Những nét đặc trưng của giáo phận Hưng Hoá – Vùng Ngoại Biên Miền Thập Tỉnh

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO PHẬN HƯNG HOÁ – VÙNG NGOẠI BIÊN MIỀN THẬP TỈNH

Truyền thông GP Hưng Hoá

WGPHH (20.11.2022)Xin giới thiệu tới cộng đoàn đôi nét đặc trưng của giáo phận Hưng Hoá, một vùng “Ngoại Biên Miền Thập Tỉnh”, để cùng nhau hướng về ĐHGT giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 18, được tổ chức từ ngày 25 -26.11.2022 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, với chủ đề “HÃY ĐẾN VỚI VÙNG NGOẠI BIÊN”.

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA GIÁO PHẬN HƯNG HÓA – VÙNG NGOẠI BIÊN MIỀN THẬP TỈNH

Mỗi mảnh đất đều có một cái hồn, một nét riêng, để lại trong lòng người những ấn tượng khác nhau. Hưng Hoá cũng vậy. Hưng Hóa mang những nét đặc trưng rất riêng của vùng Tây Bắc thơ mộng bao say đắm, là vùng đất đã “gây thương nhớ” cho biết bao người. Đây cũng là nơi để lại những dấu chân Tin Mừng còn in dài, đem Lời Chúa đến tận vùng biên cương của Tổ quốc.

Về cảnh quan

Hưng Hóa là giáo phận có diện tích rộng lớn nhất của Giáo hội Việt Nam, với hơn 58.000 km2, nằm trên địa bàn 10 tỉnh thành miền Tây Bắc, trải dài từ đồng bằng Bắc Bộ – nơi có hai dòng sông: sông Hồng và sông Đà uốn khúc giữa những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu; qua miền trung du với những rừng cọ, đồi chè bao la bát ngát; lên đến tận miền thượng du – nơi có những dãy núi trùng trùng điệp điệp…

Chính sự đa dạng về địa hình đã làm cho Hưng Hóa có nhiều kỳ quan, địa danh nổi tiếng như: Sapa – “xứ sở sương mù”; thung lũng mận Mộc Châu – Sơn La; lòng hồ Hoà Bình được ví như “Hạ Long trên cạn”; có Thác Bà Yên Bái; có suối khoáng Tuyên Quang; có Sìn Hồ Lai Châu với biển mây bồng bềnh tựa như thiên đường trong mơ; và Điện Biên với tên gọi “xứ sở Hoa Ban”; cùng dãy Hoàng Liên Sơn – Lào Cai với đỉnh Fansipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” có độ cao 3.143m;… Bên cạnh đó còn có chè cổ Suối Ràng với những cây cổ thụ lên tới 500 tuổi; và những ruộng bậc thang đẹp mê lòng, được ví như những “vân tay của trời” hay như những “nấc thang dẫn lên thiên đường” ở Sí Mần, Hoàng Su Phì hay Mù Cang Chải… Đây là những công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào H’mông sinh sống trên những mảnh đất này.
Hơn nữa, các địa danh tuy cùng nằm trong vùng Tây Bắc, nhưng do độ cao khác nhau và bị chia cắt bởi các dãy núi, các dòng sông, khe suối, tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu. Trong khi ở thung lũng Mường La, người ta mặc áo ngắn tay giữa mùa đông thì ở Mộc Châu phải mặc áo bông dày để chống chịu với giá rét. Chính điều này cũng đã góp phần làm nên sự độc đáo về thiên nhiên và là nét đặc trưng của giáo phận “Miền thập tỉnh Tây Bắc” này.

Các dân tộc tại Giáo phận Hưng Hoá

Không chỉ gây ấn tượng là Giáo phận có diện tích lớn nhất của Giáo hội Việt Nam, Giáo phận Hưng Hóa còn là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số nhất: 31/ 54 dân tộc. Với 31 dân tộc anh em cùng cư trú đã làm cho Giáo phận vùng Tây Bắc này sự phong phú, đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, và phong tục, tập quán. Mỗi dân tộc mang trong mình những nét đặc trưng và bản sắc riêng vô cùng phong phú và sống động. Từ phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật trang trí, ẩm thực cho đến các nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội ngày xuân, văn hóa chợ phiên, cưới hỏi, tang ma, lễ mừng cơm mới,… đều tạo nên sự độc đáo riêng của mỗi dân tộc. Sự kết hợp của 31 dân tộc khác nhau khiến cho nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của vùng đất này hội tụ nhiều màu sắc, hương vị đậm đà, khác biệt, trở thành đặc sản hấp dẫn của Tây Bắc. Nổi bật nhất trong đó cần kể đến các món đặc sản như: Thắng cố, Canh da trâu, chẳm chéo, cơm lam, rượu sâu chít hay các loại quả đặc trưng của từng địa phương… Vì thế, sự kết hợp này làm cho bức tranh về Giáo phận Hưng Hóa càng trở nên nổi bật, đa sắc và sống động hơn.

Hưng Hóa – Cái nôi của văn hóa và lịch sử Việt Nam

Không chỉ là nơi có địa hình đa dạng, phong phú sắc tộc, Hưng Hóa còn là cái nôi của nền văn hóa và lịch sử Việt Nam. Từ núi Tản Viên gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh đến Thành cổ Sơn Tây, một di tích lịch sử độc đáo có từ thời Nhà Mạc và đây cũng là nơi giam giữ chứng nhân đức tin trước khi đưa ra hành hình ở pháp trường Năm Mẫu; có làng cổ Đường Lâm, nơi còn tồn tại những ngôi nhà cổ kính rêu phong 400 năm tuổi; và nổi bật nhất là Đền Hùng ở Phú Thọ, nơi được coi là cội nguồn của dân tộc Việt và cũng là nơi Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 18 sẽ diễn ra.

Hưng Hóa – Nơi lưu dấu các thánh Tử Đạo Việt Nam

Giáo phận Hưng Hóa cũng là nơi đón nhận hạt giống Tin Mừng khá sớm. Từ thế kỷ 16, các vị thừa sai đi dọc sông Hồng để giảng đạo và hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vào mảnh đất Hưng Hóa vào năm 1599. Tuy nhiên, đầu thế kỷ 17, Giáo phận Hưng Hóa mới đón nhận đức tin chính thức từ các linh mục Dòng Tên vào khoảng năm 1615 – 1627. Đây cũng là nơi có pháp trường Năm Mẫu – nơi các thánh tử đạo Việt Nam bị xử tử mà đến nay những dấu tích chứng tá tử đạo của các ngài vẫn còn sống động với những trang sử oai hùng như các thánh: Cornay Tân, Néron Bắc, Schoeffler Đông, Phaolô Mỹ, Phêrô Đường, Phêrô Truật… 

Sự đa dạng về cảnh quan, phong phú về sắc tộc và độc đáo về văn hóa, lịch sử đã khiến cho Hưng Hóa trở thành vùng đất đặc biệt. Tạ ơn Chúa đã thương ban và tác tạo nên bức tranh tuyệt đẹp nơi mảnh đất “miền thập tỉnh” Tây Bắc này. Xin Thiên Chúa tiếp tục ban muôn ơn lành xuống trên cánh đồng bao la của Giáo phận Hưng Hóa, và hướng dẫn, trợ giúp mỗi thành viên trong Giáo phận luôn biết gieo rắc Tin Mừng đi khắp mọi miền, đem yêu thương đến với mọi người, để ánh sáng Tin Mừng được lan tỏa, hầu cho muôn người, muôn dân tộc đều nhận biết Chúa là Cha và ca tụng danh thánh Ngài.

 

Nguồn: giaophanhunghoa.org (20.11.2022)