáo Hội và xã hội.
V. Kết
Công việc giáo dục là hành động đặc trưng của Thiên Chúa và mọi người được chung phần với hoạt động của Người[32]. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một định hướng cho các nhà giáo dục: “Hãy cho người trẻ một nền giáo dục có chất lượng và giúp người trẻ hiểu được những giá trị cuộc sống”[33] Khi giúp người trẻ hiểu và sống được những giá trị đích thực, họ sẽ có một đời sống quân bình và toàn diện, không chỉ dừng lại ở lãnh vực tri thức, mà còn về nhiều phương diện khác như nhân bản, thể lý, tâm lý, tâm linh v.v. Điều này đòi hỏi các nhà giáo dục phải được huấn luyện đầy đủ, có hồn tông đồ, nhiệt tâm với sứ vụ, luôn yêu thương và tận tụy với những người mình phục vụ. Đức Cha Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn luôn nhắc nhở các nữ tu làm việc trong giáo phận của ngài: “Trong các việc phải thi hành, ta nên chú ý riêng đến sự tận tụy hằng ngày và sự quên mình đi, hy sinh vì kẻ khác”[34] Thi hành sứ vụ với lòng hy sinh tận tụy luôn mang nặng một tình yêu. Một tình yêu quên mình cùng với khát vọng đem lại thiện ích cho người khác sẽ đưa đến một cảm thức thuộc về những người mình phục vụ. Cảm thức này thôi thúc sự dấn thân và óc sáng tạo giúp cho việc mục vụ tông đồ có chất lượng và hiệu quả hơn.
Để thi hành tốt thiên chức của mình, Giáo Hội khuyên các nhà giáo dục chu toàn 4 chữ TRUNG[35] sau đây:
– Trung thành với Đức Kitô và với Tin Mừng của Người.
– Trung thành với Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới.
– Trung thành với đời thánh hiến và đoàn sủng riêng của Hội Dòng.
– Trung thành với con người và thời đại.
Sứ vụ đời thánh hiến được hình thành bởi những tương quan trong khi hiến thân phục vụ Thiên Chúa-Giáo Hội-con người. Sự trung thành sẽ giúp người tông đồ gắn bó và yêu mến các đối tượng mình phục vụ, đồng thời có óc sáng tạo nhằm tìm ra và đáp ứng được những nhu cầu mới của Giáo Hội và của con người trong thế giới hôm nay.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)