Nhân ngày Chúa Nhật truyền giáo và lại trong tháng truyền giáo ngoại thường, chúng tôi có dịp may gặp được cha Fx. Nguyễn Đức Nhật, Dòng Don Bosco, đang truyền giáo tại Tanzania, cha đang về thăm gia đình tại Việt Nam. Cha đã dành cho VietCatholic một cuộc phỏng vấn về sứ vụ truyền giáo tại một quốc gia vùng Đông Phi.
Nt. Minh Du: Con chào Cha, xin Cha cho chúng con một cái nhìn tổng quan về con người và đất nước Tanzania.
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Con người: mặc dù đa số dân còn nghèo về vật chất, đặc biệt ở các vùng quê… có lẽ vì họ “hơi lười” không chịu khó làm việc như người Việt Nam
tuy nhiên họ rất cởi mở, hiền hoà, vui tươi và chào đón, dễ hoà đồng. Tanzania là một quốc gia ở Đông Phi (Châu), khá rộng (khoảng 947,000 km2) khoảng gần gấp 3 diện tích đất nước Việt Nam. Dân số khoảng 52-53 triệu dân. Người Công Giáo chiếm khoảng 20%.
Nhìn chung đất nước này đang phát triển vể mặt cơ sở hạ tấng và kinh tế nói chung.
Nt. Minh Du: Theo như cha chia sẻ, người Công Giáo chiếm 20% dân số, trong khi đó tỉ lệ đó tại VN là 7%, vậy sao chúng ta vẫn phải đi truyền giáo tại Tanzania ạ?
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Thực tế mà nói, đạo Ki Tô Giáo chiếm khoảng 55-60%, và khoảng một nửa trong số này, nghĩa là khoảng gần 30%, họ nói là họ theo đạo Công Giáo, tuy nhiên trên thực tế thì họ đến nhà thờ và tham dự các bí tich thì khoảng 20-25%…
Nhà dòng Don Bosco của mình gửi anh em đi truyền giáo, không nhất thiết là phải gửi tất cả đi những nơi chưa có hoặc ít đạo Công Giáo, nhưng cũng đến những nơi ít ơn gọi theo đuổi sứ mạng và lý tường phục vụ thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi.Sự hiện diện của anh em mình như các mục tử giúp duy trì và đào sâu đời sống đức tin của họ, cung nâng cao đời sống giáo dục đặc biệt cho các trẻ em nghèo và bi bỏ rơi, vì đó là đặc sủng của Don Bosco để lại cho nhà dòng và con cái của ngài.
Nt. Minh Du:Xin cha chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong thời gian cha mục vụ tại Tanzania.
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Một vài Thuận lợi: Tanzania, không giống như ở các quốc gia Châu Phi khác, ngôn ngữ của họ tương đối thống nhất – họ sử dụng một ngôn ngữ chung giữa các dân tộc: Swahili. Mặc dù họ vẫn sử dụng ngôn ngữ riêng của họ, tuy nhiên ai cũng biết ngôn ngữ chung này. Điều này giúp các người truyền giáo thuận lợi hơn trong công việc học ngôn ngữ.
Văn hoá cuả họ dễ hoà đồng,
Tỷ lệ dân số theo đạo Kitôgiáo đông, nên giới tu sĩ, linh mục thường được kính trọng và dễ làm việc mục vụ.
– Một vài Khó khăn:
Đồ ăn uống hơi khó ăn
Dễ bị bệnh nan y (Bệnh sốt rét nguy hiểm đến tính mạng)
Điều kiện y tế còn thô sơ, các bác sĩ y tá nếu có thì rất thấp về chuyên môn.
Phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn
Phần lớn là vùng đất sa mạc, khan hiếm nước
Đa số người dân ảnh hưởng rất mạnh vào các nét văn hoá địa phương, và một vài nét văn hoá này đi ngược lại với giảng dạy của Giáo hội và đức tin Kitô giáo.
Nt. Minh Du: Xin cha nói thêm về các nét văn hóa đại phương đi ngược với lời dạy của Giáo hội
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Ví dụ như họ có tục đa thê, cưới nhiều vợ. Rồi họ tôn thờ những thần đại phương. Họ cúng bái, đến các thầy lang. Họ bị bệnh thì đến thầy lang để cúng chứ không cầu nguyện xin Chúa ơn chữa lành…
Nt. Minh Du: Công việc truyền giáo hiện tại của cha cụ thể như thế nào ạ?
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Hiện tại mình đang giúp làm cha phó cho một giáo xứ lớn với một nhà thờ chính và 19 giáo họ lẻ, và phụ trách một trung tâm dạy nghề cho khoảng 110 em học sinh phần đa đến từ các gia đình nghèo. Và giúp dạy giáo lý ở các trường cấp 2. Và cùng với hai cha khác, cộng đoàn mình cũng đang giúp đỡ cho khoảng 300 em học sinh cấp 1-2 mồ côi cha mẹ hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Nt. Minh Du: Cần làm gì nữa để tình hình tôn giáo của GH khởi sắc trên quốc gia này, thưa cha?
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Cần nâng cao đời sống giáo dục tri thức và đào tạo ơn gọi nhiều hơn.
Nt. Minh Du: Cha đã phải hội nhập văn hóa như thế nào để có thể trở thành người truyền giáo ạ?
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Trước tiên là kiên trì học ngôn ngữ địa phương, cởi mở và đón nhận những giá trị văn hoá địa phương, khiêm nhường và hy sinh dấn thân trong công việc mục vụ, luôn sẵn sàng đi bước trước trong các công việc khó khăn…
Nt. Minh Du: Xin cha chia sẻ với quý độc giả về những quốc gia cha đã trải qua trong đời mục vụ truyền giáo? Và đâu là nơi cha thích nhất cho đến thời điểm này?
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Sau khi chịu chức xong tháng 8, 2008, mình đi học một khoá ngắn hạn về truyền giáo ở Roma, sau đó được gửi sang Sudan – một đất nước Hồi giáo. Làm việc ở đây đến cuối 2014. Năm 2015 vì vấn đề visa và một vài khó khăn khác nên Dòng chuyển mình sang Tanzania. Mình cảm thấy vui và hạnh phúc hơn khi làm việc mục vụ ở Tanzania.
Nt. Minh Du: Kinh nghiệm hay câu chuyện truyền giáo nào mà cha ấn tượng nhất cho đến ngày hôm nay xin cha sẻ chia cho anh chị em.
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Khi còn ở Sudan, mình được bài sai làm quản lý một cộng đoàn trường học kỹ thuật. Một hôm có một thanh niên đến xin hỏi mượn tiền, sau khi tìm hiểu và cân nhắc mình đồng ý cho anh ta mượn, mặc dù trong thâm tâm đã nghĩ là sẽ giúp anh ta luôn, nhưng vẫn để anh ta hứa khi nào có sẽ trả lại. Và anh ta hứa sau hai tuần sẽ gửi lại số tiền đã mượn. Mình sau đó cũng quên và không nhớ nữa, khoảng một tháng sau anh ta quay lại, thoáng nhìn thấy tưởng anh ta đến trả tiền, nhưng không anh ta đến hỏi mượn thêm, mình từ chối vì lý do anh ta không giữ lời hứ. Sau khi không thuyết phục được mình, anh ta dùng sức mạnh và áp lực muốn đánh mình và muốn mình đưa tiền cho anh ta bằng mọi giá với lý luận như sau: “cha đến đây là để mang tiền, nhận tiền và chuyền tiền cho chúng tôi, tiền cha có không phải là cuả cha, mà là của các nhà tài trợ chuyển đến cho chúng tôi, chúng tôi không cần phải trả lại…”
Mình đã phải nhờ bảo vệ đưa anh ta ra khỏi khu vực trường, và hai tuần sau đó không dám ra ngoài vì sợ bị trả thù…
Mỗi lần đối diện với những thách đố như vậy, hoặc khi bị bệnh nan y (bệnh sốt rét..) mình chỉ biết nhìn lên thánh giá Chúa, và xin Chúa ban thêm sức mạnh, sự an ủi và lòng can đảm để tiếp tục sứ mạng.Vì mình luôn nghĩ rằng nếu ai cũng chọn một công việc nhẹ nhàng, thì công việc gian khó hơn sẽ dành phần ai?!
Nt. Minh Du: Cha nói về sốt rét, xin cha kể cho chúng con…
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Trước khi đến cộng đoàn này, tôi ở một cộng đoàn khác cũng trên đất nước Tazania, ở đó tháng nào tôi cũng bị sốt rét. Mà điều kiện về y tế thiếu thốn, nên tôi rất sợ.Mỗi lần sốt rét như thế thì kéo dài trên dưới một tuần lễ, người rất mệt. Nhưng hiện nay, khi chuyển sang cộng đoàn này, khí hậu mát mẻ hơn, nên hơn một năm nay, sốt rét chưa tới “thăm” tôi lần nào.
Nt. Minh Du: Trong tháng đặc biết truyền giáo này, với tư cách một người đang đi truyền giáo tại Đông Phi, cha có lời khuyên gì với anh chị em Công Giáo khắp nơi ạ.
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Ước mong anh chị em Công Giáo khắp nơi luôn nhớ hiệp ý cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và công việc của họ, đặc biệt ở những nơi còn nhiều khó khăn và chống đôi từ các tôn giáo khác và các nét văn hoá đi ngược lại với niềm tin tôn giáo.
Và những ai nhiệt tâm và có khả năng chuyên môn, có thể tự nguyện đăng ký ra đi làm việc, có thể đi dưới dạng cá nhân hoặc gia đình, có thể đi một thời gian ngắn hoặc thời gian dài…và có thể đăng ký tại Dòng Don Bosco. Các cha sẽ xem xét và giúp cho việc xin Visa chẳng hạn..
Nt. Minh Du: VietCatholic xin cám ơn cha về những chia sẻ về mục vụ truyền giáo của Cha. Xin Thiên Chúa tiếp tục đổ tràn trên Cha ân lộc và sức khỏe để đôi chân cha dẻo dai và cha tìm nhiều đường hướng mới cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng.
Cha Fx. Nguyễn Đức Nhật: Chân thành cảm ơn VietCatholic đã tạo điều kiện để mình chia sẻ công việc truyền giáo ở Tanzania – Châu Phi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho VietCatholic và quý độc giả khắp nơi.
Nữ tu Maria Nguyễn Thị Minh Du, OP