Người trẻ sống điều kỳ diệu của phái tính là nam, là nữ nhận định lý thuyết về giới (gender theory)

 

NGƯỜI TRẺ SỐNG ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA PHÁI TÍNH LÀ NAM, LÀ NỮ NHẬN ĐỊNH LÝ THUYẾT VỀ GIỚI (Gender Theory)

BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà

1. Thân xác con người: một tặng phẩm của Thiên Chúa Tình Yêu

Kinh Thánh là câu chuyện tình yêu mà Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành muốn gửi đến cho mọi người và từng người, và riêng cho bạn, thụ tạo cao quý của Ngài. Thiên Chúa đã làm cho mầu nhiệm của Ngài trở nên hữu hình khi tạo dựng con người là nam, là nữ, theo “hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa (x. St 1, 27). Trách nhiệm của con người phải phản chiếu được dung mạo Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi với sự hiệp thông sâu thẳm khôn dò giữa các Ngôi vị.[1]

Trong nhiều dịp khác nhau, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II diễn giải trình thuật tạo dựng rằng ngay từ thuở ban đầu, Ađam, người nam, đã tìm được chỉ mình Eva, người nữ, là đối tác có thể lấp đầy nỗi cô đơn trong ông, bổ túc hỗ tương trong chính bản thể ông. Theo Đức Gioan Phaolô II, thân xác có “ý nghĩa hôn phối”, nghĩa là thân xác được tạo dựng để sống tương giao tình yêu. Đó chính là ơn gọi của người nam, người nữ trở nên món quà tình yêu cho nhau, món quà được trao ban trọn vẹn trong sự kết hợp nên “một xương, một thịt” trong hôn nhân. Tặng phẩm tình yêu này cũng là nguồn lực sung mãn cho con người.[2] Tính luân lý của tính dục là đặt nền trên tình yêu đích thực giữa người nam và người nữ, và mở ngỏ cho sự hiệp thông ngôi vị.

Giáo hội luôn trân trọng thân xác bạn, và đó cũng chính là con người bạn, vì con người là hồn và xác, một tổng thể duy nhất. Thân xác ấy với trọn vẹn giới tính, cảm xúc, xung lực, và ngay cả khi khiếm khuyết vẫn là tặng phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa! Khi chúng ta sống trọn vẹn với bản tính nam, nữ ấy chúng ta sẽ tạo lập được mối tương quan tốt đẹp với con người và với Thiên Chúa. Chính lúc đó chúng ta đã trọn vẹn được phẩm tính nhân vị của mình. Đây chính là điều kỳ diệu của phái tính mang lại. Mặt khác, phái tính cũng có thể dẫn đến bi kịch, khi con người không sống đúng với trật tự khác biệt phái tính của mình. Khi đó, con người sẽ làm xáo trộn mối tương quan nhân vị tốt đẹp, xa rời Thiên Chúa, đánh mất tha nhân, và cả chính mình nữa.[3]

2. Lý thuyết về Giới[4]

Thông thường, người ta phân biệt: Sex (tiếng pháp: sexe): nghĩa đầu tiên, để nói về tình dục. Nghĩa thứ hai, sex – giới tính, nhận biết dựa vào cấu trúc thể lý, các cơ quan sinh sản (reproductive organs) trên cơ thể người đó khi họ được sinh ra.

Đó là cách phổ biến để chúng ta chia xã hội thành hai nhóm, nam giới và nữ giới; mặc dù có trường hợp bệnh lý, những người lưỡng tính (intersex) được sinh ra với cơ thể mang cơ quan sinh sản của cả nam và nữ.

Gender Một mặt, gender/genre “giống” (đực hay cái) chỉ là một quy ước của ngôn ngữ. Chẳng hạn trong tiếng Pháp, danh từ la cuisine = cái nhà bếp là giống cái, còn danh từ le car = cái xe là giống đực.

Ngày nay, khái niệm Gender – Giới vượt ra ngoài ý nghĩa chỉ các cơ quan sinh sản. Gender bao gồm cả nhận thức, hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân một người và vai trò của mình trong xã hội. Giới – Gender là cảm giác bên trong của một người về mình là ai và cách người ấy muốn tương tác với thế giới. Giới (gender) của một người linh hoạt hơn giới tính sinh học (sex) dựa trên cách họ nhận diện bản thân họ. Nếu bản sắc về giới (gender) của ai đó phù hợp với giới tính sinh học (sex) của họ, gọi là cisgender –Tạm dịch là đồng nhất giới và giới tính. Tiền tố (tiếp đầu ngữ, prefix) cis- có nghĩa là cùng một phía.

Lý thuyết về Giới xuất hiện tại Hoa Kỳ trong thập niên 70 thế kỷ trước, dưới ảnh hưởng của các nhà tư tưởng Pháp như Michel Foucault và Jacques Derrida. Thuyết này phủ nhận sự khác biệt giới tính tự nhiên giữa nam và nữ dựa vào sự khác biệt sinh học, và cho rằng sự khác biệt nam nữ chỉ là kết quả của văn hoá, nó là một cấu trúc xã hội. Nam giới và nữ giới chỉ là những vai trò (rôles) xã hội – văn hoá khác nhau mà xã hội tùy nghi đề ra (rồi được đưa vào trong ngôn ngữ), và do đó có thể thay đổi. Thiên nhiên (hay tự nhiên) không liên quan gì tới đây cả. Thuyết này bác bỏ hấp lực tự nhiên giữa người nam và người nữ.

Dù thế nào, những người chủ trương thuyết mới lạ này không thể chối bỏ tận căn tính giới tính sinh học; họ phải nhìn nhận về mặt di truyền học, người nam và người nữ có nhiễm sắc thể giới tính khác nhau (nữ XX và nam XY), cấu trúc cơ thể khác nhau, nội tiết tố khác nhau. Theo thuyết về giới, sự khác biệt này không có vai trò nào trong việc hình thành “căn tính giới tính” (sexual identity) của mỗi người. Làm người nam hay làm người nữ tuỳ thuộc vào một chọn lựa chủ quan của từng cá nhân. Một người nhìn căn tính giới tính của mình thế nào, xu hướng tính dục (sexual orientation) của mình như thế nào – ví dụ đồng tính luyến ái (homosexuals), khác phái tính luyến ái (heterosexuals) hay luyến ái cả hai phái (bisexuals) – thì là thế ấy. Không có quy chiếu khách quan nào làm chuẩn cả.

Lý thuyết về Giới hiện nay, khi nói về con người, người ta đã tiến tới chỗ chỉ còn sử dụng danh từ “giới” (gender/genre) và loại bỏ mọi quy chiếu về phạm trù giới tính (liên quan đến sex). Nó coi những khác biệt giữa nam và nữ chỉ là do văn hoá và xã hội tạo ra mà thôi.

Học thuyết này thoạt đầu được đưa ra để phục vụ phong trào đấu tranh cho nữ quyền, nhằm chống lại sự bất bình đẳng nam nữ. Nhân danh việc cấm phân biệt đối xử giữa nam và nữ giới, người ta đi đến chỗ phủ nhận luôn nền tảng sinh học của giới tính. Trong lịch sử, sự bất bình đẳng nam nữ phát sinh chủ yếu từ văn hoá, tập tục quốc gia. Nhưng chắc chắn ở đây văn hoá một phần nào đó cũng đã dựa trên sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ, như sức mạnh thể lý, cơ bắp, giọng nói, cấu trúc cơ thể… Và nếu thế thì, theo họ, cơ sở cho bất bình đẳng và kỳ thị sẽ vẫn luôn luôn tồn tại. Chắc hẳn vì thế mà lý thuyết mới về giới chối bỏ luôn cả những sự khác biệt vốn được coi là tự nhiên đó.

Lý thuyết này nhìn mối liên hệ giữa nam và nữ như một liên hệ đối kháng: người đàn ông đã luôn thống trị người đàn bà. Thuyết này phủ nhận tính liên đới, tính bổ sung cho nhau giữa hai phái tính. Do ảnh hưởng của nó, có nơi nhà cầm quyền đã loại ra khỏi bộ Luật dân sự cách gọi truyền thống: cha, mẹ và thay vào đó cách gọi kỳ quái là “người cung cấp những năng lực di truyền học” (pourvoyeur de forces génétiques), hay cha mẹ 1 và cha mẹ 2. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận định, con người đã đẩy tự do đến tuyệt đối khi rời xa chân lý. Con người tự cho mình quyền quyết định điều đúng điều sai!

Hậu quả của Lý thuyết về Giới trên cá nhân và xã hội

Vài điều trên đây cho thấy Lý thuyết về Giới này không mang tính khoa học mà chỉ là một ý thức hệ, chủ yếu gắn liền vào những chọn lựa, những chủ trương nào đó nhằm phục vụ những lợi ích nhóm. Xuất phát từ những chọn lựa ấy, nó phủ nhận những điều khách quan hiển nhiên về giới tính. Chối bỏ căn tính khách quan nam hay nữ như một thực tại nội tại của mỗi người, là chối bỏ một nền tảng quan trọng từ đó mỗi người xây dựng căn tính và nhân cách riêng của mình. Sự chối bỏ đó còn tấn công vào định chế hôn nhân, gia đình, vào thiên chức làm cha, làm mẹ và sự truyền sinh. Khi một xã hội phủ nhận sự khác biệt giới tính trong luật lệ của mình, nó mặc nhiên đặt ngang hàng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ (vốn là nền tảng khách quan của xã hội) với cuộc sống chung giữa hai người đồng tính, đồng thời nó xem các khuynh hướng tính dục (khuynh hướng đồng tính luyến ái, khác phái tính luyến ái, hay luyến ái cả hai phái tính) là có giá trị như nhau. Nhưng thật trái nghịch lẽ tự nhiên khi đặt các khuynh hướng tính dục trên ngang hàng với nhau, vì chỉ có sự phối hợp nam nữ mới sinh sản con cái, lưu truyền nòi giống!

Ngoài ra Lý thuyết về Giới này hẳn nhiên ủng hộ việc chuyển đổi giới tính, hôn nhân đồng tính. Lý thuyết về Giới chủ trương cho rằng bản sắc con người, trong yếu tính, vốn “co dãn” (plastic): co dãn theo nghĩa ta xác định ta là ai dựa trên các cảm xúc (feelings) của mình và một ý chí quyết bác bỏ hay làm ngơ các tầm nhìn thông suốt không những của Mạc Khải mà của cả lý trí tự nhiên nữa[5]. “Nhìn quả biết cây!” chỉ mới nhìn một xã hội mà có những người thoạt là nam, rồi thoạt lại là nữ, hay ngược lại, những gia đình có hai người cha hay hai người mẹ… thật hỗn loạn và cũng không an toàn xã hội!

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhiều lần nói đến tính độc đoán của chủ nghĩa tương đối hiện đại. Có điều mâu thuẫn là một mặt người ta xác quyết không có chân lý nào khách quan phổ quát cho mọi người (tương đối!), mặt khác là cho rằng chỉ có mình là đúng và tìm cách áp đặt ý kiến của mình cho kẻ khác, nhất là khi mình nắm quyền hành trong tay!

Căn cứ luật tự nhiên, con người có lý trí vẫn có thể hành động đúng và tốt, và hoàn thiện chính mình được. Luật Chúa kiện toàn chứ không mâu thuẫn hay hủy bỏ luật tự nhiên. Điều bi đát là con người hiện đại nhiều khi phủ nhận ngay cả luật tự nhiên – Thuyết về Giới là một ví dụ – dường như họ sợ rằng vâng theo tự nhiên, là nghe theo Tạo Hoá, mình sẽ không còn là chủ của mình nữa. Nhưng chính vì thế mà thế giới ngày nay như bị mất phương hướng, rơi vào khủng hoảng về ý nghĩa, về giá trị và về đạo đức. Ngày nay những ý niệm như nhân phẩm, nhân quyền cũng không còn được đặt trên cơ sở “khách quan” nào vững chắc nữa. Ngày nay, chẳng hạn Thuyết về Giới, nhân danh nguyên tắc không được kỳ thị, người ta có khuynh hướng coi lợi ích hay nhu cầu của bất cứ nhóm nào đều là “quyền” cả. Nhưng khi cái gì cũng là quyền cả, tùy theo cảm xúc con người, thì chẳng có gì là quyền nữa; khái niệm quyền trở nên trống rỗng, mất giá!

Từ nền tảng của các loại thuyết như thế này, dường như có một ý muốn chống lại Thiên Chúa và chống lại Kitô giáo!

3. Tính bổ túc nam nữ cần thiết cho người trẻ trưởng thành nhân cách[6]

Tại hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ tại Vatican trong các ngày 17-19/11/2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với 350 nhà lãnh đạo liên tôn rằng trẻ em có “quyền được lớn lên trong một gia đình có cha có mẹ có khả năng tạo nên một môi trường thích đáng cho đứa trẻ phát triển và trưởng thành về xúc cảm”. “Gia đình là nền tảng của việc sống chung và là phương thuốc chữa căn bệnh phân mảnh xã hội.”

Đức Phanxicô trích dẫn chính tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài: “Việc đóng góp của hôn nhân cho xã hội là điều “không thể thiếu”… gia đình “vượt lên trên mọi cảm xúc và mọi nhu cầu tạm bợ của vợ chồng. Và đó là lý do tại sao tôi biết ơn quý vị vì hội luận của quý vị đã nhấn mạnh tới các phúc lợi do hôn nhân mang tới cho con cái, cho chính các cặp vợ chồng và cho xã hội.”

“Trong những ngày này, khi quý vị khởi sự suy tư về vẻ đẹp của tính bổ túc nam nữ trong hôn nhân, tôi khẩn khoản xin quý vị đề cao hơn nữa một chân lý khác về hôn nhân: đó là chỉ có sự cam kết vĩnh viễn đối với tình liên đới, lòng trung thành và tình yêu sinh hoa trái mới đáp ứng được các khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người mà thôi”.

“Tôi khẩn khoản xin quý vị đặc biệt nhớ tới người trẻ là những người đại diện cho tương lai ta. Quý vị hãy cam kết sao cho giới trẻ của ta không nhường bước đối với thứ môi sinh tạm bợ đầy độc dược, nhưng đúng hơn trở thành những nhà cách mạng dám can đảm lên đường tìm kiếm tình yêu chân thực và lâu bền, chống lại kiểu mẫu thông thường”.

Gốc rễ của tính bổ túc: tạo dựng, tính được ban cho (given-ness) và việc hoàn tất

Trong năm bắt đầu trách nhiệm kế vị Thánh Phêrô (16/10/1978), Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu loạt bài diễn văn lúc tiếp kiến chung về sự bổ túc nam nữ đã được mạc khải trong Sáng Thế. Ngài phân tích Thiên Chúa dựng nên người đàn ông và người đàn bà bình đẳng với nhau như những con người nhân bản và bình đẳng với nhau như những nhân vị, đây là nguyên tắc đầu tiên của tính bổ túc toàn bộ.

Và nguyên tắc bổ túc thứ hai là người đàn ông và người đàn bà là hai cách thế làm người theo cách khác nhau. Và, chiều kích ơn gọi trong tính bổ túc toàn bộ này là một người đàn ông và một người đàn bà đã được Thiên Chúa mời gọi kết hợp yêu thương trong hôn nhân.[7]

Nhân quyền căn bản của đứa trẻ là được dưỡng dục bởi cả cha lẫn mẹ, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định: tính bổ túc là một ý niệm phong phú về ý nghĩa liên quan tới các vai trò tự nhiên, đan kết với nhau và rất cần thiết của vợ và chồng trong việc xây dựng các gia đình hạnh phúc và lành mạnh. Họ “làm việc với nhau vì lợi ích của toàn thể; các tài năng của mọi người có thể cùng nhau làm việc vì ích lợi của mỗi người”. Đối với ngài, tính bổ túc “không là gì khác ngoài việc cân nhắc các hòa hợp đầy năng động tại tâm điểm của Tạo Dựng”.

Cũng trong hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ tại Vatican nói trên, Peter Kreeft, một giáo sư triết học tại Cao Đẳng Boston, giải thích: “Nam và nữ có tính sinh học. Chúng đòi một thân xác, chúng đòi các yếu tố di truyền. Đực hay cái có tính vũ trụ học”. “Mọi xã hội trong lịch sử thế giới đều đã thấy rằng âm và dương, đực và cái, không phải chỉ con người mới có, hay chỉ con vật mới có. Mọi ngôn ngữ mà tôi biết, trừ tiếng Anh, đều có danh từ giống đực giống cái. Mặt trời luôn ở giống đực (chàng), mặt trăng luôn ở giống cái (nàng)”.

Theo Kreeft, không nên giản lược vẻ đẹp và sự mầu nhiệm của giống đực giống cái trong ngôn ngữ, “Thiên Chúa, Đấng sáng tạo ra tính dục con người cũng đã sáng tạo ra vũ trụ. Hai giống (đực và cái) rất thích đáng. Nó là một triết lý hạnh phúc hơn nhiều. Ta thích ứng với bản nhiên sự vật”.

Jonathan Sacks, nguyên Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Vương Quốc Thống Nhất (Anh) và Khối Thịnh Vượng Chung, cho thấy trong Do Thái Giáo, “ta chỉ là một nửa. Ta phải mở cửa chào đón một nửa khác nếu ta muốn trở nên toàn bộ”.

Samuel Gregg, giám đốc nghiên cứu của Viện Acton có trụ sở tại Michigan, nói rằng: Cốt lõi nền nhân học Kitô giáo, là niềm tin cho rằng điều đã “được ban” cho ta trong trật tự tự nhiên là một trật tự do Thiên Chúa sáng lập. Đó là nền nhân học dẫn ta tới việc hiểu được con người nhân bản dựa trên các sự thật khách quan. Con người nhân bản như những hữu thể “được ban” cho theo nghĩa ta là ai. Bản sắc ta và trọn bộ vấn đề tính dục đều là những điều đã được ban cho, và ta biết được nó nhờ Mạc Khải và luật tự nhiên.

Tiến sĩ Gregg nhận định rằng Lý thuyết về Giới không những tương đối hóa ý nghĩa tính thể lý của con người và tính bổ túc nam nữ mà còn tương đối hóa cả “tính được ban cho (hồng phúc)” như là nam hoặc nữ nữa, một “tính hồng phúc bắt nguồn từ chính trật tự tạo dựng, vốn được phác thảo cách sâu sắc trong Thánh Kinh Do Thái và được chính Chúa Kitô xác nhận”.

Đức Hồng y Gerhard Müller, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin lúc bấy giờ cho rằng điều hết sức tự nhiên là “mỗi người chúng ta đều cảm thấy thiếu thốn và thiếu sót cần được hoàn tất. Sự kiện không thể nào xóa nhòa khỏi bản nhiên con người này cho thấy sự lệ thuộc căn bản của ta: ta không tự hoàn tất được mình bằng chính bản ngã mình, ta hoàn toàn không tự mình đầy đủ được”.

Tạm kết

Quan điểm Công Giáo, với nền tảng siêu hình và hữu thể học, mới đưa ra được một tầm nhìn quân bình giữa bình đẳng và khác biệt giới tính, tính bổ túc cần thiết giữa phái tính nam và phái tính nữ. Trong thông điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa Là Tình Yêu), trong việc khai triển cách chi tiết các khác biệt và sự thống nhất giữa các ngôi vị qua ba hình thức của tình yêu eros, filia agape, Đức Bênêđictô XVI đã cung cấp thước đo có tính năng động đối với các lực lượng trên thế giới đang tiếp tục tạo áp lực để các tương quan giới tính mất thế quân bình của chúng bằng cách hạ giá cả phẩm giá lẫn giá trị nền tảng hay việc khác biệt có ý nghĩa giữa đàn ông và đàn bà. Người trẻ, sống trọn vẹn giới tính là nam, là nữ, và ngay cả khi khiếm khuyết sẽ tạo lập được mối tương quan tốt đẹp với con người và với Thiên Chúa.[8] Giống như chất men, con người sống với sự bổ túc tính nam và tính nữ, trong các hình thức đa dạng của nó, có thể xây dựng Nước Trời ngay trên trái đất nên giống như sự hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Có lẽ các bạn trẻ phát hiện ra mình đồng tính luyến ái hay muốn chuyển giới sẽ thấy thất vọng, buồn, nặng trĩu… khi đọc các điều trên. Hẹn nói chuyện với các bạn trong bài viết khác nhé! Chỉ xin nói trước một điều, các bạn luôn là một thụ tạo đáng yêu, đáng trân trọng của Thiên Chúa. Ngài luôn luôn yêu bạn, vì Ngài chính là Tình Yêu. Nhưng bạn có hạnh phúc hay không, điều đó còn tùy thuộc vào chọn lựa của bạn trong đời sống.

WHĐ (26.8.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 118 (tháng 5 & 6 năm 2020)