NGƯỜI GIÁO DÂN DI DÂN: NHỮNG THAO THỨC VÀ NGUYỆN VỌNG

Bạch Vân – Minh Huy

WHĐ (11.8.2020) – “Từ vài thập kỷ nay rất nhiều bạn trẻ đã có mặt ở Sài Gòn để học tập và lao động, họ đang ngày đêm cố gắng trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, để có thể lập thân, lập nghiệp tại thành phố này. Động cơ vào Sài Gòn của đa số những người trẻ là được đổi đời, được thoát cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, nhất là được khám phá và phát huy những khả năng của mình tại một thành phố năng động, giàu tiềm năng, có thị trường công nghiệp lớn, là đầu tàu của cả nước về kinh tế. Tuy nhiên, sống xa mái ấm, gia đình, xa quê hương, họ cũng gặp không ít những khó khăn, chịu nhiều áp lực, nhiều thiệt thòi về mọi mặt…” (trích video “Một thoáng Phát Diệm giữa lòng Sài Gòn” – thầy Giuse Vũ Văn Được – DCCT).

Hòa chung trong dòng người di dân đang cư ngụ tại Sài Gòn, chúng tôi những người con của đất mẹ Phát Diệm, đã bước đi với mong ước thoát khỏi cái nghèo, cái khổ của vùng quê mà chỉ có một nghề làm nông bao đời nay. Chúng tôi mang theo mơ ước, hành trang của tuổi trẻ để ra đi với bao dự định, với bao viễn tưởng về nơi thành thị phồn hoa sẽ cho chúng tôi cơ hội đổi đời, thoát nghèo. Nhưng trong một môi trường mới, một không gian sống mới với những thách đố, rủi ro và sức ép về mọi mặt của đời sống đô thị, tất cả đè nặng trên vai chúng tôi trong hành trình đi tìm tương lai cho chính mình. Nó cũng không khỏi làm cho chúng tôi có thể vững vàng bước đi trong hành trình đức Tin của mình ở thành thị này.

1. MƯU SINH NƠI MẢNH ĐẤT XA LẠ

Người di dân chúng tôi luôn được nhìn như những thành phần “vô xứ”, những kẻ làm cho thành phố lộn xộn, những kẻ mang theo tệ nạn, là gánh nặng cho thành phố… Những định kiến này đã làm cho chúng tôi không khỏi tự ti với thân phận vô xứ của mình. Nhưng ít ai lại biết chúng tôi có một đời sống không mấy dễ dàng nó luôn đầy rẫy những rủi ro, thử thách. Nơi mảnh đất xa lạ này chúng tôi đôi khi không được chào đón nhưng quyết định ra đi cũng là phương cách duy nhất còn lại chúng tôi có thể lựa chọn, đôi khi còn là sự đánh cuộc của số phận mình trong dòng mưu sinh.

Trước những áp lực về kinh tế đè nặng trên vai, chúng tôi cũng không có nhiều lựa chọn để phát triển bản thân và được tiếp cận với những phúc lợi xã hội. Vì điều kiện kinh tế mà nhiều người di dân trong chúng tôi phải chấp nhận sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, đôi khi một căn phòng nhỏ nhưng là nơi sinh hoạt của cả gia đình với 5 – 6 thành viên. Những khu chợ không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, những bữa ăn không đủ dinh dưỡng vẫn làm cho chúng tôi băn khoăn và lo lắng nhưng lại không thể có lựa chọn khác. Áp lực bởi kinh tế, bởi những trách nhiệm ở quê nhà, bởi sự bất công của xã hội… tất cả làm cho chúng tôi chơi vơi nơi thành thị.

Chúng tôi cũng có những ước mơ được đổi đời, những dự tính cho tương lai nhưng không phải tất cả đều có thể làm được, có biết bao anh chị em của chúng tôi vì không chịu nổi sức ép của thành thị đành bỏ về quê tiếp tục cuộc sống với đồng ruộng hay chuyển sang làm những ngành nghề khác. Vì trình độ thấp, thiếu những nguồn vốn xã hội cần thiết và vì thiếu hiểu biết nên đã đẩy biết bao anh chị di dân vào cảnh lầm than ở đô thị dù họ vẫn ao ước tìm kiếm một tương lai cho mình.

2. ĐỨC TIN TRONG BƯỚC ĐƯỜNG TÌM KIẾM TƯƠNG LAI

Bước đến thành thị người di dân cũng phải đứng trước những thách đố của cuộc sống và phải đối mặt với sự đảo lộn về văn hóa – xã hội. Ở vùng đất mới này chúng tôi luôn phải cố gắng để thích nghi bởi những khác biệt về môi trường sống, những khó khăn và những cạm bẫy luôn rình rập. Trong một xã hội gắn liền với sự “đa nguyên về thực tại” và “đa nguyên về căn cước”[1], xã hội mà truyền thông ngày càng chi phối mạnh mẽ tới mọi cá nhân trong xã hội. Những điều này tác động mạnh mẽ đến đời sống của người di dân, đặc biệt với những người giáo dân di dân như chúng tôi, bởi chúng tôi còn mang trong mình căn tính tôn giáo đã được định hình và chi phối tới mọi mặt trong đời sống.

Thay đổi môi trường, thay đổi không gian sống làm cho đời sống đạo của những người di dân cũng bị thay đổi, từ đó dẫn đến thay đổi về nhận thức đời sống đạo, thay đổi về “căn tính” trong đời sống đức Tin của người di dân, nó tạo nên những cách ứng xử mới của họ trong việc thực hành các lễ nghi và tham gia các sinh hoạt của họ. Trước những áp lực, những gánh nặng của cuộc đời người giáo dân di dân dễ bị phân mảnh, vụn vỡ trong tâm hồn, trong nhận thức của mình để rồi chính họ phải suy ngẫm khác về cuộc đời. Chỉ trong các hoàn cảnh sống riêng của chính mình thì họ mới hiểu và chọn lựa cho mình một phương cách sống riêng.

Nếu trong môi trường giáo xứ quê hương truyền thống mang tính chất đồng đạo cùng nằm trong một qui chuẩn nhất định, yếu tố cộng đồng tác động đến mọi khía cạnh của đời sống của người giáo dân vì vậy xây dựng một lãnh vực riêng tư là điều khó khăn. Khi những người giáo dân di dân này rời khỏi cộng đồng họ bước vào tiến trình trải nghiệm cá nhân trong một môi trường mới. Bước chuyển từ xã hội đơn văn hóa sang xã hội đa văn hóa sẽ cho người giáo dân di dân có một nhận thức mới về đời sống đạo bằng chính trải nghiệm của cá nhân mà còn gọi là “sự trưởng thành về đức Tin”.

Người giáo dân di dân không phải luôn mang trong mình sự giảm sút trong việc thực hành các nghi lễ tôn giáo mà chính họ cũng tạo nên sự phong phú và phát triển cho giáo xứ nơi họ đến. Chính bản thân họ được trải nghiệm đức Tin và hình thành nên những nhãn quan mới trong nhận thức về đức Tin tôn giáo của mình từ đó dẫn đến những cách hành xử mới. Nó có thể chính là sự “trưởng thành về đức Tin” nhưng cũng có thể là những khủng hoảng trong đời sống đạo, họ bị khủng hoảng trong việc chọn lựa những chiến lược sống, có những xung đột nội tâm giữa niềm tin tín ngưỡng và nhu cầu riêng tư bản thân. Vì vậy, việc lựa chọn lối sống của người giáo dân Công giáo để làm sao vừa duy trì bản sắc cộng đồng truyền thống, vừa đáp ứng nhu cầu riêng tư bản thân là một thách thức nội tâm đối với người di dân trong đời sống xã hội hiện nay.

Bằng sự trải nghiệm của chính bản thân với đức Tin của mình người giáo dân di dân đang kiến tạo nên những nhận thức mới về đời sống đạo. Trong tiềm thức của chúng tôi việc: đọc kinh, tham dự thánh lễ, học hỏi giáo lý… vẫn là những yếu tố đứng hàng đầu trong đời sống đạo của mình và chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ và tham gia. Những buổi tối ở sân các nhà thờ hay ở các khu nhà trọ vẫn có những lời kinh mân côi vang lên. Chúng tôi quy tụ lại với nhau cùng dâng lên lời kinh, tiếng hát để tạ ơn Chúa và Mẹ trong suốt một ngày làm việc. Suốt bao năm nay những giờ kinh tối cùng nhau vẫn luôn diễn ra và nó đã trở thành một điều không thể thiếu và đã trở thành một nét riêng của những người giáo dân di dân nơi những khu nhà trọ chật hẹp của thành thị này.

3. CÁC NHÓM ĐỒNG ĐẠO ĐỒNG HƯƠNG – CHIẾN LƯỢC ỨNG XỬ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN DI DÂN

Giữa một thành phố năng động, xe cộ ngày đêm nối đuôi nhau vội vã ngược xuôi, chúng tôi nhận thấy có một “thoáng” người di dân Công giáo giữa lòng thành phố sôi động này. Vì cuộc sống mưu sinh mà đã bỏ cuộc sống quê hương, gia đình, xóm làng vào đây làm ăn sinh sống. Họ thường tìm một khu vực sinh sống có những người cùng quê hương, cùng những xứ đạo quê nhà để trở thành một xóm trọ có làng xóm, có người thân quen để nâng đỡ nhau những lúc tối lửa tắt đèn, những cơn gian nan túng quẫn. Các khu nhà trọ này tập trung nhiều trên địa bàn đường Phạm Thế Hiển quận 8, hoặc khu vực cách giáo xứ Bến Hải, Bến Cát thuộc quận Gò Vấp, hay khu vực đường Lê Đức Thọ là khu ở trọ tập trung nhiều anh chị em di dân đến từ GP. Phát Diệm, Bùi Chu, Thái Bình, riêng GP. Phát Diệm đa số họ làm nghề đúc bê tông, chở xà bần hoặc bán thực phẩm… Hay những người con của Giáo phận Vinh thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,… thì thường tập trung gần các giáo xứ Xuân Hiệp, Khiết Tâm, Tam Hải và khu vực Dĩ An, Bến Cát của tỉnh Bình Dương, họ chủ yếu là những người công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Trước những rủi ro, những thách thức của đời sống mới chúng tôi cũng phải đưa ra những lựa chọn dành cho mình để giảm thiểu những khó khăn đó. Chúng tôi tham gia vào nhóm đồng hương của mình nơi quy tụ các bạn trẻ xa quê Phát Diệm trong Nhóm giới trẻ Công giáo Phát Diệm tại miền Nam. Nơi đây chúng tôi được cùng nhau chia sẻ những gánh nặng của cuộc sống, những thách đố của đời sống đức Tin để rồi cùng nâng đỡ nhau trong hành trình đức Tin của mình. Những buổi sinh hoạt cùng nhau giúp chúng tôi được trưởng thành về đức Tin và như một bệ đỡ tinh thần cho chúng tôi ngay ở thành thị.

Cùng với Nhóm giới trẻ Công giáo Phát Diệm tại miền Nam cũng có rất nhiều các nhóm đồng hương, đồng đạo của các anh chị em di dân với những tên gọi: Nhóm đồng hương giáo xứ Quang Lạng, Nhóm đồng hương giáo hạt Minh Cầm, Nhóm đồng hương giáo xứ Làng Truông… Với các bạn sinh viên xa quê ở Sài Gòn có rất nhiều nhóm quy tụ các bạn cùng quê hương lại với nhau như: Nhóm sinh viên Công giáo Bùi Chu tại miền Nam, Nhóm sinh viên Công giáo Vinh tại miền Nam,… Các nhóm này không chỉ hỗ trợ về vật chất bằng việc tương trợ giúp đỡ nhau khi khó khăn, mà còn giúp đỡ cả về mặt tinh thần đặc biệt là những sinh hoạt tôn giáo với nhau.

Cùng với các nhóm đông đảo những người đồng hương với nhau thì các ngày gặp mặt di dân tại Sài Gòn cũng được tổ chức như: Ngày họp mặt di dân giáo phận Phát Diệm, Ngày họp mặt di dân giáo phận Thái Bình, Ngày họp mặt di dân giáo phận Vinh… đây là dịp cho chúng tôi được gặp gỡ các vị chủ chăn quê hương của mình và cũng là dịp nâng đỡ về tinh thần cho chúng tôi, cho những người con xa quê được thỏa niềm mong ước với quê hương mình. Nhưng đến rồi đi, chúng tôi vẫn lạc lõng trong dòng đời xô bồ, những đứa con xa quê vẫn luôn mong ước về với quê hương mình nhưng đó không phải là điều dễ dàng. Bởi các ngày họp mặt anh chị em di dân chỉ diễn ra một ngày, nó chỉ mang tính chất gặp gỡ mà chưa có sự đồng hành liên tục và giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi luôn mong ước một sự thấu hiểu từ các vị chủ chăn trong những thách đố mà những người con di dân như chúng tôi đang đối mặt.

Việc tham gia vào các nhóm Công giáo giúp chúng tôi định vị lại căn tính của mình trong cộng đồng, đặc biệt nơi đây có thể giúp chúng tôi có những cơ hội gặp gỡ các anh chị em cùng tôn giáo với mình để có thể có những cơ hội lựa chọn một người bạn đời cùng chung niềm tin tôn giáo với mình. Qua gặp gỡ, chia sẻ và đồng hành của các linh mục, tu sĩ và cùng các thành viên chúng tôi được nâng đỡ và trưởng thành trong đức Tin của mình. Trong không gian khác, thế giới khác chúng tôi bước đi với những sự lạc lõng nhưng nhờ vào các mạng lưới hỗ trợ của Giáo Hội mà chúng tôi bước đi vững vàng hơn. Nhưng cũng còn biết bao anh chị em di dân như chúng tôi không có cơ hội tham gia được vào các nhóm bởi những hoàn cảnh, những khó khăn riêng của từng người. Và cũng một phần bởi những yếu tố từ chính tổ chức của các nhóm tạo nên sự cản trở cho việc tham gia của người di dân, những nhóm chỉ quy tụ những người cùng một vùng hay một vài giáo xứ lại với nhau, chính những điều này làm cho những người anh chị em di dân khác khó có thể hòa nhập và tham gia được. Chính những sự cản trở này làm cho nhiều anh chị em di dân vẫn lạc lõng, đơn độc trong đời sống đức Tin của mình. Đặc biệt là những người giáo dân di dân mới, bởi giai đoạn ban đầu với những sự thay đổi và khủng hoảng sẽ rất dễ làm cho họ mất đi căn tính tôn giáo truyền thống của mình nếu không được nâng đỡ và đồng hành.

4. AO ƯỚC, THAO THỨC VÀ NGUYỆN VỌNG

Người giáo dân di dân có một nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần và đặc biệt là nhu cầu tâm linh một cách mạnh mẽ nhưng nhiều mạng lưới hỗ trợ dành cho người di dân vẫn còn hạn chế. Các nhóm đồng hương được thành lập nhưng vẫn mang tính quy tụ với nhau mà không có tính đồng hành liên tục với người di dân trong suốt hành trình họ thích nghi với đời sống mới ở đô thị.

Chúng tôi cũng luôn ao ước có được những sự thấu hiểu đúng đắn và quan tâm của các vị chủ chăn cho những người con xa quê như chúng tôi. Việc không ổn định nơi ở, cùng những thách đố của cuộc sống làm cho chúng tôi cảm thấy lạc lõng trên bước đường mưu sinh của mình, cùng những mặc cảm, tự ti với thân phận “vô xứ” tất cả khiến chúng tôi khó có thể hòa nhập vào với đời sống của giáo xứ sở tại một cách trọn vẹn. Cùng những sự hiểu biết ít ỏi của chúng tôi về những giáo lý, giáo luật của Hội Thánh về người di dân chúng tôi nên việc thực hiện nhập xứ, hay tham gia sinh hoạt với các giáo xứ sở tại là một khó khăn của chúng tôi.

Chúng tôi ao ước có những chương trình chuẩn bị cho các bạn trẻ trước khi rời khỏi quê hương để họ có thể có những chuẩn bị để bước vào một đời sống xa lạ nhưng có thể tránh được những khủng hoảng đức Tin, những khủng hoảng của cuộc sống ban đầu. Cùng những việc phổ biến giáo luật hay quy định để cho chính những người di dân như chúng tôi được học hỏi và thực hiện. Chúng tôi cũng ước mong các tổ chức của Giáo Hội có thể chú trọng đến nhu cầu của người giáo dân di dân trong những hoàn cảnh phù hợp bởi đôi khi những chuẩn mực hay những quy định giáo lý lại là trở ngại cho chính cuộc sống của người di dân khiến cuộc sống nơi đô thị đã vốn không dễ dàng nay lại càng không dễ dàng hơn và sẽ có nguy cơ làm mất đi căn tính tôn giáo của mình nhiều hơn.

__________

[1] Quan điểm về hiện đại hóa trong tác phẩm “Sự kiến tạo xã hội về thực tại” của Peter L. Berger và Thomas Luckman – Trần Hữu Quang (chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải), NXB Tri Thức, 2015.

 

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 97 (tháng 11 & 12 năm 2016)