“Lời nói của anh em luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” ( Cl 4,6)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi,chúng con xin tôn thờ và chúc tụng Chúa. Chúng con xin cảm ơn Chúa về một đêm an lành và một ngày mới lại bắt đầu với bầu khí tràn ngập sự tĩnh lặng và bình an. Giây phút này chúng con muốn thân thưa với Chúa lời tạ lỗi, sám hối về những thiếu sót trong cuộc sống, đặt biệt là thiếu sót trong khi sử dụng lời nói của mình. Chúng con đã từng học hỏi, chia sẻ và cầu nguyện và sống định hướng của Hội dòng trong những tháng ngày vừa qua để thăng tiến cộng đoàn từ nhận thức “ tế nhị trong lời nói và đoan trang trong y phục”.
Phần y phục có lẽ chúng con có thể đã không vấp phạm nhiều vì mỗi người luôn ý thức về cách ăn mặc của người thuộc về Chúa. Còn lời nói thì thật là khó, giây phút này xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, giúp chúng con suy nghĩ và sống theo lời khuyên của Thánh Phaolô ““Lời nói của anh em luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” ( Cl 4,6).
Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, trong cuộc thương khó và khi bị đóng đinh trên Thập Gía, Chúa đã không nói lời nào khi bị tra trấn …Đức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi kinh ngạc.( Mt 27,11-14) và có nói thì Ngài nói lời thật dễ thương, lời của sự tha thứ để rồi đã hoán cải tướng cướp, tên tội phạm bên phải cùng chịu đóng đinh “Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng” (Lc 23,43). Xin tình yêu Chúa kết nối chúng con với nhau trong tình Chúa và tình chị em nơi gia đình thiêng liêng là cộng đoàn mình đang sống. Xin cho chúng con sống thánh thiện đạo đức trong mọi hoạt động sống thường ngày,biết dùng lời nói để ca tụng Chúa -để truyền thông cho nhau những sứ điệp tình thương và dẫn nhau đạt đến sự trọn lành vì chúng con hiểu rằng :“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gc 1, 26 ).
SUY NIỆM :
“Lời nói của anh em luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” ( Cl 4,6)
Cũng như tư tưởng là sức mạnh tạo nên những hệ quả tốt,những phát minh lớn lao thì lời nói cũng có một tác dụng khôn lường trên đời sống con người.Tư tưởng thì thai nghén, còn lời nóithì sinh ra. Tư tưởng xấu thì còn có thể ngăn chặn kịp, nhưng lời nói xấu thì không không thể thu hồi (x. Cn 25, 11).Tư tưởng chỉ tác động trên chính mình, lời nói cũng thế, nhưng nó còn xâm nhập vào không gian và thời gian, tác động đến biết bao người, nên tục ngữ có câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Vì thế, những gì chúng ta nói thì hãy nói với tất cả niềm tin yêu hướng đến cuộc sống hạnh phúc của mình cũng như của người khác. Niềm tin ấy không phát xuất từ bản thân mình, cũng không đến từ sự hiểu biết hay trãi nghiệm mà đến từ Thiên Chúa. Trong niềm tin vào Ngài, những lời nói của chúng ta có một giá trị sâu rộng và sức mạnh sáng tạo phi thường. Khoảnh khắc mà ta nói ra một điều gì đó là ta đã sinh ra nó. Đây là một nguyên tắc thiêng liêng, và nó sẽ thực hiện những gì mà ta đang nói dù điều đó tốt hay xấu, cách tích cực hay tiêu cực.
Một người có đời sống nội tâm hay không, một người được đánh giá đạo đức hay không điều đó được biểu hiện rõ ràng nhất trên miệng lưỡi. Thánh Giacôbê đã quả quyết : “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gc 1, 26 ).
Lời nói còn kinh khủng thế nào khi thánh nhân tâm sự “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. (Gc 3, 3-8).
Và tác giả Thánh vịnh còn cho thấy sự nguy hiểm của miệng lưỡi khi cầu nguyện “Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con.” (Tv 141,3). Chính vì sự khó trị của cái lưỡi như vậy, mà Thánh Giacôbê đã can đảm lên tiếng dạy rằng: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân.” (Gc 3, 2).
Những khi gặp trái ý, hiểu lầm, gây bực tức chúng ta thường bung ra những lời nói bất chấp, thiếu suy nghĩ lại càng thêm hư hại, không chỉ hư hại cho chính mình và làm tổn thương đến người khác. Lời nói là một loại vũ khí sắc bén có thể làm chuyển đổi mọi tình trạng. Nếu không cẩn trọng ta sẽ gây đau thương cho chính mình và người khác: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm.” (Cn 12, 18). “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả” (Hc 5, 13).
Chúng ta tạo nên môi trường tốt hay xấu, thuận lợi hay bất lợi, là do chính lời nói của chúng ta. Nếu cứ luôn phàn nàn, và hay nói những điều mình bực bội về người khác hoặc về những tồi tệ đang xảy ra cho mình, thì ta cứ sống mãi trong thế giới khốn khổ và buồn chán của mình. Chúng ta muốn thoát ra, nhưng rồi lại cứ vùi mình vào đó bằng những lời lẽ đen tối. Cũng một lời nói làm bế tắc đời sống, mà cũng một lời nói làm đả thông cuộc sống, tại sao ta không biết cẩn trọng và sáng suốt để chọn lựa một lối thoát để làm thay đổi tình trạng của mình. Thật ra, tình trạng nào cũng là do tâm trạng mà ra, nhưng khi tâm trạng xem ra đen tối thì phải dùng phương thế lời nói để kích hoạt cho nó được thông thoáng, sáng sủa lên .Nếu cứ tiếp tục phàn nàn, và hay nói những điều mình bực bội về người khác hoặc về những tồi tệ đang xảy ra cho mình và quy trách cho người khác…rồi đi nói xấu khuyết điểm của chị em, đi kể với người khác về những điều tiêu cực, cả những việc không liên can đến mình, những điều không thuộc thẩm quyền của mình, nói hành, chê bai… Những vụ nói hành nói xấu làm khép kín tâm hồn mình đối với chị em, làm hại tình hiệp nhất trong cộng đoàn, làm tổn thương đến đức bác ái và sự trọn lành phải có của Hội Dòng, cộng đoàn “Kẻ nói hành nói xấu nhiều là ma quỉ, luôn luôn đi kể những điều xấu của người khác, vì hắn là kẻ nói dối, tìm cách làm cho Giáo hội bị chia rẽ, làm cho các anh chị em xa lìa, và không còn hợp thành cộng đoàn. “Xin anh chị em vui lòng đừng nói hành nói xấu. Đây là một thứ dịch, nguy hiểm hơn cả dịch Covid-19” .( Trích Huấn từ của ĐTC Phan xicô trưa Chúa nhật 6/9/2020)
Những ai đang phải hứng chịu bất công do lời nói xấu của người khác,những ai đang bị tổn thương vì sự bịa đặt do lời nói chẳng ngay lành của người khác, tác giả thánh vịnh khuyên “ Hãy nhìn lên Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn không phải hổ ngươi bẽ mặt” (Tv 34,6). Hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh,Đức Giêsu Chúa chúng ta, Người đã chịu bao điều vu khống đến nỗi phải lãnh lấy bản án bất công rồi còn bị hành hạ cho đến chết…Điều này cho thấy sự khủng khiếp bởi tâm địa của con người.Nhưng rồi Chúa Giêsu đã không lấy lời nguyền rủa, đáp lời nguyền rủa mà Ngài đã đối lại bằng thinh lặng của lời tha thứ, yêu thương.
Vì thế, Khi có dịp để nói, hãy dùng Lời để thông truyền sứ điệp tình thương. Khi phải nói chúng ta hãy nói lời có giá trị xây dựng, nâng đỡ và khích lệ nhau…
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, Khi Chúa chịu đóng đinh trên Thánh Gía, sự tủi nhục đã đến tột cùng, những người đóng đinh Chúa hả hê vì chiến thắng của họ- nhưng Chúa vẫn nói lời tha thứ, nói lời yêu thương dành cho họ. Chúa đã trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho chúng con trong hành trình cuộc sống này. Lạy Chúa, Chỉ khi nào chúng con biết dùng lời nói chân thật, khiêm tốn, nói lời tích cực, tha thứ để truyền thông cho nhau trong đời thường khi đó tâm hồn chúng con mới trở nên trong sáng. Khi biết dùng những lời lẻ đã được suy nghĩ, thanh luyện trong tinh thần Tin Mừng, lúc đó chúng con mới có thể biểu lộ nhân cánh mình là người thuộc về Chúa. Người đã được thánh hiến cho sứ mệnh cao cả, mang tình yêu cứu độ cho con người sẽ không nói lời đôi ý, không nói lời chê bai, chỉ trích… Xin cho chúng con sống hiệp nhất với Chúa trong những lời nguyện tắt hàng ngày, luôn khao khát nên giống Chúa, luôn lắng nghe Tiếng Chúa bằng một tâm hồn nội tâm thực sự để ý Chúa được thể hiện qua những lời con nói,những lời con thốt ra đều phát xuất từ tấm lòng chân thành,tâm trí trong sáng để nó là lời gieo mầm sống, gieo đoàn kết, hiệp nhất, gieo tình thương cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của con hôm nay. Amen