NHỮNG VỊ THÁNH TỪNG CHIẾN ĐẤU VỚI Ý MUỐN TỰ TỬ
Tác giả: Meg Hunter-Kilmer
Chuyển ngữ: Ngọc Quí
Từ: aleteia.org
WHĐ (27.9.2020) – Rối loạn tâm thần không đồng nghĩa với việc thiếu hụt sự thánh thiện. Cuộc đời của những vị thánh sau đây chứng thực một cách phong phú cho điều này.
Đã có những nhận định sai lầm về bệnh rối loạn tâm thần, đặc biệt nơi một số người Kitô hữu. Họ cho rằng sự chán nản là một dấu hiệu của việc thiếu đức tin, chứ không phải là kết quả của bệnh rối loạn tâm thần, của những tình trạng sinh lý, hay của những cơn khủng hoảng tinh thần trong quá khứ. Những nhận định như thế là không đúng và nguy hiểm, khiến cho những người đang đau khổ từ chối sự điều trị cần thiết (như tư vấn hay thuốc men) và thậm chí khiến họ giấu giếm cuộc chiến đấu của bản thân, xấu hổ về điều họ cho là sự yếu đuối của mình. Giáo lý Hội thánh Công giáo, trong khi nhắc nhở rằng: sự sống mà chúng ta có không hoàn toàn là của chúng ta, nên chúng ta không có quyền tự hủy hoại, và việc tự tử “nghịch lại một cách nghiêm trọng với tình yêu chính đáng đối với bản thân,” thì Giáo lý Hội thánh Công giáo cũng khẳng định rằng: “những rối loạn tâm thần trầm trọng, lo âu hay quá sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc cực hình, có thể làm giảm thiểu trách nhiệm của người tự sát.” (số 2282) và tiếp tục giải thích rằng: Hội thánh cầu nguyện cho những người đã tự lấy đi mạng sống của mình, vì biết rằng lòng thương xót của Chúa thì vô hạn.
Để nhấn mạnh sự thật: bệnh rối loạn tâm thần không là một dấu hiệu của sự yếu đuối tâm linh, Hội thánh đã tuyên phong nhiều vị thánh từng sống với bệnh rối loạn tâm thần, những vị thánh từng phải dùng liệu pháp điều trị và thuốc men, và cả những vị thánh từng đấu tranh với những ý định tự tử. Một số vị (như thánh Elizabeth Ann Seton) đã bị cám dỗ tự sát rất lâu trước khi các ngài biến đổi và sau đó tìm được sự chữa lành. Một số vị khác (như thánh Inhaxiô Loyola) nhận ra sức khỏe tinh thần của mình trở nên xấu hơn sau khi họ biến đổi. Trong trường hợp của thánh Inhaxiô, sự áy náy khiến ngài nghĩ rằng mình không còn hy vọng nào; chỉ có nỗi sợ xúc phạm Thiên Chúa là giữ ngài khỏi gieo mình qua khung cửa sổ. Một số vị khác nữa (như thánh Mary Magdalen dei Pazzi) đã chiến đấu trong nhiều năm để chống lại ý muốn tự kết thúc cuộc sống mình. Những vị thánh này nhắc nhở chúng ta: bệnh rối loạn tâm thần không phải là hậu quả của một đời sống thiếu cầu nguyện hay của việc không tin vào Thiên Chúa; và sự tuyệt vọng không phải là tội khi nó là hậu quả của bệnh rối loạn tâm thần (hay khi nó là một sự cám dỗ mà ta chiến đấu mạnh mẽ để chống lại).
Đấng đáng kính Francis Mary Paul Libermann (1804-1852) lớn lên trong một gia đình Do Thái chính thống và được mong đợi sẽ tiếp bước cha mình để trở thành Kinh sư trưởng của vùng Saverne, Pháp; lúc chàng thanh niên Francis trở thành người Công Giáo, cha của ngài đã than khóc như thể ngài đã chết. Từ trẻ đã rụt rè và nhạy cảm, Francis gặp khó khăn bởi sự lo âu khi trưởng thành, đặc biệt là vì chứng động kinh đã ngăn cản ngài được thụ phong trong vòng 15 năm. Tệ hơn cả là những ý định tự tử của ngài, thứ tạo ra những thử thách khủng khiếp khiến mỗi khi đi qua một cây cầu ngài phải chiến đấu chống lại ý muốn gieo mình xuống (một cảm xúc bộc phát thường thấy nơi những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, cũng như những người phải chiến đấu với sự chán nản). Francis tiếp tục bám chặt vào Chúa Giêsu, dù khi chứng động kinh cuối cùng đã được chữa khỏi, thì ngài vẫn tiếp tục bị cám dỗ tự tử, ngay cả khi ngài đã là một linh mục, một nhà sáng lập của một tổ chức tôn giáo, và một vị linh hướng được yêu mến, vì ngài có thể đồng cảm một cách sâu sắc nhờ qua những đau khổ mà ngài đã trải qua. Những cây cầu luôn là nguyên nhân khiến ngài lo lắng và ngài không bao giờ giữ một con dao bên mình, vì sợ rằng trong một khoảnh khắc nào đó của sự nản lòng sâu thẳm, ngài có thể không có đủ sức mạnh để chống lại. Qua những điều này, Thiên Chúa đã làm cho ngài trở thành một vị thánh, một người có thể tiếp tục giữ cho mình hy vọng, mặc cho những cám dỗ liên lỉ khiến ngài chán nản.
Chân phước Bartolo Longo (1841-1926) từ nhỏ đã biết cầu nguyện với chuỗi mân côi, nhưng khi lớn, ngài lại hăm hở sống theo những trào lưu nơi môi trường đại học thời đó: chủ nghĩa chống lại giáo sĩ, chủ nghĩa vô thần và cuối cùng là việc cử hành các nghi lễ huyền bí. Chẳng mấy chốc, ngài đã “thụ phong” làm tư tế của Satan. Qua sự can thiệp của người cha qua cố, Bartolo cuối cùng cũng quay về với Thiên Chúa.
Dù vậy, ngài cảm thấy mình không xứng đáng với lòng thương xót, và đoan chắn rằng mình đã bị hư hỏng bởi thời gian dài chìm trong tội lỗi, bị dâng hiến cho Satan và bị định đoạt phải xuống hỏa ngục.
Sau này, nhìn lại thời gian ấy, ngài đã viết: “Khi tôi suy nghĩ về tình trạng của mình, tôi cảm nghiệm một ý thức sâu sắc về nỗi thất vọng và gần như đã tự sát”. Trong giây phút đó, Bartolo cảm thấy Đức Mẹ bảo ngài rằng con đường lên thiên đàng của ngài là thông qua việc dạy người khác cầu nguyện với chuỗi mân côi. Sứ vụ này cho ngài niềm hy vọng trong thời khắc của sự thất vọng. Trong hơn 50 năm, Bartolo giảng thuyết về chuỗi mân côi, mở các trường học cho người nghèo, và thành lập các mái ấm cho con cái của các phạm nhân.
Chân phước Benedetta Bianchi Porro (1936-1964) bắt đầu mất khả năng nghe khi còn là một sinh viên ngành y, nhưng các bác sĩ cho rằng đó là do bệnh rối loạn tâm thần gây nên. Benedetta tự chẩn đoán mình mắc phải chứng bệnh Von Recklinghausen, một căn bệnh thần kinh mà cuối cùng nó sẽ lấy đi cả năm giác quan của ngài và khiến ngài bị liệt, chỉ còn có thể cử động được một bàn tay. Nỗi đau đe dọa nhấn chìm Benedetta vào trong nỗi thất vọng, khiến ngài viết cho một người bạn (từ căn hộ trên tầng bảy của mình): “Có nhiều lúc, tôi muốn gieo mình qua khỏi cửa sổ.” Nhưng ngài được trợ giúp bởi một cộng đoàn hiểu được giá trị cuộc sống của ngài, và ngài đã được thêm sức bởi tình yêu của Chúa Giêsu. Cuối cùng, Benedetta đã có thể viết: “tôi không thiếu niềm hy vọng. Tôi biết rằng ở cuối con đường, Chúa Giêsu đang chờ đợi tôi… Những ngày tháng của tôi không dễ dàng gì. Chúng rất khó khăn. Nhưng ngọt ngào vì Chúa Giêsu ở với tôi.”
Tôi tớ Chúa Dorothy Day (1897-1980) là một người mẹ đơn thân đã có lời xin vâng tận căn cho Thiên Chúa, và nhờ đó biến đổi cuộc sống của hàng ngàn người.
Trong cuốn tự truyện của mình, Dorothy nói rằng: những người bạn tình, việc phá thai và những lần cố tự tử trong thời trẻ của ngài là bằng chứng cho sự phai nhạt lòng khao khát Thiên Chúa trong Ngài.
Sau khi hạ sinh con gái, Dorothy bắt đầu tham dự thánh lễ và quyết định cho con mình được rửa tội, những quyết định này đã dẫn đến việc rời xa người đang sống với ngài như vợ chồng. Dorothy bắt đầu nhìn thấy việc mình phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Kitô. Cùng với Peter Maurin, ngài thành lập phong trào công nhân công giáo, xuất bản một tờ báo, đấu tranh cho quyền lợi người công nhân, và sống trong cộng đồng với người nghèo. Là một nhà hoạt động mạnh mẽ đã vài lần bị bắt giữ và thậm chí bị bắn vì chống lại chiến tranh và áp bức, Dorothy tìm thấy sức mạnh trong thánh lễ hàng ngày và nơi việc cầu nguyện trong lặng thầm.