Suy niệm loan báo Tin Mừng (29.10.2019 – Thứ Ba Tuần 30 TN)

LỜI CHÚA HẰNG NGÀY

Suy niệm loan báo Tin Mừng (29.10.2019 – Thứ Ba Tuần 30 TN)

(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Lời Chúa:

Bài Ðọc I: Ep 5, 21-33

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.
Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.
Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

Phúc Âm: Lc 13, 18-21


Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.

Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

Suy niệm

Ngây ngất trước vẻ đẹp của tạo thành, thánh vịnh gia tự hỏi: Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8:4-5)

Biết bao lần chúng ta ngây ngất trước cảnh đẹp của tạo thành, khi chiêm ngắm bầu trời đầy sao ban đêm, khi ngồi bên bờ một dòng sông hiu hiu gió thổi, say đắm nhìn một buổi hoàng hôn hay một chiếc cầu vồng, hay ngắm nhìn bày trẻ con cùng nhau chơi đùa hạnh phúc, không phân biệt màu da, chủng tộc hay giai cấp xã hội? Biết bao lần chúng ta tự hỏi mình: tại sao mà cái thế giới kỳ diệu này, cái thế giới tiếp nhận và chăm sóc chúng ta chỉ trong một thời kỳ ngắn, mà lại phải chịu cảnh bạo hành trong bàn tay chúng ta? Tại sao chúng ta không thể sống trong hòa bình và hòa hợp, biến ngôi nhà chung của chúng ta thành một tổ ấm để cùng nhau chung sống trong tình huynh đệ, một nơi ở dễ chịu cho mọi người? Các kế hoạch của loài người thật quá vô lý!

Trong bài đọc trích Thư gửi các tín hữu Rôma hôm nay, Thánh Phaolô có vẻ chỉ cho chúng ta thấy một sợi dây mầu nhiệm nối kết loài người với mọi loài thụ tạo khác, một sợi dây liên kết làm cho loài người trở thành phát ngôn viên của toàn thể công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và cũng là người chăm sóc nó. Toàn thể vũ trụ tìm thấy nơi loài người sự ý thức của nó và qua loài người làm cho nó được biết đến và dần dần tỏ lộ vô vàn những bí mật rực rỡ của nó. Thánh Tông Đồ dựa vào truyền thống lâu đời của Kinh Thánh nhìn loài người như là người diễn giải lời ca ngợi mà mọi tạo vật dâng lên Chúa của nó, thế giới tự nhiên, các sinh vật, và mọi yếu tố của toàn thế giới, trong đó có thời gian và không gian.

Các tác giả Kinh Thánh, những người nam người nữ nối tiếp nhau qua các thế kỷ, đã sử dụng nhiều hình thức văn chương khác nhau để nói về thế giới và các tạo vật của thế giới, được biết đến vào thời của họ, lẽ dĩ nhiên. Họ diễn tả một cách thi vị, bằng những bài thánh vịnh và thánh thi, những bài thánh ca và vinh tụng ca, những kiểu nhân cách hóa và những câu chuyện, nhưng luôn luôn bằng một cái nhìn của đức tin, với sự kinh ngạc và biết ơn vì sự tốt lành của mọi sự mà Thiên Chúa đã dựng nên qua quyền năng của Lời Người. Vì lý do này, mọi tạo vật được in dấu ấn bằng Lời của Đấng Tạo Hóa và biểu lộ một chút của vinh quang Thiên Chúa và vẻ đẹp vô hạn của vinh quang ấy, một chút của tình yêu dịu dàng và thơ ngây, một chút của sự khôn ngoan và thông minh, nó thấm nhuần toàn thể vũ trụ, kết hợp vũ trụ một cách hài hòa trong một bản giao hưởng của sự sống muôn hình vạn trạng!

Nhưng hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa chưa kết thúc, vì Cha là Đấng Tạo Hóa không bao giờ thôi hiện diện trong vũ trụ và trong lịch sử loài người, ban sự sống và niềm hi vọng, hướng dẫn số phận của các dân tộc và chuẩn bị cho họ một tương lai huy hoàng, một thế giới với trời mới và đất mới. Trong tất cả những sự kiện lớn của lịch sử Ítraen (lời hứa cho các tổ phụ, cuộc giải phóng khỏi Ai Cập, các vị vua, lời rao giảng của các ngôn sứ, cuộc lưu đày, cuộc hồi hương, niềm hi vọng thiên sai, việc học hỏi lời Thiên Chúa bởi các bậc hiền nhân), chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và sáng kiến của Người để làm cho các sự kiện này diễn ra. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng nước ân sủng của Thiên Chúa lưu chảy trong giòng sông lịch sử của nhân loại. Với tình yêu vô biên, khoa sư phạm hiền phụ, và sự dịu dàng hiền mẫu, Thiên Chúa từng bước mặc khải, qua các sự kiện và các lời nói của Người, kế hoạch cứu độ cho toàn thể tạo thành. Vì vậy Isaia mô tả niềm vui của vũ trụ trong cuộc giải phóng dân của Người: Hò reo lên, hỡi các tầng trời, Ðức Chúa đã ra tay. Tung hô đi nào, hỡi vực sâu lòng đất; vang tiếng hò reo, hỡi núi đồi, hỡi rừng sâu với mọi thứ thảo mộc! Vì Ðức Chúa đã chuộc Giacóp, đã tỏ vinh quang Người tại Ítraen. (Is 44:23)

Sự can thiệp giải phóng của Chúa làm nên lịch sử, bất chấp sự cứng lòng và nổi loạn của loài người, một lịch sử cứu độ chắc chắn sẽ thành công vì nó dựa vào tình thương muôn đời của Người, quyền năng vô biên của Người, và sự trung tín của Người. Đây là niềm hi vọng Kitô giáo chân chính.

Mặc dù loài người quay lưng lại với Thiên Chúa và muốn loại bỏ Người, tìm cách lấy chỗ của Thiên Chúa và chiếm hữu thế giới, gieo chiến tranh, thù hận và huỷ diệt trong một cố gắng liên tục muốn lấn lướt người khác, nhưng Thiên Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn thế giới, thiết lập trật tự thay cho hỗn loạn, sự phong nhiêu thay cho cằn cỗi, tình hiệp thông thay cảnh cô đơn, và hiệp nhất thay cho chia rẽ. Thiên Chúa làm việc này bằng cách chọn những con người, soi sáng lòng họ, ban phát hồng ân và tài năng cho họ, và kiện cường nơi họ ý muốn làm điều tốt. Xuyên suốt lịch sử của họ, dân Thiên Chúa đã nuôi dưỡng sự tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và vào kế hoạch cứu rỗi của Người. Một lần nữa, chính ngôn sứ Isaia làm sống dậy niềm hi vọng này: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. (Is 65:17-18)

Bắt đầu với Mầu Nhiệm Vượt Qua, nơi bừng lên tất cả ánh sáng của quyền năng và tình thương trung thành của Thiên Chúa, Thánh Phaolô chiêm ngắm với niềm hi vọng sự kết thúc vinh quang của lịch sử, với sự tham dự của toàn thể tạo thành. Được gieo trong lòng chúng ta, chính sức năng động của Nước Thiên Chúa phát triển hướng tới sự hoàn thành này. Được hòa vào với nhân tính của chúng ta, chính men của Lời Chúa làm chúng ta hành động như một tạo thành mới. Thần Khí giúp chúng ta ước muốn, tích cực dấn thân, và kiên trì chờ đợi sự tỏ lộ vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa cho con cái Người.

Trong Laudato Si’ (số 2), Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng Chị Trái Đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22). [Bản dịch của Linh mục Aug. Nguyễn Văn Trinh]

Một phê bình nghiêm túc và chủ động của Kitô giáo chống lại chủ nghĩa duy nhân, cướp quyền sáng tạo của Thiên Chúa, phá họai sự hiệp thông giữa người nam với người nữ và các mối quan hệ hòa bình giữa các cộng đồng con người và các dân tộc, là mối quan tâm thực sự trong Thông điệp của Đức Thánh Cha về tạo dựng. Nếu chỉ coi Thông điệp này như một lời mời gọi bảo vệ thiên nhiên và trái đất tức là hoàn toàn bỏ qua sức mạnh phê phán và xây dựng của nó, một sức mạnh phát xuất từ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, trung tâm của vũ trụ và lịch sử. Cuộc tái tạo mới mẻ công trình tạo dựng trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa chăm sóc và yêu thích các công trình của Người biết bao, Người sẽ không bao giờ để cho nó rơi vào cảnh hư vô do sự phá họai của tội lỗi chúng ta.

Và nếu việc chiêm ngắm thiên nhiên làm chúng ta ngây ngất, thì chúng ta càng ngây ngất hơn khi chiêm ngắm câu chuyện về ơn cứu độ này, câu chuyện về một tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ chịu đầu hàng, một tình yêu chiến thắng tội lỗi chúng ta và làm chúng ta hoan hỉ ngợi ca: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! / Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!” (Tv 126:3).

Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng