NGHIỆN MA TÚY: NGUYÊN NHÂN, CÁCH NHẬN BIẾT, CÁCH PHÒNG NGỪA
Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tâm
Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập
WHĐ, 20-05-2020 – Thiên Chúa yêu thương tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Chính vì vậy, bản chất của con người là luôn khao khát sự thiện và hướng về sự thiện. Con người cũng luôn đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống và muốn sống hạnh phúc. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn yêu thương ban cho con người quyền cai quản chăm sóc vũ trụ này. Đặc biệt, Ngài ban cho con người có tự do, ý chí. Thế nhưng trong ngôi nhà và khu vườn xinh đẹp, con người lại lạm dụng quyền tự do của mình. Ngôi nhà này chính là thân thể của mình, và khu vườn xinh đẹp là chất thuốc gây mê/giảm đau (morphine) dùng để chữa trị cho con người, là thần dược trong y khoa, thì con người lại lạm dụng dùng nó để hủy diệt cơ thể của mình, để gây ra biết bao đau khổ, tai họa, mất mát cho chính mình, làm thiệt hại gia đình và gây tai họa trong xã hội.
Ngày nay, tình trạng nghiện ma túy đang là mối đe doạ hàng đầu của gia đình và xã hội Việt Nam. Mặc dù chưa có con số thống kê rõ ràng nhưng tình trạng nghiện ma túy gia tăng rất nhanh. Trước đây việc buôn bán ma túy có thể chỉ phát hiện ở hàng đơn vị, nhưng đến nay số lượng đã lên đến hàng chục kg ma túy. Năm 2014, vụ xét xử buôn bán ma túy lớn nhất với số lượng 32.000 bánh heroin có tổng khối lượng 12 tấn. Năm 2017, Bộ Công an bắt giữ một người cầm đầu đường dây chuyên sản xuất thuốc lắc cực lớn, thu giữ tổng cộng 520 ngàn viên thuốc lắc, 12 kg ma túy. Không mấy ngày trên báo chí lại không xuất hiện những vụ buôn bán ma túy, hoặc những bài báo liên quan đến hậu quả của tình trạng nghiện ngập ma túy gây rúng động xã hội. Theo thống kê của LĐTBXH năm 2016, cả nước có 60/63 tỉnh thành phố có 142 trung tâm cai nghiện; mỗi năm tổ chức cai nghiện cho khoảng 40.000 đến 45.000 người nghiện ma túy. Theo số liệu của Bộ Công an, toàn quốc hiện có 210.751 người nghiện ma túy. Còn theo thống kê của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ – UNODC, mỗi ngày trên thế giới có 552 người chết vì ma túy. Là những Kitô hữu, chúng ta không thể làm ngơ trước tình trạng báo động đại họa như vậy, chúng ta không thể đứng nhìn “người thân cận” đang lâm vào cảnh chết chóc, đau khổ. Nhưng làm sao chúng ta nhận biết dấu chỉ của một người nghiện ngập, hoặc đang rơi vào tình trạng nghiện ngập, hay có nguy cơ sa vào nghiện ngập? Đâu là biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn để giúp cho họ không sa vào con đường cũ? Sau đây là một nỗ lực để trả lời cho những câu hỏi này.[1]
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) từ năm 1957, nghiện là trạng thái ngộ độc kinh niên hay từng thời kỳ do sử dụng lặp đi lặp lại một hay nhiều lần một chất tự nhiên hay tổng hợp. Nó làm cho người nghiện ham muốn không tự kiềm chế được mà bằng mọi giá phải tiếp tục sử dụng. Nó gây xu hướng tăng dần liều lượng, gây ra sự lệ thuộc về tâm lý và thường cả thể chất và có hại cho chính người nghiện và xã hội. Như vậy có thể nói nghiện là tình trạng sử dụng nhiều lần một loại chất nào đó mà không có nó thì không thể chịu nổi. Nghiện ma túy càng lệ thuộc hơn vì đó là một loại chất gây khoái cảm và tác động lên não bộ làm thay đổi toàn bộ thực thể của con người làm cho người nghiện ma túy càng ngày càng mất kiểm soát bản thân và tìm mọi cách để có nó. Tổ chức Y tế thế giới – WHO, 1989 thì định nghĩa rằng : “Bất kỳ loại chất hóa học nào khi được tiêm vào cơ thể đều làm thay đổi chức năng thực thể và tâm lý của người sử dụng.” Nghiện ma túy làm rối loạn mãn tính của não bộ được biểu hiện bằng việc tiếp tục tìm kiếm và sử dụng ma túy bất chấp hậu quả. Nói chung, nghiện ma túy làm thay đổi chức năng não bộ làm cho người nghiện luôn phụ thuộc vào ma túy. Họ tìm kiếm và sử dụng bất chấp hậu quả và với tần số liều lượng ngày một cao hơn và không còn quyền lựa chọn nào khác ngoài sử dụng nó.
Một khi đã sa vào con đường nghiện ngập, người nghiện không màng tới những thú vui trong cuộc sống. Người nghiện loại bỏ dần mọi sinh hoạt thường ngày của cuộc sống, bỏ đi những thú vui lành mạnh, ước mơ, ý chí, khao khát định hướng cho cuộc sống, cống hiến. Trước đây họ có bạn bè, quan tâm đến người thân trong gia đình, tham gia những môn thể thao, những câu lạc bộ lành mạnh v.v. Nay mọi thứ đều nhường chỗ cho ma túy, người nghiện không còn thiết tha đến bất cứ sinh hoạt nào khác ngoài việc chỉ nghĩ đến ma túy và dùng ma túy.
Họ cũng khó lòng kiểm soát các hành vi của mình do chất gây nghiện đi vào não và điều khiển hành vi của họ. Chất ma túy đá gây cho người nghiện chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn nhân cách. Nó làm cho người nghiện tưởng tượng ra những điều phi lý vì thế mà có nhiều vụ việc giết người rất vô lý. Chẳng hạn hôm 5/3/2018, một người bị bắt vì sát hại bạn gái khi đang phê ma túy đá. Anh tưởng bạn mình bị ma nhập nên chạy đi kiếm tỏi và nhét đầy vào miệng cô và cô đã chết vì nghẹt thở. Hay vụ nam thanh niên giết người yêu của mình vì tưởng rắn sáu đầu.
Nghiện ma túy còn gây ra những vụ việc rất đau lòng và tàn ác. Người chồng ngáo đá sát hại vợ và hai con nhỏ rồi chặt tay tự sát. Tại xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, một nghi phạm đã cầm dao chém chết vợ và hai con nhỏ sau đó chặt tay tự sát. Báo Dân Việt thông tin vào 22g45 ngày 11/9/2015 ở thành phố Nam Định, một đối tượng đã lên cơn ngáo đá rồi dùng dao đâm chết bố đẻ 71 tuổi và mẹ 62 tuổi…
Một khi đã nghiện, bằng mọi giá người nghiện phải tìm cho được chất ma túy để dùng vì cơn thèm muốn mãnh liệt. Vì vậy, bất chấp những hậu quả tiêu cực và bằng mọi cách để có được chất ma túy này. Họ có thể lấy đi bất cứ của cải gì trong gia đình bán để lấy tiền mua ma túy, có thể ăn cắp vặt dù chỉ một cái yên xe do người đi đường bị té. Nói chung cái gì có thể bán được là họ lấy để bán.
Có rất nhiều vụ án xảy ra vì con nghiện không xin được tiền mua chất ma túy. Ngày 25/7/2017 ở Thanh Hóa là một vụ điển hình. Một con nghiện qua hàng xóm xin tiền, được tiền, nhưng lại chê ít nên anh ta dùng dao chém, và tiếp tục cầm dao qua những nhà khác xin cho đủ [2].
Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin vào ngày 13-11-2016 ở Đồng nai, một con nghiện rất hung dữ đòi xin tiền nhiều người có mặt tại quán cà phê. Vì sợ người này làm liều nên những người có mặt ở đó đều lấy tiền đưa cho anh ta [3].
Kinh hoàng hơn là vụ cướp taxi do ngáo đá vào 05/03/2016 [4]. Ngoài ra hằng ngày, có rất nhiều người đang đi trên đường bị những con nghiện cướp giật hoặc xin tiền “đểu”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy. Có thể do yếu tố giáo dục của gia đình; cha mẹ quá nuông chiều hay quá nghiêm khắc, hoặc không đủ quan tâm đến con cái. Cũng có thể do yếu tố môi trường xã hội. Một môi trường xã hội bị ô nhiễm chất gây nghiện, thì người ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng nghiện ngập. Ông bà nói, “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, điều này chúng ta dễ dàng nhận thấy nếu trong một khu xóm có nhiều tệ nạn ma túy thì các con em của chúng ta cũng sẽ rơi vào nghiện ma túy nếu không được giáo dục tốt. Yếu tố thất nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân dễ sa vào ma túy. Tình trạng rơi vào nghiện ma túy thì muôn màu muôn vẻ, cũng có thể là do ngẫu nhiên, không chủ động trước. Ví dụ, đi dự tiệc được bạn bè mời uống, rồi sau đó nghiện. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tìm đến ma túy để giải sầu, để giảm đau, để tăng hưng phấn v.v. Ở đây chỉ nêu ra một số nguyên nhân chính. Hơn nữa ma túy chứa chất dopamine và opiates. Chất dopamine là chất làm cho chúng ta có cảm giác sung sướng, và khi nó được tiết ra nhiều sẽ tạo cảm giác cực khoái. Nên một khi đã sử dụng, người dùng cảm thấy muốn dùng nữa và khó lòng bỏ được.
Giai đoạn thiếu niên (Tâm lý lứa tuổi dậy thì) cũng là nguyên nhân hàng đầu vì đây là thời kỳ cực kỳ quan trọng trong giai đoạn trưởng thành của các em. Thời kỳ chuyển giai đoạn từ niên thiếu sang người lớn là sự phát triển về tâm sinh lý và thể chất rất nhanh. Ở lứa tuổi này, các quá trình thần kinh hưng phấn của vỏ não mạnh và chiếm ưu thế, cộng thêm sự rối loạn chức năng trong các hoạt động của tim mạch gây mất sự cân bằng làm cho các em không thể làm chủ được bản thân. Lứa tuổi dậy thì có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Các em có những rối loạn về tâm lý, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi v.v. Hơn nữa, sự phát triển về thể chất nhanh làm cho các em nhận ra mình không còn là trẻ con nữa [5]. Chính vì thế các em ở lứa tuổi này dễ nổi xung, dễ bị kích thích, bốc đồng, và hay gây gổ. Các em lại đang ở lứa tuổi tò mò, dễ bị tổn thương, áp lực v.v.
Trong giai đoạn này các em cũng gặp phải những khó khăn trong việc hình thành và khẳng định cái “tôi” ý nghĩa xã hội, hay khám phá căn tính bản thân, cũng như vai trò giới tính của mình, tính tự lập, và đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Lứa tuổi này các em muốn bắt chước một hình mẫu tốt nào đó, nhưng nếu điều ấy không có trong gia đình của mình thì các em đi tìm giá trị ảo nào đó để khoả lấp đi nỗi khao khát ý nghĩa cuộc sống của mình. Chẳng hạn một gia đình gương mẫu, được giáo dục tốt thì các em phát triển được căn tính của mình. Còn nếu một gia đình hay xung đột, có bố mẹ nghiện ngập, thì việc các em tìm đến chất ma túy để thử nghiệm, để chứng tỏ bản thân hay giải toả tâm lý stress cũng là điều dễ hiểu.
Hơn nữa, với tất cả những đặc điểm của tâm lý sinh lý lứa tuổi này, các em dễ bị dụ dỗ lôi kéo theo bạn bè vì trong giai đoạn này bạn bè là người rất quan trọng với các em. Các em thích được theo nhóm bạn, lập nhóm, muốn nổi loạn, gây sự chú ý, chơi nổi, chơi trội, chơi “hàng độc” không thích sống loanh quanh trong gia đình, hay dưới bóng của cha mẹ. Vả lại chất gây nghiện sẵn có, giá rẻ các em dễ dàng dùng thử và bị nghiện [6].
Ở Mỹ, theo thống kê (2011) có đến 11% học sinh nam THPT sử dụng cỏ mỹ và trong số 11.406 trường hợp nhập cấp cứu có đến 75% từ 12-29 tuổi. Theo số liệu thống kê của tỉnh Bà Rịa, năm 2015, có đến hơn 70% số người nghiện ma túy ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Trước đây độ tuổi nghiện ma túy thường từ 16 tuổi trở lên, hiện nay đã xuất hiện ở lứa tuổi còn thấp hơn [7].
Trong số người nghiện ma túy, đa số là những người thích ăn chơi, tụ tập trong những quán bar, vũ trường, không thích lao động cực khổ. Đối tượng này cũng hiểu rằng ma túy là chất gây khoái cảm. Nhiều người nghiện ma túy nói rằng do họ tò mò, thích khám phá và đi tìm cảm giác lạ. Bạn bè thường kể cho nhau nghe những cảm giác thích thú đê mê khi dùng ma túy và rủ rê nhau dùng thử. Đa phần những người tham gia trả lời thông tin lý do nghiện ma túy đều khẳng định rằng họ sử dụng ma túy để cho vui vì việc sử dụng những loại chất này đang là ‘mốt thời thượng’. Chẳng hạn như bạn MDN, 29 tuổi, ở Hà Nội nghiện ma túy vì câu phương châm khổ nhiều rồi… sướng một tí thì đã sao? [8]
Đó cũng là lý do tại sao đa số giới trẻ do thiếu hiểu biết, ham vui, sống hưởng thụ nên một khi đã tìm đến ma túy thì họ không thể cưỡng lại được, đặc biệt với ma túy tổng hợp. Nó kéo dài khoái cảm đến 12 tiếng, gấp nhiều lần so với quan hệ tình dục, nên một khi đã nghiện thì người nghiện phải làm mọi thứ để có nó. Ma túy là hậu quả và đồng thời là lý do của một sự suy đồi luân lý đạo đức lớn và của tình trạng thối nát gia tăng trong cuộc sống xã hội [9].
Để quên đi những điều bất hạnh
Đa số những người nghiện ma túy đều có tâm trạng buồn chán, tiêu cực, đời sống thiếu thốn tình cảm, có cha mẹ ly hôn hoặc có những vấn đề của cá nhân như áp lực, thất vọng, buồn phiền. Họ tìm đến ma túy để giải khuây, tìm sự thăng bằng. Anh MDN, 26 tuổi ở Hà Nội chia sẻ lý do anh tìm đến ma túy là do bạn gái bị tai nạn đang khi mang thai. Quá sốc, không thể chịu nổi, anh tìm đến Heroin để quên đi thực tại. Anh nói, lúc đầu tìm đến rượu nhưng rượu không làm anh quên đi được nỗi đau này, vì vậy anh đã tìm đến ma túy và đúng là lúc đầu nó mang lại cảm giác sảng khoái trong đầu, hết buồn và không còn suy nghĩ gì nhiều nữa. Rất nhiều trường hợp tìm đến ma túy là do gặp phải những chuyện đau lòng, khi được rủ rê thì họ dễ dàng sa vào. Đa số những người đồng giới, mại dâm, chuyển giới cũng vướng vào ma túy do muốn thoát khỏi tâm trạng dồn nén, bất ổn, và kỳ thị bản thân. Họ cảm thấy buồn chán do thiếu đi bàn tay chăm sóc, thiếu tình thương, thiếu tình cảm của gia đình và cộng đồng [10].
Nói chung, rất nhiều trường hợp nghiện ma túy do tâm thần bất ổn, nên họ dễ sa vào ma túy hơn những người bình thường. Có rất nhiều ca sĩ, người mẫu thành danh, nhưng lại sa vào con đường nghiện ngập cũng chỉ vì cuộc sống quá nổi tiếng. Môi trường showbiz khắc nghiệt, để giảm áp lực, để có được sự thăng bằng trong cuộc sống bằng những chất gây nghiện.
Điều trị/can thiệp vấn đề thể chất hoặc tâm lý
Như đã nói Á Phiện được phong là “thần dược”, giảm đau, tạo sự hưng phấn, khoái cảm gây kích thích. Tác dụng tâm lý của “ma túy đá” giúp con người tỉnh táo, minh mẫn hơn, hưng phấn, sung mãn, khỏe khoắn, tràn đầy sinh lực. Ngoài ra chúng còn tăng khả năng tập trung, tăng trí nhớ, tăng hoạt động có mục đích, tăng khả năng giao tiếp, tự tin và thậm chí tăng hành vi mạo hiểm. Chính vì vậy, từ mục đích ban đầu sử dụng ma túy để tạo thành tích, hay trong y khoa để giảm đau thì người dùng có thể nghiện lúc nào không biết. Có rất nhiều vận động viên dùng ma túy vì họ muốn đạt được hiệu suất tốt nhất và sau đó họ đã lạm dụng thuốc. Sở dĩ doping bị cấm trong thi đấu thể thao bởi vì các chất kích thích nhìn chung đều có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường khối lượng máu chảy về tim, làm tăng thể lực cùng sự tập trung cho các vận động viên, làm cho cơ thể không bắt buộc phải nghỉ khi mệt [11].
Tương tự như những bệnh nhân ban đầu dùng thuốc để giảm đau nhưng sử dụng nhiều lần sau đó đã bị nghiện. Chẳng hạn như bệnh ung thư giai đoạn cuối, người bệnh luôn được kê toa thuốc có chứa morphine nhưng sau đó luôn phải dùng nó với liều cao hơn.
Một trong những lý do khác ngày càng có nhiều người nghiện ma túy là do việc tiếp cận với ma túy một cách dễ dàng. Chúng ta có thể mua ma túy ngay tại các con hẻm, đường phố, quán bar, vũ trường hay rất dễ để liên hệ với những người buôn bán ma túy nhỏ. Nhưng tại sao ma túy là hàng cấm, tác hại vô cùng nhưng chúng ta lại rất dễ dàng tiếp cận được, thậm chí người ta còn bán công khai. Lý do duy nhất đó là một món hàng rất hời. Vì vậy, bất chấp hậu quả chất trắng gieo vãi cho con người mà người ta vẫn lún sâu vào việc buôn bán. Chẳng hạn, ngày 16/9/2018, trong đêm Đại nhạc hội Hồ Tây ở Hà nội, có bảy người chết, năm người hôn mê sâu dương tính với chất ma túy. Xem xét vụ việc, người ta cho biết bóng cười được bán công khai ở đêm nhạc này.
Trong những năm gần đây rất nhiều vụ buôn bán ma túy lớn lên đến hàng chục kg bị sa lưới. Chỉ cần phát hiện mang một kg ma túy là bị tử hình, nhưng không vì thế mà tình trạng buôn bán ma túy giảm. Đơn giản vì buôn bán ma túy mang lại lợi nhuận quá nhanh và quá giàu.
Việc buôn bán ma túy càng lớn, càng phát đạt thì xã hội ngày càng có nhiều người nghiện. Và như đã nói ở trên ở nước ta có đến 90% người nghiện tái nghiện cũng là điều dễ hiểu vì sau khi cai nghiện trở về, họ gặp lại bạn cũ, dễ dàng mua chất ma túy. Còn ngược lại, nếu ít người buôn bán ma túy hay khó tiếp cận với ma túy thì con số người nghiện có thể sẽ giảm dần. Hẳn chúng ta đều biết, sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines, ông đã tập trung vào việc dọn sạch ma túy, hành quyết những kẻ buôn ma túy, bắn chết những người nghiện và buôn bán ma túy như thế nào. Ở đây chúng ta không bàn đến tính nhân quyền, hay mặt trái của việc thi hành án những người buôn bán và sử dụng ma túy mà không cần ra toà hay xét hỏi. Nhưng việc ông làm đã làm giảm bớt tình trạng tệ nạn ma túy ở Philippines trong những năm qua.
Những biểu hiện chung của người nghiện
Ma túy khởi nguồn từ loại thuốc quý “morphine”, dùng để chữa trị, giảm đau, và thần dược trong y khoa nhưng khi con người lạm dụng, nó lại trở thành thứ chất gây độc hại cho cơ thể con người. Vì bình thường cơ thể con người cũng sản xuất ra các hoạt chất giống như á phiện để giảm đau – an thần- tăng sức đề kháng bệnh tật. Nên khi hút hay chích ma túy vào thì cơ thể làm biếng sản xuất á phiện nội sinh kịp thời nên người bệnh lên cơn đói với các triệu chứng nổi bật là: cơ thể đau nhức, suy nhược, gầy ốm, mệt mỏi, rối loạn chức năng thần kinh thực vật như xuất mồ hôi, đau quặn bụng, tiêu chảy, co giật, tinh thần bất an và dễ bị các bệnh nhiễm trùng, ung nhọt, ghẻ lở ngoài da, lao phổi, sốt rét, Sida. Tuỳ theo độ nghiện nặng nhẹ hoặc các loại chất gây nghiện khác nhau mà người nghiện ma túy biểu hiện.
Đối với người nghiện nhẹ: Người dùng ma túy mới chỉ hút hay chích trong vòng năm đầu, người đó hút hay chích với liều lượng gián đoạn hay hằng ngày, mỗi ngày từ 1-3 lần. Đối với người nghiện nhẹ cơ thể còn khoẻ mạnh, và thỉnh thoảng đau nhức một cách khó chịu khi đói thuốc. Tâm trạng bứt rứt bất an, trằn trọc khó ngủ. Người nghiện nhẹ có khả năng rối loạn nhẹ thần kinh thực vật như xuất mồ hôi, tiêu chảy, chảy nước mắt, nước mũi… và ở thời điểm này, chưa có các bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể điều trị tại nhà.
Đối với người nghiện hơi nặng: Người nghiện dùng được từ một đến hai năm. Số lần chích hay hút ngày càng tăng, mỗi ngày từ 2-6 lần. Cơ thể bắt đầu suy nhược sụt cân, gầy ốm và yếu sức hơn trước. Tâm trạng người nghiện cũng bứt rứt bất an, trằn trọc và mất ngủ. Thời gian này người nghiện bị rối loạn thần kinh thực vật khá nặng như xuất mồ hôi, nổi da gà, tiêu chảy, hồi hộp, co giật.Người nghiện có các bệnh nhiễm trùng nhẹ như kiết lỵ, viêm đường hô hấp, ung nhọt ngoài da. Bệnh nhân cần điều trị tại các cơ sở y tế.
Đối với người nghiện nặng: Người nghiện sử dụng ma túy từ 2 năm trở lên. Liều và lần chích ngày càng tăng, mỗi ngày từ 7 lần trở lên. Cơ thể rất gầy và yếu ớt. Đau nhức xuất hiện nhiều nơi một cách khó chịu khi đói thuốc. Tâm trạng của người nghiện bứt rứt, bất an, mất ngủ và cũng rối loạn thần kinh thực vật khá nặng, và có khả năng mắc bệnh tâm thần. Giai đoạn này của người nghiện mắc một số bệnh nhiễm trùng nặng như kiết lỵ, lao phổi, sốt rét, viêm gan, AIDS. Bệnh nhân này phải điều trị tại các bệnh viện [12].
Sau đây là những dấu hiệu chung của người nghiện ma túy chúng ta có thể nhận biết họ qua:
– Miệng, gáy tóc, cổ áo có mùi khét rất khó ngửi, mắt thường xuyên đỏ.
– Thường vắng mặt những giờ cố định, bất kể công việc đang làm hay sự cản ngăn của bất cứ ai.
– Vào nhà vệ sinh lâu do táo bón, tiểu gắt.
– Tụ tập, đàn đúm với những người có đời sống sinh hoạt buông thả.
– Khả năng học tập và làm việc sa sút thấy rõ, nhu cầu tiêu xài tăng lên.
– Tâm tính thay đổi: ít tiếp xúc với người trong nhà, dễ cáu gắt, hung hãn, có lúc nói nhiều, vui vẻ quá mức, có lúc tìm một góc riêng yên tĩnh, không muốn ai quấy rầy.
– Buổi sáng thường dậy trễ do thường thức đêm, mà không phải là vì bận học hay công việc.
Một số biểu hiện hội chứng say thuốc (phê, phi) sau nhiều lần sử dụng ma túy: người lâng lâng, không còn lo lắng, buồn rầu, tai nghe rõ hơn, mắt nhìn mọi vật tinh tường hơn, hưng phấn, giàu tưởng tượng. Người nghiện cần sa: mắt đỏ, da mặt đỏ, thích nhạc mạnh, cực kỳ hưng phấn, có thể đi đến việc hủy hoại thân thể. Người nghiện heroine: thích yên tĩnh, nói huyên thuyên, lộn xộn. Có cảm giác như hàng trăm mũi kim châm nhẹ da thịt, ngứa toàn thân. Xuất hiện cố tật như nhổ râu, cắn móng tay…
Hội chứng cai của ma túy đá không giống hội chứng cai của heroin, có nghĩa là không có cảm giác đau nhức, không tiêu chảy, không ớn lạnh nổi da gà, không có cảm giác dòi bò trong xương, không vật vã… mà là buồn chán, luôn có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, chậm chạp hoặc lầm lỳ, rất dễ bị kích động, dễ nổi giận, có thể hoang tưởng ảo giác, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi.Người nghiện ăn nhiều, ngủ nhiều, trầm cảm, mất hứng thú, mất khoái cảm, bất thường khí sắc, hung hãn, suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung, suy luận, loạn thần (hoang tưởng, ảo thanh), hư răng.
Nhân tố chính góp phần trong việc phòng ngừa và quá trình cai nghiện
Nhân cách con người bị chi phối bởi môi trường tự nhiên và xã hội trong đó vai trò gia đình, nhà trường, xã hội và Giáo Hội có thể là những nhân tố chính để định hình và phát triển nhân cách của mỗi người. Chính vì vậy, trước cơn bùng nổ nghiện ma túy, vai trò của gia đình, nhà trường và Giáo Hội có thể đóng góp rất nhiều trong việc ngăn chặn tệ nạn ma túy.Vì việc phòng tránh hiệu quả và đỡ tốn kém hơn rất nhiều lần cai nghiện.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”: con người sinh ra đã mang trong mình sự thiện. Vì thế, gia đình đóng vai trò chính trong việc giáo dục nuôi dạy con cái thành người tốt. Trong thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi các gia đình, các ngài nhấn mạnh gia đình là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản. Đó là bổn phận và nghĩa vụ cao cả của các bậc cha mẹ. Nơi gia đình con cái đón nhận bài học đầu tiên về giá trị nhân bản, luân lý và đức tin. Một khi trẻ được nuôi dạy về những giá trị này từ thời thơ ấu, chúng sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt năm tháng còn lại [13].
Như vậy, cha mẹ là người thầy đầu tiên và xuyên suốt trong việc hướng dẫn, định hướng, và hình thành nhân cách của con cái mình. Họ là người trao ban tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, hướng dẫn dạy dỗ, chuẩn bị cho lớn lên và bước vào đời một cách trưởng thành. Họ cũng là người giúp hiểu được giá trị cuộc sống và vượt qua những nghịch cảnh, cạm bẫy của cuộc sống. Chẳng hạn, ở lứa tuổi dậy thì, với những biến chuyển tâm sinh lý, cha mẹ dành nhiều thời gian quan tâm hơn, trò chuyện, lắng nghe, giúp các em phân biệt tốt xấu, không nên áp đặt, ép buộc hay chỉ trích các em trước mặt người khác, hiểu tâm trạng, cảm xúc của chúng, khuyến khích con cái tham gia các hoạt động tập thể, các hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các bạn xấu v.v. Ngược lại vì yêu thương nhưng nuông chiều, cung cấp mọi thứ muốn, mà không dạy dỗ chúng ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình, thì việc con cái sa vào nghiện ngập cũng là điều dễ hiểu.
Cha mẹ không chỉ là người dạy dỗ, tập cho con cái những thói quen tốt, học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan. Nhưng chính cha mẹ phải là người nêu gương sáng đầu tiên. Mọi cử chỉ hành động của cha mẹ đều tác động trực tiếp đến con cái mình. Vì thế mà đa số các con nghiện xuất phát từ gia đình có cha mẹ ly hôn, hoặc xung đột.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giới trẻ nghiện ma túy, nhưng chủ yếu là cha mẹ chưa dành thời gian đủ để giáo dục đúng hoặc cha mẹ quá bận rộn không dành thời gian đồng hành, gần gũi, và bảo vệ chăm sóc chúng. Việc cha mẹ dạy dỗ giáo dục con cái đúng sẽ ngăn chặn chúng sa vào ma túy. Còn một khi con cái mới bước vào con đường nghiện ngập, cha mẹ hãy động viên, tìm cách tạo mọi điều kiện để giúp các em cai nghiện thành công. Sự thấu hiểu, đón nhận, kiên trì và yêu thương là những yếu tố cần thiết để lôi kéo các em ra khỏi con đường nghiện ngập. Rất nhiều người cai nghiện thành công nhờ sự quyết tâm và động viên an ủi của người thân. Như Anh Vũ Văn B ở Giáo phận Hải phòng là trường hợp điển hình. Anh chia sẻ nhờ sự kiên trì động viên, an ủi của gia đình mà anh đã vượt ra khỏi cơn nghiện. Hay như trường hợp của vợ anh B ở Giáo Phận Phát Diệm chia sẻ mặc dù chị rất đau khổ bởi chồng nghiện ngập nhưng với ơn Chúa, hàng ngày chị đọc kinh cầu xin Chúa ban cho anh. Hơn nữa, chị từng là giáo lý viên, tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, nên chị có đời sống lạc quan tin tưởng, đạo đức, yêu thương, biết nghĩ đến chồng con chính điều này giúp chị chịu đựng và vượt qua được. Nhờ kiên trì chữa chạy và yêu thương anh, đến nay anh cũng đã cai nghiện được và chị cảm thấy hạnh phúc sau những năm sóng gió.
Ngược lại với sự yêu thương quan tâm không bỏ mặc là sự kỳ thị của mọi người chung quanh. Chính sự kỳ thị sẽ đẩy họ càng mặc cảm và không có lối thoát. Nhưng nếu gia đình yêu thương, cố gắng tìm mọi cách chạy chữa, người nghiện một lúc nào đó sẽ quyết tâm cai nghiện. Có nhiều trường hợp vì cảm nhận tình yêu thương, nỗi vất vả của cha mẹ, người thân mà họ đã hối hận và quyết tâm cai nghiện thành công chỉ vì không muốn chứng kiến cảnh người thân đau khổ vì mình nữa. Đó là trường hợp của anh NVH thuộc giáo phận Cần Thơ, anh chia sẻ sau hai mươi lần cai nghiện không thành công, và trong lần tiếp theo người em trai của anh đưa anh đến trung tâm cai nghiện, trở về bị tai nạn và qua đời. Anh dằn vặt nỗi đau khổ vì mình mà gia đình tán gia bại sản, em chết, người mẹ và người vợ đã quá khổ vì anh, nên anh hạ quyết tâm cai nghiện mà không cần thuốc hỗ trợ, và anh đã thành công.
Yếu tố thứ hai không kém phần quan trọng trong việc phòng ngừa nghiện ma túy là nhà trường. Nhà trường là nơi các em đón nhận tri thức, giá trị của cuộc sống. Nhà trường có vai trò làm sao để các em cảm thấy giá trị của việc học và vui thích trong học tập. Đôi khi chỉ vì quá áp lực và căng thẳng trong học tập mà các em dễ tụ tập để hút chích ma túy. Ngoài những kiến thức bổ ích, nhà trường tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Những sinh hoạt, câu lạc bộ văn hóa bổ ích lôi cuốn hấp dẫn các em tham gia, thì các em không còn bận tâm vào những thói quen hay tệ nạn xấu nữa. “Một cơ thể khoẻ mạnh với một tinh thần lành mạnh” thì rất khó để rơi vào ma túy.
Ngoài ra nhà trường có những biện pháp để ngăn chặn mọi hình thức mua bán ma túy, dạy các em gạt ngay mọi ý tưởng thử sử dụng dù chỉ mới manh nha xuất hiện trong đầu; tránh xa hoàn cảnh nguy cơ và dứt khoát từ chối trước sự rủ rê, mời mọc.Từ năm 2009, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã có quy định về phòng chống ma túy tại các cơ sở giáo dục để mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục sẽ là một pháo đài phòng chống tệ nạn ma túy xâm nhập. Theo đó, thực hiện tích hợp nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy trong một số môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.
Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, các cơ quan chức năng là rất cần thiết trong việc giáo dục phòng tránh ma túy. Nhà trường kết hợp với gia đình giáo dục thanh thiếu niên sống lành mạnh. Giữa nhà trường và các bậc phụ huynh cần có sự trao đổi thông tin về các em để giúp các em học tập tốt. Một khi các em thích thú đến trường, và hiểu rõ những giá trị luân lý, đạo đức thì các em không sa vào những tệ nạn. Ngăn ngừa can thiệp ngay khi có các em có dấu hiệu sa vào con đường ma túy.
Giáo Hội không chỉ có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho mọi tín hữu nhưng còn là nguồn bình an, là chỗ dựa cho mọi thành phần, đặc biệt những người bên lề xã hội. Giáo Hội rất nỗ lực trong việc uốn nắn đức tin cho các tín hữu để mỗi người được sống đúng với căn tính là Kitô hữu. Hơn thế nữa, Giáo Hội còn là tiếng nói cho những bất công, tệ nạn mà con người đã lạm dụng bóp nghẹt sự sống, gieo rắc sự chết. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho rằng bổn phận đầu tiên của Giáo Hội là giáo dục các lương tâm về trách nhiệm luân lý, vạch trần sự dữ và những lời hứa giả trá, vạch trần bạo lực và sự gian lận đằng sau ma túy. [14] Trong triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài dành cho người nghèo, người bị bỏ rơi một chỗ đặc biệt. Người bị bỏ rơi ở đây chính là người nghiện. Ngài nói “Cha muốn một Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo. Cha muốn mọi người đi đến những vùng ngoại biên của thế giới!”
Hơn nữa, căn tính của Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội luôn song hành và đáp lại dấu chỉ của thời đại. Giáo Hội không thể làm ngơ khi thấy con chiên lạc. Nhưng Giáo Hội lại không thể cấm đoán những người tham gia vào việc sử dụng ma túy. Đức Hồng Y Parolin Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã phát biểu trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài nói Giáo Hội không thể im lặng. “Chúng ta không thể giới hạn chính mình trong việc phục hồi, nhưng chúng ta phải tham gia vào việc ngăn chặn phòng tránh.Trước mặt chúng ta ở đây có những ví dụ về nhiều bạn trẻ đã cai nghiện để cam kết xây dựng lại đời sống của họ. Đó là một động lực để nhìn về phía trước bằng đức tin.” [15]
Nhân dịp ngày “Quốc tế chống nạn nghiện ngập ma túy”, Đức cha Vicente Bokalic, và Melitón Chavez ở Argentina, trong thư mục vụ, các ngài đã đề cập đến vấn nạn trầm trọng này: “Con cái chúng ta, anh em và bạn bè của chúng ta kêu xin chúng ta hãy làm một cái gì đó cho vấn đề ma túy. Giới phụ huynh, các linh mục, tu sĩ, giáo dân là các chứng nhân và các tác nhân tìm hiểu, can thiệp và cống hiến các cơ cấu tập thể giúp cai nghiện và thăng tiến phẩm giá con người. Các anh chị em nghiện ma túy bị tàn phá này phải được coi là các bản vị con người, chứ không phải là một vấn đề, không phải là một trường hợp cần phân tích, nhưng như là một người cần yêu thương; không phải là một cá nhân cần nhồi sọ và điều kiện hóa, nhưng cần được giúp đỡ để khám phá ra các phong phú riêng của họ.” Ngài kêu gọi mỗi người hãy chung tay với Giáo Hội, với nhà nước, các tổ chức xã hội, người lớn và giới trẻ, học đường và gia đình. Chúng ta hãy tái chiếm lại ý nghĩa đích thật của cuộc sống [16].
Giáo Hội Việt nam cùng chia sẻ sứ mệnh yêu thương với những người bị tổn thương này bằng hành động cụ thể. Trong dự án dành cho người có HIV, Caritas Việt Nam trực thuộc HĐGMVN đã cùng với 26 Caritas Giáo phận đã hỗ trợ thuốc kháng virút ARV cho những người có H và giúp họ trở về hoà nhập cộng đồng. Trong số những người có H đa số họ đã từng là những con nghiện, giờ đây được tham gia sinh hoạt của nhóm, họ rất biết ơn khi tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống. Điển hình anh HDC ở Đồ Sơn, thuộc Giáo phận Hải phòng chia sẻ, anh vô cùng biết ơn và cảm phục Caritas đã hỗ trợ và mời gọi anh tham gia sinh hoạt nhóm, nhờ đó anh tìm lại được niềm vui, ý nghĩa cuộc sống. Có rất nhiều người nghiện ma túy sau đó bị nhiễm HIV. Sau khi được tham gia vào chương trình dự án của Caritas, chính họ là người giúp đỡ những người nghiện và bị bệnh khác. Họ biết ơn những tình nguyện viên đã mời họ tham gia vào sinh hoạt nhóm để họ có được kiến thức hiểu biết về HIV, tránh lây bệnh cho người thân, lấy lại sự lạc quan tin tưởng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, phải kể đến vai trò của giáo xứ, các hội đoàn là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và giúp cho những người cai nghiện. Nếu một giáo xứ là nơi tạo niềm vui, thu hút các em thiếu nhi, giới trẻ như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở, thì sẽ hạn chế việc người ta tìm đến ma túy. Một giáo xứ biết quan tâm đến đời sống đức tin, luân lý cho các em, có những sinh hoạt bổ ích tạo sân chơi cho các em, thì sẽ tạo được những thói quen lành mạnh cho các em. Hơn nữa, một khi các em thích tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, là thành viên của một đoàn thể cũng sẽ hạn chế rất nhiều trong việc tụ tập với những bạn xấu để thử nghiệm chất gây nghiện. Và chắc chắn đó là nền tảng cho các em bước vào đời cách trưởng thành.
Hoặc một khi có người nào mới nghiện, thì cộng đoàn giáo xứ biết quan tâm, yêu thương, khuyên nhủ, tìm cách giúp người đó tránh sa vào nghiện ngập. Cộng đoàn chính là nơi quy tụ gặp gỡ, tạo niềm tin để sẻ chia, nâng đỡ nhau khi vui cũng như lúc buồn. Một cộng đoàn thực thụ như thế sẽ giúp nhau thăng tiến và sống đúng với điều răn yêu thương của Chúa. Một cộng đoàn có Chúa thì sự dữ sẽ không thể len vào.
Vấn đề nghiện ma túy là một trong những vấn đề hệ trọng nhất của thời đại. Nó để lại tác hại vô cùng lớn lao cho nhân loại, cho chính người sử dụng. Nó tàn phá sức khoẻ, hủy diệt mạng sống đương sự, gây bất an và mất niềm hạnh phúc cho những người thân, gieo rắc sự kinh sợ cho những người xung quanh. Nó có thể gõ cửa bất cứ lúc nào và len lỏi vào căn nhà chúng ta. Những người nghiện hơn bao giờ hết là những người cô đơn, những người khao khát đi tìm giá trị đích thực của cuộc sống và khát vọng cho tương lai. Họ không phải là thành phần cặn bã trong xã hội, hay thuộc nhóm tệ nạn xã hội mà chỉ vì không tìm được ý nghĩa cuộc sống, thiếu sự yêu thương và dạy dỗ đúng cách nên đã rơi vào nghiện ngập. Hầu hết những người nghiện đều ước mình không biết đến ma túy. Chính vì thế nơi mỗi con người nghiện luôn khát vọng được yêu thương và vươn lên. Nơi họ vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, là những con người vẫn luôn khao khát sự thiện.
Chúng ta làm gì khi người anh chị em mình đang đau đớn và cần đến bàn tay nâng đỡ yêu thương của chúng ta? Làm sao chúng ta có thể ngồi im khi nhìn anh chị em mình đang quằn quại trong men say chết. Họ là hình ảnh của Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta đến viếng thăm, cho áo mặc. Mục đích của Caritas là trao ban tình yêu, giúp đỡ những người bất hạnh không phân biệt màu da, tôn giáo mà hiện nay Caritas Việt nam cùng với Caritas trên khắp thế giới chung tay giúp đỡ những người nghiện, trong đó có những người sống chung với HIV/AIDS.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN số 109 (tháng 11 & 12 năm 2018)