Công việc phát triển cơ sở hạ tầng này là để chuẩn bị đón tiếp khoảng 35 triệu người hành hương sẽ đến Roma trong “Năm Thánh Hy vọng” vào năm 2025.
Dự án sẽ bao gồm việc “tái phát triển và làm lối đi bộ” của quảng trường Pia, là nơi nối Lâu đài Thiên thần và đại lộ Hòa giải dẫn đến Vatican. Thị trưởng của Roma gọi quảng trường là “vòng tay ôm” giữa Ý và Vatican. Kinh phí cho dự án là khoảng 77 triệu đô-la.
Lâu đài Thiên thần là một công trình kiến trúc lịch sử với pho tượng Tổng lãnh Thiên thần Micae bằng đá cẩm thạch trên đỉnh. Trước đây nó là một lăng mộ được Hoàng đế Hadrianô của đế quốc La Mã cho xây dựng và sau đó trở thành một pháo đài kết nối với Vatican.
Chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, thành phố Roma có kế hoạch thực hiện gần 90 dự án khác, với kinh phí khoảng 2 tỷ đô-la và dự kiến hoàn thành việc cải thiện cơ sở hạ tầng trước đêm Giáng sinh năm 2024. Việc xây dựng sẽ được bắt đầu vào tháng Tám.
Hiện diện tại buổi họp báo, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, người phụ trách tổ chức Năm Thánh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với chính phủ và ủy viên chính phủ vì “sự cộng tác liên tục và hàng ngày”, để “Năm Thánh có thể trở thành thời điểm chào đón tuyệt vời đông đảo khách hành hương sẽ đến đối với Roma và Ý”. Ngài nói rằng sự hợp tác giữa Tòa thánh, chính phủ và thành phố là cơ bản, bởi vì nhu cầu của hai Quốc gia cần một thỏa thuận đầy đủ ủng hộ khả năng tồn tại và an toàn. Theo ngài, ở một thành phố đẹp, chúng ta sống tốt hơn, ít bạo lực hơn. Ngài nói: “Chúng ta đang cố gắng đạt được điều này: Roma sẽ trở thành một thành phố thậm chí còn đẹp hơn, bởi vì nó sẽ phục vụ nhiều hơn nữa cho người dân, khách hành hương và khách du lịch sẽ đến”.
Eugenio Patané, người phụ trách về việc di chuyển công cộng của Hội đồng thành phố Roma, cho biết “khu vực dành cho người đi bộ” mới sẽ đảm bảo an toàn giao thông đồng thời giúp các phương tiện không bị cản trở.
Năm Thánh 2025 có chủ đề “Những người hành hương của Hy vọng,” được Đức Thánh Cha công bố vào năm 2022.