Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ Năm

Ngày 10/7/2025, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV cho ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Năm, được cử hành vào ngày 27/7/2025, có chủ đề “Phúc cho ai không mất hy vọng”.
 

Vatican News

Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Ông Bà và Người Cao tuổi lần thứ Năm

“Phúc cho ai không mất hy vọng”

 

Anh chị em thân mến,

Năm Thánh mà chúng ta đang sống giúp chúng ta khám phá ra rằng niềm hy vọng là một nguồn vui liên lỉ, bất kể tuổi tác. Khi niềm hy vọng ấy đã được tôi luyện qua thử thách của một cuộc đời dài lâu, nó trở thành nguồn hạnh phúc trọn vẹn.

Kinh Thánh cho chúng ta nhiều trường hợp về những người nam nữ mà Chúa đã kêu gọi vào giai đoạn cuối đời để tham gia vào kế hoạch cứu độ của Người. Chúng ta có thể nghĩ đến Apraham và Sara, những người đã lớn tuổi, thấy khó tin khi Thiên Chúa hứa ban cho họ một người con. Việc họ không có con dường như ngăn cản họ hy vọng vào tương lai.

Phản ứng của Dacaria khi nghe tin về sự ra đời của Gioan Tẩy Giả cũng không khác gì: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Tuổi già, sự son sẻ và sự suy yếu về thể lý dường như đã ngăn cản mọi hy vọng về sự sống và khả năng có con nơi những người này. Câu hỏi của Nicôđêmô khi Chúa Giêsu nói về việc “tái sinh” cũng có vẻ như một câu hỏi chỉ mang tính chất hoa mỹ: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao” (Ga 3,4). Thế nhưng, bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng mọi sự không thể thay đổi, thì Chúa lại làm chúng ta ngạc nhiên bằng hành động cứu độ đầy quyền năng của Người.

Người cao tuổi, dấu chỉ niềm hy vọng

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nhiều lần thể hiện sự quan phòng của Người bằng cách hướng đến những người cao tuổi. Điều này không chỉ xảy ra với Apraham, Sara, Dacaria và Êlisabeth, mà còn với Môsê, người được kêu gọi giải thoát dân tộc mình khi đã tám mươi tuổi (Xh 7,7). Với những chọn lựa này, Thiên Chúa dạy chúng ta rằng: dưới mắt Người, tuổi già là thời gian của phúc lành và ân sủng, và đối với Người, người cao tuổi là những chứng nhân đầu tiên của niềm hy vọng. Thánh Augustinô hỏi: “Tuổi già là gì?”. Ngài nói với chúng ta rằng  chính Thiên Chúa trả lời câu hỏi này: “Hãy để sức mạnh của con suy yếu, để sức mạnh của Ta ở lại trong con, và con có thể nói như Tông đồ: Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (Super Ps. 70, 11). Việc ngày nay số người cao tuổi ngày càng tăng trở thành một dấu chỉ của thời đại, mời gọi chúng ta phải phân định để hiểu rõ lịch sử mà chúng ta đang sống.

Thực vậy, đời sống Giáo hội và thế giới chỉ có thể hiểu được qua sự tiếp nối của các thế hệ. Việc đón nhận người cao tuổi giúp chúng ta nhận ra rằng cuộc sống không chỉ là khoảnh khắc hiện tại, và không lãng phí trong những cuộc gặp gỡ chóng vánh và các mối quan hệ rời rạc. Thay vào đó, cuộc sống luôn hướng chúng ta tới tương lai. Trong sách Sáng Thế, chúng ta thấy một đoạn cảm động về việc tổ phụ Giacóp, khi đã già, chúc lành cho các cháu, con của Giuse: những lời chúc ấy mời gọi họ nhìn về tương lai với niềm hy vọng, như thời điểm của những lời hứa của Thiên Chúa (St 48,8-20). Nếu người già cần sức mạnh của người trẻ do sự yếu đuối của họ, thì ngược lại, người trẻ cũng cần đến chứng tá của người già để có thể hoạch định tương lai bằng sự khôn ngoan. Rất nhiều lần ông bà của chúng ta đã là mẫu gương về đức tin và lòng đạo đức, về các nhân đức và sự dấn thân xã hội, về ký ức và lòng kiên trì trong thử thách! Di sản quý giá ấy, được trao lại cho chúng ta bằng niềm hy vọng và tình yêu, sẽ luôn là nguồn cảm hứng biết ơn và lời kêu gọi kiên trì.

Dấu chỉ hy vọng cho người cao tuổi

Từ thời Kinh Thánh, Năm Thánh được hiểu là thời gian của sự giải phóng. Nô lệ được tự do, nợ nần được xoá bỏ, đất đai được trả lại cho chủ sở hữu ban đầu. Năm Thánh là thời gian Chúa muốn phục hồi trật tự xã hội, các bất công và áp bức tích tụ qua nhiều năm tháng được sửa chữa. Chúa Giêsu làm mới lại những hành động giải phóng này khi trong hội đường Nadarét, Người công bố Tin Mừng cho người nghèo, cho người mù được sáng, sự tự do cho người bị áp bức (Lc 4,16-21).

Nhìn đến người cao tuổi trong tinh thần Năm Thánh, chúng ta được mời gọi cùng họ sống một sự giải thoát, đặc biệt là khỏi cô đơn và bị bỏ rơi. Năm nay là thời điểm thuận tiện để thực hiện điều đó. Lòng trung tín của Thiên Chúa với những lời hứa của Người dạy chúng ta rằng tuổi già cũng có một mối phúc, một niềm vui Tin Mừng đích thực, mời gọi chúng ta phá vỡ các bức tường thờ ơ mà người già thường bị để trong đó. Các xã hội của chúng ta, ở mọi nơi, đang quá quen với việc để cho một phần quan trọng và phong phú của mình bị đẩy ra bên lề và quên lãng.

Trước thực trạng này, cần có một bước chuyển mới, một sự dấn thân trách nhiệm của toàn thể Giáo hội. Mỗi giáo xứ, hội đoàn, nhóm giáo dân được mời gọi trở thành người chủ động trong “cuộc cách mạng” của lòng biết ơn và sự chăm sóc, thể hiện bằng việc thường xuyên thăm viếng người cao tuổi, tạo các mạng lưới hỗ trợ và cầu nguyện, xây dựng những mối liên hệ mang lại hy vọng và phẩm giá cho những ai cảm thấy bị lãng quên. Niềm hy vọng Kitô giáo luôn thúc đẩy chúng ta dám nghĩ xa hơn, mơ lớn hơn, không hài lòng với những gì theo cách chúng đang diễn ra. Trong trường hợp này, niềm hy vọng Kitô thúc giục chúng ta làm việc vì một sự thay đổi có thể khôi phục cho người cao tuổi sự quý trọng và tình thân ái.

Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn rằng Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi trước tiên phải được cử hành bằng việc gặp gỡ những người đang sống trong cô đơn. Và cùng lý do đó, năm nay, những ai không thể hành hương đến Roma “có thể lãnh Ơn Toàn Xá Năm Thánh nếu họ đến thăm viếng người già neo đơn trong một thời gian thích hợp như thực hiện một cuộc hành hương đến với Đức Kitô hiện diện trong những người già (Mt 25,34-36)” (Quy định về ban Ơn Xá Năm Thánh, III). Thăm viếng người cao tuổi chính là gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự thờ ơ và cô đơn.

Tuổi già có thể hy vọng

Sách Huấn Ca khẳng định: “Phúc cho ai không mất hy vọng” (Hc 14,2), ngụ ý rằng trong đời sống – nhất là khi sống lâu – có thể có nhiều lý do để ta nhìn lại quá khứ thay vì hướng về tương lai. Tuy nhiên, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong khi nhập viện lần sau cùng: “Thân xác chúng ta yếu đuối, nhưng ngay cả như thế, không gì có thể ngăn cản chúng ta yêu thương, cầu nguyện, trao ban chính mình, ở bên nhau, trong đức tin như những dấu chỉ sáng ngời của hy vọng” (Kinh Truyền Tin, 16/3/2025). Chúng ta có một tự do mà không có khó khăn nào có thể lấy mất: đó là yêu thương và cầu nguyện. Mọi người, luôn luôn, có thể yêu thương và cầu nguyện.

Tình thương mà chúng ta dành cho người thân, cho người bạn đời đã cùng chúng ta đi suốt cuộc đời, cho con cháu là những người đã làm rạng rỡ những ngày tháng của chúng ta, không hề phai nhạt khi sức lực hao mòn. Thực vậy, chính tình thương của con cháu thường đem lại sức sống, niềm hy vọng và sự an ủi cho chúng ta.

Những dấu chỉ của tình yêu sống động này bắt nguồn từ chính Thiên Chúa mang lại cho chúng ta lòng can đảm, và nhắc nhớ chúng ta rằng “Dù con người bên ngoài của chúng ta có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng ta ngày càng đổi mới (2Cr 4,16). Đặc biệt khi về già, chúng ta hãy kiên trì tin tưởng vào Chúa. Mỗi ngày, hãy để chính mình được đổi mới nhờ cuộc gặp gỡ với Người trong cầu nguyện và Thánh Lễ. Hãy truyền lại đức tin mà chúng ta đã sống trong nhiều năm bằng tình yêu thương, trong gia đình và nơi các cuộc gặp gỡ thường ngày. Hãy không ngừng ngợi khen Thiên Chúa vì lòng nhân hậu của Người, vun đắp sự hiệp nhất với người thân, và mở lòng ra với những ai ở xa, nhất là những ai sống trong thiếu thốn. Bằng cách này chúng ta sẽ trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng bất kể tuổi tác.

Vatican, 26/6/2025

Lêô XIV