Năm 2023, nước Pháp đứng đầu Âu châu về những vụ bài Kitô giáo, phá hoại và xúc phạm đến các nơi thờ thượng cũng như kỳ thị các Kitô hữu tại nơi làm việc.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Tình trạng trên đây được trình bày trong phúc trình công bố hồi cuối năm vừa qua, 2024, do Viện Quan sát ở Vienne, bên Áo về nạn bất bao dung và kỳ thị các tín hữu Kitô ở Âu châu.
Phúc trình thường niên này phân tích những vụ được thu thập tại 35 nước Âu châu, do các cảnh sát, các tổ chức dân sự và các thống kê chính thức. Phúc trình cho biết trong năm 2023 có 2.444 vụ được ghi nhận, kể cả 232 vụ trực tiếp từ các nạn nhân, như những xách nhiễu, đe dọa và bạo hành.
Con số cao nhất các vụ bài Kitô giáo xảy tại Pháp, với gần 1.000 vụ: trong số này có những vụ xúc phạm, phá hoạt các thánh đường, thường có kèm theo những khẩu hiệu bài Kitô giáo.
Đứng thứ hai trong danh sách là Anh quốc, với hơn 700 vụ bài Kitô, thứ ba là nước Đức tăng 105%, từ 135 vụ trong năm 2022 lên 277 vụ trong năm 2023.
Ngoài những vụ hành hung và phá hoại, phúc trình còn tố giác sự gia tăng những hành động kỳ thị chống Kitô hữu, tại những nơi làm việc hoặc nơi công cộng. Sức ép trên các Kitô hữu tạo ra hiện tượng các Kitô hữu ngày càng phải tự kiểm duyệt, họ không dám công khai biểu lộ niềm tin. Đồng thời, nhiều chính phủ Âu châu ban hành những hạn chế tự do tôn giáo, nhiều khi đi tới độ cấm đi rước hoặc trừng phạt những tín hữu Kitô biểu lộ niềm tin của họ nơi công cộng cách ôn hòa.
Bình luận về những con số những vụ việc vừa nói, trang mạng Tribune Chrétienne, Diễn đàn Kitô, ở Pháp nhận xét rằng sự gia tăng bất bao dung tại nơi làm việc diễn ra trong một bối cảnh ngày càng tục hóa. Tại Pháp, có vấn đề cơ bản được nêu lên: làm sao một nước vẫn tuyên bố mình bảo vệ các quyền căn bản của con người mà lại dung thứ những thái độ và hành động đố kỵ như thế đối với một cộng đồng tôn giáo?
Nhiều quan sát viên tố giác rằng tình trạng đó cho thấy rõ một sự mâu thuẫn đáng trách. Trong khi những tuyên ngôn chính thức đề cao sự bao dung và tôn trọng, thì những hành động thực tế dường như cho thấy các Kitô hữu ngày càng bị gạt ra ngoài lề”.
Phúc trình ở Vienne kêu gọi cấp thiết gây ý thức trong dư luận quần chúng và có những hành động cụ thể để bảo vệ tự do tôn giáo. Âu châu phải bảo đảm cho mọi công dân cơ hội thực hành niềm tin của họ mà không phải sợ hãi hoặc kỳ thị.
(Ekai.pl 21-1-2025)