Người càng hiểu biết thì càng khiêm tốn

Xưa nay, những người càng có thực tài, tầm hiểu biết càng rộng thì lại càng khiêm tốn, không bao giờ thể hiện mình tài năng.

Albert Einstein không chỉ là một nhà khoa học nổi danh, những cống hiến của ông được thế giới ghi nhận, mà còn là người nổi tiếng khiêm tốn.

Sinh thời, với danh tiếng của mình, Albert Einstein được rất nhiều nước mời đến diễn thuyết. Có một lần, ông nhận lời đến nước Bỉ tham gia buổi diễn thuyết. Quốc vương của nước Bỉ đã phái rất nhiều quan viên và đoàn xe hộ tống đến nghênh đón ông. Nhưng điều mà mọi người không ngờ được chính là Albert Einstein đã lặng lẽ một mình đi tới Hoàng cung từ bao giờ.

(Ảnh qua jrbenjamin.com)

Albert Einstein đi đến đâu cũng được mọi người tôn sủng và chào đón nồng nhiệt, nhưng ông lại không vì thân phận và địa vị của mình mà đòi hỏi bất cứ điều gì. Ông cũng không vì được mọi người chào đón nồng nhiệt mà tự cao tự đại. Trái lại, ông luôn xử sự một cách rất chừng mực và khiêm nhường.

Đức tính khiêm tốn của Albert Einstein còn thể hiện ở ước nguyện trước khi ông mất. Năm 1955, Albert Einstein vì bị chảy máu do vỡ động mạch chủ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi được đưa vào bệnh viện, Einstein hoàn toàn ý thức được thời gian mà mình ở trên thế gian là không còn nhiều nữa. Bởi vậy, ông đã căn dặn rằng hãy hỏa táng và rải tro của ông trong bí mật, không cần xây bia tưởng niệm ông, để người ta không thể tôn thờ ông. Bởi ước nguyện này mà lễ tang của nhà khoa học vĩ đại cũng rất đơn sơ, bình dị, giống như tang lễ của tất cả những người bình thường khác.

Từ ước nguyện này, ta có thể thấy rằng đối với Einstein, ông hy vọng danh tiếng trong xã hội sẽ theo ông mà biến mất khỏi thế gian, bởi với ông, đó đều là những điều rất đỗi nhỏ bé. Có thể thấy ở Einstein, chính đức tính khiêm tốn đã tạo nên một nhân cách cao đẹp, trường tồn mãi đến ngày nay.

Vào triều đại nhà Tống, đại văn hào Âu Dương Tu cũng là một người tài năng và vô cùng khiêm tốn. Mặc dù các tác phẩm của ông viết ra được đánh giá là đã đạt đến đỉnh cao rồi nhưng ông vẫn như lúc trước, luôn tìm người thỉnh giáo, chỉ bảo khi hoàn thiện tác phẩm của mình.

Với tài năng và đức hạnh của mình, Âu Dương Tu không những ra sức sửa đổi văn phong, bỏ đi lối viết hoa mỹ nhưng không có nội dung đặc sắc. Hơn thế nữa ông còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân và hai con trai là Tô Đông Pha và Tô Triệt. Trong giới văn học, Âu Dương Tu sở dĩ nổi danh một phần cũng là nhờ đức tính khiêm tốn của mình.

Ngạn ngữ cổ có câu: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, khiêm tốn thì được lợi còn tự mãn thì chiêu mời tổn hại. Nếu bạn là một chiếc thùng thì dù có thêm nhiều giọt nước, nước cũng không bị tràn ra ngoài, nhưng nếu bạn chỉ là một bình trà nhỏ bé thì chỉ cần thêm mấy giọt nước, nước sẽ tràn ra ngoài ngay. Người càng khiêm tốn thì dung lượng của tâm càng lớn, người ấy có tải trọng càng nhiều.

Trong cuộc sống thực tại, chúng ta không khó để nhận thấy rằng người càng có thực tài thì lời nói và việc làm của họ đều thể hiện ra đức hạnh khiêm tốn. Ngược lại, có một số người có một chút tài hoa đã cho mình là trên hết, không chỗ nào không biết, không chỗ nào không hiểu. Những người này trên thực tế không có “chân tài thực học” cho nên người ấy cũng khó có thể trở thành người tài, hữu dụng.

Ngạn ngữ cổ còn có câu: “Bán dũng thủy hưởng đinh đương”, tức là những người mà không có tài thực sự thì lại thường khoe mẽ, tự tâng bốc bản thân mình. Trái lại, người có học thức phong phú thì lại phi thường khiêm tốn. Người khiêm tốn không chứng tỏ mình, họ cũng không vì chút thành tựu mà đắc chí. Họ cũng dễ dàng tiếp nhận lời phê bình, góp ý từ người khác. Chính bởi vì lẽ đó mà tâm tính và năng lực của họ cũng không ngừng được đề cao, thăng hoa.