LỜI CHÚA HẰNG NGÀY
Suy niệm loan báo Tin Mừng (31.10.2019 – Thứ Năm Tuần 30 TN)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
Bài Ðọc I: Ep 6, 10-20
Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).
Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói.
Phúc Âm: Lc 13, 31-35
Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “Ðây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem”.
“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!”
Suy niệm
Khi chúng ta đến gần cuối năm phụng vụ, Lời Chúa giúp chúng ta đồng hành với Đức Giêsu trong chuyến đi lên Giêrusalem, ở đó Chúa sẽ cử hành cuộc “xuất hành” của Người, nghĩa là Mầu Nhiệm Vượt Qua của sự chết và sống lại của Người. Người đã từng đương đầu và dũng cảm vượt qua nhiều chướng ngại và hiểm nguy trên đường, từ vụ các đồng hương Nadarét của Người tìm cách xô Người từ trên núi xuống, cho tới mối đe dọa bỉ Hêrôđê Antipas giết chết. Bị Hêrôđê truy lùng tại Galilê chỉ là một cuộc bách hại khác, và sẽ không phải là cuộc bách hại cuối cùng. Biết rằng có gì đó còn khủng khiếp hơn đang đợi mình ở phía trước, trong thành thánh, xác nhận truyền thống buồn của Giêrusalem bất trung, Đức Giêsu vẫn không quay lại. Không một đe dọa nào có thể ngăn cản Người đi tới để đối diện ngày đã định hay khiến Người bị dao động trong quyết tâm thi hành kế hoạch cứu độ mà Cha đã giao phó cho Người. Nhiều vị ngôn sứ và người công chính đã từng lên tiếng tố giác tại Samaria và Giêrusalem những tội ác của giới chức quan quyền tôn giáo và chính trị của Ítraen. Hầu như tất cả những người được sai đến đều đã bị bách hại và giết chết. Vụ sát hại Gioan Tẩy Giả chỉ là vụ mới nhất trong một chuỗi dài các tội ác họ đã phạm.
Đức Giêsu không cần những mặc khải hay thị kiến siêu phàm để biết điều gì sẽ xảy ra nếu Người đối diện với uy quyền của Giêrusalem, thành thánh của Đức Chúa là Thiên Chúa, Đức Vua cao cả; thành thuộc về Người do quyền của Người, như câu xướng Allêluia tung hô: “Chúng tụng Ðức Vua, Ðấng ngự đến nhân danh Chúa!” (Lc 19:38). Người đến trong bình an, đầy sự dịu dàng của người mẹ qui tụ đàn con lại để cứu chúng, như gà mẹ che chở gà con dưới cánh. Người đến để tha tội và cứu dân Người, bất chấp biết bao tội lỗi của họ trong quá khứ. Và cái mà họ cần, mà tất cả chúng ta cần, đó là kết quả của một sự hoán cải chân thành – thực hành lòng tin vào Thiên Chúa và đức công chính.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự hoán cải? Điều gì sẽ xảy ra nếu Người bị chối từ và bị bách hại giống như các ngôn sứ xưa? Và nếu sự gan dạ của Người khiến Người có thể bị ném đá hay giết chết thì có đáng không? Tại sao một người lại có thể liều đưa mạng sông mình vào tay những kẻ nổi tiếng sa đoạ và độc ác? Thánh Phaolô chỉ có một câu trả lời duy nhất: vì sức mạnh tình yêu của Người đối với chúng ta. Mọi sự, tuyệt đối mọi sự mà Thiên Chúa có thể đã làm để chứng tỏ tình thương của Người đối với chúng ta, thì Người đã làm bằng cách sai Con của Người cho chúng ta. Làm sao chúng ta có thể vẫn còn nghi ngờ tình thương cứu độ của Thiên Chúa, sau tất cả những gì mà Con của Người đã làm cho chúng ta là những kẻ tội lỗi?
Sách Khôn Ngoan đã nói tiên tri về chiến thắng cuối cùng của người công chính vì tình yêu của Thiên Chúa và lòng trung tín muôn đời của Người, khi nói rằng: “Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (Kn 3:4). Điều mà sách Khôn Ngoan tuyên bố, đó là những người công chính chịu thử thách thì xứng đáng với Thiên Chúa vì họ tin cậy vào lòng thương của Người đến cùng, cho tới chết. Do đó, phúc lành và phần thưởng của Thiên Chúa được biểu lộ không phải bằng những vinh hoa phú quí của thế gian này hay được thoát khỏi gian truân, nhưng là vinh quang của đời sống bất diệt mà chúng ta nhận được vì chúng ta không nghi ngờ tình thương và các lời hứa của Thiên Chúa, cả trong những thử thách gian truân nặng nề nhất.
Bây giờ kinh nghiệm này đã được xác nhận và đã trở thành thực tại trong Đức Kitô, nên Thánh Phaolô không thể kìm nén được tiếng kêu của Thánh Thần trong lòng ngài, ngài cất tiếng ca ngợi mầu nhiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đối với chúng ta. Bài thánh thi đầy xúc cảm của Thánh Phaolô mà chúng ta đọc trong Bài Đọc 1 có lẽ là tổng hợp thi vị nhất của Tin Mừng về Thiên Chúa, Tin Mừng về Con của Người, Tin Mừng Đức Kitô, Tin Mừng được Thánh Tông Đồ loan báo cho mọi người, Do Thái cũng như Dân Ngoại, với đầy sự quyết tâm và lòng mến không mệt mỏi, để mọi người có thể sinh hoa kết quả trong ơn cứu độ nhờ sự vâng phục của đức tin. Bài thánh thi này giúp Phaolô có câu trả lời cho câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?” Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã hiến mình cho tất cả chúng ta, là bằng chứng sống động, muôn đời chói sáng, về tình thương bất diệt Thiên Chúa Cha dành cho tất cả chúng ta, cho tất cả loài người, và cho muôn loài muôn vật.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: Tâm điểm sứ mạng của Hội Thánh là loan truyền đức tin, diễn ra nhờ sự lan toả của tình yêu, ở đó niềm vui và sự phấn khởi biểu thị cho một ý nghĩa mới được khám phá và một sự hoàn thành trong cuộc đời. Việc truyền bá đức tin “bằng sức lôi cuốn” đòi hỏi phải có những tâm hồn cởi mở và được mở rộng bởi tình yêu. Không thể đặt giới hạn cho tình yêu, vì tình yêu mạnh như sự chết (x. Dc 8:6). Và sự lan toả tình yêu ấy phát sinh sự gặp gỡ, làm chứng, công bố; nó phát sinh sự chia sẻ tình bác ái với tất cả những ai còn xa cách đức tin, thờ ơ với đức tin và thậm chí có thể còn thù nghịch và chống đối đức tin.Các khung cảnh nhân bản, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Đức Giêsu và với sự hiện diện bí tích của Hội Thánh biểu thị cho những vùng ngoại vi tột cùng, những nơi “tận cùng của trái đất”, là những nơi mà kể từ sau ngày Phục Sinh đầu tiên, các môn đệ của Đức Giêsu đã được sai đến, với niềm tin chắc rằng Chúa luôn luôn ở với họ (x. Mt 28:20; Cv 1:8). Đây là cái mà chúng ta gọi là missio ad gentes, sứ mạng đến với muôn dân. Vùng ngoại vi hoang vu nhất trong tất cả vùng ngoại vi là nơi mà loài người cần Đức Kitô nhưng vẫn thờ ơ với đức tin hay tỏ ra chán ghét đời sống sung mãn trong Thiên Chúa. Mọi sự nghèo khó vật chất và thiêng liêng, mọi hình thức kỳ thị chống lại các anh chị em chúng ta, luôn luôn là hậu quả của việc từ chối Thiên Chúa và tình yêu của Người. (Sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2018)
Đức Kitô là tình yêu hằng ở trong chúng ta và đánh thức những ai đang chìm trong giấc ngủ của sự chết; đó là tình yêu ở với chúng ta ngay từ khởi đầu lịch sử của chúng ta và tồn tại cho đến hết thời gian và vượt quá thời gian; đó là tình yêu đi xuống tận vực sâu và đi lên chín tầng trời, cứu chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi, khỏi tình trạng nô lệ và khỏi mọi kẻ thù và kẻ áp bức chúng ta, tình yêu ấy giải phóng chúng ta để đưa chúng ta vào vinh quang của cuộc sống hiệp thông. Đức Kitô là tình yêu kiện cường chúng ta, giúp chúng ta tự tin, táo bạo, không thể bị đánh bại, không chỉ đối với những kẻ thù là những con người và những vật hữu hình, nhưng cả đối với những ác thần vô hình, vì Thiên Chúa ở với chúng ta. Những lời cáo tội chúng ta đã được rút lại; tội chúng ta đã được tha; tình yêu đã chiến thắng hận thù; bất công đã bị đánh bại. Mọi lo lắng buồn phiền đã được an ủi; vực thẳm đã được san bằng và núi cao đã cúi mình xuống chúng ta; tử thần đã nhường chỗ cho sự sống và thời gian đã mở cửa đi vào vĩnh cửu. Trong Đức Giêsu Con của Người, Thiên Chúa của sự sống đã tỏ lộ tình yêu và lòng trung tín của Người. Bây giờ, không gì và không ai có thể tách lìa chúng ta ra khỏi Tình Yêu này. Đã đến lúc chúng ta hoan hỉ cất tiếng hô, “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa!” – Đấng ngự đến cứu độ chúng ta.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng