LỜI CHÚA HẰNG NGÀY
Suy niệm loan báo Tin Mừng (21.10.2019 – Thứ Hai Tuần 29 TN, Thánh Mátthêu)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
BÀI ĐỌC I: Rm 4, 20-25
Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, _ vì ông đã gần trăm tuổi, _ và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, “việc đó đã được kể cho ông là sự công chính”.
Và khi chép rằng “Đã được kể cho ông”, thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Đấng đã cho Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.
PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Đoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!” ‘ Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy”.
Suy niệm
Sợi chỉ chung xuyên suốt các bài đọc Sách Thánh hôm nay là chủ đề lớn về sự sống. Với ông Ápbraham – ở buổi xế chiều của hành trình cuộc đời ông ở trần gian này, theo câu chuyện của sách Sáng Thế, trong tình cảnh không còn hi vọng được thấy lời hứa về dòng dõi được thể hiện – Thiên Chúa xác nhận với ông rằng các rào cản sinh học không thể nào ngăn trở kế hoạch thần linh của Người. Ông Ápbraham và bà Sara, cặp vợ chồng già khắc khoải vì nỗi buồn không có con, giờ đây sinh ra Isaac, cái tên có nghĩa là tiếng cười, niềm vui của cuộc đời. Những tín hữu nào kiên cường trong đức tin “ngược với mọi hi vọng” thì được bảo đảm lãnh nhận cùng một món quà sự sống và niềm vui như ông Ápbraham.
Thánh Phaolô Tông Đồ, khi muốn bênh vực giáo lý công chính hóa nhờ đức tin bằng các luận cứ Kinh Thánh, đã nêu lên câu chuyện giao ước giữa Thiên Chúa với ông Ápbraham, giao ước mà Thiên Chúa là người khởi xướng và cam kết trung thành. Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trời và như cát biển, và mặc dù vợ ông đã già và không thể sinh con, ông Ápbraham vẫn hoàn toàn tin vào lời Chúa hứa. Và Thánh Phaolô cắt nghĩa rằng chính vì điều này mà ông Ápbraham đã được kể là người công chính. Theo nhận định của Thánh Phaolô, việc cắt bì, giao ước và Lề Luật, cả ba điều này đều đến sau. Rốt cuộc, lòng tin vào Thiên Chúa và vào Lời của Người giữ vị trí tối thượng và đem lại cho chúng ta ơn của lời hứa một cách nhưng không, chỉ nhờ vào lòng nhân hậu tự do của Thiên Chúa.
Kinh nghiệm của ông Ápbraham là yếu tố quan trọng, vì rõ ràng nó cho thấy sự cho không của Thiên Chúa bắt nguồn từ sáng kiến tự do của Người để biểu lộ lòng thương xót, hoàn toàn không dựa vào công trạng của những người nhận ân sủng của Thiên Chúa. Trên thực tế, câu chuyện ông Ápbra- ham mở đầu đơn giản bằng những lời này: “ÐỨC CHÚA phán với ông Ápram: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi’” (St 12:1-2). Câu chuyện không hề nhắc tới một hành động tốt lành nào của ông Ápbraham để gợi ý rằng trước đó ông từng có công trạng gì. Dân Ítraen không thiếu những lời cảnh báo của các ngôn sứ để họ biết lấy đức tin mà chấp nhận sự độ lượng của Thiên Chúa, không phải như một phần thưởng họ đáng được, nhưng như là món quà Thiên Chúa ban không cho họ do lòng nhân hậu của Người. Tất cả chúng ta phải nhìn nhận rằng những điều tốt lành xảy ra cho chúng ta trong cuộc đời hoàn toàn là một món quà ban không của Thiên Chúa: điều này phải khích lệ chúng ta đáp lại Thiên Chúa với cùng một lòng quảng đại và yêu mến, biến các hành động của chúng ta nên giống hành động của Thiên Chúa. Còn về những điều xấu chúng ta gặp phải, câu chuyện ông Ápbraham cho chúng ta thấy rằng chúng có các nguyên nhân khác: sai lầm của con người, những lời dối trá, tham lam, chiến tranh, hay các tai họa tự nhiên. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn can thiệp để biến đổi những điều xấu này thành điều lành cho các thụ tạo yêu mến của Người.
Cùng một chủ đề sự sống này là tâm điểm của bài đọc Tin Mừng. Bối cảnh ở đây là một cuộc tranh giành giữa hai anh em về chuyện thừa kế gia sản – một tình huống cũng xưa như loài người, từng được xác nhận trong tường thuật của sách Sáng Thế về vụ sát nhân đầu tiên, một tội anh giết em vì người anh Cain không bằng lòng với việc là con cả và được kế nghiệp cha; anh ta còn ghen tị vì Thiên Chúa yêu Aben hơn. Động năng của sự xung đột gia đình giữa các anh em với nhau đã được minh họa một cách tài tình, với tất cả sự trần trụi của nó, trong dụ ngôn người cha nhân từ ở Lc 15:11-32. Trong cả hai câu chuyện này, con sâu gậm nhấm tình anh em là lòng tham, muốn vơ hết mọi sự cho riêng mình. Ở đây Đức Giêsu cho một lời khuyên cơ bản, một hướng dẫn hữu ích cho đời sống mọi người: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu” (Lc 12:15). “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Sự ngu ngốc bị Đức Giêsu chê trách trong bài Tin Mừng hôm nay chính là ở điều này: quên rằng cuộc sống, trong mọi khía cạnh của nó, là một quà tặng. Nó là một ơn phải được chia sẻ, chứ không phải bòn mót vì những lợi lộc nó mang lại. Các hoa quả của trái đất là một phúc lành của Thiên Chúa (x. Đnl 28:1- 14), nhưng chúng có thể được biến đổi thành điều ngược lại, khi người ta đòi chiếm hữu và kiểm soát chúng. Ham muốn tích lũy của cải làm mờ mắt con người, đó là lý do tại sao Đức Giêsu gọi người phú hộ trong dụ ngôn này là “đồ ngốc”. Nó làm chúng ta quên rằng cái chết đang đợi ngay ở bên kia chân trời. Nhưng Sách Thánh cảnh báo chúng ta: Ðứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng. (Tv 39:6-7)
Người phú hộ là kẻ ngốc vì sống mà hoàn toàn quên rằng sự sống là một món quà mà người ta có thể mất bất cứ lúc nào (x. Kn 15:8). Người ta không thể sống mà lúc nào cũng lo nghĩ tới cái chết, nhưng cũng đúng là những ai tự nhốt mình trong cái lồng của tính ích kỷ thì sống mà cũng được coi như là đã chết rồi!
“Tôi phải làm gì?” là một câu hỏi được lặp lại nhiều lần trong các sách của Luca (x. Lc 3:10.12.14; 16:3-4; Cv 2:37; 16:30). Chọn lựa giữa sống và chết là ngã rẽ đường mà mỗi người phải đối diện. Đối với Ítraen, và cả đối với ông Ađam trước Ítraen, món quà sự sống (với giá trị cao nhất của nó) ràng buộc chặt chẽ với việc vâng lời Thiên Chúa. Khi loài người chọn thụ hưởng vật chất dẫn đến loại trừ Thiên Chúa, chúng ta tự kết án chính mình vào cảnh chạy trốn, lưu đày và cuối cùng là khốn cùng và chết chóc. “Mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Của cải vật chất đến từ chính tạo hóa, là một bàn tiệc được Thiên Chúa dọn sẵn cho loài người hưởng dùng. Nhưng vấn đề nảy sinh khi người ta, lẽ ra phải là những người quản lý khôn ngoan các quà tặng ấy, thì lại nghĩ rằng mình có quyền là những chủ nhân độc quyền của chúng. Chúng ta đang sống trong một thời đại què quặt vì lo âu. Vấn đề nằm ở chỗ mối lo về điều có thể xảy ra không làm cho chúng ta tránh được đau khổ của ngày mai, nhưng chỉ làm chúng ta mất đi niềm hạnh phúc của hôm nay. Những mối lo về thế gian này được liệt kê chi tiết trong Bài Giảng Trên Núi (x. Mt ch. 5–7). “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?… Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:25.33-34). Chỉ có đức tin như sự sống đời đời mới là thước đo thích hợp cho mọi sự, cho thời gian của chúng ta, và cho các mối quan hệ của chúng ta.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng