NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG VIỆC CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG GIÁO HỘI THEO TINH THẦN HIỆP HÀNH
LM Antôn Hà Văn Minh
WHĐ (10.12.2022) – Để tiến tới Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, Đức Phanxicô đã đưa ra sáng kiến thỉnh ý toàn thể dân Chúa trong ba giai đoạn: giai đoạn thỉnh ý Giáo hội cấp địa phương, giai đoạn thỉnh ý Giáo hội cấp Châu lục và cuối cùng là giai đoạn Thượng Hội đồng mang tính hoàn vũ. Trong sáng kiến này, Đức Giáo hoàng hướng tới cách đặc biệt toàn thể các tín hữu giáo dân, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội đều là đối tượng được mời để thỉnh ý trong việc canh tân Giáo hội, để Giáo hội thực sự trở thành dấu chỉ của thời đại, điều mà Công đồng Vatican II đã nói tới.
1. Người giáo dân trong tiến trình hiệp hành
Quả thật, người giáo dân không thể là đứng bên lề với thái độ đối với cuộc sống của Giáo hội, bởi:
“Nhờ được xức dầu Thánh Thần khi chịu phép Rửa, toàn thể các tín hữu ‘không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi từ các giám mục cho đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa’. Chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn các tín hữu ‘tới sự thật toàn vẹn’”[1].
Vì thế, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi người giáo dân hãy can đảm đi ra khỏi sự e dè nhát đảm để gặp gỡ và trao cho nhau những kinh nghiệm về đời sống Kitô hữu mà mỗi người có những cảm nghiệm riêng:
“Kitô giáo phải luôn nhân bản, nhân bản hóa, hòa giải các khác biệt và phân cách, biến chúng thành thân thuộc, gần gũi. Một trong những tệ nạn của Giáo hội, thực sự là một sự đồi bại, là chủ nghĩa giáo sĩ trị vốn tách rời linh mục, giám mục ra khỏi dân chúng. Giám mục và linh mục tách khỏi dân chúng trở thành một quan chức không còn là mục tử nữa. Thánh Phaolô VI rất thích trích dẫn châm ngôn của Terentius: ‘Tôi là một con người, tôi không coi những gì thuộc về con người là xa lạ đối với tôi’… Nhân danh Thiên Chúa, người ta không thể phân biệt đối xử. Và phân biệt đối xử là một tội lỗi ngay cả giữa chúng ta: ‘chúng tôi là người trong sạch, chúng tôi là người được tuyển chọn, chúng tôi thuộc phong trào biết mọi sự, chúng tôi là…’. Không. Chúng ta là Giáo hội, tất cả cùng với nhau”[2].
Niềm vui mừng được tỏ bày trong tài liệu làm việc cho giai đoạn Châu lục, chính là sự nhiệt thành tham gia của giáo dân trong các buổi thỉnh ý hiệp hành tại các Giáo hội địa phương trên thế giới. Điều đó nói lên rằng, sáng kiến của Đức Phanxicô đã mang lại cho người giáo dân một niềm vui khôn tả, vì họ không còn cảm thấy là người xa lạ trong cung lòng Giáo hội, không còn là những kẻ đứng bên lề trong cuộc sống của Giáo hội. Hội đồng Giám mục Canada đã chia sẻ:
“Kinh nghiệm ‘hiệp hành’ hiện tại của chúng tôi đã làm thức tỉnh nơi người giáo dân ý tưởng và mong muốn tham gia vào đời sống của Hội thánh, vào sự dấn thân của Hội thánh trong thế giới ngày nay, và vào hoạt động mục vụ của Hội thánh trên trần thế”[3].
Qua bản thỉnh ý của các Giáo hội địa phương gửi về, Uỷ ban đúc kết đã đưa ra nhận định:
“Điểm nổi bật là việc phục hồi sâu sắc phẩm giá chung của tất cả những người đã được rửa tội. Đây là trụ cột đích thực của một Hội thánh hiệp hành và là nền tảng thần học của một sự hiệp nhất có khả năng chống lại áp lực đồng nhất hóa. Điều này cho phép chúng ta tiếp tục trân trọng tính đa dạng của các ơn gọi và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần với sự phong phú khôn lường đã tuôn đổ trên các tín hữu”[4].
Sáng kiến thỉnh ý người giáo dân trong các buổi hiệp hành để mời gọi người giáo dân cùng tham gia vào việc xây dựng Hội thánh Chúa, thực ra đã được Công đồng Vatican II minh định cách đây 60 năm trong hiến chế Lumen Gentium:
“Các chủ chăn phải biết rõ giáo dân đóng góp rất nhiều vào thiện ích của toàn thể Giáo hội. Các ngài biết rằng mình được Đức Kitô thiết lập không phải để chỉ riêng các ngài lãnh lấy tất cả sứ mệnh cứu độ của Giáo hội đối với thế giới, nhưng để nhận lãnh trách vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu và nhìn nhận các phận vụ và đặc sủng của họ để mọi người theo cách thức riêng của mình đồng lòng cộng tác vào trọng trách chung này” (LG 30).
Nhưng suốt một quá trình hơn nửa thế kỷ dấu ấn “giáo sĩ trị” vẫn là rào cản không cho phép tinh thần Công đồng được triển nở. Bản tài liệu Châu lục đã nhận định:
“Các bản tổng hợp còn chỉ ra rằng các trở ngại về cơ cấu vẫn dai dẳng tồn tại, nhất là cơ cấu phẩm trật thúc đẩy xu hướng chuyên quyền; một nền văn hóa nặng tính giáo sĩ và cá nhân làm cho các cá nhân bị cô lập, mối tương quan giữa linh mục và giáo dân bị phân rẽ”[5].
Bản tổng hợp của Ba Lan đã nói rõ:
“Khi các linh mục không muốn lắng nghe, tìm cớ thoái thác, chẳng hạn trong phần lớn các hoạt động, hoặc khi các câu hỏi vẫn chưa trả lời, trong tâm hồn các tín hữu một cảm giác buồn bã và ghẻ lạnh sẽ nảy sinh… Người giáo dân cảm nhận rằng việc linh mục không chân thành lắng nghe bắt nguồn từ nỗi sợ phải thi hành mục vụ. Một cảm nhận tương tự như vậy khi các giám mục không có thời giờ để nói chuyện và lắng nghe giáo dân”[6].
Bởi đó, hơn bao giờ hết, Đức Phanxicô thấy cần phải làm sống lại tinh thần của Công đồng Vatican II khi quan tâm đến vai trò của người giáo dân trong việc củng cố sự hiệp thông Giáo hội. Quả thật, Giáo hội Chúa Kitô không đơn thuần là một cơ chế phẩm trật, nhưng còn là nhiệm thể Chúa Kitô (x. LG 8), Giáo hội luôn được mời gọi vượt thắng cám dỗ về việc quản trị Giáo hội theo cung cách trần thế. Khi ban hành hiến chế Lumen Gentium, các nghị phụ Công đồng đã muốn nhấn mạnh đến điều này:
“Nhờ đặc tính công giáo, mỗi phần tử thực thi những đóng góp của riêng mình cho các phần tử khác và cho toàn thể Giáo hội, để tất cả và từng người được tăng triển nhờ cùng chia sẻ mọi sự và cùng hiệp lực đạt đến tình trạng viên mãn trong tình hợp nhất… Quả thật, mọi phần tử dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ cho nhau những điều thiện ích, và lời nói sau đây của vị tông đồ cũng có giá trị cho từng Giáo hội: ‘Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa’ (1Pr 4,10)” (LG 13).
2. Kiến tạo “trung gian” để lắng nghe nhờ đó củng số sự hiệp thông
Để giúp người giáo dân thực thi vai trò của mình trong việc củng cố sự hiệp thông Giáo hội, cần phải canh tân về cơ cấu: tinh thần hiệp thông, tính tập thể và đồng trách nhiệm: Theo tinh thần của Công đồng Vatican II, Giáo hội được yêu cầu công nhận người giáo dân là thành viên của Giáo hội với các khả năng và đặc sủng riêng biệt. Bởi đó, Giáo hội phải nghĩ đến việc canh tân cơ cấu của Giáo hội. Canh tân không chỉ là củng cố và đa dạng hóa các tổ chức đoàn thể trong giáo xứ và giáo phận, nhưng là kiến tạo một bầu không khí hiệp thông, tính tập thể và đồng chịu trách nhiệm đối với các sáng kiến phong phú và năng động qua các hoạt động của người giáo dân trong việc cộng tác với hàng giáo sĩ.
Do đó, người giáo dân cần được huấn luyện để biết nới “rộng căn lều” của bản thân, của gia đình và của hội đoàn và giáo xứ, như lời ngôn sứ Isaia đã mời gọi: “Hãy nới rộng lều ngươi đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc” (Is 54,2). Việc nới rộng này, trước tiên đòi hỏi phải chết đi chính mình để sống yêu thương:
“vì yêu thương chính mình phải sẵn sàng chết đi, để tìm lại được mình trong và qua mối tương quan với Chúa Kitô và người thân cận: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Sự phong phú của Hội thánh phụ thuộc vào việc chấp nhận cái chết này, tuy nhiên, đó không phải là sự hủy diệt, mà là kinh nghiệm của việc trở nên rỗng không để được lấp đầy bởi Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đây là một tiến trình nhờ đó chúng ta nhận được các mối tương quan phong phú hơn, mối liên kết sâu sắc hơn với Chúa và với nhau. Đây là kinh nghiệm về ân sủng và về sự biến hình”[7].
Dĩ nhiên, việc lắng nghe nhau không là chuyện đơn giản, nhất là trong mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân. Bản tài liệu Châu lục đã phản ánh “nỗi khó khăn của việc lắng nghe cách chân thành và khó khăn chấp nhận để cho việc lắng nghe biến đổi mình”. Đồng thời, tài liệu Châu lục cũng nhấn mạnh việc “thiếu các phương pháp giúp cộng đồng lắng nghe và phân định, và kêu gọi cần đào tạo thêm trong lĩnh vực này”. Khó khăn lớn nhất chính là hình thức cơ cấu trong Giáo hội vẫn dai dẳng tồn tại đã tạo trở ngại trong việc lắng nghe “nhất là cơ cấu phẩm trật thúc đẩy xu hướng chuyên quyền; một nền văn hóa nặng tính giáo sĩ và cá nhân làm cho các cá nhân bị cô lập, mối tương quan giữa linh mục và giáo dân bị phân rẽ; sự chênh lệch văn hóa xã hội và kinh tế có lợi cho người giàu và người học thức; và sự thiếu vắng các môi trường ‘trung gian’ tạo thuận lợi cho các thành viên của các nhóm tách biệt gặp gỡ nhau”[8].
Cho nên, cần kiến tạo một môi trường trung gian cho để giúp cho việc lắng nghe nhau được thuận lợi, hầu có thể mỗi người giáo dân đều nhiệt thành trong việc nới rộng căn lều của mình, của cộng đoàn và của giáo xứ mình để cùng nhau kiến tạo một bầu khí hiệp thông sống động. Để tạo môi trường trung gian cần phải đào tạo tính hiệp hành. Tài liệu Châu lục nhấn mạnh:
“cần có công tác đào tạo liên tục, hỗ trợ nền văn hóa hiệp hành rộng rãi. Việc đào tạo này phải thích ứng với đặc điểm cụ thể của bối cảnh địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoán cải theo tinh thần hiệp hành trong cách thức tham gia, sử dụng quyền bính và lãnh đạo nhằm hoàn thành sứ mạng chung một cách hiệu quả hơn. Đó không chỉ đơn giản là vấn đề cung cấp các kỹ năng cụ thể về mặt kỹ thuật hoặc phương pháp luận. Việc đào tạo tính hiệp hành liên quan đến mọi chiều kích của đời sống Kitô hữu và chỉ có thể là một sự đào tạo toàn vẹn bao gồm các chiều kích cá nhân, thiêng liêng, thần học, xã hội và thực hành”[9].
“Vì vậy, nhất thiết phải có một cộng đồng để quy chiếu, bởi vì một trong những nguyên tắc ‘đi cùng nhau’ là việc đào tạo tâm hồn, vượt trên những tri thức cụ thể và bao trùm toàn bộ cuộc sống. Trong cuộc sống, người Kitô hữu cần phải được đào tạo liên tục và lâu dài để thực hành tính hiệp hành, để trưởng thành và lớn lên trong đức tin, để tham gia vào đời sống cộng đoàn, để gia tăng lòng yêu mến và sự thông dự của các tín hữu đối với bí tích Thánh thể, để đảm nhận các thừa tác vụ ổn định, để thực sự đồng trách nhiệm trong việc điều hành Hội thánh, để đối thoại với xã hội và với các Hội thánh khác nhằm đưa những người ở xa lại gần trong tinh thần huynh đệ”[10] (HĐGM Tây Ban Nha).
Trong việc đào tạo này trước tiên cần canh tân mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân. Thật vậy, không thể nào chỉ canh tân từ một phía giáo sĩ hay giáo dân, nhưng sự canh tân phải khởi sự từ cả hai. Giáo sĩ và giáo dân có mối tương tác với nhau cách chặt chẽ. Vì thế, trong Giáo hội không có sự kỳ thị hay áp bức. Linh mục có bổn phận giúp người giáo dân ý thức trách nhiệm của họ trong Giáo hội để họ cùng chia sẻ trách nhiệm xây dựng Hội thánh Chúa với người linh mục[11]. Kế đến là huấn luyện cho người giáo dân vào hai lãnh vực này: (1) Huấn luyện toàn bộ về kiến thức đức tin qua các lớp giáo lý; (2) Huấn luyện cách đặc biệt về kiến thức cũng như lãnh đạo liên quan đến các hoạt động mục vụ như Hội đồng mục vụ, các đoàn thể, các nhóm đặc sủng…[12]
Việc đào tạo này hướng tới nền văn hoá hiệp hành, và tâm điểm của nền văn hoá hiệp hành chính là linh đạo hiệp hành. Nền văn hóa hiệp hành,
“vốn là điều cần thiết để linh hoạt các cơ chế và tổ chức, đòi hỏi phải được đào tạo thích đáng, nhưng trên hết, cần được nuôi dưỡng bằng việc sống mật thiết với Chúa và khả năng lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần”[13].
“Trước hết, Hội thánh hiệp hành phải giải quyết nhiều căng thẳng nảy sinh do cuộc gặp gỡ giữa những khác biệt. Do đó, nền linh đạo hiệp hành chỉ có thể là nền linh đạo đón nhận những khác biệt và thúc đẩy sự hòa hợp, đồng thời có thể kín múc năng lượng từ những căng thẳng để tiếp tục tiến bước. Để đạt được điều này, phải chuyển từ việc nhấn mạnh chiều kích cá nhân sang chiều kích tập thể; đó là nền linh đạo của “cái chúng ta”, biết coi trọng những đóng góp của mỗi người”[14].
Và phương pháp sống linh đạo hiệp hành chính là chia sẻ tâm linh. “Phương pháp này giúp dân Chúa hưởng nếm hương vị của cuộc gặp gỡ giữa các cá nhân xung quanh Lời Chúa và những cộng hưởng đa dạng mà nó khơi dậy trong lòng mỗi người”[15]. Để phương pháp này đạt hiệu quả “cần phải phát triển phương pháp này theo hướng phân định cộng đoàn, đặc biệt là trong các tổ chức có vai trò tham gia. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực để đưa chiều kích thiêng liêng vào hoạt động của các tổ chức và các cơ quan quản trị, bằng cách kết hợp giữa sự phân định với tiến trình đưa ra quyết định. Cầu nguyện và thinh lặng không thể ở ngoài tiến trình này”[16], hãy coi đó là yếu tố cần thiết giúp cho việc phân định được rõ ràng và quyết định được đưa ra luôn biểu lộ được tinh thần hiệp hành.
Linh đạo hiệp hành hình thành từ nền tảng của bí tích Rửa tội, mọi tín hữu được dự phần vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô, do đó, người tín hữu như là thành phần của dân Thiên Chúa, hiệp thông với Chúa Kitô và thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, linh đạo hiệp hành cũng mang đặc tích Lời Chúa và bí tích. Có nghĩa là, đời sống của người tín hữu phải không thể tách rời khỏi Lời Chúa và bí tích. Để có thể chu toàn sứ vụ của mình, người tín hữu nhất thiết cần phải được chỉ dẫn trong việc quan tâm vào việc chăm chú đọc, lắng nghe và sống Lời Chúa, cũng như phải siêng năng lãnh nhận các bí tích.
Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010 đã nhấn mạnh:
“Sự hiệp thông đích thực và sâu xa trong Giáo hội cần được thể hiện nơi từng giáo phận cũng như giữa các giáo phận. Qua sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành phần dân Chúa như trong một gia đình, các cộng đoàn vừa là dấu chỉ vừa là trường dạy hiệp thông. Mối tương quan giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến”[17].
Vì thế, các vị chủ chăn phải hết lòng giúp đỡ người giáo dân thi hành vai trò của mình trong Giáo hội, và giúp người giáo dân nhận thức rằng, họ yếu tố không thể thiếu trong nỗ lực củng cố sự hiệp thông trong Giáo hội. Phải nỗ lực khích lệ người tín hữu tích cực tham gia các khoá đào tạo về nền văn hoá hiệp hành, và sống linh đạo hiệp hành. Có như thế, Giáo hội sẽ gặt hái được nhiều hoa trái tốt đẹp trong việc thi hành sứ vụ của mình.