LỜI CHÚA HẰNG NGÀY
Suy niệm loan báo Tin Mừng (22.10.2019 – Thứ Ba Tuần 29 TN, thánh Gioan Phaolô II)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
BÀI ĐỌC I: Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Đức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô.
Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy.
PHÚC ÂM: Lc 12, 35-38
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”.
Suy niệm
Đoạn thư Thánh Phaolô trong bài đọc phụng vụ hôm nay là tâm điểm của Thư gửi tín hữu Rôma của ngài. Ẩn bên dưới lời phát biểu rằng con người cần được cứu chuộc, chúng ta thấy có niềm xác tín rằng tội lỗi làm hoen ố mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Sau khi dùng kinh nghiệm bản thân và Sách Thánh để chứng minh rằng ơn cứu chuộc loài người đến từ Thiên Chúa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô chứ không phải nhờ phép cắt bì, Thánh Tông Đồ bắt đầu trình bày về trải nghiệm Kitô giáo “của chúng ta”.
Nếu có ai làm thiệt hại một mối quan hệ, gây tổn thương cho bạn mình, thì khi ấy một rối loạn nảy sinh trong tim của chính người ấy, và chỉ có thể khắc phục được khi người bạn chào đón và chấp nhận lại người ấy, chấp nhận lời xin lỗi của người ấy. Thánh Phaolô nói rằng ơn cứu chuộc là lý do và điều kiện để chúng ta sống an hòa với Thiên Chúa. Nhưng để bạn bè làm hòa lại được với nhau, có thể cần đến một người trung gian hòa giải giữa hai người, nói cho người có lỗi biết rằng người kia không còn để bụng chuyện cũ và đang mở rộng lòng đón chờ người có lỗi. Và khi mọi sự đã qua đi, sợi dây gắn kết sẽ ngày càng bền chặt hơn và niềm vui càng lớn hơn trước. Vậy nên, Thánh Phaolô nói tiếp, chúng ta biết rằng vị trung gian của chúng ta là Đức Giêsu đã phải chịu nhiều tủi nhục đớn đau để tìm kiếm tôi và thuyết phục tôi tin tưởng vào lòng nhân từ của Cha mà tình thương của Người đã bị tôi khinh dể, tôi hết lòng biết ơn sâu xa và sẵn sàng hân hoan cộng tác với Người trong công việc hòa giải, đồng thời tham dự vào các hi sinh của Người để đem sứ điệp Tin Mừng đến cho những người khác.
Thánh Tông Đồ nêu câu hỏi cho các dân tộc: Làm sao chúng ta có thể hoài nghi tình thương vô biên này, sau khi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta những bằng chứng phi thường như thế? Cái chết lịch sử của Đức Giêsu có một ý nghĩa thần học về sự đau khổ thục tội: Người đã chết vì chúng ta, chết thay cho chúng ta và cho mọi người, đang khi chúng ta đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Nói khác đi, Đấng đã nhận sứ mạng trung gian đã được tỏ lộ là người bạn vĩ đại của chúng ta, Người đã vác trên vai gánh nặng mọi tội lỗi của chúng ta khi chúng ta còn cô độc và hư mất. Bằng chứng vô song này của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta sẽ mãi mãi rạng ngời trong lịch sử, soi đường dẫn lối cho các dân tộc.
Phaolô rong ruổi khắp thế giới, không ngơi nghỉ và luôn luôn đầy niềm vui, hiến thân mình rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu chịu hi sinh không phải vì chúng ta là Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, người có học hay vô học, giàu hay nghèo, nam hay nữ, nhưng chỉ vì chúng ta là những kẻ tội lỗi cần được ơn tha thứ. Và món quà này đã được ban cho chúng ta không phải do công trạng gì của chúng ta. Điều làm Thiên Chúa vui lòng nhất là không phải trừng phạt chúng ta, nhưng là ban cho chúng ta lòng thương xót cao cả vô biên.
Sau khi Thiên Chúa đã thể hiện mầu nhiệm tình yêu khôn tả này, một tình yêu hoàn toàn ban không cho mọi người, Thánh Tông Đồ nói thêm, không thể nào Thiên Chúa lại không hoàn tất công trình cứu chuộc chúng ta! Vì vậy, ơn cứu độ viên mãn liên quan tới các phúc lành trong tương lai, các phúc lành cánh chung: vinh quang và sự sống đời đời. Bằng cách này, sự bình an và hòa giải mà “bây giờ” chúng ta lãnh nhận và nếm cảm đang hướng tới một sự hoàn thành trong tương lai, vì chúng là bảo chứng cho những hồng ân chúng ta sẽ lãnh nhận sau này. Để chứng tỏ bản chất ba chiều của sự giải thoát này – nghĩa là giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi Lề Luật, và khỏi sự chết – Thánh Phaolô mô tả tình huống của loài người trước và sau Đức Kitô, bằng cách cho thấy những hậu quả của tội bất tuân của Ađam – một “hình bóng” cho Đấng sẽ phải đến – và những hậu quả của sự vâng phục của Đức Kitô, Ađam mới. Khi suy về câu chuyện sa ngã của loài người (Ađam) do sách Sáng Thế thuật lại, Phaolô sử dụng sự thật thần học mà câu chuyện này trình bày: nguyên nhân gây ra tình trạng bi thảm của loài người chính là tội lỗi. Tính chất truy nguyên trong tường thuật của sách Sáng Thế chỉ ra tội lỗi như là nguyên nhân gây nên tình trạng khốn khổ của loài người (đau khổ, buồn sầu, bất hòa, bạo lực, và sự chết). Sự bất tuân của Ađam – cả theo nghĩa cá nhân và tập thể (x. St 1:27) – đã khiến cho một sức mạnh hoạt động tai hại xâm nhập vào thế gian.
Nhưng Đức Giêsu Kitô người giải phóng. Nhờ Người mà tất cả được ơn cứu chuộc và có sự sống đời đời. Đức Giêsu là “Ađam thứ hai”, phản diện của Ađam thứ nhất. Con người thứ nhất không có lòng tin vào Đấng Tạo Hóa; ông đã bất tuân và phá vỡ tình bạn với Đấng Tạo Hóa. Nhưng Đức Giêsu là Ađam mới, tuyệt đối trung thành và vâng phục hoàn hảo, hiến mạng sống mình để phục hồi tình bạn của chúng ta với Thiên Chúa. Phản đề này nhấn mạnh rằng ơn phúc Đức Giêsu mang lại thì vượt trội vô song so với sự thiệt hại mà Ađam gây ra. “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5:15). Sự tương phản giữa “một người” với “muôn người” nhấn mạnh phạm vi phổ quát của sợi dây tình bạn mới do Chúa Giêsu đem đến.
Chủ đề trọng tâm của bài đọc Tin Mừng là việc Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Thời kỳ phân cách người tín hữu với điểm hẹn tất yếu này là một thời kỳ trông đợi tích cực. Ý tưởng quan trọng nhất của bài Tin Mừng này là việc chủ nhà đi vắng sau khi đã giao phó ruộng đất cho đầy tớ canh tác và thu hoạch hoa lợi, chứ không bỏ mặc cho ruộng đất của mình ra sao thì ra. Khi gợi ý như thế về cách làm việc của Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ngụ ý về mầu nhiệm tự do được ban cho con người; chúng ta có thể chọn cách quản lý món quà sự sống mà không bị áp lực thể lý, không cảm thấy bị sai khiến bởi sự có mặt của ông chủ.
Trong Sách Thánh, đòi hỏi phải “thắt lưng” được gặp thấy lần đầu tiên ở Xh 12:11. Bối cảnh là việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua trước khi thần sứ của Thiên Chúa đến sát hại các con đầu lòng Ai Cập và việc trốn thoát khỏi đất nô lệ. Từ sau sự kiện ấy, “thắt lưng” trở thành một cách nói chung để chỉ về một tiếng gọi phục vụ, được nêu gương bởi Đức Giêsu: “Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha… Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 12:1.4- 5). Với cử chỉ này, việc phục vụ nhân danh Thiên Chúa đã được nâng lên hàng bí tích tình yêu, trong Thánh Thể để người lãnh nhận được thông dự vào sự sống của Đức Giêsu (x. Ga 6:30-58). Không phải ngẫu nhiên mà Tin Mừng thứ tư lấy bữa Tiệc Ly làm bối cảnh cho việc rửa chân. Khi Phêrô không muốn cho Đức Giêsu rửa chân cho mình, viện cớ “không xứng đáng” với Thầy, Đức Giêsu nói, “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13:8). Rửa chân cho người khác là một cử chỉ được Thầy Giêsu truyền cho các môn đệ như là một biểu hiện của phong cách sống phải đem đến cho mọi dân tộc. Trên thực tế, sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ được thiên thần bảo đừng nhìn lên trời nữa, nhưng hãy đi thi hành sứ mạng để hoàn thành tất cả những điều Đức Giêsu đã nói và làm, với lời hứa rằng Thầy sẽ trở lại với các môn đệ giống như cách Người đã rời bỏ họ (x. Cv 1:11). Chúng ta trông đợi trong niềm hi vọng Thầy sẽ trở lại, và chúng ta thắt dây lưng gọn gàng, nghĩa là phục vụ người khác trong đức tin, rao giảng và giúp họ tham dự vào ơn cứu độ đã được ban cho chúng ta như một bảo chứng trong Thánh Thể.
Ẩn dụ về việc giữ đèn luôn luôn cháy sáng (như trong Xh 27:20 và Lv 24:2) trình bày sự chờ đợi như một thời gian canh chừng chăm chú. Việc biết rằng chủ vắng nhà có thể khiến người ta bị cám dỗ muốn thay thế chủ, muốn mình trở thành những người làm chủ tuyệt đối đời sống của mình và của người khác, và loại bỏ những gì đã được uỷ thác cho mình. Dưới cái nhìn của Thiên Chúa, sự chờ đợi đáp ứng luật tình yêu. Đối với chúng ta đang sống, thời gian chờ đợi chỉ làm tăng thêm ước muốn được gặp Thiên Chúa diện đối diện. Chúng ta phải mạnh mẽ chịu đựng gánh nặng của việc kiên trì với một lời hứa không có hạn kỳ. Điều quan trọng là ý thức rằng mọi mùa trong cuộc đời của chúng ta được sống tốt, tìm kiếm và thi hành ý Thiên Chúa, đều là một kairos, một thời gian thuận lợi để được Chúa gọi về nhà. Luôn luôn sẵn sàng cho thời khắc ấy sẽ làm cho cuộc đời chúng ta thành công.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng