Suy niệm loan báo Tin Mừng (23.10.2019 – Thứ Tư Tuần 29 TN)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Suy niệm loan báo Tin Mừng (23.10.2019 – Thứ Tư Tuần 29 TN)

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

BÀI ĐỌC I: Rm 6, 12-18

Anh em thân mến, nguyện cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng.

Thế nghĩa là gì? Nào chúng ta cứ phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính.

PHÚC ÂM: Lc 12, 39-48


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Phêrô thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” Chúa phán: “Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: ‘Chủ tôi về muộn’, nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.

Suy niệm

Xuyên suốt cả Thư Rôma của ngài, Thánh Phaolô luôn luôn cho rằng dựa vào Luật Môsê là vô ích, vì nó không giải thoát loài người, nhưng làm cho loài người bị nô lệ và bị kết án. Trên thực tế, trước khi có Luật Môsê, tội và sự chết đã hiện hữu trên thế giới rồi, vì tội của Ađam. Nhưng vì khi ấy Luật chưa được mặc khải và vẫn chưa có các giới lệnh, nên không thể qui trách các tội nhân vì các vi phạm của họ, cũng không có các án phạt do Luật cung cấp để áp dụng cho họ. Tuy nhiên, theo luật tự nhiên được viết trong lòng mọi người, trách nhiệm cá nhân về tội vẫn giống nhau cho mọi người. Vì vậy, sau khi nhận Lề Luật, chỉ có người Do Thái thấy trách nhiệm của họ gia tăng, và cùng với nó là các lỗi phạm của họ.

Người Do Thái mong đợi rằng vào những ngày cuối cùng, khi Đấng Mêsia đến, Người sẽ đem đến một Luật mới hay một cách cắt nghĩa mới về Luật. Thời kỳ thứ ba này, mà Phaolô gọi là “thời gian viên mãn”, đã được khai mở bởi sự sinh ra và Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa. Phaolô dạy rằng khi Người đến, chúng ta được giải thoát khỏi Lề Luật, vì ân sủng của Chúa Giêsu bắt đầu ngự trị.

Thánh Phaolô bỏ qua không nói đến câu chuyện ông Noê và ý nghĩa có thể có của giao ước, tội, và luật, và ngài đi thẳng từ ông Ađam tới ông Môsê. Ngài có ý đối diện với vấn đề này chỉ căn cứ vào Luật Môsê mà thôi, vì đây chính là luận cứ để một số người Do Thái và Kitô hữu gốc Do Thái, các anh em giả, đang gây rối loạn trong các cộng đoàn Kitô hữu mà Thánh Phaolô đã sáng lập, họ tìm cách áp đặt phép cắt bì như một điều kiện cần thiết để một người được Thiên Chúa cứu chuộc.

Vậy, khi Phaolô phát biểu rằng, vô hình trung, Lề Luật làm cho tội gia tăng và điều này khiến cho ân sủng của Thiên Chúa bị cản trở bởi tội lỗi của loài người, dù chỉ một cách gián tiếp, lời phát biểu của ngài khiến ngài phải hứng chịu nhiều vấn nạn và phê bình. Dự kiến trước những vấn nạn mà ngài có thể sẽ nhận được, Phaolô khẳng định rằng, một khi được tham dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, người Kitô hữu sẽ không còn muốn liên quan gì tới tội lỗi và các hậu quả khủng khiếp của nó nữa. Sự công chính hóa của Đức Kitô đem đến ơn cứu chuộc, sự sống và tự do cho mọi người, điều này không có nghĩa là người tội lỗi có thể cứ tiếp tục phạm tội như trước hay thậm chí nhiều hơn trước, khi lạm dụng tự do của mình trong Đức Kitô hay thách thức Thiên Chúa để Người càng tỏ lộ ân sủng nhiều hơn nữa. Người Kitô hữu chân chính coi mình như đã chết cho tội và sống hoàn toàn cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, vì không còn chịu dưới ách Lề Luật, nhưng dưới sự bảo vệ của ân sủng, họ được khuyên nhủ hiến dâng thân xác và toàn thể con người mình cho việc thực hành đức ái và sự công chính; họ được kêu gọi hiến mình hoàn toàn cho việc phụng sự Thiên Chúa vì lợi ích của tha nhân. Đây là sứ mạng truyền giáo tuyệt vời của Hội Thánh. Thực vậy, ơn cứu chuộc cho chúng ta được tái sinh nhờ mối dây liên kết của tình nghĩa tử của Thiên Chúa và đòi hỏi bắt đầu một cuộc sống mới trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Lời dạy này của Thánh Phaolô về Lề Luật hoàn toàn hợp với lời dạy của Chúa Giêsu. Người quản lý phạm một lỗi lầm khi không vâng phục một lệnh truyền rõ rệt của chủ, sẽ bị trừng phạt nặng hơn người đầy tớ phạm cùng một lỗi như thế nhưng không biết mình vi phạm luật. Đây là lời dạy rất đơn sơ mà Thánh Phaolô cắt nghĩa trong Thư của ngài. Lề Luật làm tăng trách nhiệm và vì thế làm cho lỗi phạm nặng hơn. Tất cả những ai đã nhận được quyền bính và những phương tiện xã hội, chính trị, kinh tế, pháp lý hay quân sự thì sẽ phải nhận hình phạt nặng nề nếu họ sử dụng quyền lực để lạm dụng, bóc lột hay đàn áp dân Thiên Chúa hay phá họai nhà cửa của họ, vốn là công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Câu hỏi của ông Phêrô, “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12:41), cho chúng ta thấy rõ khía cạnh cộng đoàn của việc phải cảnh giác. Dụ ngôn của Đức Giêsu được nói cho mọi thành viên của cộng đoàn Hội Thánh, mỗi người được mời gọi thi hành nhiệm vụ của mình với sự trung thành, hằng ngày, không trì hoãn bất cứ việc gì cho ngày mai. Những người được kêu gọi giữ các vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn thì có trách nhiệm nặng nề hơn. Thách thức lớn của việc phục vụ Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người không phải là việc sử dụng nó, mà chủ yếu liên quan đến các lãnh đạo của các cộng đoàn. Những ai ngồi ở đầu bàn thì phải lo sao cho những người khác được phục vụ trước khi chính mình được phục vụ. Đức Giêsu khen ngợi người quản lý khôn ngoan và lương thiện, là người không bị loá mắt vì quyền lực nhưng biết quản lý các tài sản của chủ một cách khôn ngoan. “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình” (Lc 12:43- 44). Việc quản lý các của cải ở đời này một cách trung thực, công bằng và minh bạch là những vấn đề rất thời sự trong thế giới hôm nay, một thế giới bị giày vò bởi lòng tham trên phạm vi toàn cầu và ở đó những con người thường bị đánh giá thấp hơn là những sản phẩm và đồ vật. “Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về,’ và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những kẻ thất tín” (Lc 12:45-46).

Một điều quan trọng phải chú ý là những lời nói về thái độ của người đầy tớ thất tín, khi hắn nghĩ bụng rằng chủ còn lâu mới về, và phải chú ý tới câu nói cuối về “những kẻ thất tín”. Trong sách Thánh Vịnh, kẻ ngu si và người không tin có Thiên Chúa được đặt sóng đôi nhau: “Kẻ ngu si tự nhủ, / ‘Làm chi có Chúa Trời!’” (Tv 14:1; cũng xem Tv 53:2). Những người muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lòng họ thì thường không dễ chấp nhận những người khác và khó nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với họ. Tin Mừng tuyên bố rằng Chúa sẽ trở lại làm đấng xét xử và mọi người sẽ phải trả lẽ về đời sống mình. Đây không phải một lời đe dọa. Nó là một phần khoa sư phạm của Thiên Chúa để buộc chúng ta phải suy nghĩ về viễn tượng bị trừng phạt. Cộng đoàn Kitô giáo là mái nhà của Cha, ở đó mọi người ăn mừng sự sống và tình thương. Tùy vào những chọn lựa của mỗi chúng ta mà chúng ta sẽ nhận được phần thưởng hay án phạt.

Trong cái nhìn của Thánh Phaolô và của Tin Mừng, và trong ánh sáng của sự chắc chắn về chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết, việc nghiêm túc suy xét về sự dữ là một thách thức nghiêm trọng cho sứ mạng Kitô giáo. Cuộc chiến đấu mà Đức Kitô đã khai mở trong tim người môn đệ truyền giáo, nhờ hành động của Thánh Thần trong phép rửa, là một chiều kích trung tâm của việc rao giảng và làm chứng Kitô giáo. Chính vì sứ mạng của Hội Thánh được thúc đẩy bởi sự chắc chắn của chiến thắng và lòng từ bi nhân ái, sứ mạng ấy không sợ hãi trước cuộc chiến chống lại sự dữ dưới bất kỳ hình thức nào. Đối với các tín hữu, là những người đã được ban cho nhiều, họ cũng bị đòi hỏi nhiều – dâng hiến, rao giảng, và chia sẻ tâm tình tạ ơn vì lời loan báo rõ ràng và đầy tin tưởng rằng ơn cứu độ khỏi sự dữ và sự chết chỉ đến từ Chúa Giêsu Kitô.

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng